31/10/2005 06:12 GMT+7

Ly hôn - giải pháp đầu hay cuối?

THI NGÔN - TỐ OANH
THI NGÔN - TỐ OANH

TT - Tại sao các cặp vợ chồng thường nghĩ ngay đến giải pháp ly hôn trong khi lý ra phải là giải pháp cuối cùng? Các chuyên gia nói gì về hệ quả này?

mMdf3YyR.jpgPhóng to
Tháp thức ăn cần thiết cho trẻ 0-5 tuổi trong tập gấp của khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 phát cho phụ huynh. Trong đó thức ăn trẻ em cần thiết vẫn là tình thương yêu trẻ. Sống trong gia đình có bố mẹ ly hôn sớm, liệu đứa trẻ có được cung cấp đầy đủ thức ăn này?
TT - Tại sao các cặp vợ chồng thường nghĩ ngay đến giải pháp ly hôn trong khi lý ra phải là giải pháp cuối cùng? Các chuyên gia nói gì về hệ quả này?

Bình đẳng là cùng bàn bạc

Nhiều chuyên gia, nhà tâm lý, xã hội học đều đồng ý rằng thiếu kiến thức tiền hôn nhân và lối sống yêu cuồng, sống vội của thanh niên ngày nay là nguyên nhân làm tỉ lệ ly hôn tăng nhanh. “Nhiều bạn còn hiểu rất lệch lạc về tình yêu. Tâm lý bạn trẻ (nhất là bạn gái) khi quyết định kết hôn là cưới cho rồi, cưới trước rồi từ từ tính tiếp” - chuyên viên tâm lý Hồng Hà cho biết.

Theo thống kê của Trung tâm Tư vấn tình yêu hôn nhân gia đình (145 Pasteur, TP.HCM), hầu hết các cặp vợ chồng tìm đến tư vấn, có nguy cơ đổ vỡ cao đều là những cặp vợ chồng son, mới cưới. Nhiều đôi vợ chồng đưa nhau ra tòa vì những chuyện rất “trời ơi”, cười ra nước mắt. Yêu nhau bảy tám năm, kết hôn chưa đầy hai tuần đã “không thể chịu nổi” phải đưa nhau ra tòa. Có cặp đạt kỷ lục “vòng đời” yêu - cưới - chia tay vỏn vẹn chỉ có... ba tháng.

“Tỉ lệ ly hôn ở các gia đình trẻ tăng cao còn vì thiếu cả kiến thức về cuộc sống bắt đầu hôn nhân. Tính hiếu thắng của tuổi trẻ làm thời kỳ đầu chung sống thường hay gây gổ và vỡ mộng về nhau” - chuyên viên tâm lý Thu Hiên phân tích.

Các gia đình trẻ không nắm được qui luật của cuộc sống chung: 1-3 năm đầu là thời kỳ “sóng gió” nhất vì ở đó hai cái “tôi” đang hòa hợp thành một cái “ta”. Và nhất là chưa ý thức được sự chia tay sẽ để lại những hậu quả tai hại về tinh thần cho chính mình, cho con trẻ và cho tất cả những người trong gia đình hai họ.

“Bình đẳng là cùng bàn bạc, cùng góp ý kiến chứ không phải chồng nói một tiếng vợ cũng phải đáp một tiếng, điều này chỉ góp phần đổ thêm dầu vào lửa khi vốn dĩ bản tính của người đàn ông nóng và khả năng kiềm chế kém. Giải pháp hữu hiệu nhất là hãy chín chắn trước khi tiến tới hôn nhân” - chuyên viên Thu Hiên góp ý.

Kinh nghiệm “hạ hỏa”

“Sau cú ngã đau đớn này, tôi trưởng thành hơn rất nhiều, hiểu vợ và biết cách ứng xử với ba mẹ vợ hơn” - Đinh Văn Huy (28 tuổi) tâm đắc kể về vụ “đứt gánh” của mình. Yêu nhau từ thời sinh viên, ra trường làm đám cưới, vậy mà hai vợ chồng ra tòa ly dị sau ba tháng sống chung chỉ vì “cô ấy hay về nhà ngủ với cha mẹ ruột”! Sau hơn hai tháng sống “mình ên”, Huy có thời gian suy nghĩ, tham khảo sách báo, chuyên gia tư vấn... mới “à thì ra” đó chỉ là tâm lý thông thường của những cô dâu mới.

Với truyền thống văn hóa phương Đông, xã hội VN và một số nước châu Á khác xưa nay vẫn còn nhiều thành kiến với ly dị. Đa số cặp vợ chồng đều không ý thức được ly dị chẳng những ảnh hưởng sâu sắc đến đứa con mà còn để lại hậu quả nặng nề về thể xác lẫn tâm hồn cho hai người trong cuộc. “Tìm hiểu kỹ trong giai đoạn yêu nhau. Hãy nghĩ đến tương lai con trẻ, đến các kỷ niệm đẹp, đến những mối xung khắc đã được hóa giải... trước khi đặt bút ký đơn ly dị” - các chuyên gia đưa ra những kinh nghiệm “hạ hỏa” khi gia đình gặp “sự cố”.

Nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy những người đã từng ly hôn rất khó tìm kiếm “một nửa” khác sau khi dang dở, gặp nhiều khó khăn hơn khi xây dựng một mái ấm mới trong cảnh “con anh con tôi”.

Nhưng nếu đã “lỡ” ly hôn, đứa con cần phải được tiếp tục chăm sóc ra sao? “Tôi có nên dạy con tôi nói tiếng cha không?” - một phụ huynh đã bày tỏ thắc mắc với chuyên gia trong chuyên đề tâm lý tổ chức tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 vào giữa tháng 10-2005.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, đơn vị tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1, tâm sự: “Đến việc có nên dạy đứa trẻ nói tiếng cha thôi cũng là một vướng mắc lớn. Người lớn cần xác định rành rẽ hai mối quan hệ: vợ chồng - con cái. Dù mối quan hệ vợ chồng có đổ vỡ thì không để ảnh hưởng tới quan hệ con cái. Như thế trẻ mới phát triển bình thường”.

Bên cạnh cha mẹ còn là sự góp tay của nhà trường, xã hội. Cô giáo Trần Bích Huyền (giáo viên THCS Q.Tân Bình, TP.HCM) kể: “Mỗi đầu năm học nhận lớp chủ nhiệm, tôi đều cho các em viết điều mình mong muốn vào giấy. Năm nào cũng vậy, tôi đều đọc được những dòng chữ như: “Ước gì ba mẹ không bỏ nhau” hay “Ước gì em được sống trong một gia đình hạnh phúc”... Tôi luôn lưu tâm đến các học sinh này để trao cho các em sự chia sẻ chân tình”.

THI NGÔN - TỐ OANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên