![]() |
Minh họa: NGÔ VŨ NHÃ THY |
- Vô trong hè cho mát Nhiên ơi!
Bà Sáu Sẹo gọi với ra vườn. Im lặng, rồi thoáng có tiếng thở dài. Bà Sáu nặng nhọc bước ra sân, nắm tay con bé Nhiên đi vào nhà. Người đàn bà này một đời bươn chải, hình như đã từng kinh qua hết những nỗi đau của đời người, nên bây giờ khi đã ngấp nghé tuổi 50 bà không còn tí cảm xúc nào nữa. Cái bóng ấy im lặng sống giữa cuộc đời, không vui không buồn, không giận hờn và không than trách.
Cái bóng ấy lặng lẽ cưu mang con bé Nhiên lẩn thẩn. Nhiên - con bé đã từ lâu không còn giá trị gì với cuộc đời - lại là báu vật với bà Sáu. 20 năm trước, bà bồng con Nhiên đến xóm nghèo này, không ai biết họ là ai và từ đâu đến. Theo lời bà Sáu, bà là má của con Nhiên. Nhưng theo con Nhiên, nó không phải là con bà Sáu.
Thật ra, con Nhiên đâu có nói năng gì, nó chỉ nghịch cát rồi đưa đôi mắt hoang dại nhìn quanh hỏi: “Má đâu?”. Nó kể mãi một câu chuyện, rằng má Nhiên chết rồi. Má đã nhảy sông vớt Nhiên lên rồi má Nhiên không lên được, má chết rồi. Câu chuyện kể hoài trở nên nhàm chán, ký ức của con bé Nhiên cứ quay đi quay lại nỗi buồn, nó đâm ra u uất rồi không kể chuyện nữa. Nó im lặng không nói năng suốt 20 năm, có lẽ đã quên mất tiếng người.
- Nhiên ngoan há miệng má đút cơm!
- Cơm ngon không Nhiên?
- Nhiên ăn cơm xong đi ngủ nhé! Chiều mát hẵng ra sân chơi.
Bà Sáu nhìn mắt con Nhiên, biết hết những câu trả lời mắc nghẹn trong cổ họng nó. Mắt người điên làm gì biết nói, nhưng bà Sáu luôn tin có một con bé Nhiên tỉnh táo bị giam cầm sau đôi mắt ấy, chỉ cần bà nhìn sâu, nhìn thật sâu thì sẽ thấy một đôi mắt tỉnh táo khác. Bà tự huyễn hoặc mình. Giữa cái ban trưa oi nồng ấy, chỉ có tiếng bà Sáu và tiếng khua bát đĩa của con Nhiên. Nếu cô đơn cũng có âm thanh thì đây có lẽ là thứ âm thanh đặc trưng nhất.
Một chấn thương tinh thần đã khiến một cô gái 20 tuổi bị mất trí nhớ, suốt 12 năm không nhận ra mẹ mình… Chuyện cảm động, thể hiện đúng ý tự bạch của Phương Thảo: “Cảm xúc là hồn của văn chương”. Cảm xúc ấy của tác giả đã giúp Má con Nhiên, “dù còn va vấp và không tròn trịa” đi nữa (thật ra truyện khá hoàn chỉnh, thậm chí tròn trịa đến… thiếu điểm nhấn, chỉ như một chuyện kể giản dị), thành công khi truyền được tới người đọc chút gì đó bồi hồi cho một số phận con người Nhà văn Nguyễn Đông Thức |
Chỉ có mỗi bà Sáu tin như thế. Mà bà nào có cần ai ủng hộ, chỉ cần bà tin, chỉ cần bà son sắt với niềm tin ấy là đủ.
Bà bán mảnh vườn, rồi gom hết gia tài ki cóp mấy mươi năm đưa con Nhiên lên bệnh viện tâm thần thành phố. Người ta nói trí óc con Nhiên ở hoài cái thời bốn tuổi lúc nó té sông, thêm nỗi u uất nó mang suốt 20 năm sau đó, việc chữa trị sẽ cần một thời gian dài, thậm chí có thể không thể nào chữa khỏi. Bà Sáu không khóc, đôi mắt đã ráo hoảnh trước nỗi đau chỉ thoáng buồn, cụp xuống. Nhiên ơi Nhiên, má làm sao cứu con, Nhiên ơi?
Con Nhiên ở lại trong viện. Không có cát cho nó nghịch, không có biển nắng cho nó lặn ngụp, không có “con thuyền” nhà bị sóng đánh nhấp nhô, không có người đút cơm cho nó. Không quen. Nó bỏ ăn mấy cữ. Nhưng rồi đói quá bản năng dạy cho nó cách cầm muỗng xúc cơm. Sau đó nó bắt đầu la hét. Bà Sáu xót ruột, nhưng vui vì con Nhiên của bà đang dần nhớ lại tiếng người nó đã từng quên. Bà ngơ ngẩn mơ một hôm nó gọi “má, má”, biết đâu hôm ấy bà sẽ lại khóc như mưa.
Con Nhiên bốn năm sau đó quả là có nói từ “má” thiệt. Hôm đó, bà Sáu vô thăm, dẫn nó ra vườn chơi. Nó không dưng ngước mắt nhìn bà hỏi: “Má đâu?”. Bà lắp bắp: “Má nè con”. Con Nhiên lắc đầu “Má chết rồi, má nhảy sông vớt Nhiên má không lên được, chết rồi”. Hơn hai mươi mấy năm bà mới nghe nó gọi “má”, thế mà... Bà khóc, bao nhiêu đau thương bật ra thành tiếng nấc nghẹn ngào. Phải lấy lại ký ức cho Nhiên, giống như bốn năm qua bà đã lấy tiếng nói và một phần nhận thức về cho nó. Rồi bà xin cho con Nhiên xuất viện, đưa nó về quê, về con sông nơi “má Nhiên nhảy sông vớt Nhiên lên, má không lên được”.
Vùng quê nghèo khó ấy vẫn không thay đổi gì so với cái thuở xa xôi bà Sáu đã sống. Những người bà quen đã bỏ xứ tha phương, cũng chả còn mấy ai nhận ra bà Sáu nữa. Bà đưa con Nhiên về ngôi nhà tuổi thơ nó từng sống, nay chỉ còn là một đống gạch đổ nát hoang tàn. Ba con Nhiên mất rồi, mất vì rượu. Cái nhà cô ruột con Nhiên đem bán đi, rồi lấy đó làm vốn theo chồng đi biệt xứ. Bà rủ rỉ kể con Nhiên nghe chuyện ngày xưa...Ngày xưa của Nhiên, ngày xưa của bà...
Má Nhiên hồi đó thương Nhiên nhất. Sáng đi chợ má bồng Nhiên theo, tối thì tắm xà bông xịn cho Nhiên thơm phức, má nấu toàn món ngon cho Nhiên, rồi đêm má ôm Nhiên trong lòng kể biết bao nhiêu chuyện cổ tích quê mình, có cô Tấm, quả thị, có chú Thạch Sanh, Nhiên nhớ không? Chiều má đi làm mướn phải gửi Nhiên cho cô hàng xóm. Má thương nhất là chiều nào về cũng thấy Nhiên bơ vơ vọc cát đợi má, thương Nhiên ghê...
Ba hay đánh má con mình. Hồi đầu má không hiểu sao ba không thương Nhiên, nhưng rồi một hôm say ba nói Nhiên không phải con của ba. Dây nịt ba vụt xuống, má che cho Nhiên không biết thế nào mà chân Nhiên vẫn bị quất trúng, tóe máu. Cơn giận của ba, máu của Nhiên và nước mắt của má...
Nhiên nhớ con sông này không? Cái hôm tối trời năm Nhiên 8 tuổi, ba dỡ gian nhà tranh hai má con vẫn ngủ, ba đuổi má con mình. Má bồng Nhiên chạy miết, rồi cùng đường má tính chuyện buông xuôi. Má ôm Nhiên nhảy sông. Vừa chạm mặt nước tự dưng má tỉnh ra, má quờ quạng tìm Nhiên. Lúc nắm được bàn tay nhỏ xíu, má chỉ cầu trời cho Nhiên được sống. Người ta vớt được cả hai má con mình, má chỉ phải mang một vết sẹo dài trên trán. Má đã nghĩ rằng chỉ có thế thôi, nhưng không, sau hôm ấy cả hai má con mình đều “mất”. Nhiên mất đi trí nhớ, mất luôn khả năng nhận thức như một con người bình thường; còn má, má mất Nhiên. Tội của má. Nhiên có trách má không?
Con Nhiên nghe chuyện chẳng mảy may có phản ứng gì. Nó vẫn thơ thẩn mỗi chiều nghịch cát nơi bóng nắng đi qua. Bà Sáu vẫn kiên trì với câu chuyện của mình. Nỗi đau cứ thế đều đặn mỗi ngày quay đi quay lại. Một lần, con Nhiên phản ứng “Má chết dưới sông rồi” khi bà kể đến đoạn “người ta vớt hai má con mình lên”.
- Không đâu Nhiên, má cũng được vớt lên mà!
- Má chết rồi!
- Má là má nè Nhiên.
- Má tên Hương, má không có sẹo.
Cô Hương ngày xưa hơn 20 năm sống đời bà Sáu Sẹo, còn Nhiên, 20 năm vẫn là con bé Nhiên 4 tuổi con gái cô Hương. Cô Hương chết rồi, con Nhiên thành ra mồ côi. Bà Sáu nào phải là má đó, má nó tên Hương, má đẹp, hay cười và má không có vết sẹo dài trên trán. Nỗi đau bà Sáu tưởng đã rất quen, bỗng dưng hôm nay lại rát bỏng đến không chịu nổi. Thôi thì lỗi của má, má chịu, Nhiên ơi!
Tối, lúc đi ngủ bà vòng tay ôm con Nhiên vào lòng. Con Nhiên phổng phao, bà thì cằn cỗi. Nó ngủ ngon lành, không chút vướng bận. Bà nhìn con bé, không biết trong giấc mơ nó có thấy má Hương của nó, rồi có thấy bà không. Bà nén tiếng thở dài, rồi nhắm mắt cố dỗ mình vào giấc ngủ. Vòng tay vẫn ôm gọn con Nhiên, bà mơ thấy một hôm nó cười rạng rỡ, đôi mắt tỉnh táo long lanh; nó nhìn bà, và gọi “Má Hương ơi, má Hương”. Cuộc đời này, bà chỉ cần có thế thôi là đã yên lòng.
Giới thiệu cây bút trẻ VŨ HỒNG PHƯƠNG THẢO
* Sinh ngày: 19-10-1989* Quê quán: Thái Bình Sinh viên ngành kinh doanh quốc tế Đại học Kinh tế TP.HCM* Email: ph.thao1910@gmail.com * Đôi lời: "Cảm xúc là hồn của văn chương. Lúc viết văn, cốt truyện có thể được hư cấu, nhưng tuyệt nhiên tôi luôn trung thực với cảm xúc của mình. Trong cuộc dạo chơi với người bạn văn chương, tôi đã sống rất thật. Những điều viết ra, dù còn va vấp và không tròn trịa, cũng là những phút trải lòng mà tôi trân trọng nhất". |
Áo Trắngsố 13 (số 96 bộ mới) ra ngày 15/07/2011hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận