24/09/2007 05:03 GMT+7

Lý lu là

Truyện ngắn của TRẦN TÙNG CHINH
Truyện ngắn của TRẦN TÙNG CHINH

AT - Tui tên là Nguyễn Thị Bé Hai, tui đăng ký hát bài Lý lu là. Bài này má tui dạy tui hát. Má tui là Trần Thị Bé. Tui hát bài này để thay cho má tui nói với tía tui vài lời. Tía tui là Nguyễn Văn Là. Tía ơi, má bị bệnh nặng lắm. Má nhớ tía. Tía ở đâu dìa liền nghen tía. Bây giờ tui xin phép quí bà con cho tui bắt đầu hát”.

Ai về ngoài ấy mà xa xôi, nhớ cho lu là ta gửi ơi người ơi. Gửi đôi lời ơi người ơi mà thủy chung.

Ai về giồng dứa mà qua truông, gió đưa lu là bông sậy ơi người ơi, bỏ vườn ơi người ơi mà ra đi, để buồn ơi người ơi mà cho ai?

Ai về đồng vắng mà truông xa, nắng mưa lu là phai lạt áo người đi, chẳng phai mờ tấm tình chung mà thủy chung, chẳng phai mờ tấm tình chung mà thủy chung...

Trời ơi, bữa đó Hai hát xuất thần ghê luôn. Hai vừa hát vừa nhìn xuống hội trường, coi có ông nào là tía hông, nhìn đỏ con mắt hổng thấy. Mấy cưng cười cái gì? Hai hổng nhớ mặt tía hả? Nhớ chứ sao không? Ngoại nói tía bạc, Hai kiếm ông già nào tóc bạc, râu bạc, cái da mặt, cái tướng người cũng bạc, vậy mà hổng thấy… Mà sao Hai hát bài Lý lu là hả? Để Hai nói mấy cưng nghe…

oOo

Lý lu là là một điệu lý quen thuộc của người Nam bộ. Lu là là tiếng đưa hơi trong câu lý, mà người ta lấy đặt tựa cho câu hát. Nghe như tiếng thở dài não nuột. Hai thích bài này nhất trong các bài lý mà má dạy Hai hát hồi tụi bây còn nhỏ. Mà nè, trong ba đứa tụi mình, Hai hát là giống má nhứt đó nghen. Ngoại nói, nghe tụi bây ca, mắc nhức nách. Hát gì mà buồn nghe muốn thúi ruột. Mà càng nghe tụi bây hát, tao càng bắt ghét cái thằng cha mày. Dòng cái thứ “bạc tình chi lắm ngãi nhơn, chưa bao lăm ngày tháng lo thay đờn đổi dây”. Rồi cứ như bắt trớn, ngoại vừa móm mém quệt trầu, ngoại vừa chửi, chửi không còn cái non nước nào mà kể…

oOo

Thì ngoại chửi tía chứ ai ? Tự dưng, tía bỏ đi đâu ai mà biết. Má nói hôm tía chuẩn bị quần áo, tía biểu kỳ này tui đi lâu à nghen, ở nhà đừng có trông ngóng làm gì cho mệt. Má đi theo hỏi hoài, tía ậm ừ rồi bắt nạt ngang làm má nín khe. Rồi tía đi. Xách nóp, chèo ghe mà đi. Cả cái giồng Dứa, ra rả người ta đồn tía đi theo vợ bé… Nếu đúng là như vậy thì mắc cười ghê, tự nhiên má thành vợ lớn. Thành vợ lớn có gì sung sướng đâu ta. Hai chỉ thấy má không phải là vợ cả vợ lớn gì, nghe bắt mệt. Má chỉ là “má lớn” của ba chị em tụi mình thôi. Má lớn vì má có tới ba đứa con gái, má lớn vì má làm chủ cả một cái chòi trong giồng. Và má lớn vì má là cô giáo dạy chữ cho cả ba chị em những bài học vỡ lòng. Má dạy chữ bằng lời ru, điệu hát. Ngộ chưa?

oOo

Má có một giọng hát thật là ngọt. Ngọt như nước dừa xiêm, vừa trong vừa mát. Ừ, kẹo đường cũng ngọt nữa. Được rồi, thì giọng hát của má ngọt như đường cát mát như đường phèn, chịu chưa? Hai nghe má hát lần đầu hồi nào hả? Hai đâu có nhớ! Hồi Hai nhỏ hơn tụi cưng, nằm chèo queo trên võng ngủ là má đã hát cho Hai nghe rồi. Hì hì, lúc đó, Hai ngủ khì, Hai mà nhớ má hát cái gì chết liền.

oOo

Nhưng sau này ẵm con Bé Ba cặp ngang hông, nhiều khi đang nhảy nhót cùng lũ nhóc cạnh nhà, Hai đã phải đứng sững lại khi nghe má cất lên giọng hát. Má hát ầu ơ, ví dầu tình bậu muốn thôi, bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra, con Bé Tư nè, đang ngoe ngoe khóc bỗng tự nhiên nín bặt. Hai cạp trái me nước chưa chín mà nghe nó ngọt gì đâu. Hai lén nhón chân qua khung cửa tre, nhìn má. Nhưng lạ ghê nghen, như là Hai đang nhìn thấy giọng hát ngọt lịm của má vậy. Giọng hát như đang xoè ra vuốt lên cái má bầu bĩnh còn đọng nước mắt mít ướt của con Tư, rồi bám chặt đầu võng, đưa qua đưa lại nhẹ khơi. Sau đó, tiếng hát của má thổn thức cùng chiếc khăn rằn khi má chậm nước mắt, rồi nó vút lên mái nhà, nơi lỗ chỗ ánh nắng dột xuống nền đất, rồi vòng quanh cái cột xiêu. Hai thuộc rất nhanh và rất nhiều câu hát của má, những câu hát mà má hát nghe như là má khóc…

oOo

Mà má hổng khóc cũng uổng. Hồi còn tía ở nhà, má hát cho con Ba ngủ, câu nào cũng vui, cũng mắc cười. Hết ví dầu ví dẩu ví dâu, ví qua ví lại ví trâu vô chuồng; rồi ví dầu câu cá nấu canh, bỏ tiêu cho ngọt bỏ hành cho thơm. Lúc đó, Hai nằm kế bên má chớ đâu, Hai còn gác lên bắp vế của má cho má bắt chí, ngóc đầu lên hỏi, má à, bỏ tiêu cho cay mới đúng chớ má? Sau này Hai nghĩ, có tía ở nhà với má, tiêu có cay cách mấy cũng ngọt như thường.

oOo

Mà con Bé Ba hồi nhỏ cũng ít khóc ngặt như Bé Tư bây giờ. Bà ngoại biểu là tại vì con Tư nó khóc để trù ẻo cái thằng cha mắc dịch mắc ôn bạc tình bạc nghĩa của nó. Nghe vậy, má nói với ngoại là thôi má ơi, má rủa ảnh làm chi, thây kệ, ảnh đi chắc là cũng có nỗi khổ riêng, con ráng nuôi sắp nhỏ khôn lớn, biết đâu một ngày ảnh hồi tâm chuyển ý trở về… Nói thì nói vậy, nhưng mấy câu hát sau đó của má mà Hai nghe và thuộc thì toàn là những câu hát ru đầm đìa nước mắt. Có điều nước mắt của má dù khổ mấy cũng không mặn mà ngọt lịm thấu xương.

Rồi Hai cũng lẩm nhẩm những câu hát đó để khi con Bé Tư cứng cáp, mấy bữa má đi chợ sớm, ở nhà nó khóc ngằn ngặt đòi má, Hai cũng cất giọng y hệt má. Thiệt đó, giọng của Hai ngọt và hay như giọng má. Hai hát y như là má hát. Có điều Hai hát lớn hơn má; không thổn thức nấc nghẹn trong cuống họng như má đâu mà Hai cất cao giọng lên. Mắc cười chưa? Tại sao hả? Tại vì Hai nói trong bụng là mình mà hát bự chảng như vậy, chắc là tía mới nghe được. Xa cách mấy cũng nghe được.

oOo

Ầu ơ, gió đưa bụi chuối sau hè, anh mê vợ bé bỏ bè con thơ;

Ơ ớ ơ… chứ gió đưa trăng là trăng đưa gió, trăng lặn rồi, gió biết đưa ai…

Ầu ơ… Giương tay bắt lươn, lươn trườn vô cỏ, giương tay bắt quạ, quạ bỏ quạ bay…

Kể từ ngày chàng bỏ thiếp đây… À ơi, ơ ớ ơ…

Bưng bát cơm đôi hàng lệ nhỏ, dạ buồn thay hỡi buồn…

oOo

Rồi tía có nghe hông hả? Nghe đâu mà nghe, Hai hát rát cổ đỏ họng, tía có nghe đâu. Chỉ có má, chắc gánh hàng ở chợ, má nghe Hai hát hay quá, má chịu hổng nổi, chạy về.

Hai nhớ, bữa đó, má về, Hai thấy má đứng sững ngay cửa, rồi chạy vô bên võng, ôm Hai mà nước mắt lưng tròng. Má nói, ai biểu mà con hát nghe đứt ruột vậy Hai? Rồi má không cho Hai hát mấy câu đó nữa. Má dạy Hai những câu hát khác.

oOo

Thế là bữa nào rãnh, má ngoắc Hai lại, ôm Hai vào lòng và dạy cho Hai hát. Má dạy Hai hát đủ thứ câu hò điệu lý.

Bữa má dạy bài Lý lu là, Hai nghĩ, hay là bài này cũng dành cho tía? Tía tên Là, Lý lu là, có phải là má nhớ ông Là đến lu bù? Mà ông tía Là cũng lu bu lắm, có vợ có con rồi mà còn đi đâu bỏ vợ bỏ con vậy không biết. Ai đời vợ con ai cũng hát hay vậy mà bỏ đi cho đành đoạn. Hai hỏi má, má à, “bỏ vườn ơi người ơi mà ra đi, để buồn ơi người ơi mà cho ai” sao kỳ vậy má? Biết để buồn lại sao cũng bỏ vườn mà đi, kỳ cục vậy? Hai còn nói, con lớn lên không bao giờ con để buồn cho ai đâu má, để vui hổng để thì thôi, ai lại đi để buồn, kỳ khôi dị hợm quá.

Má không cho Hai nặng lời với tía, má biểu, người ta bỏ nhà cửa vườn tược không chỉ để buồn, để sầu cho người ở lại mà trong bụng người đi cũng đau lòng lắm chứ hổng có sung sướng gì đâu. Chắc là má binh vực tía. Tía bỏ nhà đi đã lâu mà không thấy về. Ngoại biểu má, tại mày đẻ một lèo ba đứa con gái nên nó mới đi kiếm vợ bé để đẻ cho nó một thằng con trai làm giống. Má lại binh vực tía một cách yếu ớt là không phải đâu, ảnh đi mần ăn xa thôi mà má ơi. Chừng như má trả lời với ngoại mà má cũng không tin vào điều mình nói. Đi mần ăn gì mà không gửi một cắc bạc về nuôi con? Để bây bồng bế cả bầy ba đứa tụi nó về đây cho cháu bà nội tội bà ngoại? Để cái thân già tao tối ngày hết cõng đứa này tới chơi nhà chòi với đứa kia, mệt thấy mụ nội?

oOo

Ừa, thì ngoại phải tiếp trông coi tụi cưng cho má sớm hôm ra chợ bán mấy món hàng rong; đến mùa lúa thì má đi gặt mướn. Bữa nào khỏe, má còn đi rảo xóm coi ai có việc gì kêu đến thì làm kiếm thêm gạo về cho ba đứa tụi mình. Ba đứa con gái xốc nách má, tía không biết sao?

Tía phải biết chớ, tía không biết cũng phải tìm cách cho tía biết. Hai hổng thèm hát cho mấy cưng nghe nữa, đứa nào cũng lớn bộn hết trơn hết trọi rồi, còn ngủ võng nghe hát cái nỗi gì? Bà ngoại lo cho đi học một buổi, buổi kia quơ quào cái gì đó để mà tiếp má chớ. Má già rồi đâu còn trẻ trung khoẻ mạnh gì nữa đâu? Lúc này, ban đêm ôm má ngủ, Hai nghe má ho ran trong ngực ho ra. Rồi vén mùng ngồi chân co chân duỗi, má vừa đập muỗi vừa thở dài sườn sượt.

Bé Ba, Bé Tư à, kỳ này Hai không hát cho mấy cưng nghe nữa, Hai lên đài đăng ký Tiếng hát phát thanh cho tụi mày coi nghen. Làm gì thì làm, Hai để ý thấy, Hai đi đến đâu, cái loa bông bí cũng bắt cùng làng trên xóm dưới. Bữa, Hai nghe Lệ Thủy hát Hoa Mộc Lan theo Hai từ tuốt trên chợ quận về tới nhà. Hai tưởng tượng Hai là tía, Hai đang đi cùng bà vợ bé, bỗng nhiên nghe được con gái của Hai hát trên đài. Trời đất thánh thần ơi, giọng con nhỏ ngọt thiệt ngọt nghen, nó chui vào lỗ tai Hai (lúc đó là lỗ tai của tía đó) rồi chạy tọt xuống ngực, xuống bụng Hai. Hai nhớ con gái của Hai quá (tức là tía nhớ Hai với mấy cưng đó). Nghe Hai hát hay vậy làm sao mà ai chịu nổi. Rồi thế nào tía cũng phẩy tay mình ra khỏi tay bà vợ bé nghe một cái phạch. Sau đó chạy te về nhà với má. Vừa chạy vừa la làng lên, tui nè, tui là Bảy Là nè, tui nhớ má nó với con bé Hai, bé Ba, bé Tư quá, má nó ơi… Kệ mà, con gái cũng là con mà, đứa nào cũng là con của tui hết…

Nghĩ vậy mà Hai cũng tin vậy nữa… Khi nào được vô vòng trong, mà Hai hát hay như vậy chắc chắn là vô vòng chung kết rồi, Hai sẽ hát ở trên tỉnh, cái loa bông bí sẽ được bắt ở nhiều nơi hơn. Và mỗi một chương trình như vậy còn được phát đi phát lại nhiều lần nữa. Hai sẽ lặp lại y chang cái câu giao lưu với khán giả trước khi hát đó. Để Hai tập lại cho mấy cưng nghe nhe!

“Tui tên là Nguyễn Thị Bé Hai, tui đăng ký hát bài Lý lu là. Bài này má tui dạy tui hát. Má tui là Trần Thị Bé. Tui hát bài này để thay cho má tui nói với tía tui vài lời. Tía tui là Nguyễn Văn Là. Tía ơi, má bị bệnh nặng lắm. Má nhớ tía. Tía ở đâu dìa liền nghen tía. Bây giờ tui xin phép quí bà con cho tui bắt đầu hát”.

Ai về ngoài ấy mà xa xôi, nhớ cho lu là ta gửi ơi người ơi. Gửi đôi lời ơi người ơi mà thủy chung.

Ai về giồng dứa mà qua truông, gió đưa lu là bông sậy ơi người ơi, bỏ vườn ơi người ơi mà ra đi, để buồn ơi người ơi mà cho ai?

Ai về đồng vắng mà truông xa, nắng mưa lu là phai lạt áo người đi, chẳng phai mờ tấm tình chung mà thủy chung, chẳng phai mờ tấm tình chung mà thủy chung…

sd1H23Ht.jpgPhóng to

Áo Trắng số 9 (ra ngày 15-9-2007) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Truyện ngắn của TRẦN TÙNG CHINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên