02/03/2019 10:33 GMT+7

Một số điều cần biết về u men

Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng
Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng

Sự phát triển, xâm lấn của u men một cách âm thầm, liên tục, gây biến dạng mặt trầm trọng nếu u lớn.

Một số điều cần biết về u men - Ảnh 1.

U men gây biến dạng mặt, phồng xương hàm dưới bên trái. Ảnh: YHCĐ

U men hay tên gọi đầy đủ là u nguyên bào tạo men (ameloblastoma) là loại u do răng lành tính chiếm tỷ lệ cao trong các loại u vùng hàm mặt. Đây là một u có tổ chức học giống men răng nhưng biệt hóa theo hướng khác không tạo thành men răng.

Sự phát triển, xâm lấn của u men một cách âm thầm, liên tục, gây biến dạng mặt trầm trọng nếu u lớn. Đặc biệt là khả năng tái phát cao sau điều trị bảo tồn thông thường.

Do u nguyên bào tạo men có tỷ lệ tái phát cao nên phẫu thuật viên thường có khuynh hướng điều trị triệt để, nhất là trên những u nguyên bào tạo men tái phát sau khi được điều trị bảo tồn. Việc điều trị triệt để đã để lại nhiều hậu quả, di chứng nặng nề cho bệnh nhân về thẩm mỹ và chức năng. Nhất là ở người trẻ, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau khi phẫu thuật. Do đó, việc phát hiện sớm u men là rất cần thiết.

Làm sao để phát hiện sớm sang thương u men?

Thông thường sang thương u được phát hiện tình cờ khi chụp phim X-quang thường quy (những phim này được chỉ định chụp khi bệnh nhân khám kiểm tra hàm mặt định kỳ).

U men xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Do xuất phát từ biểu mô tạo răng, nên u men thường chỉ liên quan đến xương hàm trên, xương hàm dưới và thường nằm ở vùng răng sau xương hàm dưới; gây phồng xương và biến dạng mặt.

Triệu chứng điển hình của u men

U men ngoại biên

Do sự sai biệt về quá trình biệt hóa của biểu mô tạo răng nằm lạc chỗ ở nướu răng hay xương ổ răng. Biểu hiện bằng một khối u với bề mặt nhẵn láng một thùy hay nhiều thùy.

U men trung tâm:

- Xương hàm dưới:

+ Giai đoạn sớm:

U phát triển chậm, âm thầm và hầu như như không có dấu chứng nào.

Thường chỉ phát hiện tình cờ trên phim X-quang chụp thường quy.

Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào phim X- quang để kết luận đó là u men giai đoạn sớm thì không chính xác. Cần kết hợp với kết quả giải phẫu bệnh lý.

+ Giai đoạn u men phát triển:

U men phát triển theo mọi hướng gây phá huỷ xương và các mô xung quanh, làm tiêu ngót chân răng, tê môi cằm…

Khi u có kích thước lớn, gây phồng xương. Bệnh nhân thường than phiền biến dạng mặt, mất thẩm mỹ.

Trong miệng, ngách lợi sưng phồng, không đau, bề mặt nhẵn, niêm mạc phủ bên trên bình thường. Răng trên u có thể lung lay hoặc di lệch. Một số trường hợp bệnh nhân than đau, khó chịu và chảy mủ.

+ Giai đoạn nặng:

U có kích thước lớn, gây phồng xương nhiều, mặt biến dạng rõ, xương bị phá hủy. Bệnh nhân thường cảm thấy đau nhức nhiều, răng lung lay nhiều hay bị xô lệch.

Trường hợp u có kích thước lớn, xâm lấn kênh răng dưới làm tê môi dưới, nếu bờ dưới xương hàm dưới bị phá hủy, u có thể gây gãy xương bệnh lý.

- Xương hàm trên :

Tuỳ vào mức độ phát triển, kích thước và khả năng xâm lấn mà có các triệu chứng sau đây:

+ Khối sưng ở tầng giữa mặt, phồng xương ngách lợi, khẩu cái.

+ Nghẹt mũi.

+ Mất khứu.

+ Tê môi trên, má, cạnh mũi cùng bên do ảnh hưởng dây thần kinh V2.

U men điều trị như thế nào?

Không có một loại điều trị chuẩn nào có thể áp dụng cho bệnh nhân u men.

- U men ngoại vi: Có thể điều trị bảo tồn, tỷ lệ tái phát thấp.

- U men trung tâm: Tùy vị trí, đặc điểm đại thể và vi thể sẽ có cách điều trị khác nhau.

- U men dạng nang: Có thể điều trị bảo tồn, nhưng sự tái phát thường xảy ra khi chỉ nạo u đơn thuần.

- Tổn thương u men dạng đặc: Đòi hỏi tối thiểu phẫu thuật cắt xương, bởi vì tỷ lệ tái phát sau khi nạo là 50% - 90% trường hợp. Cắt nguyên khối (block excision) hay cắt bỏ (resection) thường dè dặt trong những tổn thương lớn. Các tổn thương u men lớn thường phải cắt đoạn xương hàm, một số trường hợp phải tháo khớp thái dương và hàm, để lại di chứng nặng nề sau phẫu thuật.

Tổn thương ác tính giải quyết như tổn thương ung thư.

U men hàm trên khó điều trị hơn so với u men ở hàm dưới vì liên quan đến cấu trúc giải phẫu quan trọng xung quanh và khả năng ung thư xương hàm trên khá cao. Như thế, u men hàm trên trong xương thường được cắt với lề bình thường rộng hơn u hàm dưới.

U men có tỷ lệ tái phát cao sau điều trị, thậm chí sau 10 năm. Do đó, cần phải tái khám theo dõi định kỳ mỗi 6 tháng sau điều trị u men.


Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên