20/11/2006 11:23 GMT+7

Lớp học cô giáo Huyền

Bài, ảnh: LÂM HOÀI
Bài, ảnh: LÂM HOÀI

TTO - Gần mười năm nay có một lớp học ngày ngày vẫn diễn ra trong căn nhà nhỏ nằm sâu trong con hẻm ở Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội. Học trò là hàng trăm đứa trẻ lang thang cơ nhỡ được cô “nhặt” về từ khắp mọi nơi...

tTNUYBn1.jpgPhóng to
Cô Huyền đang dạy cho bé Sơn, bé Trang (hai học trò có hoàn cảnh đặc biệt nhất trong lớp học) - Ảnh: Lâm Hoài
TTO - Gần mười năm nay có một lớp học ngày ngày vẫn diễn ra trong căn nhà nhỏ nằm sâu trong con hẻm ở Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội. Học trò là hàng trăm đứa trẻ lang thang cơ nhỡ được cô “nhặt” về từ khắp mọi nơi...

Thương trẻ + yêu nghề = lớp học tình thương

8g30 cô đang giảng bài thì thằng Tùng, quần áo xộc xệch còn mùi rác từ ngoài ngõ chạy vào, rồi ngoan ngoãn lôi cuốn vở từ trong cạp quần ra lúi húi chép bài. Tùng là trẻ nhặt rác trong khu xóm lao động, mẹ bán khoai luộc rong, bố làm cửu vạn, giờ đã là học sinh lớp ba của cô giáo Huyền. Mười lăm học sinh ở lớp học đều chung hoàn cảnh như Tùng.

Từng là giáo viên của Trường tiểu học Phan Thiết, thị xã Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) năm 1997, cô giáo Huyền về hưu, cả gia đình chuyển xuống sống trong nhà cấp bốn lụp xụp nằm lọt giữa xóm dân lao động ở phường Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội.

Trước nhà cô là bãi đất, hàng ngày có hàng chục đứa trẻ đi nhặt rác, bán báo dạo đi qua. Nhìn những đứa trẻ không học hành, quần áo rách rưới lang thang trước cửa nhà, cô không khỏi bùi ngùi. Tình thương rồi lòng yêu nghề trỗi dậy, cô quyết định đi vận động mở lớp dạy chữ cho chúng

Ngôi nhà chỉ vẻn vẹn chưa đầy 20 mét vuông, gian chính được tận dụng làm lớp học, mọi sinh hoạt của gia đình dồn cả lên gác xép chật chội và nóng bức, bộ bàn ghế salon - tài sản đáng kể nhất trong nhà cũng được mang bán để mua ba bộ bàn ghế cho lớp học.

Lớp học mở vào tháng 1 năm 1998, buổi đầu chỉ có sáu học sinh. Từ hồi đấy đến bây giờ đã gần mười năm, hàng trăm đứa trẻ lớn lên dưới sự chăm chút của cô Huyền.

Năm 2002, cả nhà cô chuyển ra Khương Đình, lớp học cũng chuyển theo. Có sự hỗ trợ của UBND phường và dự án của tổ chức phi chính phủ Nhật Bản - Plan, cô quyết định đầu tư xây hẳn một gian gần 30 mét vuông, sắm bàn ghế mới cho lớp học.

Lớp học cô Huyền ngày càng đông học sinh, không chỉ trong quận Thanh Xuân, trẻ em lao động ở các vùng Triều Khúc, Tân Triều, Phùng Khoang của huyện ngoại thành Từ Liêm cũng tìm đến học.

Cô là mẹ, trò là con…

OdMrkyy3.jpgPhóng to

Buổi học đầu năm của lớp học tình thương - Ảnh: Lâm Hoài

Học trò vắng một buổi học, cô giáo lo sốt vó, cứ nghĩ chuyện chẳng lành, rồi cô lần mò mang đường sữa đến thăm. Đến nơi cửa khóa im lìm, học trò cô đã theo bố mẹ chúng chuyển về quê, cô đứng lặng như người mất hồn, rồi bật khóc nức nở.

Ngay cả sách vở cho trò cô cũng phải chắt bóp từ đồng lương hưu ít ỏi để mua cho chúng. Bố mẹ đi kiếm sống từ sáng tờ mờ đến tối mịt mới về, con cái cứ để vất vưởng chui lủi trong những khu nhà trọ rách rưới. Cô vừa dạy chữ vừa đóng vai trò là người bảo mẫu. Sáng đến gọi học sinh đi học, tan lớp lại dắt học sinh về vì sợ chúng đi lang thang dễ gặp nguy hiểm.

Những ngày mùa đông nhìn mấy đứa học trò mặc áo mỏng dính mà thấy thương, cô giáo đi vận động bà con khu phố quyên góp quần áo cũ cho chúng mặc. Chiếc áo học trò rách toạc, tự tay cô tỉ mẩn khâu cho chúng. Ngày hè nóng nực cô nấu hẳn bình nước cho chúng uống, rồi kéo điện từ trên nhà mắc quạt cho học sinh đỡ nóng. “Chẳng biết từ lúc nào tôi đã xem chúng như con cái của mình vậy”, cô Huyền tâm sự.

Nhiều lần cuối buổi học cô còn giữ học trò lại nhà ăn cơm cùng, cậu học trò vừa nhai ngấu nghiến vừa nói “bố mẹ đi làm từ sớm, chẳng bao giờ con được ăn sáng cả”. Tay xoa mái tóc khét nắng của học trò, cô giáo nhìn chúng với ánh mắt chan chứa không nói thành lời.

Thằng Sơn lí nhí khoe với tôi “Tuần trước cô Huyền dẫn cả lớp cháu đi công viên Thủ Lệ xem thú đấy, bọn cháu còn được ăn kem và đi tàu trượt nữa cơ”. Những ngày nghỉ, dịp lễ cô lại thuê xe dẫn học trò đi xem xiếc, đi công viên.

“Trăm dâu đổ đầu tằm” nhưng lớp học của cô chưa hề nghỉ một buổi, ốm đau hoặc bận việc đột xuất, cô lại bảo con gái và con dâu đứng lớp thay mẹ. Là người không ngại khó khăn thế nhưng đã có lần cô Huyền nản chí, chỉ vì “tủi thân quá, ngày 20-11 tôi đã khóc, đồng nghiệp mình được nhận hoa, những lời chúc mừng còn mình cũng là giáo viên có bao nhiêu là học trò thế mà một lời chia vui, một bông hoa cũng không hề có”, cô nhớ lại.

Nhưng lại chính những học trò đã khiến cô phải đứng dậy, trấn an mình “nhìn chúng như thế mình nỡ lòng nào, tất cả cũng do hoàn cảnh mà ra cả”. Nhiều đứa học trò có hoàn cảnh rất đáng thương: cái Trang mới 7 tuổi bố bỏ nhà đi, mẹ ngồi tù 15 năm vì bán ma túy, sống với ông ngoại đã 76 tuổi; thằng Sơn thì còn tội nghiệp hơn, cả bố và mẹ đều vào tù, bảy năm nay sống với ông bà nội đã già yếu; thằng Phong ở với bà ngoại, mẹ mất vì ung thư, bố nghiện ma túy.

Rồi còn có những đứa học trò ham học như Tấn, quê Hòa Bình - đã 23 tuổi rồi, tối làm thợ sơn ô tô, ngày vẫn đến lớp tập đánh vần từng chữ. Hay Linh, cô gái đã 20 tuổi quê Thái Bình nài nỉ được cô dạy chữ để “biết đi chợ sau này còn lấy chồng”.

Tình thương của cô được đáp đền, nhìn từng lứa học trò khôn lớn mà lòng cô vui đến lạ. Chỉ mới ngày hôm qua 5 học trò của cô vừa chia tay lớp chuyển lên học cấp hai ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân. Năm nào cũng có cuộc chia tay như thế “nhớ chúng nhưng mà vui vì học trò mình thành đạt”, cô giáo ngậm ngùi nói.

Cô giáo vẫn nhớ như in từng đứa học trò mà mình đã dạy dỗ. Thằng Minh chuyển về Quảng Ninh, hồi đầu năm cưới vợ nó vẫn còn nhớ lên tận nhà mời cô giáo. Thằng Thắng “còi” quê Hà Tây cô còn lặn lội đến nơi mừng nhà mới cho nó, thằng Long ở Hưng Yên nghe bảo giờ làm ăn thành đạt…

Năm nay đã ở tuổi ngoại ngũ tuần, lên chức bà ngoại nhưng cô Huyền vẫn tâm huyết với lớp học “còn học sinh đến học là tôi còn dạy, giúp được các em cảm thấy rằng cuộc sống mình ý nghĩa hơn nhiều”, cô giáo tâm sự.

Mời bạn tham gia viết "Người đưa đò thầm lặng"

Chuyên mục dành cho tất cả bạn đọc viết về hình ảnh các thầy cô giáo ở mọi cấp học, bậc học nhưng có nghị lực vượt qua hoàn cảnh khó khăn để tham gia giảng dạy; có nhiều sáng kiến giá trị, tâm huyết với nghề; chú trọng người thầy có phương pháp đổi mới giảng dạy... Bạn cũng có thể viết những cảm nhận, tản văn về thầy cô giáo mà bạn có nhiều kỷ niệm...

Bài viết có thể là bài báo, ghi chép hoặc cảm nhận..., tối đa 1.000 từ, khuyến khích có hình ảnh của nhân vật hoặc sự kiện đề cập trong bài viết kèm theo (tối thiểu hai ảnh 10x15 hoặc kích thước ảnh từ 80 KB trở lên, ảnh chụp đẹp, có tính chất báo chí là một yếu tố khuyến khích).

Bài viết vui lòng dùng font có dấu tiếng Việt (nếu gửi qua email) hoặc viết trên một mặt giấy (nếu gửi bằng thư) và phải ghi rõ địa chỉ để tiện liên lạc. Tác phẩm chọn đăng được hưởng nhuận bút theo quy định. Tuổi Trẻ Online nhận bài viết từ ngày 25-10-2006 đến ngày 20-11-2006.

Mọi thư từ, bài vở xin gửi về tto@tuoitre.com.vn hoặc quocdung@tuoitre.net.vn hoặc Báo Tuổi Trẻ Online: 60A Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Xin ghi rõ tiêu đề trên email hoặc bì thư: Tham gia viết "Người đưa đò thầm lặng".

Bài, ảnh: LÂM HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên