03/05/2004 06:54 GMT+7

Một "cuộc chơi" không minh bạch

N.V.HẢI
N.V.HẢI

TT - Dự án tăng cường năng lực dạy nghề trị giá 15 triệu USD được triển khai bằng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhưng lại có quá nhiều vấn đề...

aRT9expF.jpgPhóng to

Trong đó có phần cung cấp trang thiết bị phục vụ giảng dạy, đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực công nghệ thực phẩm, chế biến cà phê, trồng trọt... Tuy nhiên trong quá trình thực hiện - ngay từ khâu đấu thầu - đã nổi lên hàng loạt vấn đề khiến những nhà thầu không khỏi bối rối, thậm chí ngay người thụ hưởng dự án cũng phải bức xúc lên tiếng...

Những sự mập mờ không nên có...

Nằm trong dự án lớn trên, dự án cung cấp thiết bị giảng dạy, đào tạo cho một số trường đại học, cao đẳng ở VN (gọi tắt là dự án 3EADB01, trị giá hơn 3 triệu USD) gồm ba lô thầu nhỏ: lô “cung cấp, chuyển giao và lắp đặt thiết bị cho ngành trồng trọt” (ký hiệu P005); lô “chế biến cà phê” (P006) và lô “công nghệ thực phẩm” (P007). Ban quản lý dự án đặt tại Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - thương binh & xã hội), do tổng cục trưởng Đỗ Minh Cương làm chủ dự án và ông Nguyễn Kim Phương làm giám đốc điều hành. Sau khi dự án này được mời thầu công khai trên báo chí, có chín nhà thầu trong nước và quốc tế đăng ký tham gia, trong đó có Công ty Nguyen Technologies & Electrical Equipment (viết tắt là NTE), trụ sở đặt tại Nova Scotia, Canada, do ông Nguyễn Khắc Hiếu - một người Canada gốc Việt - làm chủ tịch.

Trong số này, thay vì được sơ tuyển để qua vòng lựa chọn tiếp theo, NTE đã bị loại bỏ không thương tiếc với vô số lý do ban dự án đưa ra, trong đó có việc NTE “không đủ những giấy tờ pháp lý cần thiết”. Theo thư của ông Nguyễn Kim Phương, giám đốc dự án, gửi NTE ngày 3-10-2003, hội đồng chấm thầu đã quyết định bác các thư của Công ty kế toán Dockrill Horwich Rossiter (Canada) và của Công ty NTE về việc xin nộp trễ bản kê khai tài chính của NTE. Lý do, theo ông Phương, vì các thư này gửi đến hội đồng chấm thầu quá muộn (ngày 18-8 và 25-9-2003), khi mà hội đồng “gần như đã hoàn tất công việc”. Sự thật không hoàn toàn như vậy...

Theo hướng dẫn của hồ sơ mời thầu do chính ban dự án phát hành nêu rõ, “nếu là công ty đăng ký dưới dạng cá nhân hoặc hợp doanh thì có thể nộp bản khai do công ty kế toán có đăng ký hành nghề làm và có bản sao của tờ nộp thuế, nếu luật lệ của nước nhà thầu không cần bản kê khai có kiểm định”. Ngay từ ngày 4-6-2003 (13 ngày trước khi mở thầu), theo yêu cầu của NTE, Công ty kế toán Dockrill Horwich Rossiter đã có thư gửi ban dự án xác nhận họ là đơn vị thực hiện bản kê khai kế toán hằng năm cho NTE và thông báo bản khai tài chính năm 2002 “đang tiến hành và sẽ kết thúc vào 30-6-2003” theo luật lệ của Canada (năm tài khóa kết thúc vào cuối tháng sáu hằng năm).

Bản thân NTE ngày 10-6 cũng có thư gửi ban dự án trình bày khó khăn khách quan này và cam kết sẽ nộp ngay sau khi bản kê khai hoàn tất. Ban dự án - không hiểu cố tình hay vô ý - chỉ đề cập đến hai lá thư gửi sau ngày 17-6 mà bỏ qua thư của công ty kế toán và NTE từ trước thời điểm mở thầu 1-2 tuần (?).

Ngày 15-10, ban dự án chính thức gửi thư thông báo bác hồ sơ của nhà thầu NTE. Phía NTE rất bối rối và tiếp tục gửi thư yêu cầu ban dự án “giải thích rõ lý do tại sao hồ sơ thầu của chúng tôi bị loại”. Thật bất ngờ, ngày 10-11, một bức email với nội dung khá “nặng nề” gửi tới hòm thư riêng của chủ tịch NTE, nơi gửi là procurementdivision2002@yahoo.com (địa chỉ email của ban dự án ghi trong hồ sơ mời thầu). Trong thư, người nào đó của ban dự án đã thẳng thừng nói rõ “chủ thầu được quyền chấp thuận hoặc khước từ bất kỳ hồ sơ thầu nào mà không có một trách nhiệm gì với nhà thầu”, và “chúng tôi đồng ý với hội đồng chấm thầu là không thể nào chấp nhận hồ sơ thầu của ông (NTE)”.

Người “trong cuộc” nói gì?

Ngày 28-4, phóng viên Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện với một người “trong cuộc” - ông Lê Đức Lợi, chủ nhiệm khoa chế biến nông sản thực phẩm, Trường cao đẳng Nông lâm trung ương, một thành viên của hội đồng chấm thầu. Ông Lợi tham gia ban dự án theo giới thiệu của hiệu trưởng Trường cao đẳng Nông lâm một phần vì ông là người hiểu rõ nhu cầu thiết bị phục vụ đào tạo của trường, phần vì bản thân ông là giảng viên thuộc ngành chế biến lương thực, thực phẩm - nơi sẽ tiếp nhận, vận hành các thiết bị.

Theo ông Lê Đức Lợi, ngày 26-6-2003 ông có quyết định cử tham gia tổ tư vấn đánh giá hồ sơ thầu nhưng đợi mãi không thấy giấy thông báo trong khi tổ chấm thầu đã làm việc. Sốt ruột, từ Bắc Giang ông gọi điện xuống hỏi ban dự án, lúc ấy mới được người ta fax cho bản quyết định. Ông kể lại: “Khi tôi đến chấm thầu, một số thành viên đã chấm xong. Ngạc nhiên nên tôi thắc mắc: là một thành viên chính, đồng thời cũng là đại diện nơi sau này sẽ tiếp nhận, sử dụng các thiết bị, sao tôi lại không được tham gia từ đầu?”.

Bước vào làm việc (suốt 10 ngày), ông Lê Đức Lợi phát hiện một số vấn đề và đem hỏi ban dự án. Thứ nhất, ông băn khoăn “tại sao trong chấm thầu không dùng tiêu chí catalogue là căn cứ chính”. Ban dự án nói rằng trong hồ sơ thầu không đòi hỏi, không cần thiết mà chỉ là tài liệu tham khảo. Điểm thắc mắc thứ hai của ông Lợi đó là cần phải xem xét các tiêu chí kỹ thuật của tất cả nhà thầu rồi sau đó mới xem xét đến tiêu chí pháp lý đạt hay không. “Trong hồ sơ của năm nhà thầu (thuộc gói thầu P007) có hai nhà thầu ban dự án chỉ cho chúng tôi xem mà không cho chấm, nói rằng các nhà thầu này bị loại vì tiêu chí pháp lý rồi”, ông Lợi hé mở.

Một vấn đề nữa ông Lợi cũng băn khoăn, đó là trong quá trình chấm thầu có nhiều phần giá vượt quá cao. “Một nhà kính giá trần chúng tôi đặt ra là 280.000 USD, có nhà thầu đặt giá 280.000 USD thì bị loại, trong khi có nhà thầu nâng giá lên 560.000 USD lại vẫn được xem xét mặc dù các tiêu chí đều như nhau”, ông Lê Đức Lợi kể với phóng viên. Ông được người ta giải thích “giá này nằm trong một tổng thể chung...” (!?).

Nhưng đó chưa phải là tất cả. Ngày 23-10-2003, giám đốc dự án Nguyễn Kim Phương có công văn giới thiệu hai đại diện của nhà thầu Europ Continent đến gặp Trường cao đẳng Nông lâm để... thương lượng. Theo công văn này (số 642), ông Phương thông báo Bộ LĐ-TB&XH đã có quyết định trao thầu cho công ty trên, nhưng “trong hồ sơ dự thầu của nhà thầu này có một số thiết bị - trong đó có hai thiết bị sẽ cung cấp cho trường - được coi là chưa đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu”.

Chưa hết, ban dự án còn đề nghị thẳng với trường “xem xét lại cả hai thiết bị có thật sự cần mức độ lớn và hiện đại như vậy không”. Sau cùng, ban dự án cũng “lòi đuôi” khi đứng ra thay mặt nhà thầu Europ Continent đề nghị trường xem xét “có thể thay thế những thiết bị này bằng những thiết bị có yêu cầu kỹ thuật thấp hơn mà vẫn phù hợp yêu cầu đào tạo của trường không”.

Sau nhiều lần thương thảo không thành, ban dự án đã tác động thẳng đến ban giám hiệu Trường cao đẳng Nông lâm để “ép” trường phải chấp nhận máy thử (để phân tích nước tiểu, phân trong ngành thú y) một kênh (thay vì 10 kênh). Hiện trong tay chúng tôi đang có lá thư của ông Nguyễn Khắc Hiếu, chủ tịch NTE, gửi đích danh ông Young Baek Lee - một quan chức của ADB tại trụ sở ở Philippines ngày 19-4-2004. Trong lá thư này, chủ tịch NTE trình bày toàn bộ nội dung cuộc làm việc giữa ban dự án và NTE ngày 5 và 6-4, đặc biệt cuộc gặp riêng giữa chủ tịch NTE và ông Đỗ Minh Cương tại phòng riêng của ông Cương.

Tại cuộc gặp, theo lá thư viết, ông tổng cục trưởng Cương đã gợi ý NTE nên “im lặng để đổi lấy những gói thầu tiếp theo”, hoặc là ông này “sẽ gửi thư đến tất cả cơ quan của Chính phủ để nhắc họ không hợp tác làm ăn với NTE”. Và việc phái đoàn thuộc bộ phận “chống tham nhũng” của ADB sang VN để điều tra sự việc, theo NTE, là do chính công ty này yêu cầu.

N.V.HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên