Một buổi họp nhóm chuyên môn tham vấn tâm lý định kỳ của dự án “Một giờ lắng nghe” - Ảnh: HOÀNG MINH
Khởi động từ tháng 7-2018, dự án Một giờ lắng nghe do nhóm bạn trẻ PsyHub ở Hà Nội (còn gọi là Nhóm thực hành tham vấn tâm lý) thực hiện đã giúp đỡ hàng trăm bạn trẻ gặp vấn đề về tâm lý, phần lớn đến từ cảm giác cô đơn, căng thẳng trong cuộc sống, các mối quan hệ...
Dự án này tạo cơ hội miễn phí tham vấn, trị liệu tâm lý cho các bạn trẻ ở độ tuổi từ 15-24.
“Dự án tham vấn trị liệu tâm lý giúp người khác tự giúp đỡ chính bản thân họ, chỉ ra cho họ cần phải làm gì với cuộc đời mình.
Thạc sĩ tâm lý Phạm Lê Hoàng Minh
Lắng nghe và chấp nhận
Một cô học sinh lớp 11 ở Hà Nội gõ cửa dự án Một giờ lắng nghe. Cha mẹ lục đục, thường xuyên bạo hành, cô chứng kiến mọi chuyện. Cô đến vì lo cho đứa em, sợ em sẽ gặp cú sốc về tâm lý như cô đang chịu đựng mỗi ngày.
Thạc sĩ tâm lý Phạm Lê Hoàng Minh, giám đốc PsyHub, cho biết đó là một trong hàng trăm trường hợp nhận được sự giúp đỡ của dự án Một giờ lắng nghe. Riêng năm 2018, khoảng 400 trường hợp bạn trẻ được tham vấn trị liệu tâm lý.
Theo anh Minh, người trẻ hiện thường xuyên gặp các vấn đề, như xung đột với cha mẹ, với các mối quan hệ xã hội. Cũng bởi ở giai đoạn vị thành niên, các bạn trẻ bộc lộ bản thân một cách mạnh mẽ nhất, và dần tách ra khỏi gia đình. Họ gặp nhiều rắc rối, đây cũng là giai đoạn họ cảm thấy cô đơn và cần sự hỗ trợ nhất.
Tùy vào mức độ vấn đề, nếu đơn giản là bị stress, căng thẳng, gặp các biến cố trong cuộc đời hay chia tay người yêu..., khi được tham vấn sẽ lựa chọn phương án giải quyết tối ưu.
Nhưng nếu trường hợp bị kéo dài, lặp đi lặp lại mà không được giải quyết sớm sẽ gặp các vấn đề trầm cảm, lo âu, thậm chí vấn đề phức tạp sẽ kéo dài mãi về sau.
"Nghe đến tham vấn tâm lý, mọi người nghĩ ngay đến việc gặp các chuyên gia nói ra vấn đề của mình và nhận được lời khuyên, lời chỉ dẫn. Thực tế công việc không đơn giản như vậy. Bước đầu tiên, chúng tôi tạo không gian an toàn, tin cậy để thân chủ (người gặp vấn đề - PV) chia sẻ, và người tham vấn lắng nghe. Điều này lý giải vì sao có tên dự án Một giờ lắng nghe, thân chủ cảm nhận được sự nâng đỡ về mặt tinh thần khi được lắng nghe.
Thứ hai cũng là nguyên tắc của hỗ trợ tham vấn tâm lý là giá trị của sự chấp nhận. Bất kể thân chủ có gây ra chuyện gì, trải nghiệm điều kinh khủng ra sao, đến đây họ không bị phán xét" - thạc sĩ Hoàng Minh chia sẻ.
Mỗi năm dự án Một giờ lắng nghe chia thành hai kỳ hỗ trợ, gọi là kỳ xuân và kỳ thu. Trước mỗi kỳ, dự án khởi tạo sự kiện trên Facebook, các bạn trẻ gặp vấn đề về tâm lý đăng ký vào biểu mẫu, xác nhận thông tin về các khung giờ rảnh.
Trung bình mỗi ngày, dự án tham vấn cho 5 ca. Sau mỗi giờ tham vấn đều có đánh giá, phản hồi.
Liệu một giờ có đủ?
Trong ngành tâm lý có "Huyền thoại 50 phút" được coi là buổi tham vấn tiêu chuẩn. "Tuy nhiên ở Việt Nam, câu chuyện chào hỏi, xây dựng mối quan hệ chiếm 2/3 thời gian, nói chưa xong câu chuyện thì đã hết giờ. Cho nên thực tế một buổi tham vấn kéo dài 90 phút, trong đó lắng nghe ở phần đầu khoảng một giờ và phần sau kéo dài thêm 30-45 phút trao đổi, tháo gỡ vấn đề" - anh Minh cho biết.
Không chỉ vậy, nhiều bạn trẻ cũng băn khoăn "liệu mình có bị lừa" không với một dự án tham vấn hoàn toàn miễn phí. Nhưng ngay trong tuần đầu tiên mở dự án, đã có khoảng 200 đơn đăng ký tham vấn.
Nhóm bạn trẻ cho biết "rất thận trọng" với việc thương mại hóa. Bên cạnh dự án xã hội Một giờ lắng nghe, các bạn còn tổ chức các sự kiện có liên quan đến tâm lý có thu phí, mở khóa học tâm lý hay khóa học tiếng Anh chuyên ngành, tổ chức tham vấn nhóm (cho cặp đôi, gia đình)... để tạo ra nguồn thu trang trải cho dự án.
Hiện nay, dự án đào tạo gần 30 người trẻ có thái độ đúng đắn về tham vấn tâm lý, được bồi dưỡng chuyên môn để giúp đỡ những người trẻ đang gặp vấn đề về tâm lý.
Chuẩn bị kết thúc đợt tham vấn kỳ xuân, các bạn trẻ sẽ có thời gian nghỉ ngơi, bồi dưỡng chuyên môn để tiếp tục nhận đơn đăng ký cho kỳ thu tham vấn mở vào tháng 9.
Dự án còn dự định mở các hoạt động bên lề cho các phụ huynh nhằm cải thiện tương tác trong gia đình, cũng bởi "vấn đề của con đôi lúc xuất phát từ chính nguyên nhân là cha mẹ".
Người đi trước hỗ trợ người đi sau
Từng có công việc ổn định ở cơ quan nhà nước, thạc sĩ tâm lý Phạm Lê Hoàng Minh cho biết anh "bỏ ngang" vì luôn trăn trở phải làm đúng công việc của mình. Cho đến nay, anh Minh đã có 10 năm gắn bó với công việc tham vấn tâm lý, có những ngày làm việc ở cường độ cao từ 12-15 giờ nhưng anh nói vẫn tràn trề năng lượng, không bị mệt mỏi.
"Công việc có phần "độc hại" nghề nghiệp, vì người tham vấn phải đối diện với cảm xúc của thân chủ, đối diện với những tình huống đau khổ. Do đó, chúng tôi phải thường xuyên luyện tập, có hoạt động giám sát là những người đi trước hỗ trợ người đi sau, không chỉ về chuyên môn mà còn nâng đỡ tinh thần cho chính người tham vấn" - thạc sĩ Minh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận