Phóng to |
Các bạn cùng làm poster quảng cáo sản phẩm trong môn làm quen kinh doanh - Ảnh: Như Phan |
Một mùa hè hoàn toàn mới với học sinh Trần Quốc Tuấn khi nhà trường mang đến những môn học thú vị: làm quen kinh doanh, tiền bạc và mục đích của nó, kỹ năng làm việc nhóm: một người vì mọi người, lắng nghe tích cực…
Lớp học là một “sân chơi” (trong phòng, ngoài sân, dã ngoại và làm thực tế). Mỗi cá nhân đều tham gia vào bài học bằng cách chơi (game), đóng vai, thảo luận hoặc làm việc nhóm, mô phỏng, thực hành. Thông qua các trải nghiệm này, học sinh được động não nhẹ nhàng và tự động hóa trong việc nhận thức ra bài học, kinh nghiệm, nhớ lâu, chủ động khám phá bài học.
Một tuần kinh doanh
Lớp có khách là một người đang làm kinh doanh: chị Hải Triều. Chị là chủ một cơ sở sản xuất vớ, đã chia sẻ câu chuyện tự chuyển hướng ra kinh doanh như thế nào, khi là một kế toán. Các bạn liên tục hỏi chị về sản phẩm, lời lỗ trong kinh doanh, những kinh nghiệm chị đã trải qua...
Sau những trò chuyện thân tình ấy, các cô cậu học trò bước vào phần thuyết phục chị Hải Triều giao hàng cho họ mà không cần tiền vốn. Hàng loạt các câu hỏi và đề xuất qua lại như: không vốn thì giá bao nhiêu một đôi, trả ngay thì giá thế nào, có khuyến mãi không, bán không hết trả hàng ra sao…
Chị Hải Triều hào hứng: “Đây là lần đầu tiên tôi có khách hàng đặc biệt đến vậy. Tôi rất thích cách mà chương trình cho học sinh thực hành công việc kinh doanh như thật, ngay khi các bạn đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông trung học. Ý nghĩa hơn nữa và tôi thấy xúc động khi biết rằng tiền tập kinh doanh này, các em dùng cho hoạt động đến với trẻ em ung thư”. Kết quả buổi học hôm ấy, chị giao cho các học sinh 400 đôi vớ, với không đồng tiền vốn.
Các học sinh chơi với trẻ ung thư tại Bệnh viện Ung bướu. Ảnh: Như Phan |
Buổi học tiếp theo, các bạn đóng vai người bán hàng và khách hàng từ dễ tính cho đến khó tính theo các kịch bản mà giáo viên gợi ý. Người bán hàng vận dụng quy tắc 4C (chủ động, chào, cười, cảm ơn) để giao tiếp với khách hàng. Khách hàng có thể mua hoặc từ chối mua sau khi đã nghe người bán trình bày. Các bạn cũng thực hành cách nhận tiền, đếm tiền và trả lại tiền thừa ngay trước mặt khách hàng.
Rồi cả lớp thảo luận cách quảng cáo bán hàng. Lớp chia thành 3 đội, mỗi đội đều viết và vẽ nội dung lên giấy A0. Các poster viết vẽ tay được dán trong lớp học, trong sân trường. “Đôi vớ nghĩa tình - một đôi vớ một tấm lòng” được chọn làm tên chung. Cả lớp cùng chụp hình, ghi chi tiết cách bán hàng sỉ, cách bán lẻ, phân công các bạn trực ở trường để giao hàng khi có người tìm đến. Các nhóm nhờ các thầy cô phối hợp trong khâu giao hàng ở xa. Các bạn nhận sản phẩm, mẫu ghi thu, số lượng, thành tiền, ghi chú và cả cách khuyến mại “mua 3 tặng 1, mua 6 tặng 2”.
Từ thực tập, các bạn bắt đầu làm thật. Đối tượng khách hàng đầu tiên là các thầy cô trong trường. Các khách hàng tiếp theo là người thân ở gia đình, bạn bè trong trường, hàng xóm nơi các bạn sống...
Hai bạn Minh Hạc (tên trên Face Book là Sọc Carô) và Phương Linh (tên trên Face Book là Shen SiSi) đưa hình ảnh và thông tin của dự án lên sớm nhất nhì so với các bạn còn lại trong lớp.
“Việc này đối với em khá khó vì lần đầu tiên em tham gia, nhưng em thích thử thách này” – Nguyễn Quốc Tâm, học sinh lớp 12A1 chia sẻ.
Kiến Thành, học lớp 12A2 có cách nhìn khác: “Em thấy việc bán vớ khá dễ. Em nhớ ví dụ của thầy là hiện nay trong một ngày, mỗi người đang bán vé số ngoài đời bị từ chối hàng trăm lần nhưng họ vẫn làm nghề bình thường đó thôi”.
Kết hạt cườm làm vòng cho trẻ tại Bệnh viện Ung bướu - Ảnh: Như Phan |
Từ trò chơi, khám phá ý nghĩa môn học - Ảnh: Như Phan |
Ngày đáng nhớ với trẻ ung thư
Sau một tuần thực hành, tiền lãi thu được là 1.310.000 đồng.
Thầy trò Trần Quốc Tuấn chọn Bệnh viện Ung bướu là điểm đến. Số tiền tập làm kinh doanh có được, các bạn chuyển thành quà, là những hạt cườm và phụ liệu để làm dây đeo tay, vòng cổ, làm đồ chơi cho các em ung thư.
Lớp có một giờ học thú vị và xúc động ngay tại bệnh viện. Lần này giáo viên là chị Tố Oanh, một trong những thành viên sáng lập nên chương trình “Ước mơ của Thúy”. Chị Tố Oanh kể cho các bạn nghe về về nghị lực của Thúy và những mất mát ghê gớm của bệnh nhân ung thư. Các bạn cũng được hiểu thêm về nhóm tình nguyện Hoa Hướng Dương, các anh chị là học sinh, sinh viên trong thành phố tình nguyện đến giúp đỡ các bệnh nhi ung thư.
Thầy trò càng xúc động hơn khi chứng kiến những phòng 6 giường bệnh nhưng có đến 14-15 bệnh nhi chưa kể cả người nhà, người thân đi chăm sóc bệnh nhi cùng sinh hoạt chung. Có em còn khỏe thì chạy tới chơi với mọi người, còn em nào yếu phải nằm truyền thuốc tại chỗ rất mệt. Có em được nằm chung giường với bệnh nhi khác và có cả những em nằm dưới… gầm giường, trong hành lang, dọc lối đi…
Các bạn cùng chơi kết chuỗi hạt, dây chuyền với các bệnh nhi ngay bên giường bệnh, ngay dưới sàn nhà hay trong gầm giường. Các bạn ân cần hỏi thăm người nhà bệnh nhi và cảm nhận thực sự những giờ trong bệnh viện ung bướu cùng mọi người như thế.
“Có vào đây, em mới thấy sức khỏe mình đang có là quý giá, những gì tụi em đang được hưởng với gia đình là quá tuyệt vời” - bạn Minh Hạc chia sẻ với cả lớp, cuối buổi gặp gỡ bệnh nhi.
Cùng đi đến bệnh viện với các học trò, thầy Trần Văn Tuấn- Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Trần Quốc Tuấn nói: “Làm quen kinh doanh là một trong mười mấy môn ngoại khóa hè. Từ các môn học về kỹ năng trong chương trình ngoại khóa này, chúng tôi mong mỏi các học sinh nhà trường có thêm chất xúc tác để nhận thức được bản thân mình rõ rệt. Từ đó, học sinh sẽ có những chọn lựa thích hợp, đúng đắn trong quá trình học tập tại trường và sau khi các em tốt nghiệp. Bên cạnh việc định hướng đúng cho cuộc đời mình, các em cũng trưởng thành hơn, mà biểu hiện rõ rệt là các em biết chăm sóc bản thân, giúp đỡ gia đình trong các việc thường nhật, các em giao tiếp hiệu quả hơn với người thân, thầy cô, bạn bè...”.
Theo thầy Đỗ Linh, giáo viên đang phụ trách lớp kỹ năng hè, sau tuổi tốt nghiệp phổ thông, người ta giảm khả năng hình thành kỹ năng nhận thức và hành vi; trong khi tăng khả năng tiếp thu và hình thành kỹ năng kỹ thuật (“kỹ năng cứng”, nghề, chuyên môn). Vì vậy tuổi cấp 3 được xem như “cơ hội cuối” của giai đoạn tốt nhất để hình thành kỹ năng nhận thức và hành vi (“kỹ năng sống”, “kỹ năng mềm”). Do đó, chương trình này cung cấp cho học sinh Trường Trần Quốc Tuấn các kỹ năng để chuẩn bị trưởng thành.
Có mặt trong buổi tổng kết tối qua, chị Cao Vũ Thúy, mẹ của học sinh Nguyễn Quốc Tâm, nói: “Chương trình thật sự đáp ứng nhu cầu của bậc làm cha mẹ. Tôi nhìn thấy những đổi thay tích cực từ con mình. Mong có thêm nhiều lớp kỹ năng như thế này nữa”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận