![]() |
Trái tim yêu thương
Em Nguyễn Thị Tuyết Na, 13 tuổi, học sinh lớp 8 Trường THCS Tân Bình (Tân Uyên), rưng rưng nước mắt khi được tặng một máy vi tính mới toanh, món quà mà chỉ trong mơ em mới dám nghĩ tới bởi vì em bị bệnh tim bẩm sinh, lại mồ côi cha mẹ và đang sống với bà ngoại.
Tương cũng xúc động không kém, anh cố nén những giọt nước mắt chực trào ra khi chứng kiến món quà (tâm niệm của mình) được trao cho một em gái bệnh tim nhưng lại có cảnh ngộ còn đáng thương hơn mình 20 năm trước. Niềm xúc động lan nhanh đến những người có mặt...
Hai lần lên bàn mổ
Viện Tim TP.HCM được thành lập và hoạt động là niềm vui mừng khấp khởi của gia đình Tương, nơi đó có thể là “vị cứu tinh” cho trái tim của Tương, một trái tim đã có quá nhiều lần “ở nhờ” bệnh viện đa khoa tỉnh trong hơn 10 năm do hậu quả của một đợt thấp tim để lại. Nhưng chi phí cho một cuộc phẫu thuật tim lại quá lớn, mà đồng lương y tá của ba Tương còn phải cáng đáng sáu miệng ăn, làm sao trái tim của anh có cơ hội để được “sờ”đến?...
Khát vọng cải thiện sức khỏe của Tương sẽ sụp đổ hoàn toàn nếu như không có những tấm lòng nhân ái từ lãnh đạo và tập thể Viện Tim TP.HCM; từ bác Nhị, bác Khuê, bác Bình cùng tập thể cán bộ Bệnh viện đa khoa tỉnh Sông Bé và bác Cảnh ở Sở Tài chính... Tương được lên bàn mổ vào năm 1993.
Hưng phấn vì sức khỏe đã cải thiện, Tương lao vào học tập với hi vọng trở thành một người có nghề nghiệp vững chãi, có thu nhập cao để có thể cưu mang những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, nhằm đáp lại những tấm lòng nhân ái đã cho anh cơ hội có sức sống mới. Và năm 1997 anh đã thi đậu vào Trường đại học Nông lâm TP.HCM.
Trong trường, những tưởng mình đã trở lại khỏe mạnh như bao bạn khác, Tương tham gia đội bóng chuyền của trường, thường xuyên thi đấu và đã từng đoạt giải. Chính vì vậy, trong một lần tai nạn bị gãy xương phải vào Trung tâm Chấn thương chỉnh hình TP.HCM điều trị, trung tâm này đã hội chẩn với Viện Tim và buộc trái tim của Tương phải lên bàn mổ lần thứ hai vào năm 2000.
Vượt qua bệnh tật, nỗ lực vươn lên
Một thời gian khá dài vừa phải điều trị gãy xương, vừa phải an dưỡng sau phẫu thuật tim lần hai, sức khỏe yếu, Tương không thể tiếp tục trở lại trường để học cho xong đại học. Anh đành theo học một lớp tin học ngắn hạn và bước vào cuộc sống độc lập theo sức mình.
Bước khởi đầu là vừa học vừa làm tại một cơ sở mỹ thuật, quảng cáo ở thị xã Thủ Dầu Một. Vốn đam mê mỹ thuật, Tương tiếp thu nhanh chóng và thỏa mãn được nhu cầu của khách hàng về trang trí, quảng cáo; được chủ cơ sở tin yêu giao phụ trách thiết kế mỹ thuật và cũng truyền cho anh nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Tương say sưa công việc nhưng vẫn không quên bồi dưỡng và rèn luyện cơ thể để trái tim bệnh không có cơ hội làm khổ anh.
Và rồi cách nay đúng một năm, với ít vốn tích lũy được từ sức lực của mình cộng với sự hỗ trợ của gia đình và bạn bè, Tương mạnh dạn mở riêng một cơ sở mỹ thuật, quảng cáo mới ở thị xã Thủ Dầu Một. Anh chính thức khởi nghiệp và trở thành “ông chủ” với tám nhân viên... Được biết, hiện nay cơ sở của anh đã có nguồn khách hàng thường xuyên từ Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore và từ các trường ở Thủ Dầu Một nên thu nhập ngày càng ổn định.
Nhìn Tương hôm nay, ngay cả người thân của anh và những thầy thuốc từng điều trị trước đây đều không ngờ cậu bé ốm yếu ngày ấy giờ đang vững tin hòa nhập cộng đồng. Tôi ngắm câu “Hãy tin vào nỗ lực của bạn”được viết kèm dưới tên cơ sở mỹ thuật Nỗ Lực và thầm nghĩ có lẽ Tương không chỉ nhắc nhở chính mình, mà còn muốn nhắc nhở những ai đang có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hãy tự tin vươn lên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận