25/02/2006 13:20 GMT+7

"Mụ hát xẩm" Nguyễn Cường

THIÊN THẠCH
THIÊN THẠCH

TTCN - Nhạc sĩ Nguyễn Cường nói: “Đối với tôi không có ranh giới giữa bài hát đặt hàng và bài không đặt hàng”...

LxpTdXtU.jpgPhóng to

Nhạc sĩ Nguyễn Cường

Anh cả quyết: “Tôi có một nguyên tắc từ rất lâu, khi mới tập tọe sáng tác: không bao giờ nhạc sĩ tìm đến ca sĩ, chỉ ca sĩ tìm đến tác giả. Tác giả luôn luôn là một người đàn bà, và luôn luôn phải tự trọng, để ca sĩ cho dù là phụ nữ thì vẫn phải đóng vai đàn ông tìm đến với mình...”.

Gần như với bất cứ ai Nguyễn Cường cũng sẵn sàng cho nhạc của mình: “Enter một cái là ra tờ nhạc, có gì mà mất vốn mất lãi. Cho nhạc thì dễ quá!”, nhưng cũng theo anh: “Ca sĩ không đủ bản lĩnh văn hóa, không đủ bản lĩnh về tâm hồn để nói chuyện được với tác giả thì... xin đi ra!”.

Khi Vương Dung được cô giáo Thanh Hà và mẹ dắt đến nhà nhạc sĩ xin bài, Nguyễn Cường thầm nghĩ: “A, cô này hay, trượt mà vẫn đến xin bài”. Vương Dung đã lọt vào mắt xanh giám khảo Nguyễn Cường ngay từ vòng Sao Mai miền Bắc với điểm 10 khi hát Không thể và có thể. Sau đó anh nói với ban giám khảo và ban tổ chức rằng Vương Dung sẽ là một phát hiện của Sao Mai.

* Các ngôi sao đã chinh phục “người đàn bà” trong Nguyễn Cường như thế nào?

- Năm 1984 khi tôi đến Đắc Lắc, ông trưởng đoàn ca múa nhạc của tỉnh thông báo: “Vừa rồi có đi tuyển ca sĩ nhưng không được người nào ưng ý. Chỉ có một con bé 17 tuổi, tôi đang phân vân không biết có nhận không. Ông thử nghe lại xem sao!”.

Nghe “con bé” ấy hát xong tôi nói: “Ông có đào cả Tây nguyên cũng không có nổi một con bé như thế này! Tầm của nó không chỉ ở Đắc Lắc đâu mà sẽ là cả VN và cả khu vực. Nó sẽ đi biểu diễn thế giới nhưng không phải đi ké cùng với đoàn ca múa của ông đâu mà với tư cách cá nhân của mình. Không cần đợi đến 10 năm đâu...” - “con bé” ấy chính là Siu Black.

Nguyễn Cường kể tiếp:

- Năm 1981, Y Moan đã là ca sĩ ở Đoàn ca múa nhạc Đắc Lắc nhưng chưa ai biết đến anh chàng này. Đến 1983, tôi viết Ơi M’Đrak. Viết xong hát cho Y Moan nghe, Y Moan bảo: “Thầy cho em bài này để em hát”. Tôi bảo: “Cậu hay gào lắm, bài này phải hát cho sâu vào. Tôi đưa cho cậu một tháng, nếu hát không được trả lại cho tôi”. Nhưng chỉ sau chưa đầy hai tuần lễ đã thấy một Y Moan khác hẳn. Và từ sau thành công với Ơi M’Đrăk, giọng ca Y Moan được cả nước biết đến.

Mái đình làng biển cho đến nay vẫn là một trong vài đỉnh cao trong sự nghiệp Mỹ Linh. Đây cũng là một bài hát đặt hàng mà khi hát ca sĩ hay xóa “dấu vết đặt hàng” của địa phương bằng cách đổi “mái đình xưa Trà Cổ” thành “mái đình xưa làng biển”. Nguyễn Cường kể:

- Tôi viết Mái đình làng biển cho tỉnh Quảng Ninh. Rồi Mỹ Linh hát bài đó cho Dihavina kiểu hát thuê, không làm việc trực tiếp gì với tác giả. Mỹ Linh thích bài đó, lấy nó đi thi và đã được HCV chuyên nghiệp đầu tiên trong đời - năm 1995.

Lại có một chi tiết này mà nhiều người không biết: HCV đầu tiên của đời Hồng Nhung nhận được là khi hát bài Diều ơi cho em bay của tôi. Có thể nói người đầu tiên phát hiện Hồng Nhung là Nguyễn Cường, khi cô mới 15 tuổi. Nhưng cái bước đầu tiên đó không có ý nghĩa gì lớn trong cuộc đời của cô...

ZDMGGJOA.jpgPhóng to
Nguyễn Cường và Ngọc Khuê
* Phải chăng ca khúc Nguyễn Cường có cái duyên mở hàng cho các ngôi sao?

- Ồ không, đó chỉ là những tác phẩm đủ sức, đủ tầm vóc như những quả tên lửa để ca sĩ có thể bay lên, đạt tới tầm cao nhất của các cuộc thi. Nhưng khi lên cao rồi thì họ có tiếp tục bay theo hướng của mình không là chuyện khác. Có người bay lên ở đó rồi lại bay xuống và dùng các tên lửa khác!

Chẳng hạn quả tên lửa Diều ơicho em bay sinh ra để dùng có một lần. Năm 1985, Nhà hát Tuổi Trẻ mời tôi làm tổng đạo diễn chương trình thi hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc tại Hải Phòng. Nhà hát có hai chủ công là Kim Phúc và Hồng Kỳ. Chương trình dự tính sẽ kết thúc với phần biểu diễn của Hồng Kỳ. Còn hai hôm nữa là lên đường đi Hải Phòng, tôi chợt để ý đến nhóm các cháu 14-15 tuổi từ Cung văn hóa thiếu niên sang hát bè.

Trong cái đám trẻ ấy có một cô bé giọng hay quá. Tôi mới lên trình bày lại đề cương với bà giám đốc (đạo diễn Hà Nhân), không để Hồng Kỳ kết thúc chương trình mà chính là cô bé mới được phát hiện. Đó chính là Hồng Nhung. Bà giám đốc lúc ấy chỉ còn biết thở hắt ra, đồng ý: “Thôi, tôi tin anh!”.

Bay theo cảm xúc từ chủ đề chương trình là “Thả diều vào trời xanh”, ngay hôm ấy tôi viết Diều ơi cho em bay; xong tập luôn, không kịp phối khí. Không bao giờ tôi quên được hôm ấy: đúng 12g, còi tan tầm hú khi Hồng Nhung đang hát đến cao trào Diều ơi cho em bay... Ai khác thì coi như xong rồi. Vậy mà cô bé vẫn hát. Đến khoảng một phút sau tiếng còi dịu xuống thì tiếng hát của Hồng Nhung như toát ra từ chính cái tiếng còi ấy, và vẫn căng cái nốt ấy!

Tiếng vỗ tay bis, bis thật nồng hậu mà đấy toàn là người trong nghề cả. Lúc về đoàn, tôi chỉ lo mỗi một việc: Hồng Nhung sinh 1970, 15 tuổi, ai cho cô bé HCV bởi đây là cuộc thi chuyên nghiệp. Thế mà Hồng Nhung vẫn cứ được HCV bởi vì hát ghê gớm quá.

Nhưng tôi không bao giờ nhận Hồng Nhung là “ca sĩ của tôi” dù sau đó cô hát Tôi về đây nghe sóng cũng rất thành công. Con đường đi của cô ấy khác con đường đi âm nhạc của tôi. Cũng như Vương Dung có thể sau này sẽ đi một con đường khác...

Bài hát của tôi có thể làm thay đổi phong cách hát của nhiều ca sĩ. Không ai có thể nghĩ rằng một ca sĩ miền Nam, trước đó chủ yếu hát nhạc thị trường là Mỹ Lệ, khi hát bài Đàn cầm dây vũ dây văn của tôi cô ấy như lột xác hoàn toàn. Tôi ví tác phẩm của mình như con tàu hỏa nhưng đường tàu dài nên ca sĩ có thể “quậy”, có thể chạy từ toa cuối lên toa đầu tiên, có thể làm đủ trò nhưng là làm trên cái đường ray ấy.

Ngọc Khuê sau khi được thỏa chí Thị Mầu tại chương trình “Con đường âm nhạc Nguyễn Cường”, tiếp tục ra CD với ca khúc Nguyễn Cường, trong đó phải kể đến bài Rung rinh ngai vàng với những lời: Sức xuân rạo rực tìm Festival/ Tim đập khỏi ngực nhịp Festival/ Đôi mắt lung linh em liếc sang ngang/ Đại nội đêm nay, cung điện đêm nay rung rinh ngai vàng/ Em không vào chùa, không cần khế chua/ Nhạc nổi lên rồi nhịp rap đung đưa/ Cỏ dưới chân em mấy trăm năm tuổi/ Thành Huế ưu tư mấy trăm năm rồi/ Nghiêng ngả theo em, nhún nhảy theo em, rạo rực theo em.

Bài hát ấy ra đời trong dịp Nguyễn Cường đến Festival Huế để dựng giao hưởng. Một tối, anh đi xem rock của Pháp. “Có thể nói là chưa bao giờ mình nhìn thấy mấy tấn âm thanh lại đánh giữa Đại nội. 12 giờ đêm, Tây ta đều ngồi im thít. Giống như thể bị cung điện át vía, không ai dám quậy dù là chơi nhạc rock. Bỗng đâu tự dưng có một cô VN cao đến 1,65m chạy ra giữa cung điện và... nhảy. Thế là tất cả mọi người nhảy theo. Đấy chính là tinh thần Thị Mầu!”

“Thương vụ” mới nhất của Nguyễn Cường: tỉnh Đắc Lắc và Công ty Trung Nguyên cùng đặt hàng hai bài về cà phê. “Hai bài liền và sẽ không hề thua kém Ly cà phê Ban Mê!” - nhạc sĩ đầy tự tin tuyên bố.

Ngay cả ca khúc lừng lẫy với giọng ca Y Moan Ly cà phê Ban Mê hóa ra cũng không hẳn được viết một cách... tự nguyện, mà “vừa là đặt hàng vừa là thách đố” theo lời Nguyễn Cường. “Vẫn ông trưởng đoàn ca múa Đắc Lắc ấy, một hôm bảo tôi: “Tớ đã nghe bài hát cà phê của Brazil, tớ muốn cậu viết một bài như thế có được không?”.

Tôi bảo cứ để đấy. Mấy năm sau, cũng ở Đắc Lắc, một hôm đang uống cà phê. Buổi sáng sớm, không khí mát mẻ, tự nhiên cảm thấy hình như ly cà phê nó muốn nói với mình một điều gì đấy. Thế là cảm xúc bật lên, viết một mạch”.

* Anh có nghĩ nhiều đến yếu tố... tiền bạc khi viết bài đặt hàng?

- Tôi luôn coi mình là mụ đàn bà hát xẩm, người ta cho bao nhiêu tiền cũng được. Và tôi luôn nói thẳng “Các anh đưa tiền rất tốt vì tôi cần phải sống, nhưng đừng nghĩ đưa nhiều tiền bài hát sẽ hay. Và đừng nghĩ đưa ít tiền thì bài hát dở”. Nhưng nhìn thái độ thì tôi biết: anh tỉ phú mà đưa tôi khoảng 500.000 đồng thì rõ là khinh tôi rồi.

Anh mời một ca sĩ hát có thể phải trả tới 1.000 đô nhưng chỉ đưa tác giả 1-2 triệu đông thì rõ ràng coi thường tôi... Nhưng có khi cũng chẳng tiền nong gì cả, chơi với nhau, tiện thì giúp nhau... Nếu hứng lên lại là chuyện khác như khi tôi viết Thành phố miền quan họ.

Đúng là tỉnh Bắc Ninh có mời Nguyễn Cường viết bài hát cho tỉnh, và anh đã viết xong nhưng là một bài khác với Thành phố miền quan họ. Thế rồi một hôm sang Bắc Ninh, nhạc sĩ rủ phó giám đốc công an tỉnh đến chơi. Không dè ông phó giám đốc công an rút tập thơ ra khoe...

“Trong tập thơ đó mình tìm thấy một ý rất hay, cũng là điều mình suy nghĩ nhiều: khi đời sống phát triển, đô thị hóa càng lớn thì dân ca mất đi. Câu hay nhất của nhà thơ công an ấy là “làng quan họ bé bỏng trong thành phố”. Thành phố càng phát triển bao nhiêu thì cái làng quan họ sẽ càng bé nhỏ đi. Cho nên âm vang trong lòng thành phố: miền quan họ ta ơi, vẫn hẹn hò từ đó, miền Kinh Bắc xa xôi...”.

Và rồi từ vùng quan họ Nguyễn Cường lại nhớ về Tây nguyên. “Một anh Tây nguyên không có điện, đóng khố, đánh chiêng khác. Một anh Tây nguyên ngồi xe Mercedes làm sao mà còn đánh chiêng được như xưa kia nữa?

Khi UNESCO tặng danh hiệu cho không gian cồng chiêng chính là họ cảnh báo cho anh biết chỉ có không gian thì mới có cồng chiêng, mất không gian là mất hết... Không có chuyện mang chiêng ra Nhà hát lớn đánh!”.

THIÊN THẠCH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên