04/06/2011 00:01 GMT+7

Môn địa lý: hạn chế học vẹt

P.ĐIỀN - H.HƯƠNG
P.ĐIỀN - H.HƯƠNG

TT - Đề hay, mang tính tư duy, hạn chế lối học vẹt, đồng thời hạn chế việc sử dụng “phao” của HS - đó là nhận xét của cô Phạm Thị Châu Thủy, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM, về đề thi tốt nghiệp THPT môn vật lý. Cô Trần Thị Thái - tổ trưởng tổ địa lý Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM - cho rằng đề thi năm nay là có hướng đổi mới, được giáo viên và học sinh đồng tình, vì thí sinh không phải học thuộc lòng quá nhiều, cứ học - hiểu là làm bài tốt.

* Đề thi hệ giáo dục thường xuyên: đòi hỏi khả năng suy luận

Thầy Đặng Quang Quỳnh, giảng viên chính Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhận định đề thi rõ ràng, kiểm tra đánh giá kiến thức toàn diện về địa lý thiên nhiên, địa lý dân cư, địa lý kinh tế, kinh tế ngành và kinh tế vùng. Các câu hỏi lý thuyết không đơn thuần kiểm tra kiến thức có tính chất thuộc lòng mà còn đòi hỏi kỹ năng vận dụng kiến thức. Các câu hỏi kiểm tra kỹ năng có tính chỉ định cụ thể, không đánh đố. Còn theo thầy Phạm Văn Chiểu - tổ trưởng tổ sử - địa - GDCD Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, TP.HCM, đề ra theo hướng vận dụng kỹ năng nhiều. Đề không khó nhưng đạt yêu cầu phân loại HS. HS có thể đạt mức 5-7 điểm nhưng điểm cao hơn sẽ không nhiều.

Cô Trần Thục Oanh - tổ trưởng tổ địa lý Trường THPT Võ Thị Sáu, TP.HCM - cho rằng đề thi này là một động lực khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy và yêu cầu học sinh phải thay đổi cách học: từ những kiến thức cơ bản phải biết tổng hợp, suy luận, phân tích... Nhiều giáo viên cùng nhận định với đề này nếu thí sinh không cẩn thận, đọc không kỹ yêu cầu của đề sẽ rất dễ mất điểm trong từng nội dung của các câu hỏi. Học sinh giỏi có khả năng đạt 8 điểm, khó có thể đạt điểm 9-10.

* Về đề thi tốt nghiệp môn địa lý hệ giáo dục thường xuyên, thầy Đặng Quang Quỳnh nhận xét đề nhẹ hơn so với đề thi tốt nghiệp THPT. Các câu hỏi rõ ràng, rải đều chương trình. Tuy nhiên, thầy Lữ Thanh Trước - giáo viên môn địa lý Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, TP.HCM - cho rằng mặc dù tỉ lệ nội dung đề thi giữa phần vận dụng kiến thức và phần học thuộc bài vẫn là 50/50 nhưng đề này có thể hơi căng với đối tượng thí sinh hệ giáo dục thường xuyên.

Đề không đơn giản như những năm trước, ngay cả câu hỏi thuộc phần giáo khoa của đề thi hệ giáo dục thường xuyên cũng đòi hỏi thí sinh phải có khả năng suy luận mới hưởng trọn số điểm. Tuy nhiên, với những thí sinh biết sử dụng atlat thì sẽ khả quan hơn. Với đề thi này, thí sinh khó đạt điểm cao nhưng tỉ lệ thí sinh đạt 5-6 điểm sẽ rất nhiều.

P.ĐIỀN - H.HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên