![]() |
Minh Hoàng và Hồng Vân trong vai đôi vợ chồng giáo viên của vở Cô giáo Hạnh |
Một vở kịch của người đã gắn bó với sân khấu TP.HCM 30 năm qua.
Trôi theo dòng đời là câu chuyện về bà Lan (Cát Phượng), giám đốc một doanh nghiệp nhà nước ăn nên làm ra, dù đã cứng tuổi nhưng vẫn còn đẹp mặn mà. Tham gia thanh niên xung phong từ những năm đầu giải phóng, Lan đã yêu Hùng (Minh Hoàng), một người lính trên mặt trận biên giới Tây Nam, khi Hùng trong một lần bị thương nặng đã thốt lên điều khiến anh luôn nặng lòng và càng khiến Lan cũng nặng lòng: “Tôi không kịp cưới vợ cho mẹ tôi vui”. Rồi họ trở thành chồng vợ.
Hiện tại của bà Lan đột nhiên dậy sóng. Thịnh, một gã đàn ông từ Mỹ trở về, kẻ nắm giữ bí mật mà bà Lan che giấu bấy lâu. Trước ngày 30-4-1975, Lan là một vũ nữ ở Sài Gòn. Sau ngày đất nước thống nhất, cô đã lặng lẽ tự xóa đi quá khứ khi lên đường tham gia thanh niên xung phong. Giờ đây, nếu Thịnh tiết lộ cái quá khứ ấy của Lan, vô hình trung Lan mắc phải cái tội khai gian lý lịch, lừa dối tổ chức.
![]() |
Hoàng Thi và Cát Phượng trên sàn tập vở kịch Trôi theo dòng đời |
Cái ghế giám đốc sẽ lung lay, danh tiếng bị bôi bẩn, hạnh phúc bên người chồng chia ngọt sẻ bùi thuở hàn vi sẽ có nguy cơ rạn vỡ. Bà Lan đứng trước một cú ápphe của Thịnh: hắn muốn trao đổi bằng tiền.
Nghiệt ngã hơn, nếu muốn che giấu sự thật, bà Lan còn phải không được nhận mặt con – cô gái xinh xắn Hòa Bình (Hoàng Thi), cũng từ Mỹ trở về cùng với Thịnh. Oái oăm thay, Hòa Bình là kết quả trái khoáy từ lần Thịnh cưỡng đoạt Lan trong một snack bar.
Nhưng rồi một khi người trong cuộc vươn lên chiến thắng nỗi sợ hãi, sự thật được nhìn nhận bằng con mắt bao dung, thẳng thắn. Hậu quả là cú ápphe bẩn thỉu của Thịnh bị lật nhào. Song để có được kết quả đó là cả một hành trình tâm lý phức tạp, giằng xé…
Tác giả kịch bản Trôi theo dòng đời là Minh Hoàng, người đã đi suốt 30 năm với sân khấu. Tuổi nghề của anh vừa đúng với số tuổi của Sài Gòn từ ngày sang trang chế độ mới đến nay. Năm 1975, Minh Hoàng khởi đầu con đường nghệ thuật bằng một vai diễn trong vở Sáu phát trung liên (thuộc đoàn kịch của Trường Nghệ thuật sân khấu 2, đi biểu diễn phục vụ quần chúng ở nhiều nơi).
Ròng rã 30 năm qua Minh Hoàng luôn có mặt trên hầu hết các sân khấu của TP.HCM: từ Đoàn Cửu Long Giang, rồi Sân khấu nhỏ 5B, nhà hát Hòa Bình, sân khấu Idecaf, cho đến sân khấu kịch Phú Nhuận hiện nay. Anh trở thành chứng nhân cho nhiều chặng đường thăng trầm của sân khấu TP.HCM ba thập niên qua.
Vào giai đoạn kịch nói lao đao, các đoàn Cửu Long Giang, Bông Hồng, Kim Cương cứ hao hụt dần khán giả. “Có đúng khán giả chán xem kịch để chuyển qua xem thứ khác, hay là tại người làm kịch chưa tìm ra cách để kéo khán giả trở lại?” - Minh Hoàng kể lại: vào khoảng năm 1990, anh đã cùng đạo diễn Hồng Phúc bóp óc quyết định… liều một phen.
Vở Tình nghệ sĩ ra đời tại nhà hát Hòa Bình - với giám đốc Hoàng Thị Thương dám bỏ ra 100 triệu đồng đầu tư (số tiền rất lớn lúc đó), cũng là vở đánh dấu một Minh Hoàng lần đầu tiên là tác giả kịch bản. Tình nghệ sĩ thắng lợi “kinh hoàng”, cho đến nay vẫn là vở diễn giữ kỷ lục với trên 70.000 lượt khán giả chỉ trong một đợt biểu diễn tập trung. Rồi Minh Hoàng lại khiến nhiều người chịu cái tài “bắt mạch” khán giả, khi vở Tình 281 (Minh Hoàng viết kịch bản, Minh Hải đạo diễn) trên sân khấu 5B phải diễn đến 2 suất/ngày.
Nhiều người cho rằng do Minh Hoàng giàu kinh nghiệm làm diễn viên nên nắm bắt tâm lý khán giả sát sườn lúc anh bắt tay viết nhiều vở kịch. Nhưng con người có nhiều thành công đó chưa bao giờ tỏ ra tự mãn cho dù ngay vào thời điểm kịch của anh đang hốt bạc: “Tôi không chịu nổi thái độ của một vài người làm kịch gần đây tuyên bố rằng không bán vé được thì cũng không gì buồn!
Đó là thái độ vô trách nhiệm. Họ nói một cách dửng dưng như thế vì họ xài tiền nhà nước. Nếu là tiền túi tự bỏ ra liệu họ có dám nói như thế không, bởi cầm chắc phá sản, bán nhà”- Minh Hoàng giọng đầy bức xúc.
“Khi chúng tôi lên sàn tập Trôi theo dòng đời, từng anh em nghĩ đủ cách tiết kiệm chi phí. Nếu đi thuê mướn một số bộ trang phục lính tráng sẽ mất đứt 450.000 đồng mỗi ngày, tiếc lắm, nên tìm đến chợ Dân Sinh mua đồ cũ, tính toán từng đồng từng cắc. Chúng tôi đang làm vở lớn, với khoảng 50 diễn viên đủ loại, đâu có tiền tỉ mà phung phí…”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận