Phóng to |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Cần tiền để làm ăn, bà V.T.P.M. (ngụ đường Trần Hưng Đạo, Q.5, TP.HCM) đã nhiều lần tìm đến dịch vụ vay tiền của bà N.T.T. - một người chuyên cho vay nặng lãi ở chợ An Đông. Sau nhiều lần vay - trả, tổng kết lại nợ nần thì bà M. còn nợ bà T. hơn 370 triệu đồng. Theo yêu cầu của bà T., muốn thanh lý các khoản nợ, lấy lại giấy tờ sạp chợ, bà M. phải làm một hợp đồng chuyển nhượng lô đất tại quận 9 cho bà T...
Khi bà M. xoay được tiền đủ trả nợ thì bà T. lại không nhận tiền mà đòi bà M. phải làm thủ tục sang đất cho mình. Bà M. không đồng ý liền bị bà T. kiện ra tòa. Vụ án dùng dằng đã hơn sáu năm, qua nhiều cấp xét xử vẫn chưa đi đến kết quả cuối cùng. Tuy nhiên, tòa án có hướng thiên về phần thắng cho phía bà T. (nhiều bản án sơ thẩm đã xử cho bà T. thắng kiện nhưng bị hủy vì vi phạm thủ tục tố tụng). Bà M. có nguy cơ mất đất vì khoản tiền vay.
Ký giấy bán nhà mới cho vay tiền
Bà Nguyễn Thị Đ., ngụ Q.3, TP.HCM, từng mất nhà vì vay tiền của một người chuyên cho vay nặng lãi tại khu vực Hòa Hưng, đau khổ kể: "Lúc mới vay chủ nợ dễ dãi lắm, cần bao nhiêu tiền cũng đưa ngay. Lúc tôi không có tiền để đóng lãi cũng được bà ta đưa tiền để đóng lãi lại cho bà ta. Khi nợ lên đến hơn 500 triệu thì bà ta gộp mấy cái giấy nợ nói giờ phải viết lại thành giấy bán nhà”. Nghe giải thích của chủ nợ là chỉ ký giấy bán nhà trên hình thức thôi nên bà Đ. tin tưởng. Nào ngờ mới quá hạn trả nợ có mấy ngày là chủ nợ đã trở mặt đòi lấy nhà. Bà Đ. không chịu nên bị kiện ra tòa và bị tòa tuyên thua kiện, phải bán nhà cho chủ nợ với giá chỉ bằng một nửa giá thị trường.
Một luật sư từng tham gia tranh tụng nhiều vụ kiện dân sự cho biết việc buộc con nợ phải ký hợp đồng bán nhà (thường là với giá rẻ hơn nhiều so với thị trường) là nhằm bảo đảm lợi ích của những đối tượng chuyên cho vay lãi nặng. Nếu chỉ ký hợp đồng cho vay tiền thông thường với lãi suất cao, khi người vay không trả được nợ, bên cho vay kiện ra tòa thì tòa thường tuyên buộc con nợ phải trả nợ gốc và lãi với mức lãi suất tính tối đa cũng chỉ bằng 150% lãi suất của ngân hàng. Chính vì vậy, để "cột" nghĩa vụ của con nợ, chủ nợ thường ép con nợ phải ký giấy bán nhà, nếu không trả nợ được thì sẽ mất nhà.
"Bút sa gà chết"
Theo ông Trần Anh Tuấn, trưởng Phòng công chứng số 3, khi các bên đưa nhau đến ký hợp đồng mua bán nhà, công chứng viên không thể biết được việc mua bán đó là thật hay giả. Có nhiều trường hợp sau khi ký hợp đồng thì lại thấy các bên đưa nhau đến để hủy hợp đồng. Hỏi lý do vì sao hủy, chủ nhà mới thú thật là bị buộc phải ký giấy bán nhà theo yêu cầu của chủ nợ, giờ đã thanh toán xong nợ nên chủ nợ cho hủy hợp đồng.
Một thẩm phán đã nhiều năm xét xử các vụ tranh chấp dân sự cho biết khi xét xử, bằng niềm tin nội tâm, hội đồng xét xử có thể biết các hợp đồng mua bán nhà đất chỉ là giả tạo, thực chất là chuyện cho vay nặng lãi giữa các bên, nhưng pháp luật qui định phải xử theo chứng cứ. Nếu người vay tiền không đưa ra được các tài liệu hoặc nhân chứng để chứng minh chuyện ký hợp đồng là giả thì khó được tòa tuyên hủy hợp đồng mua bán.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận