26/09/2007 08:24 GMT+7

Máy chụp ảnh cho mọi người

TRUNG LÊ (Theo C5 M)
TRUNG LÊ (Theo C5 M)

TTCT - Cách đây hơn một thế kỷ, George Eastman đưa ra thị trường chiếc máy ảnh xách tay Kodak giá rẻ, khởi đầu cho một cuộc cách mạng về hình ảnh.

ubo6INTw.jpgPhóng to
Máy ảnh Brownie
TTCT - Cách đây hơn một thế kỷ, George Eastman đưa ra thị trường chiếc máy ảnh xách tay Kodak giá rẻ, khởi đầu cho một cuộc cách mạng về hình ảnh.

Tháng 2-1900. Tại trụ sở chính của Công ty Eastman Kodak, Rochester, New York (Hoa Kỳ), người ta đang nhốn nháo. Chuyện gì xảy ra? Chiếc máy ảnh Brownie to bằng cái hộp đánh giày xuất hiện. 5.000 máy đưa ra cửa hàng bán hết ngay tức khắc. Người ta đặt thêm 1.000 cái nữa. Rồi 10.000. Cuối cùng 20.000! Người Nhật đặt mua 2.000. London tăng gấp đôi yêu cầu. Chi nhánh tại Pháp nhận đơn không kịp thở... Ông chủ George Eastman tuyên bố từ nay bất kỳ ai, đàn ông, đàn bà hay trẻ con, đủ thông minh để định hướng chiếc hộp và bấm nút, đều có thể chụp ảnh.

Ở thời điểm năm 1878, chỉ dân nhà giàu mới có thể chơi máy ảnh và không ai tưởng tượng có thể đeo một chiếc ở thắt lưng vì đó là một cái hộp nặng 50kg, to bằng cái bếp lò, còn phim là một tấm kính quét keo nitrate cellulose trộn éther và cồn hòa với nitrate bạc, có đặc tính chuyển thành màu đen khi gặp ánh sáng. Hàng trăm người xếp hàng chờ chụp ảnh tại cửa hàng ảnh ở Paris. Dân London và New York còn nhớ rõ muốn chụp được một bức ảnh phải là nhà bác học! Phải pha trộn nhiều chất độc hại bẩn thỉu với những tấm kính nặng nề, dễ vỡ và đắt tiền. Lại rất căng thẳng: phim phải bắt ảnh và rửa trước khi bị khô. Do vậy, các du khách hào hoa phong nhã chỉ thích mang theo giá vẽ. Ngoại trừ Eastman. Anh chàng nhân viên quèn của Ngân hàng Rochester Savings quả quyết: “Tôi muốn giữ lại hình ảnh của chuyến đi nghỉ mát sắp tới tại Saint - Domingue”.

Tiện dụng như cây bút

Thật ra Eastman chẳng bao giờ đến được vùng biển Caribê. Bị con “virus chụp ảnh” hành, anh đã bỏ việc làm ở ngân hàng để theo đuổi tham vọng riêng: “Tôi muốn chiếc máy ảnh cũng gọn nhẹ như cây bút và làm cho mọi người say mê nó như chiếc xe đạp”. Đầu tiên ông sử dụng loại nhũ gelatine do bác sĩ người Anh Richard Leach Maddox mới phát minh để làm kính âm bản có thể bắt ảnh bất kỳ lúc nào, dù đã khô.

Năm 1881, Công ty Eastman Dry Plate ra đời trên căn gác một ngôi nhà ở đường State Street, và nhà hóa học Henry Reichenbach được giao nhiệm vụ nghiên cứu để thay thế tấm kính nặng nề bằng lớp keo mỏng có thể cuốn gọn, do đó cũng giảm được kích thước chiếc hộp. Chất celluloid, phát minh năm 1873, được chọn để làm phim. Việc tiếp theo là đơn giản hóa qui trình rửa ảnh. Ý tưởng đó đến với Eastman năm 1888 khi ông tung ra thị trường chiếc máy ảnh Kodak đầu tiên với khẩu hiệu: “Bạn chỉ cần bấm nút. Chúng tôi sẽ lo những việc còn lại”. Phần còn lại là gì? Đó là việc rửa ảnh. Chụp xong, khách hàng gửi cả chiếc máy đến Rochester. Máy được thay phim mới rồi gửi lại cho khách. Ảnh được in trên giấy tráng albumine và được giao trong vòng 10 ngày. Năm 1891, riêng tại Pháp đã có hơn 1.000 phòng rửa ảnh, doanh thu 30 triệu đồng franc vàng. Nghề này càng phất mạnh hơn nữa tại Hoa Kỳ.

1905, một triệu chiếc Brownie

Trong vòng 10 năm, Eastman đã biến chiếc máy ảnh từ nặng nề như một bao ximăng chỉ còn 650 gam và dễ sử dụng hơn. Và còn gì nữa? Phải rẻ hơn. Giá một máy ảnh Kodak khi ấy là 25 USD, bằng lương sáu tuần làm việc của một người thợ. Eastman trả cho nhà thiết kế Frank Brownell 12.000 USD/năm, gấp đôi lương giám đốc thời đó, với yêu cầu: làm ra loại máy ảnh 1 USD, bằng giá vé xem đua ngựa năm 1900. Tháng 7-1900, tạp chí Cosmopolitan quảng cáo máy ảnh Brownie: “Cầm máy, lên phim, bấm nút! Bất kỳ chú học trò nào cũng làm được”. Năm 1905, một triệu máy Brownie được bán ra trên thế giới. Và đến khi tuần làm việc chỉ còn 52 giờ, chiếc hộp nhỏ bọc da đã trở thành niềm hãnh diện cho những người đi cắm trại và tắm biển.

Bộ mặt của báo chí cũng thay đổi. Với ảnh chụp, người ta có được những bài báo dễ đọc và hấp dẫn hơn. Trang bị những chiếc máy ảnh nhẹ như Ermanox hay Leica, các phóng viên đã mở ra một thế giới mới. Các tên tuổi như Henri Cartier Bresson, Robert Capa, Willy Ronis - những người sáng lập Tập đoàn Magnum sau này - bắt đầu nổi tiếng.

Nhật Bản qua mặt Mỹ và Đức

Trong lúc đó, tại New York, Leopold Mannes và Leopold Godowsky tiến hành một cuộc cách mạng mới: chế tạo phim ảnh màu. Ý tưởng khởi đầu rất đơn giản: chồng ba lớp hóa chất bắt các màu xanh dương, xanh lá và đỏ lên tấm phim. Nhưng công việc đòi hỏi phải

tính toán thời gian lộ sáng cực kỳ chính xác và một phòng tối hoàn hảo. Hai người lập ra công ty nhánh Kodakchrome vào ngày 15-4-1935 tại Rochester. Nhưng loại ảnh màu mới này giá đắt và bị hỏng rất nhiều. Một năm sau, Công ty Agfa (Đức) cho ra đời Agfacolor với chất lượng đảm bảo hơn. Cuộc đua bắt đầu giữa hai đại gia ngành ảnh. Nhưng chẳng bao lâu sau, Công ty Nhật Fuji Photo Film cũng nhập cuộc và người Nhật nhanh chóng trở nên bậc thầy trong kỹ thuật điện tử và sản xuất máy ảnh tự động. Fuji lấn sang thị trường Mỹ và còn giành được vị trí nhà tài trợ chính của Thế vận hội Los Angeles 1984.

Máy ảnh kỹ thuật số, kết quả hội nhập giữa kỹ thuật điện tử và máy tính, ra đời. Từ năm 2000, chúng tràn ngập thị trường với giá ngày càng rẻ (giảm giá bình quân mỗi năm 20%). Trong vòng vài năm máy chụp phim chỉ còn 5% thị phần. Lợi ích của kỹ thuật số là quá rõ: không cần phim, chuyển ảnh qua máy tính từ xa. Với một phần mềm chỉnh sửa, người ta có thể xóa đi đôi mắt đỏ hay cây trụ đèn chướng mắt chỉ bằng vài cái nhấp chuột. Xuất hiện ảnh sửa và ảnh giả.

Sự thay đổi bất ngờ này cũng làm rối loạn đội hình của các đại gia ngành ảnh. Kodak ngưng sản xuất giấy rửa ảnh đen trắng. Công ty Polaroid, sản xuất máy chụp có ảnh tức thời, suýt phá sản năm 2001 nếu không có sự giúp đỡ kịp thời của Nhà nước Mỹ. Konica Minolta chỉ còn sản xuất máy photocopy.

Ngày nay, nhà sản xuất điện thoại Phần Lan Nokia lại là nhà sản xuất máy chụp ảnh hàng đầu thế giới. Tại châu Âu, trong quí 1-2006, số lượng điện thoại-máy ảnh bán ra đã qua mặt máy ảnh kỹ thuật số: 6,6 triệu so với 4,3 triệu! Chụp ảnh bây giờ cũng đơn giản như gọi điện thoại. Eastman chẳng còn mơ ước gì hơn nữa.

Những mốc phát triển của máy ảnh

1839

Louis Daguerre chế tạo chiếc máy lưu được hình ảnh trong 15 phút trên một tấm kính tráng hóa chất. Kỹ thuật được đặt tên Daguerréotype.

1861

Máy Photomaton chụp chân dung nhiều người trên một ảnh có kích thước của tấm danh thiếp, vận dụng phát minh của Brestois Disdéri sáu năm trước đó: một thấu kính rọi nhiều ảnh trên cùng một tấm phim.

1871

WYrOWhkz.jpgPhóng to
Bức ảnh này đã tố giác các chiến sĩ công xã Paris. Họ chụp ảnh để mong lưu giữ một thời khắc lịch sử, nhưng ảnh lại bị lọt vào tay cảnh sát. Ảnh trở thành công cụ giám sát an ninh từ năm 1882, với các phiếu nhận dạng của Alphonse Bertillon.

1925

Oskar Barnack, nhân viên Công ty sản xuất kính hiển vi Leitz, giới thiệu chiếc máy ảnh Leica huyền thoại. Nó trở nên hấp dẫn vì nhỏ, nhẹ (500 gam), vận hành êm. Mỗi máy được lắp ráp bằng tay trong 16 giờ.

1936

Số đầu tiên của tuần báo ảnh Mỹ Life xuất hiện vào ngày 23-11, khởi đầu cho thời đại vàng son của báo ảnh. Tạp chí đã có lúc phát hành được 8,5 triệu bản/kỳ.

1944

hEXKq53H.jpgPhóng to
Giữa lúc chiến tranh ác liệt nhất, các cơ quan tình báo Anh mỗi tuần lễ đã chụp đến 200.000 bức không ảnh trên lãnh thổ đối phương.

1960

Lãnh tụ Che Guevara trong một cuộc biểu tình ở La Havane. Alberto Korda chụp được khoảnh khắc này và gửi cho báo Revolucion. Ảnh không được đăng nhưng lại được lưu hành khắp thế giới, bởi thế tác giả chẳng nhận được đồng nào.

1972

Ống kính tiêu cự dài (télé) đã làm xuất hiện một nghề mới: paparazzi.

1986

Máy ảnh có phim bán với giá một cuộn phim! Fuji tung ra loại máy dùng một lần Fuji Quicksnap. Một tỉ chiếc đã được bán sạch!

1994

HL7CejhU.jpgPhóng to
Phần mềm Adobe Photoshop cho phép chỉnh sửa ảnh. Hai tạp chí TimeNewsweek đăng cùng một bức ảnh của phiên tòa xét xử cầu thủ O.J. Simpson, kẻ bị kết tội giết người. Trên tờ Time mặt Simpson đen thui, còn trên Newsweek mặt anh ta lại trắng bệch.

2006

Máy ảnh kỹ thuật số cực gọn nhẹ có thể chụp ảnh người khác và chính mình một cách đơn giản.

TRUNG LÊ (Theo C5 M)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên