![]() |
Cảnh trong "Mèo, chuột và chú bé lười" |
Anh chàng đạo diễn tương lai Quốc Phát đã tỏ ra mình là một "đạo diễn" cứng tay, có ý tưởng…
Mèo thì bắt chuột, chuột thì sợ mèo, điều đó hẳn nhiên rồi. Ấy vậy mà ông Táo lại kể cho các em nhỏ một câu chuyện ngược hẳn. Cậu bé Hùng lười nhác, chỉ muốn ăn xong rồi ngủ, đã đồng ý đổi hồn với chú mèo tam thể vì cho rằng làm mèo sướng lắm. Đám chuột lâu nay vốn sợ chú mèo bé con nhưng gan dạ nên chẳng dám quấy phá. Nay đột nhiên thấy mèo ta thây kệ mọi sự, lại tỏ ra nhút nhát, bọn chuột tha hồ phá phách. Dần dần chúng còn ăn hiếp chú mèo, cuối cùng đi đến quyết định "chuột ăn thịt mèo" để trả thù những gì mèo đã làm hại chuột…
Dưới "cây đũa" chỉ huy rất có chất của "đạo diễn" trẻ măng Quốc Phát, các em thiếu nhi có nghề diễn xuất của đội kịch Tuổi Ngọc diễn thật sinh động. Mỗi chú chuột là một tính cách không lẫn lộn. Cái logic "chuột ăn mèo" diễn ra từng bước hợp lý một cách vui nhộn.
Có học lóm mảng miếng hài nơi các sân khấu náo kịch hiện nay, nhưng cái riêng của Quốc Phát thể hiện khá rõ ở cách dựng giàu chi tiết. Đạo diễn trông giống trẻ con này, còn được mẹ hôn nựng ngay trong đêm thi, dựng vở cho trẻ con một cách nghịch ngợm nhưng chấp nhận được.
Có chuột thích lắc vòng nhưng bị chuột đại ca mập ú ù (Minh Béo đóng) ghét tập thể dục la mắng. Có chuột điệu thích soi gương. Có chuột nóng tính, lúc nào cũng ào ào chẳng biết sợ ai. Có chuột nhát gan, trước khi đánh mèo lo xa, trối trăn, làm tang trước. Có chuột võ sĩ bé con nhưng đánh nhau rất khá. Có chuột pháo thủ đem cả một khẩu pháo bé con lên sân khấu với đạn là phômai, bánh vụn để… xử tử mèo. Có các cô mèo hay làm dáng với mèo lạ; trao tặng huy chương cho mèo tam thể khi chú bất ngờ đánh bại lũ chuột. Và khi ông Táo làm phép đổi hồn, muỗng nĩa, nồi chén chạy lung tung…
Cách gài kịch của Quốc Phát cũng khéo léo. Người xem thắc mắc bởi cả một đám các cô mèo hoang dạn dày như thế sao lại để bọn chuột lấn lướt, xử tử hình mèo tam thể. Nhưng trẻ con mà, rất nhân hậu, không bạo lực. Mèo bắt được chuột nhưng không ăn thịt mà chỉ la mắng chuột không được quậy phá; đến khi sắp ăn thịt, chuột sợ quá tè ra quần thì tha cho về… thay đồ. Chuột thắng mèo nhưng chỉ trả thù ở hình thức… nhổ râu.
Mèo và chuột đấu nhau nhưng phải công bằng, không được cậy số đông, không được ỷ lớn hiếp bé. Và hình như mọi thứ đều diễn ra qua lăng kính trò chơi: lớp Hùng đang tập kịch, các cô mèo chính là những bạn gái trong lớp muốn giúp Hùng tiến bộ; còn Hùng thì hình như vừa trải qua một giấc mơ. Hình như thôi, bởi hình như ông Táo có thiệt và Hùng thì lười thật!
Lần đầu dựng vở, mà lại là bài thi tốt nghiệp (khóa đạo diễn đầu tiên của Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP.HCM), vậy mà chàng đạo diễn tương lai đã chọn ngay thể loại chẳng dễ dàng gì là ca nhạc kịch khi kịch bản không có sẵn. Câu chuyện Mèo, chuột và chú bé lười của nhà văn Nguyễn Quang Sáng được các sinh viên khoa sân khấu trước đây chuyển thành kịch bản.
Từ kịch bản này Quốc Phát đã gia cố lại, thêm ý tưởng và đặt nhạc sĩ Thập Nhất viết nhạc. Phần nhạc của vở thành công ở giai điệu vui tươi và lời ca dí dỏm; thêm phần xử lý ca - múa khá nhuyễn của đạo diễn, Mèo, chuột và chú bé lười có được cái chất sinh động của ca nhạc kịch, thêm thu hút người xem.
Các khán giả nhí sẽ được xem vở ca kịch tốt nghiệp dễ thương này tại sân khấu kịch Tuổi Ngọc. Xuất đầu tiên công diễn vào sáng chủ nhật 27-6.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận