“Ngực lép” không được lái xe trên 50 cc!Sự phân biệt đối xử vô tình!Người dưới 40kg và dưới 1,45m không được cấp bằng lái: Chỉ áp dụng cho trường hợp cấp mớiQuyền đi lạiChiều cao, cân nặng không đủ yêu cầu: không được đi xe máy
................................
* Tôi là một người Mỹ gốc Việt đã xa quê hương rất lâu nhưng nước Việt Nam không bao giờ xa khỏi tim tôi. Sau khi đọc bản tin về những điều luật "dư thừa" mà những ban ngành có chức năng đang đưa ra áp dụng với nước Việt Nam, tôi nghĩ mình phải nói. Tuy những điều luật này không ảnh hưởng tới tôi nhưng nếu nó được áp dụng, sẽ có rất nhiều bà con phải chịu khó khăn về việc đi lại trong làm ăn, học tập, cầu tiến của họ.
Tôi chỉ mong các ban ngành từ quận, huyện, tỉnh, thành phố và kể cả đến chủ tịch nước nên nhìn lại những gì Bác nói trong Tuyên ngôn độc lập: "Hỡi đồng bào cả nước, tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Nhắc vậy để nói rằng: sự phân biệt ngực "lép" hay "to" không có cơ sở.
* Sau khi đọc mẩu tin này tôi cảm giác như đây là mẩu chuyện vui từ bàn nhậu của quý ông được chuyển thành một văn bản luật, áp đặt người dân phải thi hành. Theo tôi, đây là một chuyện tế nhị trong cuộc sống, chúng ta không thể lấy thân thể con người ra làm trò cười. Và cho tôi hỏi nếu áp dụng quy định này thì chúng ta đã có một công cụ gì để kiểm tra các vòng đo? Trong trường hợp đã có công cụ để hỗ trợ công việc này chúng ta có kiểm soát được những "tệ nạn" phát sinh không? Hay công an sẽ xây dựng những kios để người dân vào kiểm tra các điều kiện nêu trên. Và những vấn đề gì nữa sẽ phát sinh? Kẹt xe, xâm phạm thân thể...
* Tôi không hiểu các chuyên gia hàng đầu của Bộ Y tế tư duy theo kiểu nào mà đưa ra các quy định "không giống ai" như trên. Người dân đang rối bời trước quy định người thấp bé, nhẹ cân (chiều cao đứng dưới 1,45 m, trọng lượng dưới 40 kg) không được đi xe máy trên 50cc thì nay lại vấp phải quy định ngực lép không được đi xe.
Xem ra các quy định mới của Bộ Y tế sẽ giúp cho các bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ phát triển. Người thấp bé nhẹ cân sẽ phải gấp rút đăng ký vào khoa phẫu thuật chỉnh hình để kéo dài chân thêm vài cm, đắp thêm thịt để có đủ trọng lượng. Già trẻ, trai gái ai ngực lép thì chắc phải nhờ đến sự can thiệp của dao kéo, bơm thêm silicon hòng mong vượt qua vòng kiểm tra sức khỏe để được cấp giấy phép lái xe.
Nếu cứ tiếp tục tư duy chắc là chỉ mai đây, Bộ Y tế sẽ ra quy định khoảng cách tối đa và tối thiểu giữa hai chân thì mới được đi xe, phòng chân quá khuỳnh ra ngoài gây nguy hiểm cho người khác hoặc quá hẹp không đủ an toàn khi ngồi điều khiển trên xe.
* Về vấn đề thể lực đốí với người điều khiển xe máy, tôi đồng ý với tất cả các ý kiến góp ý của độc giả đã đăng trên báo, đó là nhân quyền, là thực tế gây tai nạn giao thông không phải do những người thấp, nhẹ cân hay ngực lép. Cứ quy định độ tuổi như hiện hành (lái ôtô từ 21 tuổi trở lên, lái xe máy từ 18 tuổi trở lên) là đủ rồi. Thực tế hiện nay, nhiều em 15 -16 tuổi mà đã cao to như người lớn. Cho nên không cần quy định những "điều kiện" về các số đo như trên.
Hơn nữa, các nhà làm luật cũng nên phân biệt đâu là "quy phạm pháp luật -QPPL", đâu là "tiêu chuẩn - TC". QPPL là bắt buộc áp dụng. Xây dựng một văn bản QPPL phải tuân thủ một quy trình rất chặt chẽ, và quan trọng nhất là để phục vụ tốt cho xã hội, thì phải được xã hội chấp nhận và ủng hộ, ngoài ra cần tham khảo kinh nghiệm của các nước khác (bao gồm cả những nước phát triển cũng như các nước có hoàn cảnh tương tự như ta). Nếu không tuân theo những quy trình như vậy, hoặc làm chiếu lệ, duy ý chí, thì văn bản QPPL sẽ không bền lâu, hoặc thậm chí mới ra đời đã không thể thực hiện.
TC là để tham khảo, không bắt buộc thực hiện. Chủ doanh nghiệp vận tải ôtô (xe buýt, taxi) hoặc xe ôm có thể áp dụng TC để tuyển chọn lao động, đây là thỏa thuận giữa người thuê lao động và người lao động. Chủ doanh nghiệp muốn thuê người cao to hay người thấp nhỏ là quyền của họ. Tương tự, khách hàng muốn thuê ai là quyền của họ, thị trường sẽ điều tiết việc này.
* Sao lại có quy định như vậy? Ngực lép mà sức khỏe tốt, đủ minh mẫn để điều khiển phương tiện giao thông thì tại sao lại không được? Những người nghèo, gầy gò nhưng đủ sức khỏe để lao động và mưu sinh, sao lại lấy đi cái quyền lưu thông của họ? Khi đề ra quy định này, đã điều tra nghiên cứu thế nào? Con số điều tra "các đối tượng này không nhiều" là bao nhiêu, định cư ở đâu và họ mưu sinh thế nào? Thiết nghĩ, những điều luật như vậy cần có một điều tra kỹ lưỡng và trưng cầu ý dân, dần dần thực hiện theo lộ trình, sao lại cứ thế mà công bố áp dụng. Như vấn đề cấm xe ba gác, đến hôm nay gần hết 2008, mọi việc vẫn chưa có phương án giải quyết cụ thể và rõ ràng đấy thôi.
* Bộ Y tế rõ ràng đang lờ đi một vấn đề nan giải bấy lâu nay: "Làm sao để tăng tầm vóc cho người Việt Nam?". Trong khi biết bao nhiêu hội thảo, tốn bao nhiêu tiền của mà vẫn chưa thấy hành động cụ thể và hiệu quả nào thì bộ lại đưa ra văn bản về giới hạn của thể trạng đối với tham gia giao thông. Như vậy liệu có hợp lý chưa? Nói cho cùng thì đất nước ta vẫn còn nghèo, làm sao tất cả mọi người đều có thể được chăm sóc đầy đủ từ bé để có được tầm vóc tốt, đó là chưa kể các vấn đề về gen.
Tôi rất bất bình trước câu nói của ông phó cục trưởng Cục Khám chữa bệnh Bộ Y tế "Nhưng những đối tượng đó không nhiều, họ cũng phải chấp nhận thiệt thòi vì chuyện an toàn giao thông". Nếu đã "nghiên cứu kỹ lưỡng" trước khi đưa ra đề án, tại sao không có một con số thống kê, khảo sát tỷ lệ số người không đủ chuẩn tham gia giao thông mà đã vội kết luận theo kiểu số người đó chỉ khoảng vài chục người?!
* Tiêu chuẩn này dựa trên những tiêu chuẩn khoa học nào? Nếu đã tính trên cơ sở khoa học thì xin thưa rằng phải dựa vào chỉ số BMI mà đo, nhưng chỉ số này cũng chỉ phản ánh người đó gầy - bình thường - mập mà thôi, còn về sức khỏe thì đâu phải người to con là khỏe mạnh, người nhỏ con là ốm yếu.
Cho một ví dụ điển hình là vận động viên Lý Đức nhìn thể hình như thế nhưng có nâng được mức tạ như các VĐV cử tạ nhỏ con? Vậy xin cho hỏi nếu vòng ngực đạt chuẩn nhưng bụng rất to thì sao nào? Lại có luật bụng to khó ngồi trên xe cũng cấm chăng?... Một quy định hết sức vô lý tước quyền đi lại (quyền công dân) của người dân.
Hạn chế tai nạn giao thông và an toàn khi điều khiển xe sao không chú tâm vào nâng cao ý thức của người tham gia giao thông? Phạt thật nặng thì đố người nào dám vi phạm để xảy ra tai nạn giao thông. Ở nước ngoài nếu vi phạm luật (tất cả các luật), nhẹ thì lao động công ích nộp phạt, nặng thì vào tù. Tôi có cảm giác rằng các nhà làm luật ở VN cứ nghiên cứu cao siêu quá nhưng thực tế ta đang đứng ở đâu thì không ai biết. Gạt việc này sang một bên, nạn ùn tắc giao thông, ngập nước, rác thải... cả chục năm nay có thấy cải tiến, thay đổi gì đâu.
Thể hình không phải nguyên nhân gây tai nạn
* Tôi không biết Bộ Y tế suy nghĩ gì mà đưa ra tiêu chuẩn không cấp bằng lái xe trên 50cc cho những người có vòng 1 dưới 72cm. Không biết trên thế giới có nước nào làm như mình không. Quy định này không biết có hạn chế được tai nạn giao thông không nhưng trước tiên là gây khó khăn và mặc cảm cho người có thân hình nhỏ.
Từ trước tới giờ tôi chưa thấy có một kết luận hay một cuộc điều tra nào cho rằng người có kích thuớc không đạt theo yêu cầu của Bộ Y tế có tỷ lệ (gây) tai nạn giao thông cao, mà chỉ thấy những tai nạn do người tham gia giao thông không chấp hành luật, phóng nhanh, vượt ẩu, say rượu bia... Không biết rồi còn quy định nào mà Bộ Y tế đưa ra nữa để "giúp" cho tai nạn giao thông của Việt Nam giảm.
* Thiết nghĩ nên đề cập đến lái xe như là một kĩ năng và điều quan trọng ở đây là cơ quan cấp bằng lái xe đã thực sự làm đúng chức năng? Vì khi thi bằng lái xe, ngoài phần lý thuyết có phần thi lái, bản thân tôi khi thi bằng lái đã thấy những người rất to khỏe nhưng không thể điều khiển xe đi được trong vòng số 8 trong khi có những người nhỏ bé lại điều khiển rất dễ dàng.
* Tôi thật bức xúc khi đọc loạt bài quy định chiều cao, cân nặng, số đo lồng ngực cho người tham gia giao thông. Tôi có thân hình nhỏ nhắn, chiều cao và lồng ngực đều không đạt tiêu chuẩn tham gia lưu thông theo quy định trên nhưng tôi rất khỏe mạnh, có khi tôi không uống viên thuốc nào trong suốt năm. Tôi dự định sẽ mua xe hơi và tự lái khi có điều kiện. Và thật vô lý nếu quy định trên có hiệu lực, bởi điều đó có nghĩa là ước mơ lái xe hơi của tôi chỉ là mơ ước không phải vì tôi không có điều kiện mua nó mà bởi vì tôi không may được sinh ra có thân hình nhỏ nhắn giống mẹ tôi.
Để hạn chế ùn tắc giao thông hiệu quả có rất nhiều cách. Tại sao các nhà chức năng không nghĩ ra cách nào khác thực thi hơn vừa được người dân ủng hộ vừa không hạn chế quyền tự do lưu thông, đi lại bằng phương tiện được phép của người dân? Thiết nghĩ nhà chức năng cần cân nhắc kỹ lưỡng tránh gây lo lắng hoang mang cho người dân cho một quyết định thật vô lý.
Xe nào cho người thấp bé, nhẹ cân?
* Cách đây không lâu, luật ban hành cấm xe thô sơ đến nay vẫn còn nhiều vướng mắc chưa giải quyết xong, ảnh hưởng không ít cuộc sống của nhiều lao động nghèo. Bây giờ lại thêm luật người thấp thước nhẹ cân không được điều khiền ôtô, xe máy. Đất nước ta còn nghèo, điều kiện dinh dưỡng chưa đầy đủ thì số người thấp, nhẹ không phải là ít. Đất nước phát triển không lẽ không có công đóng góp của những người thấp bé. Họ cũng là một công dân vậy tại sao họ lại không quyền bình đẳng như mọi người khác, bản thân họ cũng đâu muốn mình thấp bé.
Đáng lẽ những người thấp bé phải được sự hỗ trợ từ xã hội, tạo điều kiện giúp họ vượt qua những hạn chế về tầm vóc để họ có cơ hội đóng góp công sức cho sự phát triển chung của đất nước. Tại sao xã hội lại không chung tay giúp họ khắc phục phần nào những thiệt thòi đó mà lại còn gây thêm khó khăn, bắt họ phải chịu thiệt thòi một cách vô lý như vậy? Để đảm bảo an toàn giao thông ư?
Tôi nghĩ những người thấp bé ý thức được tầm vóc của họ nên rất hiếm khi thấy họ phóng nhanh vượt ẩu, rất ít khi xảy ra tai nạn. Tai nạn giao thông thường xảy ra với những người ỷ mình to khỏe, bất chấp luật lệ giao thông, phóng nhanh vượt ẩu.
Thử hỏi chưa có xe dành riêng cho những người thấp bé, còn những xe dưới 50cc thì lại quá cũ không đảm bảo an toàn giao thông. Vậy thì những người này lấy phương tiện gì để đi làm, đi học? Nước ta đang tìm mọi cách để xóa đói, giảm nghèo, nhưng những điều luật nêu trên không những không xóa đói giảm nghèo mà còn làm tăng thêm sự phân biệt đối xử và làm cho đất nước ngày càng nghèo đi mà thôi.
Theo tôi, trước khi ban hành một điều luật thì cũng phải trưng cầu ý kiến của dân. Để luật đi vào đời sống của dân, nhất là những điều luật ảnh hưởng tới cuộc sống hằng ngày của người dân. Luật nào thấu tình đạt lý thì mới thuận lòng dân.
* Tôi để ý cho đến hiện nay hầu như tất cả các loại xe máy (chỉ trừ một số xe Trung Quốc) lưu thông ở Việt Nam (kể cả sản xuất trong và ngoài nước) được thiết kế kích thước tầm tay lái, cân nặng, chiều cao từ mặt đất đến yên... không phù hợp với đa số người Việt Nam. Người Trung Quốc giỏi hơn những nhà sản xuất trên vì xe máy của họ bán sang Việt Nam phù hợp với đa số người Việt Nam theo các tiêu chuẩn trên (xe rất nhẹ, sang số nhẹ, tầm tay láí chỉ đủ gần chứ không xa buộc người lái ngồi chồm tới mất thăng bằng, thoải mái, chiều cao từ mặt đất đến yên thấp...); mặc dù chất lượng kém.
Vậy báo chí nên tìm cách đánh thức, buộc các nhà sản xuất xe máy làm ra xe máy lưu thông ở Việt Nam phải phù hợp với người Việt Nam. (Hiện nay người Việt Nam buộc lòng phải mua xe máy không phù hợp vì không có xe máy nào khác phù hợp tiêu chuẩn người Việt Nam và chất lượng cao). Chúng ta giới hạn tiêu chuẩn cân nặng, chiều cao, vòng ngực của dân ta, sao trước tiên không qui định tiêu chuẩn sản xuất xe máy (điều này rất dễ)? Ít nhất vì dân ta cũng là "thượng đế" mua xe máy. Đây là lợi ích của xã hội, dân tộc, quốc gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận