![]() |
Đoàn thanh tra Sở Tài chính TP.HCM kiểm tra giá bán các loại thực phẩm tại một cửa hàng bán lẻ trên đường Sư Vạn Hạnh (Q.10, TP.HCM) chiều 11-11 - Ảnh: M.ĐỨC |
Hiện tượng này đang diễn ra phổ biến những ngày qua dù sức mua tại chợ thấp rõ rệt. Trong khi đó, cơ quan chức năng vẫn loay hoay vì chưa tìm ra cách xử lý triệt để.
Lợi dụng tâm lý
Theo bảng giá ngày 11-11 tại chợ Hóc Môn (TP.HCM), su su Đà Lạt có giá 4.000 đồng/kg, bó xôi 20.000 đồng/kg, xà lách Pháp 22.000 đồng/kg, cà chua 8.000 đồng/kg, khoai tây 14.500 đồng/kg. Dựa trên bảng giá chợ đầu mối, chúng tôi khảo sát tại các chợ lẻ cho thấy giá tăng gấp hai, gấp ba, thậm chí nhiều lần.
Cụ thể, tại một sạp rau ở chợ Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình), giá cà chua được bán 12.000 đồng/ kg, tăng 4.000 đồng/kg so với chợ đầu mối, xà lách 45.000 đồng/kg, tăng 23.000 đồng/kg. Chị Oanh chủ sạp lý giải giá rau quả tại chợ đầu mối tăng cao, giá vận chuyển cũng tăng nên giá bán lẻ cao hơn chợ đầu mối 4.000-5.000 đồng/kg.
Theo tính toán của chị Oanh, chi phí vận chuyển cho mỗi lô hàng khoảng 1 tạ rau quả đã tăng lên 100.000 đồng/chuyến, tỉ lệ hao hụt cũng tăng 30-35% so với trước vì thời tiết, trung bình mỗi ký mất đi 2.000 đồng, tính tiền công, thuế má... chị chỉ lãi 500-800 đồng/kg. Tuy nhiên, với giá bán của chị Oanh, giá xà lách đã tăng gấp đôi.
“Rõ ràng ở đây có vấn đề tiểu thương lợi dụng tâm lý thị trường để đẩy giá” - bà Nguyễn Thị Thanh Hà, phó giám đốc kinh doanh chợ đầu mối Tam Bình (Thủ Đức), khẳng định. Nắm sâu sát chợ đầu mối hằng ngày, bà Hà cũng nhiều lần “té ngửa” khi đi chợ lẻ gần nhà. “Cà chua ở chợ sỉ 7.000-8.000 đồng/kg nhưng tôi mua 2 trái hết 5.000 đồng, hành ngò, rau thơm còn đắt đỏ hơn” - bà Hà kể.
Qua nhiều tầng nấc
Theo các tiểu thương, có rất nhiều nguyên nhân làm cho chênh lệch giá chợ sỉ và chợ lẻ cao như hiện nay. Bà Hai, tiểu thương chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), than thở: gắn bó với sạp rau từ tuổi 15, hơn 30 năm gắn với chợ chưa thấy khi nào hàng bán chậm như bây giờ.
“Sức mua thấp nên tôi không lấy hàng nhiều, khi hàng tăng giá tôi chấp nhận lấy hàng ít với giá cao về bán, chứ hàng tươi sống chỉ cần để qua đêm là hao hụt 30-40% rồi” - bà Hai nói.
Chị Oanh cho hay ngày trước tiền gom hàng tại chợ đầu mối mỗi ngày chỉ khoảng 800.000 đồng, nhưng giờ phải mất gần 1 triệu mới mua được khoảng 1 tạ rau quả. Mỗi tháng tiền thuê sạp cùng với tiền hoa chi, vé chợ, thu gom rác chị phải bỏ ra 2,5 triệu đồng. Sau khi trừ tất cả, tiền lãi khoảng 150.000 đồng/ngày nhưng thời gian này hàng ế ẩm, chi phí vận chuyển tăng nên tiền ngày lời bù ngày lỗ cũng chỉ dư được 70.000 đồng/ngày.
“Khách mua ít lại, mình phải tính công cán lên mới đủ trang trải cuộc sống” - chị cho hay.
Theo các tiểu thương, trước khi một bó rau đến tay người tiêu dùng đã phải qua tay ít nhất ba tầng: rau được thu mua về chợ sỉ, từ chợ sỉ một số đầu mối lấy hàng số lượng lớn đem về chợ lẻ, sau đó các thương lái này mới bắt đầu bỏ cho từng sạp. Qua mỗi tầng nấc, các loại hàng cũng được phân ra thành loại 1, loại 2... với mức giá “tiền nào của nấy”.
“Té nước theo mưa”
Bà Lê Ngọc Đào, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, thừa nhận: chênh lệch giá giữa chợ đầu mối và chợ lẻ là do có hiện tượng “té nước theo mưa”. Để rút ngắn khoảng cách chênh lệch giá ở chợ đầu mối và chợ lẻ, Sở Công thương đang tìm cách liên kết giữa chợ đầu mối với chợ loại 1, 2 trên địa bàn TP để tăng cường thông tin về số lượng, giá cả hàng hóa, lưu ý ban quản lý chợ nhắc nhở tiểu thương bán hàng đúng giá.
Theo Bộ Công thương, vì không niêm yết giá nên tình trạng nói thách, trả giá vẫn tiếp diễn ở các chợ. Vì vậy, từ năm 2007 cơ quan này đã ra chỉ thị 002 yêu cầu tiểu thương phải niêm yết giá sao cho người tiêu dùng dễ thấy, cán bộ quản lý chợ và cơ quan chức năng dễ kiểm tra, giám sát. Tiểu thương không niêm yết giá sẽ bị phạt 100.000-200.000 đồng.
Các ban quản lý phải tăng cường kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt. Nhưng hiện nay khi việc niêm yết giá đang dần đi vào nề nếp thì câu chuyện bán theo giá nào lại làm đau đầu nhà quản lý.
Hiện nay chức năng của các ban quản lý chợ vẫn là thu thập, ghi nhận giá cả chứ không thể kiểm soát được mức bán ra như vậy có hợp lý hay chưa. Đại diện ban quản lý chợ Bến Thành (Q.1) cho biết hằng tháng trong các cuộc họp với tiểu thương, ban quản lý đều nhắc nhở thực hiện văn minh thương mại, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Còn kinh doanh thế nào là chuyện của tiểu thương!
Chiều 11-11 khi đi cùng đoàn kiểm tra Sở Tài chính TP.HCM kiểm tra một số điểm bán lẻ ở khu vực Q.10, chúng tôi ghi nhận việc kiểm tra cũng chỉ dừng lại mức nhắc nhở niêm yết giá và bán theo giá niêm yết của các địa điểm. “Chúng tôi không thể khống chế giá bán của các tiểu thương” - một thành viên trong đoàn thừa nhận. Việc kiểm tra của các đoàn liên ngành cũng khá bất cập. Theo ông Nguyễn Văn Bình - phó chánh thanh tra Sở Tài chính, đoàn kiểm tra dựa trên danh sách của Sở Công thương công bố trên website, khi đến kiểm tra mới biết một số điểm địa chỉ không đúng hoặc hàng hóa lèo tèo. Tại các chợ, tiểu thương đều trưng biển niêm yết giá đối phó nên rất khó bắt bẻ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận