Phóng to |
Minh họa: La Nguyễn Quốc Vinh |
Bên trong ngôi nhà lá đơn sơ là những cây cột dừa được đẽo gọt thật kỹ lưỡng, phía trước nhà là cái tủ thờ đơn giản, bên mé hiên trái là chiếc đivăng nhỏ mấy anh em tôi ngủ chung rất vui. Những buổi chạng vạng tối trời mưa tạt gió lùa ướt gian bếp, cả nhà tôi quây quần trên chiếc đivăng dùng ngon lành bữa cơm chiều vội vàng, đạm bạc. Tôi thích nhất là món canh chua cá chốt nấu với lá me non hái trước hiên nhà. Mẹ âu yếm bới cơm cho cả nhà, cha để dành trứng cá bự cho tôi. Cả nhà vừa ăn xì xụp vừa nói chuyện rộn rã như át hẳn tiếng cơn mưa đang tạt mạnh vào phên nhà lá.
Cả ngày đi làm đồng mệt lả nhưng tối đến cha lại bắt mấy anh em tôi lên đivăng ngồi học bài dưới ánh đèn dầu. Có lần cha đi đám giỗ ông nội, ở nhà tôi lười học bài bị mẹ bắt nằm xuống đivăng quơ roi định đánh đòn… Tôi sắp khóc òa lên, may thay con Út đọc câu “Má ơi đừng đánh anh con, để anh bắt ốc hái rau má nhờ”. Nghe câu đó má dịu cơn giận và cho tôi “thiếu nợ”. Cha đi đám giỗ về mua thêm mấy tấm ván gỗ, cha bỏ cả buổi chiều đóng thành cái bảng lớn treo ở vách vào cửa buồng cho anh em tôi làm toán và viết chính tả trên bảng. Đứa nào siêng học, đi làm ruộng về cha thường thưởng cho con dế, chùm hoa dại hoặc mấy trái chuối chín cây ở góc bờ ruộng nhà… Cha rất vui khi nhìn đàn con chăm học…
Có mặt cha thì mấy anh em tôi học rất chăm chỉ, đứa nào cũng im lặng, cắm cúi học bài, làm bài tập để được cha cưng chiều. Nhưng khi cha có việc vừa đi khỏi nhà là mấy anh em túa ra chơi năm mười ở kẹt bồ lúa trong buồng. Cái buồng nhà tôi ngày xưa có cái bồ lúa nhỏ gọn nhưng cũng là nơi bọn tôi giỡn đủ trò. Nền nhà tôi là nền đất cát, nên chuyện leo lên bồ lúa “phi thân”xuống nền nhà theo kiểu phim hành động võ thuật là chiêu mà tôi và thằng em trai hay làm trước cặp mắt thán phục của con Út và mấy thằng nhóc hàng xóm.
Có lần cả cha và mẹ tôi đi đám cưới ở xóm trên về trễ, tôi bày mấy đứa hàng xóm xuống nhà bếp lấy lọ nghẹ “hóa trang” rồi vào buồng leo lên bồ lúa hát cải lương. Cái bồ lúa phút chốc biết thành sân khấu cải lương. Bọn con gái làm khán giả, bọn con trai chúng tôi leo tuốt lên bồ lúa ca vọng cổ thật mùi rồi phút chốc quay ra đánh võ, đánh kiếm làm bọn con gái mê tít. Cũng xui cho tôi, hứng chí tập “phi thân” theo kiểu cải lương kiếm hiệp, tôi té từ bồ lúa xuống nền nhà bị trặc chân và nín thở mấy phút làm cả đám khán giả nhí sợ xanh mặt. Con Út nhà tôi thì khóc thét lên “Anh Hai đừng chết bỏ em hu… hu…”. Cha mẹ về tới, lần đó tôi bị đánh đòn bầm tím. Mẹ nói với cha lần này không cho “thiếu nợ” nữa, cho nó chừa cái tật liến khỉ… Đó cũng là một kỷ niệm nhớ đời.
Một năm sau cha tôi bị bệnh nặng. Mẹ tôi phải nuôi cha ở bệnh viện hơn một tháng trời. Căn nhà lá ngày nào giờ trở nên quạnh vắng. Đi học về là tôi phải làm đủ thứ việc như quét nhà, nấu cơm, giặt giũ cho hai đứa em và kiêm luôn việc kiểm tra bài vở mà lúc trước cha tôi đảm nhận. Cha tôi xuất viện, cả nhà mừng rơi nước mắt. Bữa cơm mừng cha bình phục chưa xong thì có người hàng xóm đến nhà nói gì đó với cha mẹ tôi… Còn nhỏ nên tôi lơ mơ hiểu cha chữa bệnh tốn kém nên mang nợ người ta, có lẽ vậy? Mười ngày sau cha tôi đi làm ăn xa kiếm tiền trả nợ. Ngôi nhà vắng giọng nói tiếng cười của cha, ai cũng thấy buồn nhưng giấu kín trong lòng…
Mùa mưa lại đến, mẹ tôi bận đi làm đồng thay cha, căn nhà cũ giờ trở nên dột nát. Tuổi mười ba mà tôi như cứng cáp, trưởng thành hẳn lên. Tôi xuống con rạch nhỏ sau vườn tự đốn lá rồi lấy lạt dừa về cột lại vách gian nhà bếp. Đợi lúc trời đang mưa tôi bắc ghế dùng lá dừa nước chèn lại những chỗ dột trên mái nhà. Để có nước mưa uống quanh năm, tôi cắt bẹ thân cây chuối hột làm máng xối hứng nước mưa ở mái nhà, rồi sang đầy hết mấy cái lu ở mé hiên nhà trên.
Cha tôi đi làm xa về, con chó mực sủa vang mấy tiếng, mấy anh em tôi ôm lấy cha vòi quà, nào hay đôi mắt mẹ ngân ngấn lệ. Con Út ngây thơ hỏi sao mẹ khóc nhè, mẹ tôi bảo khói bếp làm mắt mẹ cay. Cha tôi lại tiếp tục đi làm xa, cả nhà rất nhớ cha, ai cũng muốn làm tốt công việc của mình hơn. Có lẽ do lao động nặng nhọc kéo dài nên cha tôi trở bệnh nặng và qua đời. Từ đó, tôi mới thấm thía câu “Con mất cha như là nhà mất nóc”…
Thời gian trôi qua, mấy anh em tôi trưởng thành. Mẹ ở chung với con Út trong căn nhà ngày xưa được sửa lại khá khang trang. Chiều nay trời bất chợt đổ mưa, tôi về thăm lại căn nhà ngày xưa, lòng chợt rưng rưng muốn khóc. Căn nhà lá đơn sơ ngày xưa là kỷ niệm thiêng liêng, là “miền nhớ bình yên” để trái tim tôi thổn thức tìm về.
|
Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận