01/05/2011 03:46 GMT+7

Made in... ở bển

LÊ GIANG
LÊ GIANG

TT - 1. Bà đã trên 80 tuổi, khoan thai, chậm rãi. Không phải tuổi già rị mọ, chậm chạp mà hình như lúc nào bà cũng tự nhắc nhở mình phải vịn cho chắc cái quý phái, đoan trang. Bà về quê lần này cốt in một tập thơ Đường để tặng người thân trong tộc và bạn bè. Khi tiếp xúc với người đồng trang lứa, bà lựa từng lời cung kính, khiêm nhường. Đối với kẻ nhỏ, bà như đang ráp vần mặt hàng truyền thống tinh lọc đặc sản quê nhà.

Hẳn bà là con nhà trâm anh xứ dừa, tận cái thời các ông đốc phủ sứ sanh ra những cô con gái đài các, đi ghe bầu bốn chèo rẽ nước sông Hàm Luông, sông Gành Hào vậy!

Bà thèm ăn bánh tét, chỉ thèm nhưn chuối thôi, chuối xiêm ửng mật màu rượu chát. Cốt dừa trộn nếp bóng mượt thơm lừng. Phải gói bằng lá chuối, cột dây lác bà mới ưng.

Bà chào người thân ra sân bay tiễn bà về bển. Kỳ này bà mang tới xứ người, chẳng có gì hơn ba trăm tập thơ Đường, bìa màu vỏ măng cụt, lặn xuống nền bìa là tên bà và tên tập thơ. Bà cười tươi và trông hoạt bát tự nhiên hơn hôm mới về. Bà nói kỳ này về bển là bà phải lái xe đi khắp để thăm bạn bè và tặng tập thơ mà ở bển không làm sao đủ tiền để in.

2. Công trình “xa xứ” của nàng cũng trên mười năm có dư. Tết này cô nàng về thay vào thân hình mảnh mai, tóc xõa vai mềm là bộ ngực nở nang, mông to, đầu hớt cua, mang kiếng đen, vớ lưới đen, áo đầm ngắn, giày cao gót... Bộc lộ sung sức, thừa thãi calo, chỉ có nói năng là vẫn như ngày nào, giọng nói giọng cười cứ song hành oang oang nổ như bắp rang.

Nàng nói nàng về thăm quê và còn làm nhiệm vụ từ thiện, mỗi chỗ mỗi “châm vô”, cứ thế từ Sài Gòn ra đến Huế. Nàng có giọng nói như có lưỡi gà. Cho nên tiếng Anh của nàng khi xuống trầm mà lấy hơi không kịp thường bị tắc. Vậy mà nàng còn độp một câu: “Người Việt của mình do không biết ngoại ngữ nên ra nước ngoài bị người ta khinh dữ lắm... ơ mà... ơ mà...”. Có lẽ nàng cảm thấy hơi bị kỳ nên ơ mà, ơ mà hoài.

Cô nàng là một típ người thấy đâu nói đó, âu cũng có điểm để thương.

3. Anh là một người quá tuổi trung niên, lúc nào cũng hiện lên trên nét mặt vẻ nhanh nhẹn và lịch sự.

Rõ ràng nhất là anh không hề giấu giếm nét bừng tỉnh một cách khoan khoái như người đang ực một ly nước dừa giữa trưa nắng - là lúc anh nghe các làn điệu dân ca do chính ông bà già ở quê hát. Anh mê mẩn nghe tiếng va chạm nhau của cồng chiêng trống phách, của gáo dừa, các tiếng đàn ò e í e khi anh chưa rời xa quê làng.

Anh thèm ăn cơm gia đình, thèm cá kho quẹt, tép rang cốt dừa, đặc biệt là thèm ăn cơm nguội với khô sặt nướng.

Trước khi về bển, anh ngậm ngùi vì chắc lâu lắm anh mới đủ tiền để lại trở qua. Anh gửi tặng mấy anh em sưu tầm dân ca một cái máy ghi âm mà mấy tay sưu tầm cho rằng máy xịn lắm, thu tiếng mấy ông già bà già hò hát nghe trong veo.

Mấy năm nay các tay sưu tầm dân ca đi đâu cũng mang theo cái máy này, họ coi nó như là phương tiện sang nhứt của mình. Họ vẫn lẽo đẽo về miền quê, cũng có tạt qua nơi ò e í e khi tuổi nhỏ của anh chưa rời xa, với cái máy anh tặng đeo sát bên người.

4. Cứ giữa các câu nói khi tiếp xúc thì hắn nhún nhún chân, búng móng tay bốc bốc, hát lên bài hát gì đó giống như bài hát quảng cáo một loại bia. Nếu không hát là hắn kiếm chuyện chê: Xứ gì mà nóng quá! Xe cộ nhiều quá! Mất trật tự quá!... Lại hát, lại búng móng tay, lại chê!

Bà nội hắn mắc cỡ với người ta, lựa lúc nhà vắng bà nhỏ nhẹ: “Cháu làm gì như con khỉ mắc phong, làm bà mắc cỡ quá! Con người ta bằng tuổi cháu, có đứa đi ra thành đạt, về thăm quê, gặp ai cũng chào hỏi khiêm nhường lễ phép, thấy mà thèm!”.

Hắn sượng, hắn đổi giọng: “Mai bà cho cháu ăn bữa ốc len hầm dừa, cháu dông về bển, ở bên này bị bà rầy hoài chán quá!”.

LÊ GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên