29/04/2008 03:02 GMT+7

Mặt sầu khổ hậu môn

BS TRẦN MẠNH HÀ
BS TRẦN MẠNH HÀ

TT - Tối, khoa cấp cứu tiếp nhận một bệnh nhân nữ 24 tuổi, tên là T.L., nhà ở Q.9, TP.HCM. L. vào viện trong tình trạng lừ đừ, da xanh, niêm nhợt, vã mồ hôi, mạch nhanh, huyết áp 90/60 mmHg, đi cầu ra máu đỏ tươi và than đau vùng hậu môn rất nhiều, nhất là sau khi đi cầu.

Nghe đọc nội dung toàn bài:

L. cho biết có tiền sử hay bị táo bón, bảy ngày nay đi cầu ra máu đỏ tươi, số lượng máu gần bằng chén cơm sau mỗi lần đi cầu. Ra máu nhiều nhất lúc L. bị bón, đi cầu phân rất cứng, rặn nhiều. Có khi đang ngủ hay ngồi làm việc thì máu chảy rỉ rả một lúc, làm L. rất e ngại phải xin nghỉ làm.

Do là con gái chưa chồng nên L. rất ngại đi khám vùng hậu môn, ở nhà tự chữa. Nhưng hiện tượng chảy máu sau đi cầu cứ xảy ra hoài, L. cảm thấy mệt mỏi trong người, chóng mặt nhiều, da ngày càng xanh xao, lúc này L. mới nhờ bạn bè đưa đi khám.

Các bác sĩ phát hiện ống hậu môn sưng, phù nề, đỏ mọng. Ở vị trí 6 có một vết loét dạng hình chiếc vợt nằm ở niêm mạc hậu môn. L. được chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa dưới mức độ trung bình do nứt kẽ hậu môn.

Do không chịu đi khám sớm nên L. mất máu khá nhiều, chỉ số hồng cầu là 1,8 triệu (bình thường ở người nữ: 3,6-5,6 triệu). Trước mắt L. được điều trị nội tích cực. Sau đó, nếu điều trị bằng thuốc không hiệu quả, sẽ áp dụng biện pháp ngoại khoa. Hiện tình trạng L. tạm ổn.

Bệnh nứt kẽ hậu môn, trĩ, polip trực tràng, u trực tràng, viêm loét đại trực tràng chảy máu...là những bệnh lý vùng hậu môn trực tràng có thể làm bạn một lúc nào đó đi cầu ra máu đỏ tươi. Số lượng máu chảy ra khi đại tiện có thể ít, chỉ thấm vào giấy vệ sinh hoặc chảy thành tia, thành giọt, máu có thể theo phân, trước hay sau phân, kèm theo triệu chứng khác như sốt, đau vùng hậu môn tùy từng bệnh. Tuy nhiên cũng có thể chảy máu nhiều nếu có tình trạng táo bón kéo dài và không chịu đi khám sớm.

Phòng ngừa đại tiện ra máu ở người bị trĩ, nứt kẽ hậu môn:

- Hạn chế công việc nặng; tránh ngồi lâu, đứng nhiều; không uống rượu, bia; không dùng các thức ăn dễ gây kích thích như ớt, hạt tiêu và những thức ăn dễ gây tiêu lỏng.

- Tránh táo bón: tập đi đại tiện đúng giờ, ăn những thức ăn làm phân mềm, chế độ ăn nhiều rau xanh, củ cải ăn chín, mướp đắng, dưa chuột, cải bắp, táo tây, chuối tiêu, vừng đen, mộc nhĩ trắng... nước trái cây hay trái cây như lê tươi, nước ngó sen, nước rau câu, đu đủ chín. Uống nhiều nước (ít nhất 1,5 lít/ngày).

- Giữ tâm trạng luôn thoải mái, tránh cáu giận. Nếu hay lo lắng âu sầu sẽ làm niêm mạc ruột co bóp, máu không lưu thông. Luôn giữ vệ sinh sạch sẽ hậu môn để tránh viêm nhiễm vùng niêm mạc hậu môn trực tràng.

- Nếu thường xuyên đi ngoài ra máu hoặc thấy phân có dính máu, chữa mãi không khỏi, hoặc thấy trong phân có tổ chức hoại tử, có nhiều chất nhầy, hãy đến bệnh viện khám ngay.

BS TRẦN MẠNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên