09/04/2012 15:38 GMT+7

Mai rụng về cội

 TRẦN THỊ THU HƯƠNG(Bình Phước)
 TRẦN THỊ THU HƯƠNG(Bình Phước)

AT - Xếp gọn mấy bộ quần áo bỏ trong giỏ, chị Hai dặn tôi:

- Chịu khó mấy bữa dậy sớm pha trà cho ba nghe Út!

jOnZUmL2.jpgPhóng to

Minh họa: Nguyễn Thanh

Tôi dạ gọn lỏn, mặt hơi phụng phịu, mắt có hơi rơm rớm:

- Chị đi lâu mau thì về?

Chị Hai bẹo má tôi:

- Con trai gì mà… Vài bữa chị về liền chứ có đi luôn đâu mà lo dữ vậy.

Nghe chị nói thế, tôi cảm thấy yên tâm phần nào nhưng trong bụng cứ thấy lo thế nào ấy. Chị Hai xếp đồ xong thì bảo:

- Ráng mấy bữa chị vắng nhà thôi. Xong công việc chị lại về mà. Chị đâu có bỏ đi luôn. Nơi này đã thành ruột thịt của chị rồi mà.

Chị Hai đưa tay khẽ chấm nơi khóe mắt rồi quay vào trong. Tôi đứng xớ rớ một hồi chân tay thừa thãi chẳng biết làm gì, mặt cứ đần ra, giống một thằng ngố. Lúc chị Hai xách trên tay hai ba cái giỏ khệ nệ, má nhắc tôi:

- Út không lo xách phụ chị Hai kìa con! Tôi như người ngủ mê sực tỉnh, giật phăng hai cái giỏ nặng nhất trên tay chị Hai.

Tôi, ba má và cả ông bà nội cũng lụm cụm chống gậy đưa chị Hai ra xe. Nếu người ngoài nhìn vào sẽ lầm tưởng đây là một cuộc chia ly nào đấy. Má ôm chị Hai khóc, chị Hai cũng khóc. Bà nội cũng khóc. Chỉ có tôi - thằng con trai mới lớn - cùng với hai người đàn ông trong gia đình là không khóc. Thế mới biết phụ nữ khác phụ… nam nhiều. Chị Hai chỉ về thăm quê thôi mà. Xong Tết chị Hai lại hiện diện trong nhà như mọi ngày.

Chị Hai hơn tôi năm tuổi, dáng người nhỏ nhắn. Mái tóc dài đen mướt, lúc nào cũng thoảng mùi hương bồ kết. Má tôi hay nấu nước bồ kết rồi cả má và chị Hai cùng gội đầu. Đâu như cái thằng tôi, thua chị đến năm tuổi nhưng giờ đã cao gần một mét bảy, tự nhiên trổ mã người to ra thấy sợ, không còn bị bọn bạn gọi là Hải còm như trước.

Thời buổi bây giờ cái gì ngoài chợ cũng bán sẵn. Thế nên dù chị Hai có tư vấn rằng gội bồ kết vừa thơm vừa mượt tóc, lại không bao giờ bị gàu, nhưng tôi cứ ậm ừ cho qua rồi gội đầu ào ào bằng những chai dầu đang được bán khắp nơi và quảng cáo hằng ngày trên tivi.

Nghe má kể hồi đó ba má lấy nhau mấy năm ròng chưa có con. Ông bà nội ngoại và họ hàng hai bên ai cũng mong có tí cháu để bế bồng cho vui cửa vui nhà. Vì cả hai ba má đều là con trưởng trong gia đình nữa. Ba má cũng nóng ruột dữ lắm nhưng đâu có được. Người xưa bảo “con cái là của trời cho”, trời cho thì hưởng, không cho đành chịu vậy.

Ba má than thở với nhau chắc tại ông trời chưa để mắt đến hai vợ chồng mình. Họ hàng hai bên cứ hối thúc riết, cứ sợ ba má “kế hoạch” mà thật ra có kế hoạch gì đâu, chưa có thì làm sao đòi đẻ được. Nhiều lúc ông bà nội còn nói tức ba má rằng hai vợ chồng bây là đồ tham ăn, sợ đẻ con ra nó ăn hết phần chứ gì. Đẻ đi tao nuôi cho. Biết ông bà mong có cháu nên nói vậy, ba má chẳng giận làm gì. Ba má cũng mong lắm chứ bộ. Ông bà mong một thì ba má mong mười.

Ai chẳng muốn gia đình hạnh phúc có tiếng con trẻ bi bô nói cười. Nghe người này người kia, ba má chữa chạy khắp nơi. Không biết má uống hết bao nhiêu thang thuốc bắc thuốc nam rồi mà theo những người cắt thuốc họ bảo “uống hết chục thang này sẽ có con”. Má cứ nghe và uống, mãi vẫn chẳng thấy có dấu hiệu gì. Chỉ thấy cứ mập ra ăn khỏe ngủ nhiều, lúc nào cũng có cảm giác thèm ngủ, ăn không biết no là gì.

Những người trong xóm bảo tại thuốc bắc ngấm vào người rồi phát huy tác dụng đấy. Cái tác dụng ba má mong muốn thì chẳng thấy đâu, má buồn chẳng uống nữa. Ba cũng thôi không động viên má uống thuốc như trước. Cứ thế thời gian trôi ba má đâm ra mắc chứng bệnh tư tưởng.

Có lần má nghe người trong xóm nói rằng bà nội lo nguyên nhân không có con là do má, vì thấy má nhỏ con, ốm yếu, sợ má có bệnh gì trong người. Tức quá (nhưng má chẳng nói ra), má lặng lẽ đi bệnh viện khám tổng quát. Bác sĩ nói má bình thường như mọi phụ nữ khác và khuyên nên đưa chồng đi khám xem sao. Thế là má về kêu ba đi. Ba cứ khăng khăng ba không có bệnh gì cả. Má năn nỉ muốn gãy lưỡi ba mới chịu đi. Kết quả xét nghiệm cho thấy ba có vấn đề về đường con cái.

Lúc má đọc kết quả bác sĩ ghi trong tờ giấy cho ông bà nội nghe, má thấy sắc mặt bà nội thay đổi thấy rõ. Từ đó ông bà không còn nghi ngờ gì ở má nữa và cũng thôi không hối thúc nữa. Đêm về cứ hay nghe tiếng thở dài của bà nội, tiếng trở mình đầy lo lắng của ông, má biết ông bà đang rất lo.

Từ khi đi khám bệnh về ba bị bệnh tư tưởng còn nặng hơn má. Nhưng bác sĩ bảo có thể cải thiện tình hình bằng chế độ ăn uống thích hợp. Má cứ luôn động viên và chăm sóc bữa ăn cho ba thật chu đáo. Cuối năm đó ba quyết định xin con nuôi (vì ba sợ tình trạng của ba không khá hơn). Họ hàng hai bên hơi bất ngờ trước quyết định của ba má nhưng rồi cũng đồng ý.

Có một cô gái miệt vườn tận miền Tây đi phụ bán quán cà phê chẳng may lỡ dại có mang. Khi biết cô ta có ý định từ bỏ đứa con trong bụng, có người giới thiệu cho ba má. Thế là ba má rước luôn người đó về nhà chăm sóc đến tận lúc sinh. Được sự nhất trí của hai bên, có các bác sĩ bệnh viện làm chứng, mọi hồ sơ thủ tục đã hợp pháp, đứa bé mới lọt lòng ấy (là chị Hai bây giờ) chính thức được mang họ của ba.

Cô gái ấy - mẹ ruột của chị Hai - từ ngày đó cầm số tiền khá lớn ba má phụ cho bồi dưỡng sức khỏe không thấy quay lại. Có người nói cô ấy đã về quê sinh sống cùng ba má với vườn rau, đồng ruộng.

Từ khi có chị Hai, không khí trong nhà như thay đổi hẳn. Ông bà suốt ngày nựng cháu, có khi quên cả bữa ăn. Ông trời thật biết đùa. Khi chị Hai được hơn bốn tuổi, tự dưng má thấy trong người có gì khang khác. Má thèm chua, thèm ăn lặt vặt đủ thứ nhưng sợ mùi dầu mỡ chiên xào đồ ăn. Cây khế chua hồi nào giờ chẳng ai ngó tới, trái rụng đầy dưới gốc thì nay ngày nào má cũng làm một chén muối ớt rồi ngồi dưới gốc khế ăn một cách ngon lành, chẳng kịp để khế rụng nữa.

Bà nội tinh ý phát hiện rồi bảo má đi khám xem sao. Bác sĩ nói má có mang thật rồi mà má không tin vào tai mình nũa. Lúc tốn tiền thuốc thang thì không có. Lúc bỏ mặc chẳng tí thuốc gì thì lại có. Bà nội thắp nhang cầu trời khấn Phật liên tục. Và thế là cái thằng tôi ra đời. Niềm hạnh phúc lại như được nhân lên gấp bội.

Đến năm tôi mười lăm tuổi má mới cho tôi biết sự thật, tôi và chị Hai không phải do cùng cha mẹ sinh ra. Chị Hai cũng không hay biết như tôi bởi trong gia đình tôi không hề có sự phân biệt đối xử nào cả. Ba má tôi cũng bảo phải cho chị Hai biết nguồn cội của mình, vấn đề là vào thời điểm nào thích hợp mà thôi.

Nhớ hồi năm ngoái, chị Hai đi chợ về thưa với má:

- Má ơi! Hôm nay có bà bán rau nhìn con lạ lắm. Khi con đến mua rau thì bà gọi tên con và bảo “con gái của mẹ”. Tự dưng bà ấy nắm vội tay con rồi khóc nấc lên.

Ba má nhìn nhau không nói gì. Hôm sau ra chợ hỏi thì biết người bán rau ấy ở miền Tây theo xe lên đây bỏ mối ra rồi lại về. Và bữa cơm tối một ngày chủ nhật cuối năm, ba má nói cho chị Hai biết ai là người đã sinh ra mình. Nghe xong mắt chị Hai ráo hoảnh, không thể hiện cảm xúc gì. Xong bữa cơm, lúc chuẩn bị dọn chén thì chị Hai bảo:

- Con biết ơn ba má suốt đời dù ba má không sinh ra con. Con không thể xa ba má và mọi người được.

Nói rồi chị Hai khóc. Lần đầu tiên tôi thấy chị Hai khóc. Má vỗ về:

- Thôi nào, má có biểu con phải xa ba má đâu.

Ba chọc:

- Mai mốt lấy chồng thì sao?

Chị Hai quệt nước mắt:

- Có lấy chồng con cũng lấy chồng gần thôi. Có gì còn xẹt ngang nhà thăm ba má được chứ.

Ba cười to:

- Chứ không phải lúc đó chạy về má ơi còn cơm nguội không, con đói quá à!

Cả nhà cùng cười. Chị Hai nheo mắt với tôi một cách điệu nghệ. Rồi chị bưng mâm chén ra sau bể nước, miệng lại líu lo hát một bài hát thiếu nhi mà tôi không nhớ nổi tựa đề. Chỉ còn vài ngày nữa là Tết Nguyên đán sẽ đến. Đột nhiên ba má tôi nhận được một lá thư. Lá thư của bà Hoa - mẹ ruột chị Hai. Trong thư bà tha thiết xin ba má tôi cho chị Hai được về ăn Tết cùng với bà dù chỉ một lần, vì bà bảo rằng bà bị ung thư phổi. Chẳng hẹp hòi gì, ông bà nội cũng khuyên chị Hai. Chẳng thà như trước kia không biết tin tức gì thì thôi. Giờ biết rồi không thể chối bỏ nguồn cội của mình.

Chị Hai xin phép ông bà và ba má tôi được về thăm quê. Mọi người chuẩn bị mua bao nhiêu thứ cho chị Hai đem về làm quà. Tết năm nay nhà tôi vắng đi một người, tự dưng thấy buồn hẳn. Tôi chẳng còn háo hức đón chờ Tết đến nữa. Năm nay không có chị Hai cùng thức đón giao thừa, cùng đi chùa hái lộc đầu năm, chắc tôi ở nhà ngủ cho qua ba ngày Tết quá. Chị Hai lại bẹo má tôi:

- Út làm gì có vẻ nghiêm trọng vậy ? Bộ không tính đưa bạn gái đi chơi tết à?

- Chị này! Em còn nhỏ mà.

- Nhỏ gì nữa. Mười bảy bẻ gãy sừng trâu rồi đó cậu ơi.

- Vậy chứ đâu có bẻ gãy một cành hoa hồng để tặng “người iu” đâu.

- Đó, thừa nhận rồi nghen.

Ba má lườm tôi một cái: “Lo học đi nghe. Léng phéng là coi chừng đó!”

Chiếc xe đò từ từ dừng lại bên vệ đường. Bóng chị Hai đổ dài dưới nắng sớm. Sương vẫn đọng trên lá cây những giọt long lanh. Xe lăn bánh đưa chị Hai về một miền quê nào đó với chị là lần đầu tiên chị đặt chân đến.

Năm nay má gói bánh tét một mình, không có chị Hai phụ gói. Tôi từng ganh tị với chị Hai rằng má thiên vị, chỉ cho chị cách gói bánh mà không chỉ cho tôi. Vậy chứ má chỉ, tôi cũng có gói được đâu. Chị Hai của tôi thiệt giỏi. Gói còn đẹp hơn cả má. Má tự hào lắm.

Cây mai trước sân đã nở rộ, không như năm ngoái đúng giao thừa mới chịu bung cánh đầu tiên. Có cơn gió nhẹ nhàng lướt qua, mơn man từng cánh hoa. Có vài cánh hoa rụng khẽ chao nghiêng trong gió rồi đặt mình xuống đất sát gần gốc cây. Tôi chợt nghĩ chị Hai cũng giống như những cánh mai vàng kia rồi cũng rụng về cội. Cũng như bây giờ chị đang một mình tìm về nguồn cội của mình. Không hiểu vì sao tôi lại mong những ngày tết qua thật nhanh.

N5q95uwO.jpgPhóng to

Áo Trắng số 4 ra ngày 01/03/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

 TRẦN THỊ THU HƯƠNG(Bình Phước)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên