Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Kỳ 1: Con cháu các tù nhân biệt xứ Kỳ 2: Những số phận lưu lạc Kỳ 3: Đường vào nhà lao Kỳ 4: Hương khói giữa rừng Amazon Kỳ 5 : Vượt ngục về nước tiếp tục đấu tranh Kỳ 6: Từ Thái Bình đến Guyane Kỳ 7: Cuộc đày ải giữa đại dương Kỳ 8: Tranh đấu trong rừng già Kỳ 9: Một kiếp thề ghi với nước non Ký 10: Nghĩa quân Đề Thám đi đày ở GuyaneHãy gìn giữ dòng máu Lạc Hồng
Tôi đã từng được ông ngoại kể về cuộc sống của người tù năm xưa. Khi VN phóng vệ tinh Vinasat-1, tôi và các con cứ nôn nao về địa danh Guyane, tìm hiểu về nơi mà ông ngoại của tôi đã có thời gian bị đày. Bao năm đã qua, những tưởng câu chuyện của ông ngoại tôi đã lãng quên. Tôi thật sự không ngờ khi Tuổi Trẻ nhắc lại một cách trân trọng và xúc động.
Từng nhân vật trong loạt bài cứ làm tôi nhớ lại ông ngoại của tôi. Theo tôi biết, vào những năm đầu thập niên 1960, ở Guyane còn gần 100 cụ và các cụ đã thành lập Hội Việt kiều yêu nước, do ông ngoại tôi phụ trách. Các cụ đã đấu tranh với thực dân Pháp, sau đó một số cụ được trả tự do, trong đó có ông ngoại tôi. Các cụ được Chính phủ đón tiếp, được tặng huy chương và được về địa phương. Đến năm 1965 ông ngoại tôi mất, thọ 82 tuổi. Hiện tôi vẫn còn giữ tấm hình ông ngoại tôi chụp ở Guyane trước khi về nước.
Tôi vẫn tiếp tục theo dõi loạt bài trên Tuổi Trẻ mỗi ngày.
* Từ trước đến nay tôi chỉ biết khởi nghĩa Yên Thế đã thất bại ra sao, nhưng không hề biết những nghĩa quân Yên Thế đã bị đày đọa như thế nào, cái tên Guyane lần đầu tiên được biết tới. Nay qua loạt bài đăng trên Tuổi Trẻ, tôi được biết không chỉ nghĩa quân Yên Thế mà có cả những người tham gia phong trào Đông Du... cũng đã từng có mặt ở Guyane. Và tôi dám chắc là không ít người cũng như tôi.
Loạt bài "Nhà lao An Nam ở Guyane" khởi đăng trên Tuổi Trẻ từ ngày 25-4-2008 đã làm chúng tôi thật sự xúc động. Sức lan tỏa của bài báo, hay đúng hơn là đã khơi nguồn cho cháu con hướng tới tiền nhân. Đó là bài học nhắc nhớ cho những người trẻ như chúng tôi. Đất mẹ thì xa tít tắp, vậy mà cha ông vẫn vượt ngục tìm đường trở về. Ai chết cho quê hương là sống đời đời.
* Theo tôi, câu chuyện về những người yêu nước của các phong trào khởi nghĩa trước đây bị đày sang Guyane đăng trên Tuổi Trẻ không dừng lại ở chuyện nhà lao, chuyện hi sinh, chuyện anh hùng..., mà đó là câu chuyện của tinh thần yêu nước của cha ông xưa cần được thế hệ hôm nay nhắc nhớ và ghi ơn.
Guyane chỉ là một, còn nhiều nơi xa xôi khác trên nhiều châu lục đã từng là nơi đày đọa những con người xả thân đứng lên đấu tranh vì nền độc lập của VN. Tôi muốn nhắc đến vua Hàm Nghi, vua Thành Thái, vua Duy Tân - là những vị vua đã từng bị đi đày ở Algers và Réunion. Trang lịch sử những người yêu nước VN bị đày đọa ở xứ người là một trang bi tráng ít được nhắc đến hoặc nhắc đến không kỹ, không sâu trong sách giáo khoa và nhiều tài liệu khác là điều rất đáng tiếc.
Tại sao một câu chuyện xảy ra cách nay gần 80 năm, ít còn được ai nhắc đến nữa, và ngay cả những con người vì nghĩa ấy cũng không ai còn sống, mà lại hấp dẫn và cuốn hút bạn đọc đến thế? Những hình ảnh, những câu chuyện kể của con cháu những người tù đăng trên Tuổi Trẻ những ngày qua thật ra chỉ là một phác họa nhỏ so với một trang lịch sử có thể nói là thấm máu hi sinh của cha ông.
Tình cảm với quê hương, lòng yêu nước, quí trọng tiền nhân... đã bộc lộ qua sự kiện này. Chính những câu chuyện chân thật về những con người vì nghĩa đã gây xúc động, tạo một hiệu ứng mạnh về lòng yêu nước, về sự hi sinh vì nghĩa lớn. Câu chuyện của một thế kỷ qua nhưng không hề cũ khi nó được kể lại một cách nghiêm túc, chân thành và hấp dẫn: câu chuyện của lòng yêu nước. Và nó sẽ không bao giờ cũ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận