17/12/2003 06:03 GMT+7

Một sinh viên "ngoại hạng"

ĐẶNG TƯƠI
ĐẶNG TƯƠI

TT - Người sinh viên VN 21 tuổi này vừa nhận được hai vinh dự lớn: Giải thưởng “SV ưu tú nhất” của Hiệp hội Những nhà nghiên cứu tin học Mỹ (Computing Research Association - CRA) và được kết nạp vào Phi Beta Kappa - Hiệp hội Học thuật đầu tiên và danh tiếng nhất nước Mỹ.

C45c0TKI.jpgPhóng to
Vũ Duy Thức
TT - Người sinh viên VN 21 tuổi này vừa nhận được hai vinh dự lớn: Giải thưởng “SV ưu tú nhất” của Hiệp hội Những nhà nghiên cứu tin học Mỹ (Computing Research Association - CRA) và được kết nạp vào Phi Beta Kappa - Hiệp hội Học thuật đầu tiên và danh tiếng nhất nước Mỹ.

“Rõ ràng là ngoại hạng”

Hẳn nhiều người trong giới công nghệ thông tin trong nước và nước ngoài đã chú ý đến Vũ Duy Thức khi bạn giành giải nhất cuộc thi Tin học THPT toàn quốc năm 1999 lúc đang là HS lớp 11 Trường phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), giải nhất cuộc thi Tin học quốc tế mùa xuân 2001 ở Mỹ và giải nhất cuộc thi Tin học toàn quốc Mỹ năm 2001.

Một giáo sư của ĐH Carnegie Mellon đã nhận xét về người học trò của mình: “Simply off the scale, far off the scale” (rõ ràng là ngoại hạng, vượt hơn hẳn những thước đo thông thường) - theo thông tin từ mạng CRA. Thức hiện là SV năm 3 của ĐH Carnegie Mellon (CMU - một trong ba trường ĐH hàng đầu thế giới về công nghệ thông tin, theo xếp hạng của tạp chí U.S. News and World Report).

Liên tiếp ba năm, Thức đạt điểm tuyệt đối (4.0) tất cả các môn học, liên tục được ghi tên vào bảng danh dự của trường. Bạn thể hiện mình bằng nhiều công trình nghiên cứu về trí thông minh nhân tạo (artificial intelligence), đặc biệt cho khía cạnh tác nhân thông minh (intelligent agents).

Trong đó Thức đã phát minh một loạt những kỹ thuật dùng để thiết kế những hệ thống đa tác nhân (multiagent system) dựa trên một giải pháp mới giúp hệ thống hoạt động hiệu quả trong thời gian tối ưu. Chẳng hạn nó có thể hỗ trợ những nhà thiết kế phần mềm trao đổi thông tin hiệu quả hơn.

Cùng với một số SV khác, Thức đã xây dựng một môi trường ảo để đánh giá hiệu năng những kết cấu liên hợp khác nhau (ví dụ môi trường làm việc nhóm) trong những tình huống phức tạp và đầy biến động. Thức còn có một dự án khác: xây dựng hệ thống mô phỏng và tối ưu hóa dùng cho các bài toán lý thuyết tối ưu.

Thức đã công bố công trình nghiên cứu của mình tại hội nghị ACG Workshop lần 3. Năm 2003, bạn là người được trao học bổng với tư cách người trẻ tuổi nhất tham dự và báo cáo công trình tại Hội nghị quốc tế AAMAS (International Conference on Autonomous Agents and Multiagent Systems) ở Melbourne, Úc, trước các nhà khoa học hàng đầu thế giới. Đề tài khoa học của Thức là một trong số các báo cáo được xuất bản. Thức cũng sẽ là tác giả chính của một đề tài khoa học cho hội nghị AAMAS 2004.

Hiệp hội Những nhà nghiên cứu CNTT Mỹ đã trao giải thưởng “Sinh viên ưu tú nhất” vùng Bắc Mỹ năm 2004 cho một SV VN là Vũ Duy Thức không chỉ vì anh học giỏi mà còn vì anh đã sáng lập và là chủ tịch Hội SV VN tại CMU. Đây là kết quả từ cuộc tuyển lựa với cả trăm ứng cử viên (tất cả các trường ĐH nổi tiếng của Mỹ và Canada đều đề cử mỗi trường hai SV).

GS Randal E.Bryant - cố vấn công nghệ thông tin cho tổng thống Mỹ, trưởng khoa công nghệ thông tin CMU - trong lá thư chúc mừng Thức đã viết: “Bạn là SV đầu tiên của CMU nhận được giải thưởng. Thành quả này rất đáng trân trọng”. GSTS Vương Thanh Sơn - ĐH British Columbia - cũng cho biết từ khi hiệp hội thành lập năm 1972, đây là SV VN đầu tiên có vinh dự này.

Cuối tháng 11-2003, Phi Beta Kappa đã mời Thức gia nhập. Thành lập năm 1776, đây là hiệp hội học thuật đầu tiên và danh tiếng nhất nước Mỹ, trong đó có những thành viên xuất chúng như nhà bác học Clifford Shull - giải Nobel vật lý, John Nash - giải Nobel kinh tế năm 1994 và 17 vị tổng thống Mỹ...

Từ trong giấc mơ cổ tích

Ngày còn bé, cứ mỗi dịp Giáng sinh về hai anh em của Thức lại viết thư gửi... ông già Noel. “Ông già” không ai khác chính là ba mẹ Thức đã tìm mua cho kỳ được những món quà mong ước, “đánh rơi” dưới cây Noel trong vườn nhà để hai đứa con mình nhặt được. Nhưng một lần Thức xin ông già Noel “cho con có một chiếc ống nhòm để nhìn thấu những gì bên trong cung trăng” thì ba mẹ Thức đành... chịu - mẹ của Thức xúc động nhớ lại.

Nhắc lại kỷ niệm này, Thức cười (qua mạng): “Bây giờ mình đang có một mong ước khác mà không biết có phải chuyện cổ tích hay không? Mong thấy được những robot thay thế, hỗ trợ con người trong những công việc nguy hiểm như chữa cháy, cứu hộ hoặc gỡ mìn chẳng hạn”.

Mong ước nhưng thật sự những ngày này bạn đang hết sức bận rộn, cứ vài ngày lại thức trắng một đêm, cho một dự án mới nhất của mình. Thức đang xây dựng một hệ thống tự động hóa việc lập trình các tác nhân. Hệ thống này sẽ tự động viết một chương trình máy tính dựa trên ý tưởng thiết kế của người sử dụng.

Nhiệm vụ của Thức là “lập trình trí tuệ” vào những robot (hệ thống tự động hóa) để chúng không chỉ linh hoạt về cơ khí mà còn có khả năng dự đoán những tình huống có thể xảy ra, từ đó đưa ra những quyết định chính xác và hiệu quả. Đây là đề tài luận văn tốt nghiệp của Thức, lấy ý tưởng từ một đề tài nghiên cứu về robot chơi bóng đá.

Chia tay Thức trên mạng, người chơi vị trí tiền vệ trong đội bóng đá của trường cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi đề tài hệ thống tự động hóa khi học chương trình tiến sĩ mà Thức được quyền chọn lựa trường để học thẳng không cần qua chương trình thạc sĩ.

ĐẶNG TƯƠI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên