![]() |
Và ông hỏi: Ta nên sống như thế nào? Để sống tốt cần những điều kiện nào? Câu trả lời của ông: Con người chỉ có thể đạt được hạnh phúc bằng cách sử dụng mọi khả năng và năng lực của mình.
Aristotle tin rằng có ba hình thức của hạnh phúc. Hình thức thứ nhất của hạnh phúc là khoái lạc và hưởng thụ. Hình thức thứ hai là cuộc sống của một công dân tự do và có tinh thần trách nhiệm. Hình thức thứ ba là cuộc sống của một nhà tư tưởng và triết gia.
Từ đó, Aristotle nhấn mạnh rằng cả ba tiêu chí đều phải cùng có mặt thì con người mới tìm được hạnh phúc và sự đầy đủ. Ông bác bỏ mọi hình thức thiếu cân bằng. Nếu ông còn sống đến ngày nay, chắc ông sẽ nói rằng một người chỉ chú trọng phát triển cơ thể sống thiếu cân bằng chẳng kém một người chỉ hoạt động trí óc. Cả hai thái cực đều là biểu hiện của cách sống lệch lạc.
Điều tương tự cũng áp dụng cho quan hệ của con người khi Aristotle chủ trương “Nguyên tắc Trung dung”. Chúng ta nên dũng cảm mà không hèn nhát hay liều lĩnh (quá ít dũng cảm thì là hèn nhát, còn dũng cảm quá thì thành liều lĩnh), nên hào phóng mà không keo kiệt hay hoang phí (quá ít hào phóng là keo kiệt, còn hào phóng quá thì thành hoang phí). Vấn đề ăn uống cũng vậy. Ăn quá ít hay quá nhiều đều nguy hiểm. Luân lý học của Plato và Aristotle mang bóng dáng của y học Hy Lạp: ta chỉ có thể đạt được hạnh phúc hay một cuộc sống “hài hòa” nếu sống cân bằng và điều độ.
Chính trị
Sự không mong muốn những gì thái quá còn được thể hiện trong cách nhìn của Aristotle về xã hội. Ông nói rằng bản chất con người là một “động vật chính trị”. Không sống trong xã hội, ta sẽ không phải con người thực sự, ông khẳng định. Ông chỉ ra rằng gia đình và làng xã thỏa mãn các nhu cầu sơ đẳng về thức ăn, sự ấm áp, hôn nhân, và nuôi dạy con cái. Nhưng hình thức cao nhất của tính cộng đồng con người chỉ có thể được tìm thấy trong tổ chức nhà nước.
Điều này dẫn đến câu hỏi: nhà nước nên được tổ chức như thế nào? (Em còn nhớ “nhà nước triết học” của Plato chứ?) Aristotle đã miêu tả ba hình thức tốt của chính thể.
Một là chế độ quân chủ - nghĩa là chỉ có một người đứng đầu nhà nước. Để chính thể này được tốt, nó không được thoái hóa thành “chuyên chế độc tài” - đó là khi một người cầm quyền lãnh đạo nhà nước vì lợi ích cá nhân mình. Một hình thức khác là chính thể quý tộc, trong đó lãnh đạo nhà nước là một nhóm người. Chính thể này dễ bị thoái hóa thành một “tập đoàn đầu sỏ chính trị”, khi quyền lực chính phủ nằm trong tay một vài người. Hình thức thứ ba là chính thể dân chủ. Nhưng hình thức này cũng có nhược điểm.
Một chế độ dân chủ có thể nhanh chóng phát triển thành chế độ luật số đông. (Ngay cả nếu tên độc tài Hitler không trở thành người đứng đầu nhà nước Đức, thì tất cả những tên Đức Quốc xã nhỏ hơn cũng có thể tạo thành một luật số đông đáng sợ.)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận