![]() |
Không biết ý nghĩa thâm thúy của câu ngạn ngữ trên là như thế nào. Người hay trích dẫn là Phan Cẩm Thượng cũng không biện giải. "Viết một cuốn sách là giết chết một cái cây" - theo suy đoán thô thiển của tôi thì như thế này: "Để in một cuốn sách phải hạ một cái cây làm giấy". Một cuốn sách - một cái cây là nói theo nghĩa tượng trưng, vì sách có sách dày sách mỏng, cây có cổ thụ có măng non. Nếu nghĩa thực dụng của câu ngạn ngữ là vậy hóa ra cánh viết lách lâu nay... đốn cây cũng bộn.
Nếu đổi một cái cây để có một cuốn sách hay thì không nói làm gì, nhưng thực tế sách hay không nhiều. Sách vô thưởng vô phạt thì tràn ngập. Sở dĩ có chuyện như vậy là bởi hiện nay để in một cuốn sách dường như không khó khăn gì, ai có tiền mua giấy phép, đóng nhà in là xong ngay. Các nhà xuất bản chỉ "yêu cầu cao" với loại sách kế hoạch A - sách do nhà xuất bản tự kinh doanh. Còn sách liên kết thì cứ tạm tạm, "sạch nước cản" là được. Như thế là có nhiều cây đã bị đốn oan bởi "phục vụ” những cuốn sách không có giá trị.
Cũng khó mà trách các nhà xuất bản vì họ đâu phải cơ quan kiểm lâm là kiểm soát việc... đốn cây (!). Với lại họ cũng cần có tiền để sống. Câu khách dễ dãi nhưng là sách bán chạy, sách hay mà ế thì kinh doanh làm gì (?!).
Cái thực tế xót xa, hài hước trong xuất bản, làng văn này cũng vừa được đưa lên phim. Đó là bộ phim Vòng nguyệt quế đang phát trên VTV1 lúc 20g10 mỗi tối. Chuyện có anh chàng thi sĩ trẻ được xem là tài năng của văn đàn, có ông chủ nhà sách trẻ trân trọng in giúp tập thơ. Thế nhưng sách in ra ế chỏng chơ, nằm trơ trong những thùng cactông ngoài vỉa hè. Trong khi đó, một tập thơ văn nhí nhố gì đấy lại bán chạy như tôm tươi, được nâng niu trìu mến đặt trên giá sách sang trọng.
Anh chàng thi sĩ tài năng đau đớn đã đành, ngay cả ông chủ nhà sách cũng xót xa không kém. Xem ra những cuốn sách như thế không chỉ đốn cây mà còn đốn một cái gì đấy trong lòng người. Nhưng phải thông cảm là kinh doanh không thể đi ngược lại thị trường.
Thị trường giấy đang có những biến động lớn. Giá giấy in báo đầu năm là 11 triệu đồng/tấn, bây giờ đã lên 17 triệu đồng/tấn. Còn giấy in sách thì kinh khủng hơn, cách đây ba tháng khoảng 16 triệu đồng/tấn, hiện nay là 23 triệu đồng/tấn. Dự đoán giá giấy còn tăng cao nữa. Các cơ quan báo chí, nhà xuất bản đang lo sốt vó vì thiếu giấy in, mai mốt có khi sẵn tiền mà không có giấy mua. Nhưng quan sát thì thấy cánh viết lách vẫn vô tư in sách.
Thật ra câu ngạn ngữ trên tuy hay nhưng cũng hơi phiền. Trước hết là phiền với chính bản thân người viết khi có hai bản thảo chuẩn bị in, nhưng nghĩ văn chương mình làng nhàng, nếu in hai cuốn sách có nghĩa đã... đốn hai cái cây. Tiếc quá. Nghĩ vậy nên thôi. Có lẽ phải chờ, ít nhất là khi giá giấy hạ nhiệt trở lại và bản thảo mình hay dần lên mới tính chuyện in.
Như thế, câu chuyện "viết một cuốn sách là giết một cái cây" không chỉ là chuyện bảo vệ môi trường tự nhiên, hay là câu chuyện về quốc sách tiết kiệm, mà nó còn là thể hiện tinh thần sống, cách ứng xử đẹp với thiên nhiên, cộng đồng. Hay nói đơn giản hơn đó là sự đòi hỏi một công bằng nho nhỏ: một cuốn sách phải xứng với một cái cây (!).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận