Phóng to |
Biểu tình ở Lille (Pháp) trong ngày kêu gọi đình công toàn quốc (24-6) chống lại kế hoạch cải tổ tuổi hưu của chính phủ - Ảnh: AFP |
Những người dân trước giờ đã quen với giáo dục và y tế miễn phí, trợ cấp thất nghiệp rộng rãi ngay lập tức phải đối diện với những thách thức lớn trong đời sống thường nhật khi túi tiền của họ vơi đi nhanh chóng, còn nhà nước không chìa bàn tay phúc lợi ra nữa.
Người nghèo bị thiệt
“Cuộc sống đang ngày càng trở nên khó khăn với người nghèo” - Marieke Martin, nghiên cứu sinh tiến sĩ 30 tuổi tại Luneburg (Đức), nói với BBC. Martin hiện đang phải đi làm thêm ở một siêu thị để trang trải khoản học phí 17.000 euro (21.000 USD) và cả tiền sinh hoạt hằng tháng. Cô cũng sẵn sàng cho việc tìm kiếm việc làm ở nước ngoài khi chính quyền cắt giảm mạnh chi tiêu cho lĩnh vực mà cô nghiên cứu.
Cả châu Âu thắt lưng buộc bụng * Romania: cắt giảm 25% lương của 1,4 triệu nhân viên nhà nước, 200.000 việc làm trong lĩnh vực công và 15% lương hưu và trợ cấp thất nghiệp. * Iceland: tăng 45% học phí đại học, chi tiêu chính phủ ở mức -3% trong năm 2009 so với 2008 và sẽ tiếp tục âm vào các năm 2010 và 2011. * Tây Ban Nha: nâng tuổi hưu từ 65 lên 67, cắt giảm 6 tỉ euro (7,4 tỉ USD) trong các lĩnh vực công, gần như ngừng tuyển dụng mới ở các cơ quan nhà nước, giảm trung bình 5% lương của 2,8 triệu nhân viên nhà nước, riêng các bộ trưởng bị cắt lương 15%, tăng thêm 2% thuế VAT, không tăng lương hưu, cắt các khoản trợ cấp một lần 2.500 euro (3.000 USD) cho bà mẹ vừa sinh con, cắt các khoản viện trợ quốc tế trị giá 600 triệu euro (740 triệu USD). * Lithuania: Thủ tướng Andriud Kubilius tự nguyện cắt 40% lương, tăng thêm nhiều khoản thuế, giảm 5% lương hưu và trung bình 10% lương ở lĩnh vực công. * Ireland: đặt mục tiêu tiết kiệm 12 tỉ euro (14,8 tỉ USD) thông qua giảm chi và tăng thu thuế. |
Nhưng dẫu sao tình hình ở Đức vẫn còn sáng sủa, khi thâm hụt ngân sách mới chỉ khoảng 3% GDP. Tại những quốc gia đã vỡ nợ như Hi Lạp hay đang đứng trên bờ vực như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, cuộc sống còn bi đát hơn.
“Tôi đã mất 20% thu nhập kể từ khi chính phủ thực hiện cắt giảm lương nhà nước. Tôi đã phải cắt giảm rất nhiều thứ, không đi ăn bên ngoài nữa, không mua quần áo mới và cả không gặp bạn bè uống cà phê” - Eleni Hondrou, 38 tuổi, một nhân viên văn phòng tại Athens, than vãn.
Thủ đô Hi Lạp đã thay đổi trông thấy từ vài tháng qua. “Rất nhiều người không còn đi làm bằng xe hơi riêng, Athens ít kẹt xe hơn, thật lạ lùng. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng có điều gì khiến người Hi Lạp từ bỏ những chiếc xe hơi của họ. Tôi còn may chán vì không vay mượn gì. Nhiều người nợ nần và giờ không thể trả nổi. Tôi nghĩ hầu hết đều bị sốc” - Hondrou kể với BBC.
Ai có lỗi?
Nhiều người đổ lỗi cho cách điều hành của chính phủ gây ra tình hình khốn khó của họ hiện giờ.
“Tôi tham gia biểu tình vì cho rằng chính quyền đã thực hiện chính sách khắc khổ một cách sai lầm. Những biện pháp được đưa ra vội vàng và quá muộn, chỉ vì áp lực từ thị trường và Liên minh châu Âu. Thay vì tấn công những nhân viên nhà nước, chính quyền có thể tăng thuế với những người giàu. Tôi và chồng đều bị cắt lương, vốn đã chẳng nhiều nhặn gì. Tôi có sống sung sướng gì cho cam” - Angeles Rodriguez de Cara, một nghiên cứu sinh trong lĩnh vực nhà nước tại Madrid (Tây Ban Nha), bức xúc.
Dẫu sao De Cara vẫn còn may mắn. Hiện giờ tại Tây Ban Nha, cứ năm người trong lực lượng lao động thì một người thất nghiệp. Những hàng người cứ dài mãi ở bên ngoài các văn phòng việc làm tại Madrid, chờ đợi những khoản trợ cấp nhỏ giọt từ chính quyền.
Dù là ít ỏi, tiền trợ cấp thất nghiệp đã tiêu tốn của ngân sách Tây Ban Nha 40 tỉ euro (49 tỉ USD) mỗi năm, tương đương 3,9% GDP, theo báo El Pais. Việc có tới 1/3 số lao động ở Tây Ban Nha chỉ có hợp đồng ngắn hạn càng khiến họ trở nên dễ bị sa thải khi khủng hoảng kinh tế lan rộng. German Lopez là một người như thế, dù đã gửi hồ sơ xin việc đến vài chục chỗ nhưng cựu nhân viên siêu thị này vẫn không thể tìm được việc làm trong một năm qua. “Trên một trang web tuyển dụng, tôi thấy có 963 người đăng tuyển cho một vị trí giống tôi” - Lopez lắc đầu ngán ngẩm.
Cũng có những người tin rằng các ngân hàng là thủ phạm chính khiến cuộc sống của họ ngày càng trở nên bấp bênh. “Cuộc khủng hoảng này do ngân hàng và các định chế tài chính gây ra. Các chính phủ vào cuộc để cứu nền kinh tế và cứu các ngân hàng khỏi sụp đổ. Giờ đây các ngân hàng và định chế tài chính đó lại quay ra nói với chính phủ rằng: hãy đưa hóa đơn thanh toán việc này cho những công dân bình thường. Điều đó thật khó chấp nhận” - Ronald Janssen, thuộc Hội đồng các liên đoàn lao động châu Âu, nói với BBC.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng hệ thống xã hội phúc lợi ở châu Âu, với trợ cấp thất nghiệp rộng rãi, giáo dục miễn phí và y tế được nhà nước đài thọ phần lớn không thể duy trì mãi. Kinh tế gia Marc Stocker thuộc Tổ chức Business Europe nói với BBC: “Giờ hệ thống đó cần được cải tổ, để đảm bảo rằng chúng ta có thể đương đầu với các thách thức tương lai: sự già hóa dân số, cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt và những cuộc khủng hoảng bất thường”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận