Liên hiệp hội khẳng định 6 biện pháp cải cách cụ thể được đề xuất trong bản kiến nghị này là những biện pháp trước mắt, được các nhà khoa học xây dựng “trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật và với lòng chân thành mong mỏi đưa sự nghiệp GD-ĐT thoát khỏi tình trạng lạc hậu, thấy cần có một cuộc cải cách giáo dục triệt để, đồng bộ ở tầm quốc gia”. Dưới đây là toàn văn bản kiến nghị:
Kiến nghị của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Kính gửi:
- Bộ Chính trị.
- Ban Bí thư.
- Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
- Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam.
Đồng kính gửi: ]
- Ủy ban giáo dục thanh - thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội.
- Ủy ban khoa học, công nghệ, môi trường của Quốc hội.
- Bộ Giáo dục - Đào tạo.
Thành tựu của nền giáo dục - đào tạo nước ta gần 60 năm qua rất to lớn, đã góp phần quan trọng trong những thành tựu vĩ đại của nước ta, làm thay đổi sâu sắc đời sống nhân dân, diện mạo đất nước và vị trí Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích không thể bàn cãi, GD - ĐT nước ta trong những năm qua đã thể hiện nhiều yếu kém, bất cập rõ rệt, có nguy cơ không đáp ứng được yêu cầu mở cửa hội nhập, phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hướng tới nền kinh tế tri thức, ảnh hưởng tới sự phát triển lâu dài bền vững của đất nước.
Với chức năng tư vấn, phản biện và đề xuất các chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức nghiên cứu một số nội dung liên quan đến cải cách giáo dục để góp ý kiến với Nhà nước. Trên cơ sở nhận thức đầy đủ những thành tựu, chúng tôi chỉ tập trung làm rõ những bất cập lớn, phân tích các nguyên nhân chính, và kiến nghị một số biện pháp quan trọng liên quan đến cải cách giáo dục.
Dưới đây, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam xin kính trình Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ nội dung bản kiến nghị.
I. Những nhận định khái quát nhất về thực trạng ngành giáo dục của nước ta hiện nay
Về mặt thành tựu, chúng tôi nhất trí về cơ bản với đánh giá trong Báo cáo về tình hình giáo dục của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp ngày 14 tháng 10 năm 2004.
Dưới đây, chỉ xin nêu những tồn tại tổng quát nhất để dẫn đến những kiến nghị cải cách cần thiết.
1- Sự phát triển của lĩnh vực giáo dục đã thể hiện nhiều mặt không đồng bộ, không đồng hướng với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, và của xu thế phát triển giáo dục tiến bộ trên thế giới. Hiện tượng phát triển không hợp quy luật đó đã tạo ra nhiều bất hợp lý, gây bức xúc cho xã hội và ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh cuả nền kinh tế cũng như sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
2- Nền giáo dục - đào tạo nước ta còn thiếu tính hệ thống, kế thừa và phát triển, thiếu tính hiện đại, trước hết đối với các bậc học phổ thông. Mặt khác, còn thiếu tính liên thông, quan hệ giữa giáo dục phổ thông và chuyên nghiệp, giữa đại học với cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Đào tạo về lý thuyết là cần thiết, nhưng yếu về mặt thực hành. Riêng về lý thuyết, còn chưa đủ tính hiện đại, đặc biệt trong thời kỳ mở cửa hội nhập hiện nay. Chưa quán triệt được chủ trương gắn giữa học với hành trong nội dung đổi mới.
Các sách giáo khoa, nói chung, chưa đạt được đầy đủ chuẩn mực đối với các cấp học phổ thông, có nội dung môn học “đại học hoá” trình độ phổ thông một cách không cần thiết, gây tâm trạng nặng nề đối với học sinh. Mới học tiểu học, học sinh đã phải học quá nhiều giờ (học thêm, học ở nhà), ảnh hưởng tới sức khoẻ, rất nhiều trẻ bị cận thị quá sớm. Các trường đại học thiếu nghiêm trọng các giáo trình đổi mới và các loại sách tham khảo về khoa học và công nghệ hiện đại (bao gồm sách dịch từ nước ngoài).
3- Hệ thống giáo dục quốc dân (GDQD) bị mất cân đối về nhiều mặt: về các loại hình trường và đội ngũ giáo viên, về cơ cấu phân luồng học sinh sau trung học, về cơ cấu tuyển sinh và cơ cấu đào tạo,… từ đó dẫn tới mất cân đối trong cơ cấu nguồn nhân lực (thày nhiều hơn thợ). Đối với học sinh hầu như chỉ có một con đường phát triển duy nhất là vào các trường đại học; chưa hình thành được đường nét hệ thống giáo dục kỹ thuật và nghề nghiệp từ thấp đến cao nhằm tạo nguồn nhân lực đủ các trình độ, đáp ứng kịp thời cho nhu cầu công nghiệp hoá, cho hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.
4- Việc cải cách, đổi mới hệ thống quản lý giáo dục được tiến hành chậm chạp, nhiều mặt trì trệ, không đồng nhịp với tốc độ cải cách hệ thống quản lý kinh tế, đã tạo ra lực cản đối với sự phát triển của cả hệ thống giáo dục.
5- Việc thể hiện quan điểm, triết lý trong giáo dục; nội dung chương trình - sách giáo khoa- thi cử; đội ngũ cán bộ, giáo viên; đầu tư và cơ chế sử dụng ngân sách Nhà nước và tiền đóng góp của dân thể hiện nhiều thiếu sót nghiêm trọng, cần được đổi mới một cách cơ bản.
II. Nguyên nhân của những tồn tại
Có nhiều ý kiến cho rằng, cơ chế thị trường và suy giảm đạo đức xã hội là nguyên nhân khách quan chính dẫn đến những bất cập trong GD-ĐT. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy rằng: Suy giảm đạo đức xã hội và tác động xấu của những mặt trái cơ chế thị trường tuy có ảnh hưởng, nhưng không phải là nguyên nhân quan trọng. Trái lại, chính những thiếu sót chủ quan trong giáo dục đã làm trầm trọng thêm sự suy thoái văn hoá và đạo đức xã hội, tạo điều kiện cho những mặt xấu của cơ chế thị trường phát triển và hạn chế phát huy những mặt tốt của cơ chế này.
Sau đây có thể nêu một số nguyên nhân chính:
1- Nguyên nhân quan trọng nhất là chưa quán triệt đầy đủ và chậm cụ thể hoá đường lối, quan điểm tổng quát về giáo dục của Đảng. Tư duy, triết lý giáo dục chính là chủ trương, đường lối, quan điểm tổng quát về giáo dục của Đảng, đã được trình bày trong các văn kiện Đại hội Đảng, Nghị quyết về GD-ĐT của Trung ương và trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam khá đầy đủ, toàn diện và cơ bản hợp lý. Điều bất cập chính là ở chỗ những tổ chức có trách nhiệm về GD-ĐT đã vừa không quán triệt đầy đủ, vừa không cụ thể hoá các chủ trương, quan điểm đó tới mức cần thiết và đúng đắn làm định hướng cho các lực lượng tham gia GD-ĐT thực hiện.
2- Luật giáo dục và Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam cho đến năm 2010 có nhiều vấn đề vẫn bỏ ngỏ, chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của kinh tế - xã hội trong nước, lạc hậu so với xu thế phát triển và đổi mới tư duy, triết lý giáo dục thế giới, thể hiện trong những vấn đề lớn sau:
- Chưa hoạch định rõ những chính sách và những khung biện pháp lớn đảm bảo phát triển cân đối giữa giáo dục tinh hoa và giáo dục cộng đồng, giữa giáo dục hàn lâm đỉnh cao và giáo dục kĩ thuật, nghề nghiệp ; đảm bảo giáo dục tư thục phát triển nhanh trong khi giáo dục công lập vẫn giữ được vai trò định hướng, nòng cốt, những chuẩn mực XHCN về GD-ĐT;
- Chưa thể chế hóa đầyđủ và có hệ thống chủ trương xã hội hóa giáo dục, mở rộng nhiều thành phần, nhiều loại hình, kể cả nước ngoài tham gia phát triển GD-ĐT; Bỏ cơ chế xin - cho chuyển sang cơ chế cung - cầu đến mức nào ? Chuyển cơ chế quản lý con người sang cơ chế quản lý công việc ; Dân chủ hóa học đường v.v… như thế nào cho thỏa đáng ?
- Chưa nêu rõ quan điểm chỉ đạo thông qua Luật và Chiến lược trong vấn đề mở cửa hội nhập, hợp tác trao đổi, tiến tới liên thông, bình đẳng với giáo dục thế giới và khu vực;
- Quan điểm, chính sách, biện pháp khung về mức độ chấp nhận vận dụng cơ chế thị trường vào giáo dục và vấn đề dịch vụ giáo dục lành mạnh chưa rõ ràng;
- Những mục tiêu về giáo dục con người Việt Nam mới, hiện đại, tương ứng với một xã hội tiên tiến, hiện đại, hướng tới một xã hội công nghiệp hóa, kinh tế tri thức… hiện mới được trình bày như sự mong ước, chưa có những biện pháp khung cải cách mạnh mẽ trong chiến lược giáo dục v.v…
3- Trình độ, năng lực tư vấn, chỉ đạo của nhiều cán bộ quản lý ngành GD-ĐT, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý cấp chiến lược, vĩ mô rất bị hạn chế ; khả năng tiếp thu, chuyển hóa đúng, kịp thời và sáng tạo chủ trương đường lối, quan điểm về giáo dục của Đảng và Nhà nước thành những biện pháp cụ thể theo kịp yêu cầu phát triển dân trí, nhân lực và nhân tài phục vụ CNH, HĐH đất nước còn yếu. Lãnh đạo ngành GD-ĐT còn né tránh đối đầu với những vấn đề thực tiễn đặt ra trong khi có những ý kiến cảnh báo của nhiều nhà khoa học, nhà giáo dục. Sự trì trệ trong đổi mới tư duy quản lí đã kéo dài thêm những bức xúc trong xã hội. Cơ quan quản lý dạy nghề bị thay đổi nhiều lần đã làm suy yếu cả hệ thống dạy nghề và đội ngũ giáo viên dạy nghề. Hệ thống đào tạo nhân lực hiện nay thực hiện theo mô hình hình nón lật ngược, trái với quy luật phát triển.
4- Sử dụng không hiệu quả, lãng phí đầu tư của Nhà nước và tiền đóng góp của dân; nên không những đã không tạo được bước chuyển biến đột phá về cải cách giáo dục, mà còn gây mất lòng tin trong dự luận xã hội.
III- Kiến nghị một số giải pháp
Trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật và với lòng chân thành mong mỏi đưa sự nghiệp GD-ĐT thoát khỏi tình trạng lạc hậu, chúng tôi thấy cần có một cuộc cải cách giáo dục triệt để, đồng bộ ở tầm quốc gia. Xin kiến nghị một số biện pháp trước mắt :
1- Đề nghị Quốc hội cân nhắc thật kĩ càng việc thông qua Luật Giáo dục sửa đổi trong khóa họp lần này, vì còn nhiều vấn đề quan trọng nổi cộm chưa được làm rõ, hoặc chưa kịp giải quyết thỏa đáng; đặc biệt cần nghiên cứu những quan điểm đổi mới triệt để đáp ứng đòi hỏi sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của đất nước, của thời đại, chứ không chỉ dừng ở một số cải cách cụ thể rời rạc.
Đổi mới tư duy và triết lý giáo duc, các quan điểm chủ đạo nhằm hiện đại hóa nền giáo dục nước nhà cần phải được thể hiện trong Luật Giáo dục. Việc này cần phải có thời gian để đúc rút kinh nghiệm.
2- Đề nghị Chính phủ nghiên cứu điều chỉnh lại chiến lược phát triển GD-ĐT 20 năm đã ban hành, có tính đến những ý kiến đóng góp của nhân dân, các nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý có tâm huyết, theo tinh thần đổi mới tư duy, triết lý làm giáo dục, nhận thức đầy đủ và đón đầu được sự phát triển của đất nước và thời đại.
3- Kiến nghị Nhà nước tiến hành cải cách ngay cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng gắn kết giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp, khắc phục những lệch lạc có tính chất hệ thống hiện tại; giải quyết tốt, hợp lí việc phân luồng, phân ban, liên thông mềm dẻo, linh hoạt trong toàn hệ thống, đảm bảo tính tương thích, đồng bộ với cơ chế, tốc độ và yêu cầu mục tiêu phát triển của nền kinh tế-xã hội.
4- Thành lập ủy ban GD-ĐT quốc gia là cơ quan giúp Chính phủ điều phối toàn bộ công cuộc cải cách toàn diện và triệt để giáo dục nước nhà. Trước mắt có thể giao cho ủy ban này thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:
- Chấn chỉnh ngay việc làm Chương trình sách giáo khoa còn thiếu hiệu quả và lãng phí như hiện nay.
- Tiến hành đánh giá một cách toàn diện và khách quan nền giáo dục quốc dân theo hệ thống các tiêu chí được xây dựng một cách nhất quán và khả thi.
- Kiểm tra một cách nghiêm túc toàn bộ vấn đề đầu tư, chi tiêu ngân sách Nhà nước và đóng góp của nhân dân cho Giáo dục. Xây dựng một cơ chế phân bổ và quản lí vốn đầu tư từ tất cả các nguồn khác nhau cho GD-ĐT.
5- Nhà nước cần khẳng định rõ ràng chủ trương vận dụng những mặt mạnh của cơ chế thị trường vào việc phát triển nền giáo dục, coi cơ chế thị trường như một trong nhiều công cụ tạo động lực mạnh để bổ sung cho các biện pháp kế hoạch hóa và vận dụng chính sách trong việc điều chỉnh cân đối giữa các mặt : quy mô - chất lượng - hiệu qủa. Coi cơ chế thị trường lành mạnh là một đòn bẩy đảm bảo cho quá trình hội nhập và phát triển tất yếu, có thể và cần phải vận dụng có chọn lọc, đảm bảo công bằng trong cạnh tranh giữa các tổ chức Giáo dục- Đào tạo trong và ngoài nước dưới sự quản lí một cách chính thức và chặt chẽ của Nhà nước.
6- Kiến nghị Chính phủ mạnh dạn cải cách cơ chế quản lí giáo dục theo hướng:
6.1. Trên cơ sở mạnh dạn phân cấp, phân quyền cho địa phương và cơ sở, Bộ GD-ĐT phối hợp cùng các Bộ và các tổ chức có liên quan xây dựng đường lối chiến lược, chính sách phát triển dài hạn ; xây dựng các quy chuẩn quốc gia về GD-ĐT, các tiêu chí phát triển và đánh giá… Tập trung làm tốt chức năng kiểm định, thanh tra, kiểm tra về GD-ĐT.
6.2. Trên cơ sở thống nhất về chuẩn mực của từng loại sách giáo khoa, Bộ GD-ĐT, các Bộ có liên quan, các tổ chức xã hội có thể cùng nhau hợp tác hoặc độc lập soạn thảo và xuất bản sách sử dụng cho học sinh, sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ…
6.3. Đổi mới tư duy về công tác lựa chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ cán bộ quản lý ngành GD-ĐT để có một đội ngũ cán bộ có chất lượng và hiệu quả.
Tóm lại, cần có một cuộc cải cách triệt để và toàn diện về GD-ĐT thì mới có thể góp phần hội nhập quốc tế đạt hiệu quả cao. Để có thể thực hiện cuộc cải cách này đến năm 2010 và các năm tiếp theo, cần có một tổ chức nghiên cứu. Nếu được Chính phủ tin cậy, Liên hiệp các hội khoa học và kĩ thuật Việt Nam sẵn sàng nhận một phần nhiệm vụ nghiên cứu việc cải cách GD-ĐT này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận