01/05/2005 01:01 GMT+7

Mang tuổi của Sài Gòn Giải Phóng

HOÀI TRANG
HOÀI TRANG

TTCN - Họ được sinh ra trong ngày 30-4-1975, với nhiều cái tên được cha mẹ đặt mang ý nghĩa của ngày lịch sử ấy: Nguyễn Hòa Bình, Phạm Thị Hòa Bình, Nguyễn Vương Từ Chinh, Lê Thành Nam Giải Phóng, Lê Vinh Quang, Nguyễn Xuân Đại Thắng...

Nhớ mãi lời dặn của bác Nguyễn Văn Linh

bITag2Xr.jpgPhóng to
Lê Vinh Quang
Quang lọt lòng mẹ lúc 16g chiều 30-4-1975 tại Bệnh viện Trưng Vương. “Sáng đó, đã mấy lần định vào bệnh viện nhưng ngoài đường phố quá hỗn loạn nên mãi đến khi nghe tin thành phố được giải phóng tôi mới an tâm đi sinh con” - mẹ Quang nhớ lại. Ba của Quang thuộc lực lượng vũ trang Thành đoàn khi đó đang về tiếp quản quận nhà và vẫn chưa biết cậu con trai vừa được chào đời ngay trong ngày trọng đại ấy. Cái tên Lê Vinh Quang vì vậy đã được gia đình đặt cho đứa con trai với tất cả niềm vui, niềm tự hào và hạnh phúc nhất.

Lớn lên bằng nước cơm, rau cháo trong những ngày tháng khó khăn nhất của đất nước, thế nhưng trong đứa con “gà nòi” ấy luôn có ngọn lửa truyền thống cách mạng. Nhiều năm liền Quang luôn ở trong số những người đi đầu và rất năng nổ mọi hoạt động phong trào ở địa phương.

Học xong cao đẳng quản trị, Quang tiếp tục học thêm nghiệp vụ xuất nhập khẩu và hiện đang làm công việc xuất nhập khẩu ở Công ty hóa chất Thanh Bình. Từ tháng 7-1997, Lê Vinh Quang đã được đứng vào hàng ngũ của Đảng và “ông” đảng viên trẻ ấy hiện còn là đại biểu hội đồng nhân dân phụ trách khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh của phường 1, quận 11 nên lúc nào cũng bận túi bụi với công việc.

“Mình còn trẻ mà, hơn nữa với một đảng viên, đã nói đến cống hiến thì có làm đến suốt cả đời cũng không hết”- Quang nói vậy. Ngày 30-4 năm nào đối với Quang cũng là một ngày trọng đại và anh luôn khắc ghi trong lòng lời dặn dò của bác Nguyễn Văn Linh khi được bác tặng quà trong dịp kỷ niệm 10 năm thành phố giải phóng: “Cháu phải luôn phấn đấu và sống cho thật xứng đáng”.

Cái tên như một lời nhắc nhở

J8UoBQnv.jpgPhóng to
Hòa Bình
Rạng sáng 30-4 của 30 năm về trước, lúc ba Hòa Bình đưa má cô đi sinh, đường phố Sài Gòn đang hết sức hỗn loạn, súng đạn rền trời, khó khăn lắm họ mới tới được Bệnh viện Từ Dũ. Khi cô cất tiếng khóc chào đời thì trên đường phố đã tràn ngập những tiếng reo “hòa bình”, “hòa bình rồi”... nên ba má cô lấy luôn hai từ đẹp đẽ ấy đặt cho đứa con gái út như một kỷ niệm không thể phai nhòa.

Gia đình nghèo, nhà đông anh em nên học đến lớp 9 Hòa Bình phải nghỉ học, đi làm công nhân ở Xí nghiệp Kho vận. Nhưng đã hơn năm năm nay cô đi làm ban ngày, buổi tối đi học thêm để lấy được bằng tốt nghiệp lớp 12 rồi bằng trung cấp kế toán.

Con đường đi học với cô khá gian nan, mấy năm trời không hề biết đến chuyện vui chơi giải trí, phải gồng gánh công việc, nhờ bạn bè làm choàng ca để có thời gian đến lớp, tiền đi làm kiếm được đồng nào đều đổ vào chuyện học. Nhiều hôm ở lớp mắt cứ mở trao tráo nhìn lên bảng nhưng thực sự đã ngủ từ lúc nào không biết!

“Không học thì không thể tự mình thay đổi mình được”, hơn thế nữa, như cô không giấu tự hào vì cái tên Hòa Bình: “Cái ngày Hòa Bình được sinh ra, từ nhỏ thường được thầy cô bạn bè nhớ đã khiến Hòa Bình luôn nghĩ lúc nào mình cũng phải cố gắng, luôn tự nhắc nhở mình lúc nào cũng phải học thuộc bài, làm việc gì cũng phải cẩn thận”... Hòa Bình đang mong mỏi một ngày nào đó sẽ làm được nhiều việc hơn đúng với sức và đúng chuyên môn cô được học.

Chú bé sơ sinh “dũng cảm”

0OGNipid.jpgPhóng to
Hùng Dũng
5g15 sáng 30-4-1975, khi tiếng súng vẫn đang rền trời thì Hùng Dũng ra đời nhờ đôi tay một bà mụ vì lúc đó Bệnh viện Saint Paul không còn một bác sĩ nào. Vài tiếng đồng hồ sau, có tiếng đạn pháo nổ gần bệnh viện, mọi người bỏ chạy tán loạn, chú bé sơ sinh còn đỏ hỏn đã được mẹ bồng xuống nhà nguyện trong bệnh viện để lánh nạn.

Mãi đến khi Sài Gòn im hẳn tiếng súng, nghe trên loa báo chính quyền Sài Gòn đã đầu hàng, mẹ Dũng mới thật sự tin bà còn sống và con trai mình được an toàn. Những ngày đầu khi bé Dũng về nhà, ai cũng bảo thằng bé phải dũng cảm lắm mới dám “ra” đúng ngày đó! Vậy là cái tên Hùng Dũng được cả gia đình chọn để đặt cho cậu bé dám chào đời vào thời khắc lịch sử đó.

Dũng lớn lên trong những ngày tháng còn đầy rẫy khó khăn của gia đình và của cả đất nước, trong tình yêu và sự dạy dỗ đặc biệt chu đáo của mẹ. Thích làm bác sĩ từ những trò chơi thời con nít, càng lớn lên Dũng càng mong muốn đến với nghề y. Học rất giỏi, thi đậu vào Trung tâm Đào tạo cán bộ y tế TP.HCM và tốt nghiệp năm 2002, Dũng vào làm tại Bệnh viện phụ sản Quốc tế; đến năm 2004 chuyển về công tác tại khoa X quang - chẩn đoán Bệnh viện phụ sản Từ Dũ.

Có một lời dạy Dũng khắc ghi từ ngày còn đi học: “Đừng xem người bệnh như một người xa lạ mà hãy coi họ như một người thân của mình để dễ dàng chia sẻ những gánh nặng của họ”; để từ đó vui với từng niềm vui đến từ những đứa trẻ vừa chào đời.

15 năm trước, cũng vào dịp kỷ niệm 30-4, khi trả lời một tờ báo cậu học sinh 15 tuổi Trần Các Hùng Dũng đã có những băn khoăn “già trước tuổi”: tại sao những người chân chính vẫn còn nghèo và những kẻ cơ hội cứ giàu lên? Đến hôm nay, người bác sĩ trẻ ấy vẫn nghĩ suy về một lớp trẻ trước những vận hội mới của đất nước và trước những câu hỏi lớn: Làm sao để xã hội ngày càng có thêm nhiều trường học, bệnh viện hơn là quán xá, nhà hàng? Làm sao để thật sự bắt nhịp được với cuộc sống thời đại?...

Cô giám đốc “quê kệch”

4mRUtb1K.jpgPhóng to
Từ Chinh
Từ Chinh sinh ra lúc 14g30 ở Nhà thương Bích Liên khi Sài Gòn đã im tiếng súng. Đã từng được ba mẹ ướm trước cái tên rất “con gái” là Tú Loan, nhưng vì được sinh ra trong thời điểm đặc biệt đó nên cô con gái được cha quyết định đặt tên Từ Chinh như một kỷ niệm và như một khao khát từ lâu của bao người VN khi ấy: giã từ chinh chiến! Cái tên nghe có vẻ thời sự và hơi lạ lẫm đó đã gây không ít thắc mắc và là “đề tài bàn tán” suốt những năm tháng tuổi thơ của Chinh!

Trở về quê ở Bình Dương vào những năm gian khổ nhất và phải sống thiếu cha, đến năm lên lớp 11, Từ Chinh đã một lần suýt phải nghỉ ngang vì gia đình quá khó khăn. Mẹ Chinh lúc đó phải sống ở Sài Gòn làm người giúp việc, còn ở quê mấy chị em Chinh tự bảo bọc nhau. Ráng cho con học được hết phổ thông, mẹ Chinh rớt nước mắt nói với cô rằng không còn cách nào để lo nổi nữa.

Từ đó Chinh đành phải nghỉ học đên Sài Gòn cùng mẹ phụ giúp công việc cho gia đình người bà con. Chinh khao khát muốn học thêm lên nhưng mãi đến khi gặp lại được cha sau bao nhiêu năm ròng xa cách, cô mới có điều kiện vừa đi làm vừa đi học thêm ở trường tài chính kế toán.

Làm việc ở một công ty nước ngoài, trong những tháng ngày đầu tiên thật bề bộn công việc, lại chưa có đủ người nên Từ Chinh phải làm kiêm nhiệm nhiều việc, vì thê cô thường xuyên là người về trễ nhất, mấy năm liền hầu như chỉ biết đến công việc và công việc.

Được tín nhiệm vào cương vị phó rồi giám đốc bộ phận vào năm 2004, bây giờ với nhiều khách hàng và đối tác, Từ Chinh được coi là một người quản lý uy tín, chững chạc và hơi bị... nghiêm nghị.

Trong khi đó cô giám đốc trẻ của bộ phận xuất nhập khẩu - thu mua của Công ty Liwayway cho đến giờ vẫn luôn tự nhận mình là người quê kệch, không hề biết nhảy nhót hát hò, thậm chí cô vẫn rất mù mờ về đường sá Sài Gòn, chỉ quen thuộc vài con đường từ trường học ngày xưa về nhà, hay từ nhà đến chỗ làm hôm nay. Cô vẫn đang nuôi rất nhiều ước vọng cho sự nghiệp tương lai.

“Cái tôi” của Thắm

rIvQWhXE.jpgPhóng to
Kim Thắm
Xinh xắn, năng động - đó là ấn tượng mà nhiều người dễ bắt gặp ở cô nhân viên tư vấn của Công ty mỹ phẩm LG - Vina Huỳnh Kim Thắm và cô học sinh có ý tưởng về một lớp trẻ mạnh mẽ, cầu tiến học hỏi để có thể làm giàu cho đất nước luôn nổi trội trong trường lớp thời còn đi học. Thắm nói có lẽ do sinh vào một ngày đặc biệt nên Thắm rất yêu thích môn sử và quan tâm nhiều đến những vấn đề lịch sử.

Bị một cú sốc lớn vì mang bệnh nặng ngay lúc chuẩn bị thi tốt nghiệp phổ thông, phải nghỉ học một thời gian dài nhưng Thắm đã vượt qua được những thử thách đầu đời đó để tiếp tục theo đuổi việc học. Tốt nghiệp Đại học Tin học và ngoại ngữ, lấy thêm một cái bằng hóa mỹ phẩm của Trường Công nghệ thực phẩm, năm 2000 Thắm bắt đầu công việc ở Công ty Mannulife và đến năm 2003 trở thành nhân viên của LG-Vina.

“Tôi thích nhịp sống Sài Gòn luôn sôi động và đặc biệt mạnh mẽ, lớp trẻ ngày nay cũng có rất nhiều điều kiện để học hành và cầu tiến. Lúc nào “cái tôi” cũng nhắc tôi phải cố gắng để tự khẳng định, để không thua kém bạn bè. Càng phải cố gắng hơn vì tôi sinh ra trong một ngày đặc biệt của đất nước. Tôi mong muốn không chỉ có một ngày kỷ niệm 30 năm mà mỗi năm, vào mỗi 30-4 sẽ còn có thêm những cuộc họp mặt 31, 32... và nhiều hơn nữa.

Sẽ có một câu lạc bộ, nơi để mỗi người chúng tôi có thể ngồi lại với nhau, chia sẻ với nhau những thành công, khó khăn trong công việc, trong cuộc sống, là nơi để học hỏi thêm nhiều điều. Riêng bản thân tôi vẫn luôn mong muốn sẽ làm được một cái gì đó cho riêng mình. Từ lâu, tôi đã có ý tưởng về một quán cà phê - một khu giải trí dành cho nhiều giới, có chỗ sang trọng dành cho các VIP, một khu năng động cho giới trẻ và những góc đẹp, yên tĩnh cho những đôi lứa... Tôi mong có một ngày sẽ thực hiện được ước mơ của mình”...

Hai cặp song sinh

BVhjxBHE.jpgPhóng to
Quang - Đức
Chiều 30-4-1975, khi tin tức miền Nam hoàn toàn giải phóng đã được lan truyền đến tận vùng đất xa xôi nhất của Tổ quốc cũng là lúc Huỳnh Hồng Diệu và Huỳnh Hồng Thắm lần lượt chào đời. Diệu là con thứ 11 và Thắm thứ 12 trong gia đình có đến 13 anh em ở huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Lớn lên với những khó khăn cùng cực của một vùng quê nghèo, lên cấp II đã phải xa nhà ra huyện học, hai chị em song sinh ấy giống nhau như hai giọt nước, giống nhau từ nét chữ cho đến từng sở thích, và đặc biệt từ bé cả hai đã mê được làm cảnh sát, hẹn nhau cùng thi vào ngành.

Học hết lớp 12, Diệu thi đậu vào Trường trung học Cảnh sát 2, trong khi Thắm thi rớt nhưng vẫn quyết tâm theo ngành cùng chị nên vào học sơ cấp cảnh sát ở Cần Thơ. Ra trường, cả hai đều về làm việc ở Công an huyện Đầm Dơi rồi lại cùng nhau làm... đám hỏi một ngày. Chỉ khi lấy chồng thì hai chị em mới “chịu” khác biệt nhau: ông xã Thắm cũng là đồng nghiệp của cô, còn ông xã Diệu làm nghề điện lạnh. Diệu lập gia đình sau Thắm, sau đó chuyển về công tác tại Công an phường 1, quận 11, TP.HCM cho đến ngày nay. Hai cô cảnh sát giờ ít có dịp gặp nhau nhưng vẫn luôn chia sẻ với nhau những buồn vui trong nghề và trong cuộc sống. Thật lạ lùng là cho đến bây giờ, vào những dịp họp mặt gia đình, cả đến song thân của hai cô cảnh sát song sinh nhiều lúc vẫn còn lẫn lộn không biết đâu là thượng úy Diệu và đâu là trung úy Thắm!

Cũng vào buổi sáng ấy, bên kia bến phà Thủ Thiêm của Sài Gòn, một bà mẹ đang chuyển dạ phải nhờ một chiếc canô đưa qua sông rồi tìm đường tới Từ Dũ trong cảnh đường phố náo loạn. Quang ra đời trước, mấy chục phút sau đến Đức, khi đó những tiếng reo mừng Sài Gòn giải phóng đã vang vọng khắp phố phường.

Những năm tháng tuổi thơ anh em song sinh Quang và Đức theo gia đình đi kinh tế mới ở Sông Bé, mấy năm sau lại trở về thành phố. Cuộc sống quá khó khăn, Quang và Đức phải sớm nghỉ học để đi làm phụ giúp gia đình: Quang đang làm thợ sửa ôtô ở một gara, Đức làm thợ xây dựng. Hai anh em bây giờ vẫn còn ở chung một nhà và đều đã lập gia đình, đặc biệt cả hai cô dâu cũng cùng tuổi, cùng là giáo viên (cấp I và cấp II) và cũng đã cho ra đời hai “hoàng tử nhỏ”. Như nhiều người dân ở xóm lao động ven sông Sài Gòn này, cuộc sống gia đình Quang và Đức vẫn còn không ít vất vả nhưng với họ ước mơ tương lai thật đơn giản: có được một chỗ làm, một việc làm ổn định để nuôi con khôn lớn thành người.

Ra đời khi cha đang tiến vào Sài Gòn

zjkZcEtG.jpgPhóng to
Nguyễn Thị Ngoan
Khi bé Ngoan sinh ra ở một vùng quê Hà Nam Ninh thì bố cô bé - trung tá Nguyễn Văn Chập, chủ nhiệm hậu cần Sư 367 phòng không thuộc Quân đoàn 1 - đang theo một cánh quân đánh thẳng vào sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ tổng tham mưu quân đội Sài Gòn. Ông Chập chỉ huy một đoàn xe gần 50 chiếc chở theo thực phẩm, quân trang. Ngay buổi chiều 30-4-1975, khi đơn vị đóng quân ngay bên công viên Gia Định, trung tá Chập cũng chưa hay biết con gái vừa ra đời tại quê nhà. Tiếp quản sân bay, tham gia duyệt diễu binh mừng chiến thắng ngày 15-5-1975, đến ngày 25-5-1975 ông hành quân trở ra Bắc, và về đến nơi ông mới hay tin cô con gái út sinh đúng ngày đất nước thống nhất, niềm vui của ông vì thế nhân lên bội phần.

Do hoàn cảnh công tác của bố, gia đình Ngoan thường xuyên sống cảnh “kẻ Nam người Bắc”, mãi đến năm 12 tuổi, Ngoan theo bố vào Sài Gòn ở hẳn và bây giờ cô bé xinh đẹp, ngoan hiền của bố Chập ngày nào đang là nhân viên của phòng VIP- business class quốc nội của sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Công việc tưởng chừng đơn giản, nhẹ nhàng nhưng với Ngoan đó cũng là nơi để thử thách chính mình vì luôn phải tiếp xúc với những “khách hàng” quan trọng và khá nổi tiếng. Ngoan làm nhiều, đi nhiều và vẫn đam mê, bỏ thời gian đi học, học hỏi thêm nhiều thứ. 11 năm làm việc, 11 năm liền cô bao giờ cũng là lao động xuất sắc, được tuyên dương...

HOÀI TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên