Điểm đến rộng hơn, đá to nhỏ sắp lớp đan chặt ẩm ướt mang màu nâu sẫm lành lạnh. Có tiếng người văng vẳng, có ánh sáng mờ nhạt cùng không khí nằng nặng. Quý chèo mạnh hơn rồi buột miệng: “Đến rồi!”.
![]() |
Minh họa: Duy Nguyên |
Cuội bảo tôi: “Anh đứng chỗ này, cẩn thận kẻo trượt ngã là rơi… tự do!”. Tựa người trên tấm đá bằng độ nửa mặt bàn, tôi ngước mắt nhìn Cuội. Nó như con thạch sùng thoăn thoắt đu trườn theo ống tre rắn chắc bắc nối tiếp cheo leo trên các vách đá. Phía trên, tốp “sào chĩa” (người lấy tổ yến) ba người đang tiến dần đến các mỏm đá lỗ chỗ hang hốc có bầy chim yến làm tổ.
Còn Cuội như diễn viên xiếc với quần cộc, áo thun, chân trần, sau lưng cuộn dây thừng quấn tròn, đang vượt từng đoạn, từng đoạn trong ánh sáng vòm hang hắt xuống. Nó mê mải trườn, tay nắm chắc thanh tre chênh vênh đan cài các góc như một giàn giáo công trình đang làm đệm bên dưới. Tôi nghĩ, và không muốn nghĩ, nếu lỡ tuột tay, diễn viên xiếc kia sẽ không có lưới bảo hiểm mà rơi tõm xuống làn nước âm u bên dưới cùng các gộp đá.
Đã ba ngày tôi theo chân những người khai thác yến sào. Tốp Sáu Đậu đang nhận ba điểm cần bóc tách được canô đưa sang nơi gác yến. Đó là một căn chòi nhỏ lợp bằng cỏ tranh bọc giấy dầu hay đúng hơn là một nhà sàn cắm chân xuống nước, lưng tựa vào vách đá sừng sững hất mặt ra biển.
Thằng Cuội nhỏ nhất nhóm có đầu tóc rễ tre húi ngược, bàn chân to bè các ngón, ngực lưng đầy vết cắt nham nhở đã thành sẹo vì luôn bám đá cùng màu da đen nhẻm, đen đều đều từ trên xuống dưới vì quanh năm chỉ độc quần xà lỏn bởi Cuội tham gia cả việc gác yến. Sáng nay, nó lăng xăng dọn chén đũa chờ tốp Sáu Đậu đem vật dụng, đồ nghề vào hang Cạnh rồi trở ra lập bàn thờ cúng tổ đình.
- Dũng, ở đâu?
Tiếng Quý, cán bộ công ty dội vào vách đá hun hút âm âm lẫn trong tiếng sóng biển bên ngoài vòng vọng. Tôi khum tay làm loa hét xuống:
- Đây, trên này!
Ánh đèn pin quét loang loáng tìm lối lên. Tôi ngẩng đầu nhìn Cuội đang áp sát vào vách đá, bao cước nhỏ đeo ngang hông chao theo người nó. Trần hang thông thống, ánh sáng hắt ngược lung linh màu vàng chói bật lên màu trắng lốp của hàng chục, hàng trăm tai yến dày đặc. Đàn chim bu kín đang vỡ òa vì những sinh vật bất ngờ xuất hiện. Chúng đập cánh lao xao, bay rào rào cất tiếng kêu inh ỏi rồi khuất theo trần hang, tuôn ra bên ngoài cửa động chói chang nắng lúc tốp sào chĩa bám vào đoạn dưới dần lên vách đá gỡ từng tổ yến.
Quý bấu tay vào gộp đá thở phì phò, chân giẫm lạo xạo trên lớp phân chim phủ dày bốc mùi hăng nồng. Một không khí ẩm lạnh, nhờn nhợt nước chứ nếu không, mùi diêm sinh đang tỏa lan bốc cháy thì như hỏa diệm sơn trào khói và lửa. Tôi nhích người nhao ra mặt đá bằng khác, tay lia đèn chọn điểm đặt chân, phần sợ sơ sẩy, phần sợ rắn rít, dù Cuội cho biết mùa này chim đang làm tổ chưa kịp đẻ trứng nhưng cứ rờn rợn.
Lúc luồn qua nơi đóng giăng bắc qua trần hang trơn nhẵn ép vào mỏm đá thì Cuội bò theo góc hẹp để nhoi dần lên, tay bóc thành thạo từng tai yến bỏ vào bao đeo bên hông. Cả tốp như bầy thạch sùng kia cứ trườn lên, trườn lên nữa, lại lên nữa cao đến ngút mắt cùng giàn giáo chênh vênh hun hút. Mồ hôi tuôn ướt đẫm, đá cắt vài đường mà tôi đã thấy ngứa xót khắp người. Chịu. Phải dừng lại để thở và để chìa tay xin nước của Quý.
Hai giờ đằng đẵng trôi qua, nhóm sào chĩa bắt đầu quay trở xuống từng người một. Cuội đến điểm dừng đầu tiên sát cạnh tôi. Nó thở hổn hển, lồng ngực phập phồng, quần áo ướt đẫm, chân tay đầy vết sây sát, có chỗ rướm máu nhưng miệng thì vẫn cười cười. Tiếng Sáu Đậu vang vang nơi mỏm đá phía trên: “Gom yến rồi tháo giàn kẻo dính mưa chiều”.
Tháo thật nhanh, mỗi động tác của từng người khiến dây bung phừng phực, từng lóng tre va nhau côm cốp, thả soàn soạt. Sáu Đậu nghiến răng siết chặt từng bó ngay ngắn để đẩy xuống bên dưới. Cuội chuyển từng bao chứa yến sào sang canô của Quỳ và chuẩn bị rời hang cũng là lúc triều sắp lên, nếu không sẽ lấp mất lối ra. Đèn pha canô lúc này được phép bật lên quét sáng rực chọn lối, canô chạy nghiêng nghiêng trong lòng hang Cạnh rồi lách dần ra ngoài. Phía trước là ánh sáng của biển, phía sau tiếng bầy chim yến vòng vọng từng hồi.
2. Cuội ngồi bó gối nhìn những con sóng lần lượt xô vào bãi ghềnh từng đợt tung bọt trắng xóa. Xa kia là hang Cội dựng cheo leo, sào chĩa phải thẳng người bám vào vách đá, rồi hang Đá Thòng phải buông dây thừng lơ lửng người gỡ yến khi phía dưới là vực sâu thăm thẳm, gió rít ào ạt. Xa xa nữa gần hút tầm mắt là hòn Chà Là cùng hang Dây Dùn, những khu vực đáng gờm của dân sào chĩa bởi địa thế nhiều bất trắc.
Tôi đi dần đến chỗ Cuội, trời sắp tắt nhưng mặt trời vẫn hắt ánh sáng trải đều trên mặt biển mênh mông không tầm chắn. Nghe tiếng bước chân, Cuội quay lại nheo mắt cười, bên dưới là hai chiếc cần câu cùng xâu cá đủ màu chuyên sống nơi các gộp đá tìm rong tảo.
Chiều trước, tôi theo Cuội qua hòn Chà Là có bãi cát nhỏ trắng mịn lại thêm dòng suối nước ngọt chảy ngầm ra triền đá trong vắt để tắm và chao nước mang về lều. Cuội dẫn tôi băng qua bãi đá đen đầy hàu rồi vượt đám dứa dại để leo lên khoảng đất bằng lộng gió mọc đầy cây chà rang, sùm sụm.
Ở đấy, tôi mê mẩn cả người trước những gốc mai đảo cao không quá gối mọc cách quãng, thân mốc thếch đến bợt trắng vì mưa nắng, vì sóng gió từ khơi xa dội vào và bạt nghiêng đủ mọi hình dáng theo sườn núi. Nhìn từng gốc to sụ, u nần lồi lõm, rễ bám chặt vào đá khiến tôi bật thốt: “Tuyệt đẹp, mang về chơi bonsai thì khỏi chê, bởi không bàn tay nghệ nhân nào tạo nổi”.
Cuội khoái dim mắt, kể: “Tết đến, bãi mai tuôn lá lả tả, bông rụng vàng rực như dải thảm hoa vàng, bọn em mang cành về tặng mọi người, anh mà ở đây cũng được một cành… chơi tết!”. Tôi khèo liền: “Hay ta đào một gốc mang về, đợi…”. Cuội trợn mắt, lắc đầu quầy quậy: “Đâu được, tài sản của dân sào chĩa, anh mà mang về thì ba ngày sau, hết sạch bãi mai Chà Là! Hay thế này, gần đến Tết, em gửi chỗ anh Quý, anh đến lấy thì tưng bừng ba ngày Tết, hén!”. Tôi phì cười gật đầu trong tiếc rẻ, trong nắng tháng mười đổ xuống rừng rực.
Cuội ngồi sang bên nhường chỗ khô ráo khi tôi đến bên, nó hỏi:
- Sao anh không uống bia với mấy ảnh?
- Thì mỗi người một lon đâu có uống nhiều được.
- Ờ, uống ít để mai còn làm. Lỡ…
Cuội ngừng bặt câu nói. Tôi biết, Cuội lỡ lời vì dân sào chĩa không bao giờ được nói từ rơi, rụng, hoặc rớt. Tên của họ lúc vừa oe oe chào đời đã là Đậu, Bám, Leo, Đặt. Ra vẻ tò mò tôi hỏi:
- Cuội, tên em hay thật! Chắc... cuội lắm.
Nó cười khì khì, gãi gáy:
- Em đẻ rớt trên bãi sỏi vào rằm trung thu mà. Vả lại, đêm ấy ba em mê hát tuồng có diễn vở Hằng Nga nơi cung trăng. Ông về, mọi việc xong xuôi nên đặt ngay tên Cuội. Từ đó, ổng không dám hứa “cuội” với má nữa!
Tôi cười ngất lúc nó nheo mắt, lè lưỡi chồm dậy giật mạnh cần. Con cá mú vọt lên giãy giụa tạo vòng tròn tung tóe nước. Cuội dang tay bắt lấy, gỡ miệng cá rồi móc nhanh vào xâu cá trước khi giong dây trở lại. Nó xoay người lúi húi một lúc rồi chìa ra tai yến chưa qua sơ chế còn bám lông cùng những sợi máu hồng hồng.
- Yến huyết nè anh, bổ cực kỳ. Đợt này tai trắng nhiều, chỉ có con này vừa biết làm tổ, nó nhả ra toàn bọt máu…
- Em không giao anh Quý à…?
Cuội thừ người:
- Anh Đậu cho em hai miếng, bảo cất về cho má.
Tôi nắm lấy tai yến còn lẫn rêu bám và hòa trong gió biển là mùi tanh tanh gờn gợn. Lúc đưa lại cho Cuội, tôi hỏi:
- Em vào nghề lâu chưa?
- Gần ba năm. Mà thôi ta vào đi anh. Mấy ảnh đang chờ nồi cháo cá này, ngon thấu trời xanh lơ luôn, anh ăn sẽ biết!
Đêm trong tiếng sóng vỗ dồi dội đập vào ghềnh đá, gió ríu rít luồn qua hang Cạnh phát âm thanh trầm trầm. Tôi ngồi bên Sáu Đậu, bên chiếc đèn bão vặn nhỏ ngọn đặt nơi khoảng sân ghép bằng các mảnh ván dưới mái lều của dân gác yến, xa kia là hàng trăm ánh đèn lung linh của dãy thuyền đánh cá.
- Bọn tôi từng là dân tứ xứ đổ về miền này để lao động kiếm sống như dân biển hẳn hoi, có nguồn gốc vài đời làm sào chĩa nên công ty thu nhận.
Sáu Đậu đưa mắt nhìn vào căn lều lợp cỏ tranh lúc mọi người đã ngủ say sau một ngày leo trèo, đu bám, bóc dỡ. Bàn tay nắm vào là phải dính chặt, bàn chân đặt nơi nào là nơi ấy phải an toàn tuyệt đối, không hề sơ sẩy, không hề thiếu sót, nếu không là trả giá bằng tính mạng. Kinh nghiệm và can đảm là hàng đầu của dân sào chĩa song song cùng độ dẻo dai cơ bắp, vì yến biển luôn chọn những nơi hẻo lánh có hang động, khe đá, rãnh núi chênh vênh thẳng đứng để làm tổ.
Cuội là đứa đang học việc nhưng gần đủ khả năng để vào nghề. Gia đình nó ba đời theo nghiệp này. Cha Cuội trong đợt bóc yến ở hang Đá Thòng năm năm trước, bàn chân của ông đặt nhầm phải tảng đá chết nên thành tàn phế, cả bầy con sáu đứa chỉ mình Cuội là được theo nghiệp, nhưng nó phải bỏ học nửa chừng.
Sáu Đậu rít thuốc, đóm lửa lóe lên soi rõ khuôn mặt đen sạm, tiếng nói lại chao chao vào gió biển:
- Má nó đang bệnh, chuyến này tôi giấu cho nó vài tai yến, mấy ông bên công ty có biết cũng bỏ qua. Nếu không sẽ đuổi thẳng vì đây là vàng, nhưng lộc trời cũng nhọc nhằn lắm mới có. Anh biết mỗi lần Cuội vào đất liền, cả ngày ngồi bên tivi, hễ thấy các vận động viên nước ngoài leo núi là nó mê mẩn. Nói khi không phải, nếu được trang bị, ăn uống và tập luyện bài bản, chắc chắn nó sẽ thành công, chỉ điều gần mười tám tuổi mà bé loắt choắt.
Tôi ngạc nhiên hỏi Sáu Đậu:
- Cuội phải ở ngoài đảo à?
- Ừ. Ngoài đợt thu yến, bọn tôi còn tham gia gác yến, trong đó có Cuội. Cứ mỗi đảo, mỗi hòn, mỗi hang có yến là có những căn chòi hiu quạnh này. Cô đơn lắm nhưng nhiều khí lực. Có đứa xong việc là về để làm chuyện khác, nhưng đa số đều bám trụ trừ lúc có việc vào công ty nơi đất liền. Thôi, ta đi nghỉ, ngả lưng một tí để ngày mai bọn tôi còn phải qua bên hang Đá Thòng.
3. Mờ sáng, nhóm sào chĩa lên đường chia làm hai tốp. Lúc canô tấp vào ghềnh đá, tôi ngước nhìn độ cao dựng đứng trong gió bắt đầu đổ vào ào ạt thì cả nhóm đang soạn đồ nghề. Tôi chia tay để theo Quý về lại công ty. Lúc đến bên Cuội và nhìn mái tóc rễ tre đen nhánh cùng bàn chân to bè sần sùi đầy vết xây xước, nó cười: “Anh nhớ nghe, gần Tết, à không… lúc tiễn ông Táo chầu trời thì vào chỗ anh Quý. Em sẽ gửi cành mai cho anh, nhà anh tưng bừng Tết!”. Tôi ôm Cuội rồi ra canô lúc Quý giục hai lần. Hang Đá Thòng có nhóm sào chĩa, có Cuội cứ mờ dần, mờ dần trong sóng nước.
Hai năm sau chuyến đi về miền cát trắng, tôi thực hiện bài ký những người thợ lấy tổ yến rồi quên dần theo công việc lẫn thời gian. Mãi đến hôm nay, khi cái Tết cận kề có nắng hanh vàng se se lạnh, cũng ở một bờ biển khác cùng bạn bè gặp nhau trong nhà hàng.
Một tốp choai choai, trai có gái có, ồn ào bước vào kéo ghế, gác chân xoành xoạch. Một đứa búng tay gọi món trời cho là các bát yến chưng cách thủy đứng đầu thực đơn có giá cao ngất ngưởng. Chúng quậy muỗng, chê ỉ eo, có đứa lắc đầu, chu môi, buông muỗng. Tôi quay mặt nhìn ra ngoài, biển đang gầm gào cho sóng xô vào bãi cát từng đợt trắng xóa. Và tôi chợt nhớ Cuội, nhớ trảng mai đảo mùa này đang tuôn lá cùng lời hẹn với Cuội vào miền sóng vỗ. Nơi ấy có căn chòi đơn sơ cô quạnh bên những vách đá chập chùng và cái dáng nhỏ nhắn, đen nhẻm của Cuội ngồi lẻ loi nhìn vào đất liền như một dấu hỏi trong chiều phai, nắng nhạt, sóng rì rào.
Nắng vẫn xôn xao, biển vẫn gầm gào và lúc này, khi xuân về, bầy yến đã bắt đầu bay về vùng nắng ấm làm tổ.
Áo Trắng Xuân Qúy Tỵ 2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận