![]() |
Nghệ sĩ Cello Markus Stocker |
Lần thứ ba trở lại Hà Nội, nhân chương trình nghệ thuật chào mừng 50 năm - Nhạc viên Hà Nội tối 29-4 vừa qua, M. Stocker đã có cuộc trò chuyện về chuyến viếng thăm Hà Nội lần đầu tiên không thể quên năm 1978, cùng những dự định giảing dạy tại Nhạc viện Hà Nội trong tương lai gần.
* Thưa ông, cô nhân viên lễ tân khách sạn vừa nói với tôi, ông là một vị khách rất khó tính, không muốn nói chuyện với người nào khác nếu như bất chợt tìm đến, mà không hẹn trước?
- (cười) Thế à? Có lẽ cô ấy muốn giữ gìn cho tôi đấy thôi, vì thấy lịch tập đàn của tôi ken dày quá ấy mà. Tôi chỉ có một đêm diễn duy nhất nên phải thận trọng. Và tôi cũng đã già rồi, 61 tuổi còn gì...
* Tuổi già có làm ông quên đi chút ký ức nào về chuyến thăm Hà Nội năm 1978, gần 30 năm trước không?
- Không. Riêng chuyến đi đó thì không điều gì làm tôi quên nổi. Nó quá ấn tượng, quá ấm áp, quá tình cảm...Chẳng là tôi quen một vị đại sứ Úc ở bên Mỹ, ông ấy từng hứa với tôi nếu dó dịp, sẽ tạo điều kiện để tôi đến Hà Nội biểu diễn một chuyến, vì ông biết tôi là một người tích cực tham gia phản chiến ở Việt Nam...
Tôi còn nhớ rõ cái cảm giác khi trên đường từ sân bay về Hà Nội, thấy san sát những hố bom. Ngoài đường hầu như chỉ có xe đạp, rất ít mô tô và ô tô thì lác đác. Và tôi đã rất ấn tượng với dáng đi xe đạp của phụ nữ Việt Nam khi đó...
* Dáng đi đó ra sao, thưa ông?
- Họ, những phụ nữ đi xe đạp, hầu hết chỉ vận đồ đen, đội nón với dáng đi khoan thai, trông rất thanh lịch. Tôi cũng không thể quên gương mặt có phần nào trễ nải của hầu hết người đi đường...
* Còn đêm nhạc hồi đó đã diễn ra trong một bầu không khí như thế nào, thưa ông?
- Tôi cho bạn xem cái này (ông mở chiếc kẹp tài liệu nhỏ, bên trong còn một trang giấy đánh máy chữ tên và chức danh của những người trong Nhạc viện khi đó tham gia đêm nhạc cùng ông như Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương - giám đốc, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Bằng - chỉ huy, nghệ sĩ cello Bùi Gia Tường...,cùng rất nhiều tấm danh thiếp của những người Việt Nam mà ông từng gặp từ trước đến nay).
Tôi muốn lưu giữ tất cả những gì liên quan đến chuyến đi Việt Nam lần đầu tiên của tôi đến nay....Nói về đem nhạc năm 1978 ấy, chỉ có thể miêu tả bằng câu: Ngoài sức tưởng tượng. Bạn cứ hình dung hồi ấy là chớm thu, Nhà hát Hà Nội không có điều hòa nhiệt độ mà cả khán phòng đông chật người.
Nóng khủng khiếp. Nhưng chúng tôi đã phải biểu diễn lại đến lần thứ ba khác nhạc cuối cùng trong tiếng vỗ tay của khán giả đấy. Các nghệ sĩ Việt Nam đã chơi nhạc với một nguồn lửa tinh thần rất mãnh liệt, họ khiến cho tiếng đàn tràn trề xúc cảm và nhiều lúc thăng hoa.
* Ông có nhớ khán giả của ông khi đó là những ai không?
- Có rất nhiều người lính. Một số còn nán lại trò chuyện với tôi bằng tiếng Pháp, một số còn nói tiếng Anh nữa. Tôi ngạc nhiên hỏi một người nói tiếng Anh là tại sao họ lại học ngôn ngữ mà người Mỹ sử dụng.
Người đó nói với tôi thế này: Bác Hồ bảo không nên lẫn lộn giữa người dân và chính phủ. Thế thì tại sao chúng tôi lại không học tiếng Anh, tiếng nói của không phải chỉ riêng người Mỹ. Vậy đấy, trong lòng tôi khi đó rất cảm phục người Việt Nam.
Ngẫm nghĩ, tôi thấy hình ảnh cây tre rất giống với tính cách dân tộc các bạn. À còn chuyện này cũng rất cảm động. Hôm trước, ông Đại sứ Úc có mở tiệc chiêu đãi tôi và mời một số bạn Việt Nam.
Trong bữa tiệc tôi đã được nhận một bó hoa của một người đàn ông chưa hề quen biết, ông ấy nói cảm ơn tôi vì đã cho ông ấy được thưởng thức một đêm nhạc giao hưởng không bao giờ quên. Tôi cảm động quá, không biết phải nói sao.
* Ông đã là giáo sư trợ giảng ở Nhạc viện Hà Nội rồi nhưng thực tế thì chưa có buổi giảng dạy nào chính thức. Vì sao vậy?
- Vì việc tìm nguồn tài trợ không đơn giản. Nhạc viện có thể lo cho tôi chỗ ở trong thời gian lưu trú tại Hà Nội, song tiền vé máy bay vẫn là cả một vấn đề. Nhưng sau chuyến biểu diễn này, có lẽ tình hình sẽ khả quan hơn vì chúng tôi cũng đã nhận được một số hứa hẹn giúp đỡ.
* Nhưng tuổi tác chưa thành vấn đề đối với ông đấy chứ? Vì các chuyến đi xa thường xuyên không phải là chuyện đơn giản đối với một người ngoài 60 tuổi.
- Vâng, cảm ơn bạn đã lo lắng cho tôi. Tôi lại nghĩ đơn giản: Được đến Hà Nội thường xuyên hơn là một điều dễ chịu. Việt Nam, cụ thể là Hà Nội, đã là một điểm đặc biệt trên hành trình nghệ thuật của tôi rồi mà!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận