Các nhà nghiên cứu Đại học Harvard theo dõi 32.826 phụ nữ trong thời gian 10 năm khi lấy mẫu nghiên cứu. Khi kết thúc nghiên cứu, nhóm ghi nhận được 698 người mắc bệnh tiểu đường type 2 - đó là những người có lượng sắt trong máu cao hơn các trường hợp còn lại.
Nhận định trên dựa vào kết quả so sánh lượng ferritin - một protein phản ánh hàm lượng sắt trong cơ thể. Ở phụ nữ, lượng ferritin thường nằm trong giới hạn 12-150 nanogram/ml. Nhóm nghiên cứu nhận thấy, những bệnh nhân tiểu đường có lượng ferritin trung bình là 109, trong khi ở người khỏe mạnh chỉ là 71,5. Đặc biệt là nhóm có hàm lượng sắt cao nhất (ít nhất là 102,2) có nguy cơ phát triển bệnh cao gấp 3 lần nhóm thấp nhất (dưới 21,1).
Những người mắc chứng nhiễm sắc tố sắt (hay còn gọi là đái tháo đồng đen) - một rối loạn di truyền khiến cơ thể hấp thu và tồn trữ quá nhiều sắt - có xu hướng bị tiểu đường. Lượng sắt dư có thể gây tổn thương tế bào và rối loạn chức năng của các tổ chức cơ thể.
Và nó cũng ảnh hưởng đến khả năng sử dụng insulin - loại hoóc môn tuyến tụy giúp chuyển hóa đường trong máu thành năng lượng. Bệnh tiểu đường phát triển khi cơ thể không sản xuất đủ hoặc không thể sử dụng hợp lý insulin.
Tiến sĩ Frank Hu, đồng tác giả của nghiên cứu, nói: "Kết quả trên cho thấy việc xác định lượng ferritin thông qua xét nghiệm máu đơn giản có thể giúp chẩn đoán sớm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận