28/05/2007 06:04 GMT+7

Mùa tử đinh hương

LÊ MINH KHÔI (CHLB Đức)
LÊ MINH KHÔI (CHLB Đức)

AT - Buổi sáng cuối tuần. Thức dậy muộn. Kéo rèm cửa nhìn xuống phố. Cứ tưởng mình vẫn đang còn nằm mơ. Không lẽ chỉ sau một giấc ngủ muộn mà thành phố lại đổi thay nhanh đến vậy.

jLeQjkOq.jpgPhóng to
AT - Buổi sáng cuối tuần. Thức dậy muộn. Kéo rèm cửa nhìn xuống phố. Cứ tưởng mình vẫn đang còn nằm mơ. Không lẽ chỉ sau một giấc ngủ muộn mà thành phố lại đổi thay nhanh đến vậy.

Cái màu nâu sồng đặc hữu của châu Âu mùa đông dường như đã hoàn toàn không còn dấu vết. Một màu xanh mới nõn nà đang reo lanh canh dưới ánh nắng mặt trời tinh khôi. Mùa xuân như ùa về từ khắp chốn. Mùa xuân như trào lên từ mặt đất thiêm thiếp ngủ sau một mùa giá lạnh. Và như vỡ òa từ lòng người. Một nàng tiên nào đó trong truyện cổ của anh em nhà Grim, đêm qua trong lúc tôi ngon giấc, đã nhẹ nhàng lướt qua đây, vẫy nhẹ chiếc đũa thần chỉ huy dàn đồng ca cây cỏ chim muông.

Nuốt vội miếng bánh mì mua từ ngày hôm trước và một ly cà phê không đường, tôi hào hứng gọi mình đi về phía ban mai. Mùa xuân đã đến thật rồi. Cúc dại nở tràn các thảm cỏ xanh, nở bất cứ nơi đâu. Tiểu Tuyết Chung, Anh Đào, Hoàng Vũ, Uất Kim Hương, Mộc Lan, Bồ Công Anh và hàng trăm thứ hoa khác nữa mà ngay đến những người bản xứ không thể biết hết tên cùng đồng loạt cất lên bản giao hưởng rộn ràng của thiên nhiên. Đã mấy lần đón xuân ở châu Âu nhưng cứ mỗi lần xuân đến, tôi vẫn cứ bất ngờ và vui như trẻ con hân hoan đón tết. Có lẽ ai đã từng trải qua mùa đông dài và ảm đạm nơi đây mới hiểu hết được vì sao người ta lại mong mỏi mùa xuân đến như vậy.

Dường như trước bất kỳ ngôi nhà nào, bất kỳ vệ cỏ nào người ta cũng có thể thấy sự hiện diện của một thiên nhiên hào phóng và rạng rỡ. Nơi nào có đất, nơi ấy có hoa. Như thể trong từng hạt cát đều có chứa một bông hoa. Trong mỗi bông hoa lại có chứa một vầng dương vừa thức giấc. Và hình như trong tôi cũng vừa thức dậy một mặt trời.

Bắt chuyến tàu xuyên thành phố để đi ra ngoại ô, nơi tôi có thể chiêu đãi cặp mắt đông phương của mình một bữa tiệc đầy ắp sắc màu dưới bầu trời xanh thăm thẳm phương Bắc. Trên chuyến tàu có rất nhiều gia đình với rất nhiều dụng cụ làm vườn lỉnh kỉnh, tôi đã nghe người ta rôm rả nói về những dự định cho mùa du lịch đang đến gần. Cuối tuần là dịp gia đình đưa nhau ra ngoại ô với ngôi nhà vườn của mình. Ở đấy con người có thể tìm lại sợi dây thiêng liêng kết nối nhân loại với tự nhiên. Người ta có thể đi chân trần trên đất, chăm sóc khu vườn, có thể ngồi sưởi nắng và ngắm nhìn lũ trẻ nô đùa thỏa thích trong đất cát.

Riêng tôi, tôi còn có một niềm mong đợi khác nữa. Cuối tháng tư, đầu tháng năm là thời gian những cây Tử Đinh Hương bắt đầu đơm bông. Kể cũng lạ. Tôi đã yêu loài hoa này từ khi còn chưa biết mặt. Chỉ yêu qua những trang sách hiếm hoi có được ở một miền quê nghèo. Không biết có phải chính Tử Đinh Hương đã đánh thức trong tôi một ước mơ thầm kín về những chuyến đi xa đến tận chân sóng Baltik này?

Lần ấy, khi cùng Sophie lang thang trên những sườn đồi của dãy Alpes ở khu vực biên giới giữa Pháp và Thụy Sĩ, tôi đã ngỡ ngàng bảo Sophie rằng vì sao nơi đây lại có một loài hoa giống Bằng Lăng đến thế. Sophie bảo tôi đấy là hoa Lila. Sau đó tôi mới nhận thấy rằng hoa Lila là một loài hoa được người Pháp yêu thích.

Biết tôi cũng yêu loài hoa này, Guy và Marie cứ cố thuyết phục tôi về thăm nhà ở Bretagne bởi xung quanh nhà hai người trồng rất nhiều Lila. Đến cuối tháng tư, ngôi nhà như chìm ngập dưới màu hoa. Thế rồi khi đến Đức, tôi lại biết Lila dưới một tên khác: Flieder. Tò mò tôi mở từ điển kiểm tra. Hóa ra Lila hay Flieder là Tử Đinh Hương mà tôi lặn lội đi tìm từ bấy lâu nay.

Tử Đinh Hương dĩ nhiên có màu tím nhưng cũng có những cây cho màu hồng phấn, màu trắng ngà. Đến mùa nở rộ, những cành tử đinh hương như oằn xuống dưới sức nặng của rất nhiều đóa hoa ken vào nhau. Tôi thì đặc biệt thích Tử Đinh Hương màu tím bởi nó nhắc nhở về một màu Huế, về một thời áo trắng không xa.

Ngày ấy, Huế chưa có nhiều hoa Bằng Lăng như bây giờ và hàng Bằng Lăng trên đường Lý Thường Kiệt vẫn còn bé lắm, chưa đến tuổi cho hoa. Một lần, em hồ hởi khoe với tôi rằng đã nhìn thấy Bằng Lăng nở lần đầu tiên ở đường Trương Định, những bông Bằng Lăng đầu tiên của Huế mùa hè năm ấy. Tôi xếp sách vở lại để cùng đến ngắm những “bông Bằng Lăng của em”. Tuy nhiên khi đến nơi, những bông hoa ấy đã không còn nữa.

Ai đó đã nhanh tay đoạt làm của riêng mình rồi. Thấy em buồn, tôi hứa rằng sẽ hái cho em những bông hoa đẹp nhất của thành phố này. Nhưng rồi, tôi đã không bao giờ có cơ hội mang những bông hoa đẹp nhất ấy đến tặng em. Lại có người nào đấy đã nhanh tay hơn tôi. Những bông hoa định tặng em vẫn cứ vô tư đón nắng mùa hè năm ấy và cứ ngan ngát tím trong tôi từ ấy đến giờ. Hình như đấy cũng là một lý do thầm kín tôi dành cho Tử Đinh Hương một tình yêu đặc biệt ở xứ sở muôn ngàn hoa này. Ngay từ lúc chưa biết Lila là Tử Đinh Hương, tôi đã viết:

Mùa xuân hoa Lila nởTím dịu dàng như tím Bằng LăngCó kẻ lạc trong chiều mà nhớXa xưa nào thăm thẳm giai nhân

Chỉ thế thôi. Không thể viết thêm và cũng không thể sửa chữa gì. Cái tứ thơ cứ dang dở mà ám ảnh như thể những bông Bằng Lăng mùa hè nọ tôi đã không bao giờ kịp hái để trang điểm cho nụ cười như nắng lụa của em.

Ngoại ô đây rồi.

Ngả mình vào cỏ, vào hoa, vào tiếng chim, vào tiếng đập cánh của triệu triệu côn trùng để lòng mình như cánh diều tuổi thơ tung tăng no gió dưới lồng lộng bầu trời mùa xuân phương Bắc...

LÊ MINH KHÔI (CHLB Đức)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên