08/05/2009 06:30 GMT+7

Một tiếng rưỡi

NGUYễN HƯƠNG GIANG(Khoa Pháp ĐH KHXH&NV TP.HCM) 
NGUYễN HƯƠNG GIANG(Khoa Pháp ĐH KHXH&NV TP.HCM) 

AT - Sài Gòn mơ...Ước mơ phập phồng ngày nộp đơn thi. Rồi ước mơ thành tiếng hét vang khi nhận giấy gọi nhập học. Tiếng hét mừng vui khiến hàng xóm kéo tới chúc tụng, và cả lời cảnh báo "Sài Gòn đó hả...".

YST6vswE.jpgPhóng to

Minh họa:Mặc Tuân

AT - Sài Gòn mơ...Ước mơ phập phồng ngày nộp đơn thi. Rồi ước mơ thành tiếng hét vang khi nhận giấy gọi nhập học. Tiếng hét mừng vui khiến hàng xóm kéo tới chúc tụng, và cả lời cảnh báo "Sài Gòn đó hả...".

Mong muốn đầu tiên của dân vùng cao về phố là đừng bị lạc đường. Ngày đầu tiên nhập học phải đi từ lúc năm giờ vì sợ trễ! Nhìn những đứa con gái trạc tuổi mình phóng xe phơi phới, đạp xe bon bon mà thèm. Đến bao giờ mình mới thuộc hết tên đường của thành phố mênh mông này?

Đừng có hão huyền, hãy lo thuộc đường đến trường sao cho tới lớp đúng giờ là may lắm rồi - đèn xanh đèn đỏ, đường một chiều, đường cấm rẽ phải... và những cú lạng lách từ phía sau khiến dân miền núi tỉnh bơ trước tiếng gió hú mà nay thấy sợ tiếng gió sượt qua tai.

Và sợ nhiều tiếng khác nữa, ví dụ như tiếng gõ cửa phòng trong đêm. Nhà trọ biết bao là cánh cửa sát nhau và mỗi cánh đều giữ kín sau nó một riêng tư tuyệt đối. Khi nhớ nhà quá, lời cảnh báo lại hiện về: "Sài Gòn đó hả? Hỏi tên chủ nhà bên cạnh cũng không biết".

Nhưng sự dửng dưng này chỉ làm tăng nỗi buồn nhớ nhà chứ không ảnh hưởng tới ước mơ. Còn ước mơ là còn tất cả! Ai đó đã nói vậy và chí lý làm sao. Nào, tiến lên. Xe đạp là con tuấn mã và ta là người kỵ sĩ đường trường quyết không nao núng.

Sài Gòn rơi...

Cú rơi từ tầng bốn xuống tầng trệt, nơi để xe của tất cả mọi thành viên trong chung cư. Cổng chung cư đóng im ỉm chỉ người trong chung cư mới có chìa khóa vào ra. Vậy mà cái xe đạp biến mất.

"Sài Gòn đó hả?"...

Kỵ sĩ ngồi bẹp ngay chân cầu thang, hoang mang chờ đợi... Lạy trời là ai đó có chuyện gấp gáp quá nên lấy xe đi mà không hỏi mượn chủ nhân. Gấp gáp quá nhưng cái xe khóa cứng thì có muốn đi cũng phải gặp chủ nhân mà mượn chìa khóa chứ! Biết hoang tưởng mà vẫn cứ lạy trời...

Trời không nghe trời không thấy. Trời xa quá.

Mà người ở rất gần cũng không thấy không nghe. Không ai thắc mắc tại sao con bé ngồi thừ ngay chân cầu thang? Không một ai thắc mắc. Người qua kẻ lại nhưng không ai hỏi một câu. Ai cũng vội vội vàng vàng. Kể cả bạn chung phòng từ đầu cầu thang lao xuống cũng hối hả: "Chưa đi học sao còn ngồi đó? Mình trễ mất rồi", vậy là dắt xe ra cổng phóng vèo đi.

Nước mắt nó chảy dài. Khóc vì mất xe. Và vì nỗi một thân một mình.

Khóc đã đời con bé đứng lên, đi bộ ra bến xe buýt. Kỵ sĩ không tuấn mã kỵ sĩ yếu xìu. Bến xe buýt xa một cây số rưỡi. Ở nhà leo dốc dài, ngày ngày đến trường xa ba cây số coi như không mà hôm nay một cây số rưỡi đường bằng sao lê thê. Tại khói xe. Tại bao tiếng ồn trên đường đông nghẹt khiến cái đầu đã lùng bùng càng lùng bùng thêm. Không phải, tại...

Hai ngàn đồng tiền vé xe buýt là món chi tiêu ngoài dự tính, thêm hai ngàn đồng cho lượt về nữa, bằng một bữa cơm rồi.

Cú rơi khiến con bé đối đầu với thực tế ngay lập tức. Không có thời gian cho khóc lóc. Cái đầu làm ngay một phép tính: chỗ trọ này xa trường tám cây số nhưng tầng cao giá rẻ, chịu khó leo cầu thang, chịu khó đạp xe thì tiết kiệm được chút tiền trọ, nay phải đi bằng xe buýt thì phải tốn tiền vé. Vậy có nên chuyển tới trọ gần trường, lấy tiền vé xe buýt bù vào tiền trọ mắc hơn không? Phương án hai: một chỗ trọ rẻ hơn nữa để có tiền bù vé xe buýt?

Bài toán chỉ cần hai phép cộng trừ mà làm cái đầu nhức nhối. Bắt đầu lại, lại đi tìm phòng. Nghĩa là tìm bạn! Ai đó đang cần thêm người để nhẹ bớt tiền phòng. Định nghĩa bạn bè ở thành phố không giống định nghĩa bạn bè ở nhà mình. Chưa bao giờ tiếng nhà mình lại thiết tha đến vậy. Chợt muốn trở về nhà. Về nhà. Ước mơ của phố chảy tan thành nước mắt và trở nên diệu vợi không thể chạm tới. "Sài Gòn đó hả?"...

Xe buýt không chở người đi vào trong những con hẻm ngoằn ngoèo. Mà xe ôm thì... Giọng má qua điện thoại lo âu: "Tốn tiền cũng được, nhưng con nhớ ghi lại số xe, báo những người trọ cùng phòng biết nghe, lỡ có gì...". Lỡ có gì thì họ cũng chẳng hơi đâu má ơi, Sài Gòn mà...

Ông xe ôm lúc bắt khách thì gật đầu lia lịa mà chở được một hồi quanh quẹo lung tung khiến nó ngồi sau sợ toát mồ hôi: "Chú đi đâu vậy?".

- Tìm cái địa chỉ cô nói chớ còn đi đâu nữa. Chỗ này tui cũng nghe biết vậy thôi chớ đây là lần đầu.

- Bác là xe ôm mà...

- Có là ông trời cũng không làm sao rành hết đường sá ở đây. Mà cái địa chỉ này là sao với cô?

- Dạ mấy anh chị bên Thành đoàn nói khu này dễ tìm phòng trọ ghép.

- Sinh viên à? - Năm mấy rồi?

- Dạ năm đầu.

Buột miệng trả lời xong chợt hoảng, ngậm phập miệng lại nhưng đã muộn rồi. Biết mình là dân tỉnh mới tới chưa biết gì, ông ta sẽ...

- Thôi chú, cho cháu xuống.

Nếu ông ta không chịu ngừng mình sẽ nhảy xuống, mình sẽ nhảy xuống ngay lập tức, mình sẽ la lên thật to...

Ông tài xế thắng kít xe lại. Rồi nhìn tên đường và số nhà của căn nhà gần nhất, ông chưng hửng:

- Lúc nãy cô đọc địa chỉ khác mà?

- Dạ... thôi... cháu có chuyện phải đi đằng này trước.

- Đi đâu, có biết đường không?

- Dạ... biết. Chú cho cháu trả tiền.

Ông tài xế vén tay áo nhìn đồng hồ. Thời gian như cơn gió. Loanh quanh tìm kiếm chưa thấy gì mà đã tiếng rưỡi đồng hồ trôi qua rồi. Con bé thọc tay vào túi, cuốc xe ôm tiếng rưỡi đồng hồ này ngốn mấy ngày tiền cơm? Nếu có cái xe đạp thì đâu đến nỗi. Quyển sách thèm quá mà không dám mua, đợi người ta trả thư viện rồi sẽ đến phiên mình mượn. Tốn ngần này tiền mà vẫn chưa tìm thấy cái phòng trọ ở chỗ nào, tiếc ơi là tiếc.

Ông tài xế nhìn mặt mũi con bé thẫn thờ so bì. Rồi ông nhún vai:

- Xăng bữa nay lên giá đó nghen.

- Dạ... Bao nhiêu tiền hả chú?

Ông ngần ngừ:

- Sinh viên mà sao không đi xe đạp cho tiết kiệm?

- Tại cháu không biết đường. Mà cũng tại cái xe của cháu bị mất rồi. Nó cảm thấy mắt mình đang đỏ lên.

- Vậy à? Sài Gòn phải cẩn thận ghê lắm.

Biết rồi!

Nó lặp lại câu hỏi:

- Bao nhiêu tiền hả chú?

Ông lắc đầu:

- Thôi.

Nó tưởng mình nghe lầm. Nhưng rõ ràng là ông đang quay đầu xe sắp sửa phóng đi. Nó kêu lên:

- Chú...

Ông mỉm cười, lắc đầu:

- Không sao mà. Nè, sinh viên cũng năm bảy kiểu. Tìm người ở ghép cẩn thận nghe cháu.

Kéo sụp vành mũ che nắng chiếu vô mắt, ông và chiếc xe hòa vào dòng đông đúc ngược xuôi hối hả trên đường.

Đứng khựng trên vỉa hè, nó nhìn theo. Xốn xang. Ân hận. Nếu ông biết mình đòi dừng xe lại vì...

Và nếu ông biết nó đang nghĩ gì "Sài Gòn..."!

Cái địa chỉ vẫn chưa nhìn thấy nhưng tinh thần nó đã được xốc lên và đôi chân trở lại là chân kỵ sĩ dù không có tuấn mã.

Tôi gặp ông xe ôm tốt bụng đó vào ngày thứ bảy 30-10-2004 trên đường Cách Mạng Tháng Tám cắt ngang ngã tư Bảy Hiền. Tờ giấy ghi số xe theo lệnh của má tôi tiếc là không còn nữa. Chuyển về chỗ ở mới, những giấy tờ vụn vặt tôi đã vứt đi cho gọn nhẹ.

Tờ giấy đã mất nhưng còn lại đây một tiếng rưỡi đồng hồ ông tặng cho con bé sinh viên những ngày đầu ngốc nghếch.

Giờ đây, hòa vào nhịp sống của thành phố, tôi đã hiểu những hối hả đến nỗi không kịp ngoái đầu nhìn lại. Nhưng dẫu bận rộn, mỗi chủ nhật tôi dành ra một tiếng rưỡi đến với các em nhỏ không may, các em có thể cũng như tôi ngày nào, tủi thân và cô độc. Tôi bắt chước giọng nói ân cần của ông để hát với các em: "Ông trăng tròn tròn như cái mâm con con ai treo ông cao thế hỡi ông trăng tròn tròn. Á há ông ở trên cao quá ông ơi nhưng rồi đây em sẽ lên chơi..."

YBwXaakd.jpgPhóng to

Áo Trắng số 8 (ra ngày 1-5-2009) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

NGUYễN HƯƠNG GIANG(Khoa Pháp ĐH KHXH&NV TP.HCM) 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên