Múa bóng rỗi thường gắn với các dịp cúng bà (bà Chúa Xứ, bà Hỏa, Ngũ Hành nương nương…). Đặc biệt, ở một số ngôi đình Nam bộ, nhất là những ngôi đình có miễu bà Chúa Xứ thì múa bóng rỗi diễn ra hàng năm, thu hút đông đảo người dân từ các nơi đến tham dự.
Phóng to |
Múa dâng bông |
Nghệ thuật múa bóng rỗi có liên quan chặt chẽ đến tục thờ Mẫu ở Việt Nam nói chung và ở Nam bộ nói riêng. Các vị nữ thần được thờ ở Nam bộ là kết quả của quá trình giao lưu, hỗn dung văn hóa của nhiều lớp cư dân người Khmer, người Việt, người Chăm, người Hoa. Chẳng hạn, bà Chúa Ngọc vốn gốc là vị nữ thần Pô I Nư - Nagar - bà mẹ xứ sở của người Chăm đã được Việt hóa. Khi người Việt đặt chân vào Trung và Nam Trung bộ, theo truyền thống thờ Mẫu sẵn có từ quê nhà, người xưa đã Việt hóa vị thần Chăm này bằng tên Thánh Mẫu Thiên Y Ana, mà dân gian gọi ngắn gọn là bà Chúa Ngọc.
Còn bà Chúa Xứ và Linh Sơn Thánh Mẫu lại là kết quả giao lưu và hỗn dung tín ngưỡng giữa người Việt và người Khmer. Với tâm thức thờ Mẫu từ quê hương Bắc bộ và Trung bộ, người Việt vào Nam bộ đã bắt gặp tục thờ nữ thần của người Khmer là bà Neang Khmau - nữ thần Đất và tạo nên hình tượng bà Chúa Xứ, được dân gian thờ phụng từ phạm vi vùng, làng tới gia đình. Đây là vị nữ thần có phạm vi ảnh hưởng rộng khắp nhất ở Nam bộ. Còn bà Thiên Hậu thì khắp Nam bộ nơi nào cũng có chùa, miễu, cung thờ. Vị nữ thần này do những người Hoa di cư mang tới hồi thế kỷ XVII.
Phóng to |
Múa đĩa |
Về phương diện nghi lễ, nếu nơi nào có tục thờ nữ thần thì thường có diễn xướng múa bóng. Đây là kết quả của giao lưu văn hóa Chăm - Việt, cụ thể hơn là người Việt đã Việt hóa điệu múa pajao của các bà bóng người Chăm để tạo ra múa bóng. Nghi thức múa bóng của người Chăm quy định người múa bóng phải là thiếu nữ đồng trinh hoặc người phụ nữ đẹp. Còn ở Nam bộ, phần lớn những người hành nghề múa bóng là người pêđê trẻ tuổi hoặc phụ nữ lớn tuổi. Những người này cho rằng việc hành nghề của họ là do có căn, có số, hay còn gọi là căn đồng. Các bà bóng nếu gốc là nam thì đều ăn mặc, đi đứng, nói năng, cư xử như một phụ nữ.
Múa bóng rỗi có hai bộ phận là múa bóng và hát rỗi. Múa thông qua những động tác tạo hình biểu hiện sự kính dâng lễ vật lên thần linh. Đây là phần lúc nào cũng được mọi người quan tâm chờ đón. Một số bà bóng chịu khó tập luyện nên trình diễn những động tác múa khá điêu luyện, khéo léo như làm xiếc, khiến người xem lúc nào cũng hồi hộp, tò mò chờ đợi. Múa dâng lễ vật lên thần linh thường có các điệu sau:
Người ta dùng một chén đựng đầy bông trang đưa cho bà bóng. Bà bóng tiếp nhận chén, bắt đầu thể hiện những điệu múa uốn lượn cơ thể, tay chân, miệng hát rỗi theo nhịp sên, phách của ban nhạc. Động tác cuối cùng của múa dâng bông là để chén bông trên đầu, múa lượn bằng cổ đôi ba vòng rồi quỳ xuống. Sau đó có người bước đến lấy chén bông trên đầu đặt lên bàn thờ.
Mâm vàng là một thứ đồ mã đã dán trên chiếc mâm nhôm. Người ta dùng các loại giấy khác màu để tạo hình ngôi tháp. Tùy theo địa phương, theo lò của các bà bóng mà hình dạng, màu sắc của mâm vàng có những sắc thái khác nhau. Mâm vàng hình tháp là lễ vật mang tính linh thiêng để dâng lên các nữ thần.
Múa mâm vàng có nhiều động tác, như dùng tay cuộn để dâng mâm, đội mâm lên đỉnh đầu, trên trán, trên cằm, trên môi, chuyển mâm trên vai, trên lưng, thậm chí dùng bàn chân để dâng mâm. Hình tượng múa mang tính thần kỳ, còn nghệ thuật gần với xiếc tạp kỹ. Khi một người múa dâng mâm thì có vài người khác chơi đàn cò, kèn, thanh la, trống, tạo nên không khí vừa linh thiêng vừa sôi động. Sau khi múa xong, người ta đem đốt ngôi tháp đó đi.
Một mâm trầu cau được phủ vải đỏ sẵn sàng để bà bóng bưng lên và múa. Múa xong thì đem lộc này dâng thần linh và phát cho mọi người để lấy lộc. Cũng có người dùng tiền để mua lộc này.
Phóng to |
Múa ghế |
Tiết mục này lúc nào cũng gây được sự hứng thú cho người xem. Bà bóng dùng bảy, tám chiếc ghế chồng lên nhau, rồi dùng miệng cắn chân ghế và múa. Mỗi động tác uốn éo của bà bóng thường nhận được một tràng pháo tay và người ta thi nhau để tiền vào lòng những chiếc ghế đó như là sự tưởng thưởng cho công sức và sự khéo léo của người múa.
Bà bóng dùng hai nhánh bông huệ dài, một cắn ở miệng, một để thẳng đứng, đầu của nhánh thẳng xuống tiếp xúc với đầu của nhánh còn lại. Trên các nhánh huệ này có rất nhiều tiền của người xem gắn vào để thưởng công. Khi thể hiện những điệu múa thuần thục, nhuần nhuyễn, bà bóng di chuyển liên tục mà nhánh huệ không bao giờ rớt.
Phóng to |
Múa dao |
Động tác này cũng gần như một tiết mục xiếc của bà bóng. Bà bóng dùng miệng cắn một đầu cán dao, mũi dao đưa ra ngoài. Năm, sáu cây dao còn lại được chất thẳng đứng trên con dao nằm ngang. Bà bóng di chuyển nhiều lần, múa đẹp mà dao cũng không bị rớt.
Động tác này làm người múa khá tốn sức, đồng thời còn đòi họ sự điêu luyện nữa. Quả là nguy hiểm khi một bà bóng đã ngoài 60 tuổi dùng tay nâng khạp quay nhiều lần, sau đó chỉ đặt một cạnh của miệng khạp lên trán mình rồi buông tay ra, lắc lư điệu múa. Thực hiện thành công điệu múa này, bà bóng nhận được nhiều tiền hơn cả. Người ta thi nhau thảy tiền vào khạp để thưởng công.
Đây là một màn trình diễn độc đáo. Người múa dùng một chai rượu, trong đó phân nửa có sẵn rượu, để nằm ngay giữa đỉnh đầu. Người múa cứ lắc lư cơ thể, di chuyển qua lại mà chai rượu không bị lăn xuống đất. Sau nhiều động tác múa, nhảy khá điệu nghệ, người múa quỳ xuống, từ từ cúi đầu. Người khác cầm một cái dĩa, trong đó có một cái ly nhỏ để trước mặt người múa. Người múa cúi đầu sao cho rượu trong chai chảy được vào ly (không hề dùng tay) và chai rượu cũng không bị rớt xuống.
Ngoài tài nghệ múa, bà bóng còn có khả năng sáng tác lời ca theo yêu cầu của gia chủ, của người chủ tế… theo nền nhạc đệm có sẵn. Người hát rỗi mặc lễ phục đứng trước bàn thờ nữ thần, tay cầm trống nhỏ, gọi là trống rỗi, vừa gõ làm nhịp cho hát mời nữ thần về dự nghi lễ. Lời hát tha thiết ca ngợi các vị nữ thần, mời các vị về ngôi đền để chứng kiến cảnh mọi người đang trông chờ và phù hộ, độ trì cho họ.
Múa bóng rỗi là một nghệ thuật diễn xướng và hát để thể hiện truyền thống tri ân, uống nước nhớ nguồn của con người đối với thần linh, đối với tổ tiên và những người đã khuất. Trang phục của các bà bóng vì thế cũng rất cầu kỳ, đầy đủ áo, mũ, váy, khăn choàng cổ, ngạch quan. Việc trang điểm cũng kỹ, đậm phấn son. Đây quả là một nét đẹp văn hóa theo hình thức diễn xướng nghi lễ dân gian, thể hiện được giá trị văn hóa nghệ thuật cao, cần được bảo tồn và phát huy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận