Phóng to |
Một công trình làm đường vướng hệ thống cấp nước - Ảnh: ĐỨC TRÍ |
Nhận thức được tính cấp bách, quan trọng của một bản đồ quy hoạch không gian ngầm nên UBND TP.HCM đã lập một ban chỉ đạo, nghiên cứu, xây dựng đồ án quy hoạch không gian ngầm với sự có mặt của nhiều lãnh đạo các sở, ngành. Tuy nhiên đến nay, chủ trương này vẫn chỉ là... chủ trương, “chưa thấy có động thái tích cực nào” trong việc nghiên cứu lập quy hoạch không gian ngầm, như khẳng định của một thành viên ban chỉ đạo.
Không chỉ trong phạm vi TP.HCM mà ở tầm quốc gia, Chính phủ cũng nhận thấy tầm quan trọng của việc lập quy hoạch không gian ngầm.
Năm 2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định 43 về việc lập quy hoạch ngầm, trong đó yêu cầu các thành phố lớn khi đã có quy hoạch chung được duyệt, thì phải làm quy hoạch không gian ngầm.
Theo bà Phạm Thị Thanh Hải, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch thuộc Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, nguyên nhân là chưa có một thông tư hay một văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định 43 nên những đơn vị thực thi không biết phải triển khai ra sao vì việc lập quy hoạch không gian ngầm liên quan đến rất nhiều bộ, ngành; nhất là nguồn kinh phí thực hiện không biết sẽ lấy từ đâu…?
Cũng theo bà Phạm Thị Thanh Hải, cách nay 13 năm, một tổ chức của Liên hiệp quốc đã hỗ trợ thành phố khoảng 200.000 USD để thí điểm lập quy hoạch công trình ngầm ở khu vực đường Trương Định-Lê Văn Sỹ-Lý Chính Thắng-Nguyễn Đình Chiểu.
Thời gian ấy, các công trình ngầm chưa dày đặc như hiện nay, nhưng việc lấy các số liệu để làm quy hoạch cũng rất khó. Đó là chưa kể một thực tế (kéo dài cho đến nay) là công trình ngầm thuộc rất nhiều lĩnh vực (điện, bưu điện, hệ thống cấp, thoát nước, metro,…) đan xen nhau mà mỗi công trình lại thuộc bộ, ngành khác nhau.
Mỗi bộ, ngành lại có những kế hoạch phát triển không giống nhau. Việc lấy thông tin làm quy hoạch đã khó, việc thống nhất thông tin lại để lập quy hoạch và triển khai quy hoạch còn khó hơn. Do vậy, dù có sự hỗ trợ về tài chính của Liên hiệp quốc, kế hoạch thí điểm làm quy hoạch không gian ngầm trong khu vực Trương Định-Lê Văn Sỹ-Lý Chính Thắng-Nguyễn Đình Chiểu cũng không thể thực hiện.
Việc thực hiện quy hoạch ở các khu đô thị cũ với bao ngổn ngang là thế, song việc thực hiện quy hoạch ở các đô thị mới cũng chẳng dễ hơn.
Tại TP.HCM, mặc dù có khá nhiều khu đô thị mới được xây dựng, nhưng gần như chưa có khu đô thị nào có quy hoạch hệ thống ngầm đúng nghĩa, cho dù Chính phủ đã quy định: đô thị mới từ 20ha trở lên phải có quy hoạch không gian ngầm. Khó khăn ở các khu đô thị mới không giống khó khăn ở đô thị cũ. Ở đô thị mới, việc lập quy hoạch không gian ngầm không khó-chúng như tờ giấy trắng, chỉ việc vẽ lên. Thế nhưng, vấn đề là ai sẽ chủ trì việc thực hiện quy hoạch không gian ngầm?
Người chủ trì ở đây, theo ông Khương Văn Mười, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, về cơ bản sẽ phải đầu tư hệ thống tuyn-nen (hệ thống cống để đặt tất cả các công trình ngầm vào trong đó). Các đơn vị có nhu cầu đặt hệ thống ngầm như điện, bưu điện, cáp quang… sẽ phải thuê lại hệ thống tuyn-nen. Số tiền để đầu tư cho một hệ thống tuyn-nen hoàn chỉnh là rất lớn, không phải nhà đầu tư nào cũng có được.
Chính vì vậy, với đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, xây dựng đô thị mới không đủ sức đầu tư cho hệ thống này. Ở nhiều khu đô thị mới, chủ đầu tư còn phải tìm mọi cách thu tiền trước từ khách hàng để xây nhà, thì tiền đâu để họ xây dựng hệ thống tuyn-nen?
Bà Phạm Thị Thanh Hải cho biết, cách nay mấy năm, Ban quản lý khu Nam Sài Gòn-nơi có hàng loạt khu đô thị mới, cũng đã đặt vấn đề với Viện Quy hoạch làm quy hoạch không gian ngầm cho trục đường Nguyễn Văn Linh.
Sau khi khảo sát thực tế, Viện Quy hoạch đành phải từ chối, bởi hệ thống ngầm ở đây đã dày đặc lại phát triển… theo ý muốn chủ quan của mỗi ngành.
Như vậy, một bản quy hoạch không gian ngầm cho TPHCM xem ra còn rất mịt mờ!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận