![]() |
Làm gì có những loại đồ chơi được chế tạo sẵn như bây giờ, chúng tôi phải tự làm lấy để vui với nhau.
Đó là những hình ảnh quen thuộc… Con trâu, con bò, con ngựa, con gà… cái cối xay, cái rổ, giỏ đựng bình nước…hàng ngày trước mắt, ngày tết ngày hội thấy ông này đội khăn đóng, bà kia mang xâu chuỗi hột, ban nhạc đánh trống thổi kèn… Với các món đồ chơi chúng tôi tái hiện trong tưởng tượng các sinh hoạt xóm làng. Đồ chơi thường dễ làm và bằng vật liệu dễ tìm, phần lớn là những hoa cỏ trong vườn, trong xóm…
Đơn giản nhất, dễ làm nhất là con trâu bằng lá mít. Rủ nhau ra góc mít nơi góc sân, nhón chân lên là hái một mớ lá, xỏ theo đường gân phụ của lá mít, mỗi bên hai đường cân đối nhau, đường xé phía trên gân cuống. Cong chiếc lá mít lại, xỏ cuống xuyên qua phần thân lá ở gần chót. Chỉ vậy. Thêm chút tưởng tượng ta đã có con trâu với thế đứng vững vàng, chân khỏe khoắn, đầu hơi cúi xuống, đôi sừng vênh vênh như sẵn sàng nghênh chiến. Một bầy trâu với nhiều tầm vóc ta cũng đặt tên cho nó như những con trâu ta đang chăn, đây là con trâu cộ, kia là con trâu phao, trâu xe….chiếc lá mít màu xanh non cho ta con nghé, chiếc lá mít úa vàng là con bò.
Kèn lá là món đứa nào cũng thích. Cây múi dẻ (có nơi gọi là dủ dẻ) mọc đầy gò đồi. Chạng vạng hoa múi dẻ tỏa mùi thơm ngát. Lá múi dẻ xanh láng, tách đôi ra quấn phần trong (lưỡi kèn), kèn kêu hay dở là do phần này. Phần ngoài có thể dùng lá chuối lá dừa quấn tiếp lớn hơn để dễ cầm thổi, dùng gai thồ lô ghim miệng lại cho khỏi bung. Những đứa có khiếu không chỉ thổi ò e í e mà thổi đúng theo bài nhạc, nhịp nhàng, điệu nghệ lắm. Có khi kèn chưa chịu kêu, chúng tôi đổ nước vào kèn cho thông, đọc một câu vừa hứa hẹn vừa hù dọa với kèn: Chập chà kèn kêu, chập chà kèn kêu… Kèn kêu tao cho ăn cơm với cá…Chúng tôi tin rằng như thế dẫu không muốn kêu kèn cũng sợ mà kêu.
Rồi lấy lá mít lá bàng chằm mũ, kết vỏ trái bưởi làm khăn đóng, tước nhỏ lá chuối tạo được con gà con, mấy miếng vỏ xác cau đan thành cái rổ, chồng cao cùi bắp làm chuồng heo, hái trái cườm thảo xâu thành chuỗi hột hai màu đỏ đen và vỏ trái thị dán trên vách làm hoa thị v.v… Cái dấu hoa thị * trên trang giấy phải chăng xuất phát từ cái "hoa bằng vỏ trái thị" này?
Đồ chơi làm bằng hoa lá có vài ba món đáng kể nữa như con ngựa bằng bông đế, con chim, con châu chấu bằng lá dừa. Tháng tám, những giồng đế trổ bông. Tranh và đế cùng họ hàng. Bông tranh màu trắng, mềm và mịn như tơ. Bông đế màu tím nhạt, lớn cọng hơn và dài hơn bông tranh, từng hạt tròn nặng hơn bông tranh. Lấy bông đế thắt hình con ngựa trong tư thế vươn tới sắp phi nhanh, đầu ngẩng cao cổ mập bụng thẳng, bốn vó hơi chúm và đuôi tung lên. con chim thắt bằng lá dừa có hai cánh nhọn, hai sợi đuôi dài. Treo thành một dãy, gió đưa lắc lay khác nào một bầy én đang bay. Con châu chấu có hai cách làm, một cách nhìn nghiêng giống thật hơn, một cách nhìn từ trên lưng xuống bằng những nét thẳng cũng đủ đầu chân và hai sợi râu.
Ở sân chợ, sân đình thường trồng cây bàng và cây vông đồng. Lượm trái bàng đập lấy ruột ăn, lượm trái vông đồng làm chiếc xe đẩy. Trái vông đồng khô giống như cái bánh xe, chính giữa có phần rỗng thông bên này qua bên kia. Cho một que tre bằng mút đũa qua phần trống ấy và cột vào cây nạng thành chiếc xe một bánh đẩy đi.
Mấy đứa con gái ưa làm xâu chuỗi cườm thảo, bọn con trai chế tạo súng bồ lời. Cây bồ lời mọc hoang khắp nơi, còn được trồng rải rác trong vườn thơm, làm cây che tàn cho thơm. Hoa bồ lời màu vàng, trái tròn bằng thân bút chì, có mùi hăng, vỏ mỏng màu xanh, khi chín màu tím đẫm, bên trong là hột cứng. Súng bồ lời có hai bộ phận chính, nồng súng bằng ống tre nhỏ dài độ gang tay, ruột bộng vừa khít trái bồ lời và một cây chìa. Đạn là trái bồ lời được nạp vào nòng súng. Đưa cây chìa đẩy mạnh, trái bồ lời phía sau đẩy trái bồ lời phía trước văng ra, phát lên một tiếng bụp nhỏ. Thú vị là nơi nòng súng có khói bay ra và mùi bồ lời hăng hăng coi như mùi thuốc đạn. Đánh giặc giả bắn nhau bằng súng bồ lời. Và còn dùng đi săn những cài cào, châu chấu, thằn lằn…
![]() |
Suốt một thời gian dài, thật dài... thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, những món đồ chơi này đã gắn bó với thôn quê. Nó đem lại cho trẻ con niềm vui hồn nhiên. Cuộc sống lúc bấy giờ về vật chất còn nhiều khó khăn, phần đông chỉ có cơm ngày ba bữa, quần áo vải thô. Nhờ những món đồ chơi này, với trí tưởng tượng ngây thơ, trẻ con cảm thấy chúng thật giàu có (trâu bò hàng bầy, có ngựa có xe...), thật sang trọng (bắn súng, đua thuyền, đội khăn đóng, mang vòng trang sức...), được dự các cuộc giải trí đánh trống thổi kèn. Ôi cũng phong lưu tài tử như ai.
Thi sĩ dân gian Nguyễn Đình có bài "Vè con nít": Con nít con nít. Thân hình nhỏ xít. Đội mũ lá mít. Cưỡi ngựa tàu cau. Đứa trước đứa sau. Đua nhau một lũ. Nếu không cưỡi ngựa tàu cau thì có thể dùng chà tre làm ngựa. Đôi chân ta hóa thân vào chân ngựa. Ta giục cương thúc ngựa phi qua truông dài gò rộng. Ngựa ta là loại ngựa hay, chạy nhịp chân reo, bốn vó đều đều. Tai ta nghe tiếng bầy bồ chao phụ họa, tiếng con te te bay kêu thảng thốt. Trong tầm mắt ta những hoa sim hoa mua nở tím, hoa trang rừng nở đỏ, hoa găng nở vàng.
Đọc Đường thi thấy trẻ con bên Tàu cũng cưỡi ngựa chà tre đấy chứ. Thi hào Lý Bạch tả trong Trường Can hành: Thiếp phát sơ phú ngạch. Chiết hoa môn tiền kịch. Lang kị trúc mã lai. Nhiễu sàng động thanh mai... Tóc thiếp vừa mới rủ xuống trán. Thiếp bẻ hoa chơi trước cổng. Chàng cưỡi con ngựa tre chạy lại, vòng quanh giường nghịch cành mai xanh... A! Té ra chàng thiếu niên này cưỡi ngựa chà tre để đến với một thiếu nữ cùng xóm, cả hai đều còn ngây thơ và sau đó không lâu, mười bốn tuổi nàng đã về làm vợ chàng, mặt thẹn thùng chưa từng hé mở. Đồng cư Trường Can lý. Lưỡng tiểu vô hiềm sai. Thập tứ vi quân phụ. Tu nhan vị thường khai.
Có thể nói những món đồ chơi này tạo cho trẻ con thôn quê ý thức lao động để xây dựng cơ nghiệp mai sau. Đây chính là ý thức căn bản để bao đời nay đất nước ta có một vùng thôn quê rộng lớn trọng cần lao, không ỷ lại.
Trong việc làm nhà quê phần nhiều nông cụ phải tự tạo lấy. từ cái mỏ cày, bắp cày, cái trạnh, cái nán, củ roi mây, cái răng bừa, cán cuốc, cán rựa... Rồi đan nong nia sàn giừng thúng rổ... Cho nên rất cần sự khéo tay. Làm đồ chơi thuở ấu thơ là cách tập dần cho sự khéo tay cần thiết khi đến tuổi lớn khôn.
Cùng chơi với nhau, cùng làm đồ chơi thì đứa đã biết bày đứa chưa biết. Có đứa sáng dạ, nghe qua, nhìn qua là hiểu. Có đứa tối dạ mò mẫm hoài. Cũng là luyện tính kiên nhẫn, đồng thời dẹp bỏ tự ái vặt để hòa nhập thân thiết với bạn bè. Con trâu lá mít của đứa nào đẹp hơn, khẩu súng bồ lời của đứa nào nổ to hơn, cái kèn múi dẻ của đứa nào thổi nghe hay hơn, cái cối xay hột xoài của đứa nào xay lâu hơn... Bữa nay mình thua nó thì mai phải bằng nó, bằng nó rồi thì phải hơn nó. Thà thua trời một vạn chớ không để thua bạn một ly, vô hình trung tinh thần ganh đua, óc sáng tạo, tính cầu tiến được nuôi dưỡng và phát triển để khi trưởng thành không chịu bằng lòng với những gì sẵn có mà lúc nào cũng muốn tốt đẹp hơn.
Ngày nay... thôn quê đổi mới, dần dần đô thị hóa, những món đồ chơi kể trên và bạn bè của chúng đã bị đào thải, không mấy ai nhớ, không còn ai làm. Nhưng nhìn lại quá khứ công lao của chúng trong sinh hoạt cộng đồng đâu phải nhỏ. Một thời chúng đã đem lại cho trẻ con thôn quê, về sau là người dân thôn quê, những lợi ích có thể không nhìn thấy rõ ràng nhưng vô cùng thiết thực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận