Tổ chức khám phá và cắm trại ngay giữa rừng già nguyên sơ với nguyên tắc "bảo tồn đa dạng sinh học", vào lãnh địa của muông thú nhưng phải cố không chạm mặt chúng là một cách làm du lịch không hề dễ dàng. Nhưng vì vậy lại rất đáng mong đợi.

Sáng 24-3, ở thị trấn Phong Nha, trời mưa lất phất. Nhìn say sưa dòng sông Son xanh biếc nhưng trong đầu tôi là cuộc chạm mặt tưởng tượng với một chú thỏ vằn Trường Sơn - một trong những loài động vật bí ẩn nhất Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

"Có thể sẽ phải giải cứu nó khỏi một cái bẫy dây" - tôi tiếp tục nghĩ, căn cứ vào tình trạng bẫy thú rừng tràn lan ở nước ta và cả tinh thần bảo tồn động vật hoang dã của chuyến đi.

Xin bạn đọc thứ lỗi cho trí tưởng tượng này, chỉ vì tôi muốn tạm quên thực tế rằng 20km băng rừng, 3km leo núi dốc và hàng ngàn con vắt đang chờ đợi phía trước. Đó là hành trình của "Thám hiểm rừng sâu hang Ba" - một tour thám hiểm mới mở ở Quảng Bình nhằm chào đón du khách quốc tế trở lại.

Mở tour vào rừng sâu - Ảnh 1.

Khoảng 10h sáng, chúng tôi bắt đầu đi bộ vào rừng. Theo thiết kế, mỗi đoàn trong tour vào rừng sâu này chỉ có tối đa 19 người, trong đó có 6 du khách và 1 kiểm lâm viên.

Cung đường dẫn đến hang động đầu tiên nằm trọn vẹn dưới tán rừng nhiệt đới hàng ngàn năm tuổi, đậm đặc âm thanh của côn trùng và rộn ràng những tổ hợp mùi hương từ đất, thảm mục và cây lá tươi.

Nếu không được hướng dẫn, du khách sẽ khó mà nhận diện được đâu mới là đường đi bởi nhiều đoạn chỉ rộng vừa hai bàn chân hoặc bị chắn ngang bởi những dốc đá.

Phần thưởng nho nhỏ dọc đường của tôi là một vài lần hiếm hoi có người reo lên "ở đây có dấu chân". Cả đoàn dừng lại để phân tích những dấu vết mới in trên đất, nổi bật giữa nền bùn lầy xám xịt xung quanh.

Mở tour vào rừng sâu - Ảnh 2.

Bãi trại hang Vịnh Dài - Ảnh: Oxalis Adventure

Sau vài giờ đi bộ, chúng tôi đến cửa hang Đại Cáo và tìm thấy dấu chân của một loài móng chẵn. Nhưng chúng ở khá xa so với vị trí đặt bẫy ảnh. Nhật Khoa, hướng dẫn viên của đoàn, nhanh nhảu chép dữ liệu từ bẫy ảnh vào một máy tính bảng. Không ghi nhận được hình ảnh nào gần đây.

Tuy nhiên, 5 đoạn video thu được trước đó không lâu cho thấy sơn dương thường xuyên đến đây vào ban đêm, đơn độc, để ăn một loại thực vật mọc nhiều ở cửa hang.

Không như những hình thức du lịch động vật hoang dã (wildlife tourism) khác, lộ trình khám phá của chúng tôi được thiết kế để… tránh giáp mặt trực tiếp với thú rừng.

Du khách vẫn được dẫn đến những nơi mà động vật thường tìm nước uống và thức ăn, nhưng vào thời điểm chúng đã rời đi. Khi đó, con người sẽ chiêm ngưỡng những gì còn lại: dấu chân, phân thú, vết ủi đất và ghi nhận của bẫy ảnh.

"Nếu chúng ta quấy rầy con thú, chúng sẽ sợ và bỏ đi nơi khác", đơn vị tổ chức tour giải thích. Chúng tôi được yêu cầu mặc trang phục tối màu để không thu hút sự chú ý của động vật.

Ban đêm, với một thiết bị nhìn đêm, tìm một vị trí kín đáo cách điểm cắm trại 50 - 100m, bạn có thể thử vận may của mình. Không có gì đảm bảo sự xuất hiện của động vật hoang dã, nhưng cũng không ai cố gắng đi tìm chúng.

Mở tour vào rừng sâu - Ảnh 3.

Kiểm tra bẫy ảnh - Ảnh: Lê My

Dẫu vậy, chúng tôi vẫn biết được sự hiện diện của thú hoang nhờ hệ thống 15 bẫy ảnh được đặt rải rác trên đường trekking và các hang động. Bẫy ảnh sử dụng năng lượng mặt trời, được kích hoạt bởi chuyển động của con thú trong một phạm vi nhất định, lập tức ghi lại hình ảnh hoặc video (kèm âm thanh) bất kể là ngày hay đêm.

Kiểm tra bẫy ảnh là một khoảnh khắc mang đến nhiều cảm xúc. Chúng tôi tụ họp quanh chiếc máy tính bảng và chờ đợi. Có một lần chúng tôi thu được một hình ảnh gây tranh cãi rất thú vị: tấm lưng to của một con lợn rừng, mà cũng có thể là của một con gấu chó.

Mở tour vào rừng sâu - Ảnh 4.

Bẫy ảnh ghi nhận một con lợn rừng vào sáng sớm 24-3. Ảnh được sự đồng ý của Oxalis Adventure

Ở bất cứ thời điểm nào trong ngày, trừ những lúc vào sâu trong hang động, chúng tôi luôn nghe được vô vàn giai điệu khác nhau của chim muông và côn trùng.

Trong lĩnh vực nghiên cứu âm thanh sinh học (bioacoustic), có một chân lý: sức sống của một hệ sinh thái rừng thường biểu hiện qua lượng tiếng ồn chứa bên trong nó.

Những cách thức theo dõi động vật hoang dã này vừa thú vị với con người, vừa bình yên với rừng. Kịch bản "giải cứu thỏ vằn" tưởng tượng của tôi sớm phá sản, một phần vì không có chiếc bẫy thú nào trên đường đi - một dấu hiệu của công tác bảo tồn hiệu quả.


Mở tour vào rừng sâu - Ảnh 5.

Các công ty khai thác du lịch ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng lâu nay cần tuân thủ bộ tiêu chí về phòng chống cháy rừng và đảm bảo vệ sinh môi trường. Để đi từ tiêu chí đến hành động cụ thể đòi hỏi nhiều sáng tạo và sự chu đáo.

Ví dụ, để giảm tiếng ồn từ việc nấu nướng, thức ăn phục vụ khách của Công ty Oxalis Adventure được chế biến sẵn ở Phong Nha rồi cấp đông, vượt nhiều kilômet đường rừng để đến bãi cắm trại.

Thức ăn được làm nóng bằng bếp gas. Để tránh tạo ra rác thải nhựa, toàn bộ chén đũa, ly tách đều được rửa bằng chế phẩm sinh học, tiệt trùng bằng nước sôi và tái sử dụng. Những gì được mang vào rừng, bao gồm rác thải, sẽ được mang ra khi tour kết thúc.

Chúng tôi thậm chí còn mang ra khỏi rừng một lượng đáng kể vỏ chai, mẩu thuốc lá, mảnh nilông… từng bị mưa lũ cuốn vào rừng sâu. Và tất cả những gì thuộc về Mẹ thiên nhiên sẽ không được phép ra khỏi rừng.

Nỗ lực giảm thiểu tác động của con người chi tiết đến từng dấu chân vật lý. Chúng tôi được yêu cầu di chuyển theo một đường đi duy nhất, đặc biệt khi tham quan các hang động.

Theo bà Debora Limbert, chuyên gia thuộc Hiệp hội Nghiên cứu hang động Anh (BCRA), tác dụng lực của chân người và một số loại ánh đèn nhân tạo có thể ảnh hưởng đến đá vôi và hệ sinh vật phát triển trên bề mặt của nó.

Mở tour vào rừng sâu - Ảnh 6.

Không giẫm lên các loài thực vật ở bãi trại - Ảnh: Lê My

Bác Deb - theo cách gọi thân thương của các anh em porter - đã gắn bó với hang động của Quảng Bình hơn 30 năm qua. Có mặt trong tour thử nghiệm lần này, bà tự tay căn chỉnh từng dải ruy băng đánh dấu những nơi được và không được đặt chân.

Khi chúng tôi tham quan hang khô Vịnh Tròn, tôi hỏi bác Deb: "Còn những dấu chân này thì sao?". Tôi chỉ tay vào một loạt dấu giày của cả đoàn nối tiếp nhau trên cát, bị giới hạn trong một "con đường quy ước" rộng khoảng 3 gang tay. Nó không đi thẳng mà phải quanh co để né những măng đá.

"Ở đây không có gió hay nước chảy, nên có lẽ chúng sẽ tồn tại lâu đó - vị chuyên gia hang động đáp - Chúng tôi vẫn đang thử nghiệm tour, nên sẽ cần chờ một thời gian nữa xem sao".

Vịnh Tròn là một hang khô mới được phát hiện vào năm 2021, với lối vào rộng đến 90m và những cấu trúc nhũ đá độc đáo như thể nó thuộc về một thế giới khác. Bẫy ảnh đặt ở lối vào hang, từ tháng 1 đến tháng 3, đã ghi lại sự hiện diện của nhiều cá thể khỉ mốc, voọc, sơn dương, chuột (và cả tấm lưng lợn/gấu gây tranh luận ở trên).

"Liệu hang Vịnh Tròn, nguyên sơ và đầy sức sống như nó vốn dĩ, có cần chúng ta khám phá?", tôi thầm hỏi.

Mở tour vào rừng sâu - Ảnh 7.

Vào buổi sáng ngày thứ 4 của chuyến đi, chúng tôi lên đường ra khỏi rừng. Thỉnh thoảng, Jerry - một trong các trợ lý an toàn - dừng lại và chỉ cho ông Nguyễn Hữu Trí, phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Phong Nha - Kẻ Bàng, vị trí các cây mun hay cây dổi quý hiếm. Đơn vị của ông Trí đang lập bản đồ các loài cây có tên trong Sách đỏ Việt Nam này.

"Chắc chắn là khi có hoạt động du lịch, công tác bảo vệ rừng và bảo tồn của phía kiểm lâm sẽ dễ dàng hơn", ông Trí nói. Ở những nơi có du khách, lâm tặc sẽ khó hoạt động, "các công nhân viên, hướng dẫn viên du lịch, porter [đội ngũ khuân vác] đều là tai mắt của kiểm lâm".

Nói như vậy, dấu chân của du lịch có lẽ không hoàn toàn vô bổ, miễn là chúng ta bước đi khiêm tốn và thận trọng với lòng tôn trọng tự nhiên sâu sắc. Tour thám hiểm hang Ba là một sản phẩm kinh doanh, và hẳn vẫn còn nhiều vấn đề trong giai đoạn thử nghiệm, nhưng từ những gì tôi tận mắt thấy, hẳn là câu chuyện "bảo tồn thiên nhiên" đã được những người làm du lịch tính toán kỹ lưỡng và chân thành.

Mở tour vào rừng sâu - Ảnh 8.

Ông Jake Brunner, trưởng đại diện Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN) tại Việt Nam, trò chuyện với Tuổi Trẻ Cuối Tuần về những quan sát và nhận định cá nhân xoay quanh mô hình du lịch - bảo tồn vẫn còn mới mẻ này sau chuyến thám hiểm rừng sâu hang Ba.

* Sau chuyến đi, ông đánh giá thế nào về hiện trạng của rừng và hang động ở đây?

- IUCN có mối quan hệ rất lâu bền với Phong Nha - Kẻ Bàng (PN-KB), kể từ khi nơi này được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới năm 2003. Chúng tôi thường xuyên thực hiện các hoạt động giám sát, vì thế chúng tôi đã quen thuộc với vẻ đẹp kỳ vĩ, tầm quan trọng về mặt sinh học cũng như một số mối đe dọa với nơi này.

Mở tour vào rừng sâu - Ảnh 9.

Ấn tượng của tôi xin dành cho phong cảnh phi thường, lượng tri thức khoa học phi thường. Tôi nghĩ đây thực sự là báu vật của cả thế giới.

Thật tuyệt vời khi nhìn thấy doanh nghiệp và chính phủ bắt tay nhau để bảo tồn cái mà chúng tôi gọi là "Giá trị nổi bật toàn cầu" (Outstanding Universal Value) cho hôm nay và mai sau.

* Đơn vị tổ chức tour hang Ba muốn thúc đẩy việc bảo tồn động vật hoang dã và giảm thiểu tác động của du lịch. Theo ông, họ đã đạt được mục tiêu này ở mức độ nào?

- Theo hiểu biết của tôi, những doanh nghiệp như Oxalis - tổ chức các tour du lịch sâu trong lòng các công viên, khu bảo tồn với sự hợp tác của cộng đồng địa phương để mang lại những lợi ích thiết thực - có thể hứa hẹn những cơ hội tốt nhất cho việc bảo vệ động vật hoang dã tại Việt Nam. Có nhiều khu bảo tồn tương đối thiếu kinh phí và không được bảo vệ tốt. Vì vậy, đây là một mô hình tuyệt vời.

Dựa trên trải nghiệm của tôi trong mấy ngày qua, Oxalis đang làm rất tốt. Đây là một trải nghiệm gần như "không có rác" - một điều thực sự rất hiếm ở Việt Nam. Các hướng dẫn viên, những người được đào tạo bài bản, nhặt các mảnh rác nhựa trên đường đi. Nói cách khác, khi chúng tôi rời đi, vườn quốc gia sẽ sạch sẽ hơn so với khi chúng tôi đến.

Tôi ấn tượng về sự chu đáo trong cách Oxalis quản lý du khách: dừng lại ở đâu, ăn mặc thế nào, ăn uống ra sao, cách xử lý rác thải và cả việc sử dụng các bẫy ảnh. Các thước phim nhắc nhở chúng ta rằng các loài sinh vật ở vườn quốc gia này vẫn còn phong phú.

* Theo ông, liệu du lịch động vật hoang dã sẽ hòa hợp với bối cảnh Việt Nam hiện nay?

- Thành thật mà nói, với du lịch động vật hoang dã, nếu bạn muốn nhìn thấy những loài thú rừng đặc biệt hoặc bị đe dọa trên toàn cầu thì việc đó rất khó thực hiện ở Việt Nam. Trên thực tế, có rất ít nơi ở Việt Nam đảm bảo cho bạn có thể nhìn thấy các loài động vật quý hiếm nơi hoang dã.

Chẳng hạn, nếu bạn muốn gặp loài voọc đang bị đe dọa nghiêm trọng thì cơ hội tốt nhất của bạn chính là Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long ở phía nam Hà Nội. Tuy nhiên, ở đây, PN-KB không đảm bảo điều đó, một phần vì nó quá rộng lớn và không thể tiếp cận. Nhưng nếu bạn không nhìn thấy các loài linh trưởng, ít nhất bạn vẫn có thể nghe thấy chúng.

* Tại nhiều khu bảo tồn và vườn quốc gia, loại hình du lịch ngắm động vật hoang dã đang ngày càng phổ biến. Công viên quốc gia Kaziranga (Ấn Độ) cho phép du khách cưỡi voi và đuổi theo tê giác, hoặc Vườn quốc gia Cát Tiên với những chuyến xe jeep "soi thú đêm". Ông nghĩ sao về những cách làm đó, đặt bên cạnh ý tưởng dùng bẫy ảnh?

- Đó là hai lĩnh vực khác nhau, hai trải nghiệm khác nhau. Tôi nghĩ các bạn cần cả hai và không có vấn đề gì. Không nơi nào trong PN-KB đảm bảo bạn có thể nhìn thấy động vật hoang dã. Trong khi với đồng cỏ, bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn. Hệ sinh thái sẽ quyết định cách thức khả thi nhất để ngắm nhìn động vật hoang dã.

Nhưng liệu nó có tạo thói quen ở các loài động vật hay không? Đó là một câu hỏi kỹ thuật và tôi không phải là chuyên gia. Nếu bạn chạy xe đến Sơn Trà vào một buổi tối hoặc buổi sáng, voọc chà vá chân nâu sẽ ngồi đó nhìn bạn, hoàn toàn không sợ hãi.

Chúng vẫn ở trong môi trường sống của riêng chúng. Chúng rất hoang dã. Nhưng chúng cũng ở rất gần chúng ta. Tốt đấy chứ! Nhưng nếu con người bắt đầu săn bắt trở lại, mọi thứ sẽ khác.

Mở tour vào rừng sâu - Ảnh 10.

Vịnh Dài - Ảnh: Oxalis Adventure

* Hiện tại, IUCN triển khai những hoạt động nào nhằm thúc đẩy du lịch dựa vào thiên nhiên tại Việt Nam?

- Các hoạt động không ở PN-KB, mà ở Phú Quốc, không hẳn xoay quanh du lịch dựa vào thiên nhiên mà là để cải thiện hoạt động môi trường và giảm tác động môi trường của du lịch quy mô lớn.

Thành thật mà nói, tôi rất vui khi IUCN có thể giúp, nhưng chúng tôi sẽ không tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào. Chiến lược tốt nhất cho du lịch dựa vào thiên nhiên ở Việt Nam là các doanh nghiệp như Oxalis: do người Việt lãnh đạo, người Việt điều hành, gắn kết trọn vẹn với cộng đồng và khả thi về mặt thương mại. Đó là tương lai. IUCN và cá nhân tôi rất muốn nhìn thấy những mô hình này được nhân rộng.

* Chìa khóa để nhân rộng những mô hình như vậy sẽ là gì, thưa ông?

- Tôi đã tự hỏi về điều đó (cười). Trước hết, các bạn cần trưng ra một cái gì đó đặc biệt và khác thường. Không phải ở đâu cũng may mắn có được những "tài sản" đó. Nhưng chỉ thế thôi là không đủ.

Tôi nghĩ chìa khóa sẽ là sự lãnh đạo của người Việt Nam, họ không chỉ là một doanh nhân giỏi mà còn phải có tầm nhìn. Oxalis là một doanh nghiệp xuất sắc, nhưng tôi hy vọng họ không phải là duy nhất mà sẽ có những doanh nghiệp khác hiểu về mô hình này và nhân rộng nó, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Lào và Campuchia.

* Trong tâm trạng của một trong những du khách đầu tiên tới đây thì ông có nhận xét gì?

- Tôi đã được đến nhiều hang động đá vôi trên khắp thế giới, ở Mỹ và châu Âu, và bây giờ là ở PN-KB. Những hang động ở đây chắc chắn đang ở trong tình trạng tốt nhất, về cơ bản vẫn còn nguyên sơ - không phải vì chưa từng có ai đến đây - mà vì chúng không bị ảnh hưởng bởi hoạt động du lịch đại trà.

Một khía cạnh của chuyến đi khiến tôi thấy thú vị nhất là cơ hội tìm hiểu về các hiện tượng tự nhiên đã tạo nên cảnh quan đặc biệt này. Chúng tôi may mắn có một chuyên gia có thể trả lời tất cả các loại câu hỏi, 24/7.

Điều đó làm phong phú thêm trải nghiệm của tôi. Câu hỏi mà tôi dành cho Oxalis: Làm thế nào để tinh thần trao đổi thông tin này - đôi lúc khá học thuật - có thể trở thành một phần của chuyến tham quan?

Mở tour vào rừng sâu - Ảnh 11.
Mở tour vào rừng sâu - Ảnh 12.

Hang động tạo cảm hứng cho những họa sĩ lưu giữ những bí mật cổ xưa, và trong trí tưởng tượng đại chúng, là nơi cư ngụ của những băng cướp và những kẻ sống ngoài vòng pháp luật. Rất nhiều hang động thực sự chưa hề được khám phá ở thời đại tưởng như chúng ta đã biết tất cả mọi thứ này.

Tháng trước, tôi tới một buổi chiếu phim được bài trí kiểu hang động trong tầng hầm để xem cuốn phim tài liệu 3D của Werner Herzog - Cave of Forgotten Dreams (Hang động của những giấc mơ bị quên lãng) về tranh vẽ trong hang động.

Cuốn phim là một hành trình mê ly khởi đi từ hang Chauvet ở miền nam Pháp - một hốc đá nhỏ bé mà vào năm 1994 được phát hiện là nơi có những bức tranh lâu đời nhất trong lịch sử loài người: tranh vẽ 32.000 năm tuổi mô tả nào voi mamút, nào hươu nai, sư tử, gấu và tê giác lông - hệ động vật kỳ diệu của miền nam Pháp vào thời băng hà gần đây nhất.

Mở tour vào rừng sâu - Ảnh 13.

Nếu không kể những bức tranh đó, Chauvet là một thế giới hoàn toàn xa lạ với con người: hoang vu, không thể trú ngụ và đáng sợ. Giống như nhiều hang động, nó xù xì mà tế vi. Herzog cũng bị giới hạn nghiêm ngặt khi vào hang quay phim.

Ông chỉ được phép dẫn theo ba người và có tất cả bốn tiếng đồng hồ trong đó; ông phải lắp máy quay trong hang và quay toàn bộ từ một lối đi hẹp làm bằng kim loại làm riêng cho mục đích xem tranh vẽ trên tường. Cảnh tượng ông quay được thật đáng sợ và kỳ diệu.

Những nhũ đá và măng đá lấp lánh chồng chất lên nhau trong bóng tối, chậm rãi đánh dấu những thời kỳ địa chất khác nhau. Sâu hơn nữa trong hang đầy khí độc. Nói ngắn gọn, đó không phải là một chốn cho con người.

Tuy nhiên, điều kỳ diệu là con người từng có mặt ở đó. Xem bộ phim trong tầng hầm tối thui của một rạp phim ở thành phố New York vào giữa thế kỷ 21, vây quanh là những đồng loại Homo sapiens tôi chẳng hề quen biết, chịu đựng thứ âm nhạc New Age bập bùng của Herzog và phần lời bình đậm chất thơ ("Phải chăng chúng ta là một bầy cá sấu, đang ngoái nhìn lại thời gian như vực sâu?"'), tôi thấy mình thích thú không phải với những bức tranh kia - dù chúng quả thật lộng lẫy và lạ lùng - mà bởi những bằng chứng nhỏ nhặt hơn về sự hiện diện của cuộc sống con người trong hang động đấy.

Có dấu chân của một cậu bé tám tuổi bên cạnh dấu chân một con sói. Rồi những vạch màu đen nơi 28.000 năm trước một lãng khách nào đấy đã dụi ngọn đuốc của mình lên tường để dập lửa.

Gần lối vào là những chấm đỏ lấm tấm hóa ra là dấu bàn tay, được lưu lại ở đó khoảng 30.000 năm trước, của một người cao khoảng 1,8 mét với ngón út quặp lại.

Chính cái ngón út ấy ám ảnh tâm trí tôi nhất. Nó là một chi tiết ngẫu nhiên nhưng lại bộc lộ cả một con người. Nó mang tới cảm giác gần gũi khó tin sau ngần ấy năm tháng.

Mở tour vào rừng sâu - Ảnh 14.

Bên trong hang Chauvet, Pháp - Ảnh: Smithsonian Magazine

Tôi xem cuốn phim của Herzog ngay sau cái chết của Osama bin Laden, và giống như mọi thứ xảy ra lúc bấy giờ, bộ phim có vẻ xoay quanh biến cố đó. Tất nhiên, huyền thoại Bin Laden gắn liền với hang động.

Ông ta được cho là đã sống trong hang động từ năm 2001 và âm mưu chống lại siêu cường hùng mạnh nhất, hiện đại nhất trong lịch sử bằng công cụ xa xưa nhất: một hốc đá giữa trời. Ông thường được mô tả là một kẻ xấu xa siêu hạng của thời Đồ Đá, chuyên mưu toan hủy diệt từ trong hang ổ nơi núi cao của ông. (Phải nói rõ là Bin Laden không tự nhìn nhận mình như thế.

Trong cuốn The Bin Ladens, Steve Coll viết rằng Bin Laden thường xuyên "mỉa mai những kình địch phương Tây vì lầm tưởng ông là một kẻ điên khùng ăn lông ở lỗ, một kẻ râu ria rậm rạp cô độc sống trong hang hốc; thực ra, ông ta tự nhìn nhận mình là một bậc thầy về công nghệ và sự thay đổi toàn cầu").

Hang động, trong bối cảnh này, là chống Mỹ và chống hiện đại: không thể thám sát, không thể thu thập thông tin, miễn nhiễm với thế giới thương mại hóa và chủ nghĩa tư bản.

Hang Tora Bora là hình ảnh trái ngược với Manhattan: một thành phố trong lòng đất thay vì mọc lên trên đó. Và Bin Laden là Tora Bora. Mạng lưới hang động đấy được xây dựng theo tính toán của ông, bằng thiết bị xây dựng của gia đình ông, mà đôi khi chính ông là người điều khiển.

Tôi chợt nhận ra rằng việc Bin Laden điều chỉnh âm thanh trên chiếc máy thu hình của ông đặt trong hang Tora Bora cũng không khác gì việc một con người vô danh nào đó 28.000 năm trước đã dụi tắt đuốc trong hang Chauvet: đó đều là những người đã chết, ở những chốn xa xôi mà ta không thể hiểu nổi, nhưng đồng thời cũng làm việc mà tất cả chúng ta đều từng làm: một hành động nhỏ mọn đến mức nó vượt qua mọi rào cản của ý thức hệ và các thế địa chất.

Mở tour vào rừng sâu - Ảnh 15.

Thật rõ ràng, sức hấp dẫn của hang động là bởi nó thuộc về những gì thật nguyên thủy. Trong bóng tối, nó vừa là chốn trú ngụ vừa là thứ gì đó siêu hình hơn thế rất nhiều. Trong chừng ấy thiên niên kỷ con người tồn tại, hang động được coi là chốn để con người tiếp xúc với tất cả những gì kỳ diệu, lạ lùng, phi lý ở trong tiềm thức.

Người tiền sử dùng hang động làm nơi chôn cất và để vẽ những tác phẩm nghệ thuật có tính nghi lễ của họ. Người Hy Lạp xây các đền đài và điện thờ trong hang động và kể không biết bao nhiêu truyện thần thoại về những loài yêu ma quỷ quái sống trong hang (gã khổng lồ một mắt Cyclop của Odyssey chẳng hạn).

Phật giáo cổ đại gắn liền với hang động ở khắp mọi nơi - 30 hang đá thiêng ở Ấn Độ, 500 hang động đầy những tác phẩm nghệ thuật Phật giáo lộng lẫy ở Đôn Hoàng, giữa sa mạc Gobi.

Chúa Jesus đã được chôn cất, và sống lại, trong một hang động. Những cuộn sách Biển Chết thiêng liêng của của Do Thái giáo được chôn trong 11 hang động khác nhau. Nhà tiên tri Muhammad đã giác ngộ và đón nhận kinh Koran trong một hang đá tên là Hira. Không có gì lạ khi ngày nay ta bước chân vào những nhà thờ, những ngôi chùa, những hội đường Hồi giáo đều cảm giác giống như bước vào một hang động.

Mở tour vào rừng sâu - Ảnh 16.

Nghệ thuật Phật giáo trong các hang động ở Đôn Hoàng, Trung Quốc - Ảnh: James Photography

Nhưng cũng không nhất thiết cần tới tôn giáo thì hang động mới trở nên thiêng liêng. Mỗi hang động là một nghịch lý: nó được định nghĩa bởi khoảng không gian trống rỗng bên trong nó.

Khung thời gian của nó là điều chúng ta không bao giờ hiểu nổi - hoàn toàn xa lạ với một giống loài đã quen đo đạc thời gian bằng phút, giờ, tháng, năm, hay thậm chí là thập kỷ. Một hang động không sống trong khung thời gian như vậy.

Hầu hết hang động được hình thành khi nước đi xuyên qua không trung và mặt đất, hấp thu carbon dioxide, tạo ra một loại axít rất yếu rồi len lỏi vào những kẽ đá nhỏ nhất, từ từ làm chúng xói mòn.

Sau hàng triệu triệu năm, những mạch nước đó tạo thành một hang động. Nhũ đá và măng đá trong hang là bằng chứng sống động nhất: mỗi 100 năm mới được 16cm3, và măng đá lớn nhất trong hang động được ghi nhận hiện giờ cao 67 mét.

Nói cách khác, hang động là sự khoe mẽ của thời gian. Thật ra thì gần như mọi cấu tạo địa chất đều hình thành từ từ, nhưng hang động đặc biệt bởi sự huyền ảo, vẻ đẹp và cấu trúc mong manh của nó - nó không sinh ra từ những nứt gãy địa chất lớn hay những biến cố sông nhào núi sụp, mà chỉ là những giọt nước tí tách, từng chút, từng chút một, chẳng khác gì ta trang trí cho nhà thờ Sistine bằng một cây chì vẽ mắt.

Ngày nay, trong thời đại siêu dữ liệu của thế kỷ 21, sức hấp dẫn ban sơ của hang động có một chiều kích mới. Trái đất, bao gồm đáy đại dương, giờ đã được vẽ bản đồ hoàn chỉnh, nhưng các hang động thì chưa. Camera của Google chưa vào được trong đó. Chúng vẫn là những không gian trống vắng.

Trong một thế giới tiếp cận tức thì, hang động là nơi ta phải tiếp cận từ tốn. Trong một thế giới hiện diện luôn luôn, hang động là sự trống vắng. Trong một thế giới hời hợt, chúng thật sâu sắc - theo đúng nghĩa đen của từ đấy.

Vì lẽ đó, chúng ta càng thấy chúng cuốn hút vì những điều quý giá chúng còn lưu giữ mà ngày nay thật khó tìm: sự vô tri, sự trống rỗng, sự chính trực của một bầu không khí lặng im tuyệt đối.

Mở tour vào rừng sâu - Ảnh 17.

Lối vào hang Altinbesik, Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: Daily Sabah


LÊ MY - SAM ANDERSON (H. MINH lược dịch)
NGỌC THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên