28/02/2004 12:16 GMT+7

Một công trình về văn học miền Nam

NGUYÊN THANH
NGUYÊN THANH

TTCN - Nhiều người cho rằng miền Nam - Đàng Trong - hình như không có duyên lắm với văn chương như đất Thăng Long - Đàng Ngoài - ngàn năm văn vật, nên con số những nhà văn gốc gác Đàng Trong xem chừng không nhiều lắm.

Li1eGSGg.jpgPhóng to
TTCN - Nhiều người cho rằng miền Nam - Đàng Trong - hình như không có duyên lắm với văn chương như đất Thăng Long - Đàng Ngoài - ngàn năm văn vật, nên con số những nhà văn gốc gác Đàng Trong xem chừng không nhiều lắm.

Từ Dương Văn An (1514-1591), Đào Duy Từ (1572-1634), Nguyễn Khoa Chiêm (1659-1763), Nguyễn Hữu Hào (...-1713) đến Tùng Thiện Vương (1819-1870), Tuy Lý Vương (1820-1897), Đào Tấn (1845-1907) rồi các tác giả văn học cuối thế kỷ 20 so với miền Bắc thật ít ỏi! Nhưng thực tế lại khác hẳn. Bộ sách Văn học miền Nam (*) đã chứng minh điều đó.

Trong văn học VN người ta ít nói đến “văn học địa phương” (tạm dịch “littérature régionaliste” của Pháp), nhưng khi đọc kỹ các nhà văn miền Nam từ Nguyễn Thông, Nguyễn Đình Chiểu, Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Trọng Quản, Hồ Biểu Chánh... đến Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam ta lại thấy các nhà văn này có thể tiêu biểu cho hai xu hướng của văn học miền Nam.

Nếu Sơn Nam chỉ với Hương rừng Cà Mau chẳng hạn vẫn được xem là nhà văn của miền Tây Nam bộ (bây giờ gọi là đồng bằng sông Cửu Long) thì Bình Nguyên Lộc, Huỳnh Văn Nghệ, Lý Văn Sâm... với nguồn gốc địa lý của mình, với môtip truyện, nhân vật, khung cảnh trong tác phẩm... đúng là những cây bút của xứ đất đỏ miền Đông, của đất Sài Gòn.

Trước đây, khi chọn truyện ngắn Không trốn nữa để đăng trên Tuần San Thế Giới, nhà văn Dương Tử Giang (1918-1956) đã có nhận xét như thế về Huỳnh Văn Nghệ, về Bình Nguyên Lộc... Và khác với các nhà văn đất Thăng Long, những người cầm bút miền Nam mỗi ngày mỗi đào sâu cái “địa phương” của mình để trở thành những nhà văn của vùng đất mới, những nhà Nam bộ học, thậm chí các sử gia, học giả.

Cái mốc khởi đầu cho văn học Đàng Trong - miền Nam - được bộ sách ấn định từ Dương Văn An (với sự ra đời của Nguyễn triều khai quốc công nghiệp diễn chí), Nguyễn Khoa Chiêm cho đến các tác giả sinh vào các năm 1944-1945; và về mặt địa lý trải dài từ sông Gianh đến tận Cà Mau.

Về các tác giả mở đường cho tiểu thuyết miền Nam - cũng là mở đường cho tiểu thuyết VN, sách không chỉ đề cập đến Truyện thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản (1887) và các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh (1912) mà còn giới thiệu nhà văn Huỳnh Thị Bảo Hòa ở Đà Nẵng với Tây phương mỹ nhân (1927) cũng như hàng loạt tác giả mà lớp bụi thời gian đã phủ dày: Dương Minh Đạt với Anh hùng ba mặt (1927), Trường tình bí mật (1929 - viết về cuộc đời sóng gió của nhà yêu nước Nguyễn An Ninh), Nguyễn Ý Bửu với Cô Ba Trành, Sơn Vương (1909-1994) - “ông chúa đảo Côn Lôn quốc” với hàng chục tác phẩm trong đó có bộ hồi ký Màu hoa nước mắt và các tiểu thuyết xã hội của một người tù có 78 năm tù biệt xứ, và không thiếu các nhà văn có mặt trên diễn đàn văn học miền Nam cuối thế kỷ 20.

Bên cạnh đó sách còn giới thiệu các tiểu thuyết gia, các học giả viết bằng tiếng Pháp như Phạm Duy Khiêm (1907-1974), Trương Văn Chình (1908-1983), Cung Giũ Nguyên (1909), Phạm Văn Ký (1910-1992), Bùi Xuân Bào (1916-1991), Trần Minh Tiết (1917)...

Công việc gạn lọc để tìm cách lưu giữ tác phẩm của các tác giả miền Nam trong một bộ sách dày hơn 5.000 trang là tin mừng đối với những người thích ôn cố.

_________________

(*) Nguyễn Q. Thắng biên soạn, nhà xuất bản Văn hóa - thông tin, gồm bốn tập, mỗi tập dày trên dưới 1.500 trang, khổ 16x24cm.

NGUYÊN THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên