14/09/2007 06:54 GMT+7

Mẹ và con trai xứ Quảng

MỸ TRÂM - V.HÙNG - Đ.CƯỜNG
MỸ TRÂM - V.HÙNG - Đ.CƯỜNG

TT - Đó là những người mẹ dù khó nghèo đến tận cùng vẫn cố rướn với ước mơ của con. Còn những người con trai xứ Quảng càng thương mẹ càng muốn đi đến cùng ước mơ được học cho mình lẫn cho mẹ...

Tiếp sức đến trường năm 2007

* Báo Tuổi Trẻ - Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng - Sở GD-ĐT Quảng Nam - Thành đoàn Đà Nẵng, Tỉnh đoàn Quảng Nam và Đoàn ĐH Đà Nẵng phối hợp tổ chức. * Tài trợ: Câu lạc bộ "Tiếp sức đến trường" Quảng Nam - Đà Nẵng tại TP.HCM.

8x7ae3oT.jpgPhóng to

Ngày ngày Lạc dìu mẹ lên từng bậc dốc vào nhà - Ảnh: Mỹ Trâm

TT - Đó là những người mẹ dù khó nghèo đến tận cùng vẫn cố rướn với ước mơ của con. Còn những người con trai xứ Quảng càng thương mẹ càng muốn đi đến cùng ước mơ được học cho mình lẫn cho mẹ...
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Và trong những gương mặt nhận học bổng "Tiếp sức đến trường" hôm nay có hai người con trai xứ Quảng với lòng hiếu thảo đã dám ước mơ như thế.

Để thay đổi đời mẹ, đời con

Căn nhà 9m2 của mẹ con bạn Đỗ Văn Lạc chỉ đủ để kê hai chiếc giường ọp ẹp cho mẹ và con. Lạc chặt tre nẹp thành một tấm cửa mỏng che chắn lối đi, tráng cho lớp đất cứng hơn để mẹ lê người dễ dàng lúc không có em ở nhà.

Cả làng Triêm Đông, xã Điện Phương, nơi giáp ranh giữa Hội An và huyện Điện Bàn (Quảng Nam), ai cũng từng mua vé số giúp bà mẹ tàn tật Nguyễn Thị Tha. Hằng ngày bà lết lên bậc thềm cao của những quán cà phê, quán ăn, hàng chợ mời mua vé số. Còn người con, tuổi thơ của Lạc là từng chặng đường cuốc bộ, buôn thúng bán bưng những rổ ổi, xoài từ chợ đến cổng trường. Lên một cấp học lại chuyển một nghề: bán vé số, bán cà rem dọc từ Điện Bàn, Hội An, ra tận Đà Nẵng. Lớn chút nữa, Lạc đi làm phụ hồ.

Lăn lộn mưu sinh vậy nhưng Lạc chưa nghỉ học ngày nào. "Cái tội lớn nhất của nó là nghèo khổ nhưng ham học" - bà Tha chua xót.

Ngày ngày Lạc chăm sóc mẹ, kể cả việc dọn dẹp vệ sinh cho mẹ vì nhà không có cả hố xí. Những ngày chờ nhập học, Lạc xin phụ bàn tại một nhà hàng ở Đà Nẵng. Mừng vì có chỗ làm nhưng lại không yên: "Mẹ tàn tật. Mỗi lần mẹ về, mình cõng mẹ lên dốc, giờ không có ai ở nhà mẹ sinh hoạt bất tiện lắm. Rồi vô năm học là mùa mưa lũ, nhà mình mỗi lần nước lụt là lên tận nóc, ai cõng mẹ qua nhà hàng xóm?". Nỗi lo này chồng chất nỗi lo kia, trước khi ra Đà Nẵng làm việc kiếm tiền nộp học phí, Lạc kịp tráng bằng khoảnh sân trước nhà cho mẹ dễ lết người lên xuống, sửa bánh lắc xe lăn nhẹ hơn.

"Một ước muốn nhỏ trong những lần mình cõng mẹ đi bán vé số, cõng mẹ lên thềm nhà là được chở mẹ một vòng từ Hội An ra Đà Nẵng để mẹ biết đó biết đây mà chưa làm được. Nhưng chính điều ấy còn nuôi dưỡng cho mình một ước mơ thay đổi cuộc đời của mẹ bằng cuộc đời của mình" - Đỗ Văn Lạc tâm sự như trải lòng mình.

Bà lại ứa nước mắt không sao ngủ được từ ngày thằng con trai đậu đại học. Nén hơi thở để không sụt sùi thành tiếng, bà biết nó cũng chẳng dám cựa mình thao thức trên chiếc chõng ba tấc dưới chân giường của mẹ.

PApb7Ev6.jpgPhóng to

Chăm sóc mẹ bị bệnh nặng khiến Quang cơ cực hơn - Ảnh: Đoàn Cường

Lớn rồi phải lo cho mẹ

Khỏe hay ốm, nắng hoặc mưa phùn rét mướt, cứ 6g cậu học sinh Trịnh Hồ Quang cọc cạch trên chiếc xe đạp lấy báo để bán. Năm năm gắn với chồng báo, chút tiền lời còm cõi đỡ đần được bữa ăn gia đình và nuôi ước mơ cháy bỏng ngày ngày được đến trường.

Ngày Quang mới 3 tuổi, đau đớn vì chưa rõ mặt người cha vừa khuất thì gia đình lâm cảnh khánh kiệt. Mẹ Quang - bà Kim - tay bế tay xách bốn đứa con nhỏ về nhà ngoại thôn Bàu Câu (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) dựng tạm mái lều che nắng mưa. Không muốn đàn con thất học, người mẹ đội nón, xỏ giày công nhân bắt đầu chuỗi ngày làm phụ hồ. Công việc nặng đối với phụ nữ, ăn uống lại kham khổ đã "đốn ngã” bà.

Còn Quang, mấy năm nay người qua lại cầu Cẩm Lệ quen với hình ảnh cậu học sinh trong bộ đồng phục ngồi thu mình bên bàn bán báo. Tan trường Quang quay lại tiếp tục bán báo. "Mỗi ngày lấy khoảng 23 tờ báo các loại để bán. Bán không hết là lỗ vốn nhưng lại được... đọc báo" - Quang cười tâm sự. Thi xong hôm trước, hôm sau cậu học trò mọi khi ôm xấp báo ra đầu đường. Và chưa xong chén cơm, Quang lại nhảy vào chuồng xịt nước tắm heo, cho heo ăn. Thời gian học còn lại là những lúc đôi mắt sụp xuống bởi một ngày mưu sinh cật lực và chăm sóc mẹ.

Thương Quang học giỏi, ngoan hiền, lại hiếu thảo, hàng xóm nhờ Quang dạy kèm con mình. Mỗi tháng Quang nhận được 200.000 đồng tiền "đứng lớp" hai em lớp 2 và lớp 4. Mỗi kỳ danh hiệu học sinh giỏi cùng số tiền thưởng 50.000 đồng. Lên lớp 12 Quang đoạt giải khuyến khích cuộc thi "Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước của TP Đà Nẵng" với học bổng 1 triệu đồng. Tiền gom góp được Quang dành mua thuốc, tẩm bổ cho mẹ, còn lại dùng mua sách vở, đóng học phí. "Các chị lấy chồng cũng nghèo, ở xa. Lớn rồi phải lo cho mẹ!" - Quang nói như tự nhủ với chính mình.

* 15g30 chiều nay, 14-9-2007, tại hội trường Viện Anh ngữ - Đại học Đà Nẵng (41 Lê Duẩn, Đà Nẵng),100 tân SV sẽ nhận học bổng với trị giá 3 triệu đồng/suất (Quảng Nam: 75 bạn, Đà Nẵng: 25 bạn). Ngoài ra thủ khoa ĐH Bách khoa Đà Nẵng Nguyễn Bá Kiên (Đà Nẵng) được Công ty P&G Long Quân (TP.HCM) tặng học bổng 5 triệu đồng; thủ khoa ĐH Y Huế Trần Văn A (Hội An, Quảng Nam) được một nhà hảo tâm tặng 7 triệu đồng.

* Các tân SV còn được nhận tặng phẩm là quyển sách Einstein do ông Nguyễn Xuân Xanh, tác giả và nhóm Việt kiều Đức tặng.

MỸ TRÂM - V.HÙNG - Đ.CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên