11/12/2005 10:04 GMT+7

Một vài nhận xét về học liệu mở

VŨ THẾ DŨNG
VŨ THẾ DŨNG

TTCN - Nhân đọc bài viết thú vị “Học liệu mở: VN sẽ có SV đẳng cấp quốc tế” trên Tuổi Trẻ Online, tôi đã tìm vào trang web về học liệu mở (OpenCourseWare) của ĐH MIT tại http://ocw.mit.edu/index.html để tham khảo.

s6U56y9G.jpgPhóng to
TTCN - Nhân đọc bài viết thú vị “Học liệu mở: VN sẽ có SV đẳng cấp quốc tế” trên Tuổi Trẻ Online, tôi đã tìm vào trang web về học liệu mở (OpenCourseWare) của ĐH MIT tại http://ocw.mit.edu/index.html để tham khảo.

Học liệu mở MIT: Mở cho mọi giảng viên, mọi sinh viênHọc liệu mở: VN sẽ có SV đẳng cấp quốc tế

Quả thật đây là một kho dữ liệu mở về các tài liệu giảng dạy tại MIT. Khá háo hức, tôi đã thử truy cập vào chương trình đào tạo về quản lý do Sloan School of Management cung cấp để thử đánh giá mức độ hữu ích của nó cho người dùng (không là sinh viên của MIT).

Có thể nói đây là một cơ sở dữ liệu phong phú, hữu ích, bao gồm rất nhiều ngành và môn học, tuy nhiên có thể khẳng định rằng nó không phải là một “thư viện mở” và mang tính “thần kỳ” để có thể là giải pháp hữu hiệu giúp sinh viên Việt Nam trở thành những sinh viên đẳng cấp quốc tế.

Hữu ích nhưng có hạn chế

Cơ sở dữ liệu này bao gồm đề mục giảng dạy, bài giảng, bài tập, các câu hỏi và đáp án của hầu hết các môn học được giảng dạy tại MIT (MIT không bắt buộc giáo sư của mình tham gia chương trình này, đây là chương trình mang tính tự nguyện).

Mỗi môn học trong kho dữ liệu mở này cung cấp mục tiêu, đề mục chi tiết của nội dung giảng dạy, các câu hỏi, bài tập, thảo luận, tình huống, các tên sách và tài liệu tham khảo, bài giảng của giảng viên, một số file dữ liệu để sinh viên làm bài tập mâu và các đường dẫn (link) đến các website có liên quan đến nội dung môn học.

Ngoài ra còn có các diễn đàn (forum) để sinh viên có thể trao đổi về môn học. Đứng trên phương diện tổ chức lớp học cho đối tượng là sinh viên của MIT, cơ sở dữ liệu này rất tốt vì cung cấp hầu hết các thông tin cần thiết cho một môn học.

Tuy nhiên đứng trên phương diện tự học cho đối tượng cụ thể là sinh viên Việt Nam, có thể nói là rất hạn chế vì ngoài bài giảng (teaching note) dưới dạng các slide powerpoint rất cô đọng (hầu hết chỉ nêu tên các chủ đề hoặc một vài mô hình để minh họa) hoặc một vài tình huống hay một số rất ít các bài đọc thêm là có thể tải xuống thì tất cả các sách giáo khoa (text books), sách tham khảo, bài đọc thêm, phần mềm để sử dụng với các file dữ liệu đều không có trong cơ sở dữ liệu này.

Điều này là hiển nhiên vì các tài liệu này thuộc bản quyền của các nhà xuất bản. Thế nhưng nó lại là điều kiện tiên quyết để có thể giúp sinh viên tự học.

Như vậy, thật sự với học liệu mở này, sinh viên Việt Nam chỉ có thể tham khảo về các đề mục chính, tên sách và tên tài liệu đọc thêm của các môn học mà họ quan tâm. Đối với một số môn học mang tính định lượng, sinh viên có thể làm các bài tập theo yêu cầu của môn học. Tuy nhiên cũng khá hạn chế vì bài tập thường thiết kế theo sách giáo khoa của môn học (các học liệu mở không cung cấp). Ngoài ra để thực hiện một số bài tập, sinh viên phải có những phần mềm chuyên dụng khá đắt tiền.

Nói như thế không có nghĩa là học liệu mở này không hữu ích. Khảo sát hơn 20 môn học có thể rút ra một vài nhận xét chính. Thứ nhất, nội dung môn học được cấu trúc rất tốt, đi vào các trọng tâm chính và rất chú trọng vai trò đa dạng hóa các phương pháp truyền đạt. Thứ hai, điểm nổi bật của nội dung giảng dạy lại chính là phương pháp đẩy khối lượng làm việc chính từ người thầy sang sinh viên khi khối lượng sách, bài đọc thêm, bài tập cá nhân, dự án nhóm, bài kiểm tra rất lớn và khối lượng lý thuyết trình bày trên lớp rất hạn chế.

Mặt khác, sinh viên được yêu cầu thực hiện nhiều kỹ năng cho môn học như làm việc nhóm, phỏng vấn, sử dụng phần mềm, viết và trình bày báo cáo... Điều này đúng cho cả khối đại học và sau đại học. Thứ ba, cách bố trí buổi học rất khác với Việt Nam.

Chẳng hạn với các môn ba tín chỉ (thường là 3 giờ lên lớp/ tuần), các trường ở Việt Nam hầu hết đều bố trí giảng viên dạy một buổi ba tiết, còn MIT (và hầu hết các trường ở Mỹ) bố trí 3 buổi/ tuần, mỗi buổi một tiết. Cách bố trí này có thể hiệu quả hơn trong việc giao bài tập về nhà, làm việc nhóm và tăng hiệu năng sử dụng thời gian lên lớp.

Đứng trên bình diện người muốn tự học một môn học hoàn toàn mới, xa lạ thì tôi đánh giá học liệu mở không giúp ích gì nhiều. Nhưng nếu là một sinh viên đã từng học qua môn học đó và muốn đa dạng hóa kiến thức, tìm hiểu thực tế giảng dạy ở một trường danh tiếng như MIT thì học liệu mở có thể giúp bổ sung thông tin. Tuy nhiên, đối tượng có thể thu được nhiều lợi ích nhất có lẽ lại chính là đội ngũ giảng viên, vì học liệu mở cung cấp những thông tin quan trọng cho việc thiết kế và vận hành các môn học.

Xây dựng các diễn đàn chuyên ngành trên Internet theo định hướng của học liệu mở

Tôi không rõ chương trình do Bộ GD-ĐT ký kết với MIT có những thay đổi hay thêm bớt gì về nội dung của học liệu mở ở Việt Nam. Nhưng tôi không cho rằng MIT có thể giúp cung cấp miễn phí các sách giáo khoa và tài liệu đọc thêm vì chúng không thuộc quyền sở hữu của MIT. Do vậy, cũng cần đặt kỳ vọng chính xác vào hệ thống học liệu mở này. Việc hình thành các nhóm giảng viên giúp chú thích, dịch một số nội dung của học liệu cũng sẽ giúp ích cho các sinh viên tự học.

Tuy nhiên để học liệu mở này thật sự hữu ích cho sinh viên VN, có lẽ nên nghĩ đến việc địa phương hóa học liệu mở này theo hướng tổ chức mỗi nhóm môn học hay chương trình học thành một diễn đàn trên mạng. Trong đó các chuyên gia chuyên ngành chính là những nhà điều hành diễn đàn, và các thành viên có thể là tất cả mọi người quan tâm.

Ban điều hành và các thành viên sẽ tổ chức thảo luận theo các chủ đề mà họ quan tâm. Chính qua các thảo luận như vậy các chuyên gia và các thành viên hướng dẫn và hỗ trợ lẫn nhau trong học thuật một cách hiệu quả nhất.

Chính các thành viên sẽ là những đối tượng bổ sung thông tin mà học liệu mở không cung cấp một cách hiệu quả nhất. Bên cạnh đó mô hình này có ưu điểm là hoạt động phi biên giới. Du học sinh, giảng viên, trí thức Việt Nam ở nước ngoài hay trong nước đều có thể tham gia, tương tác với sinh viên và chuyên gia trong nước, do vậy chất lượng tri thức trao đổi cũng hết sức phong phú.

Hiện nay giới thanh niên Việt Nam đã khá quen thuộc với việc tham gia các diễn đàn trên mạng và học hỏi được rất nhiều từ các diễn đàn này, nên việc tổ chức một cách có định hướng về chuyên môn như vậy sẽ góp phần thật sự nâng cao chất lượng tri thức của thanh niên và hướng việc sử dụng Internet thành một công cụ giải trí, học tập thật sự lành mạnh.

VŨ THẾ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên