28/07/2007 15:08 GMT+7

Loạn hội chợ xúc tiến thương mại

Theo THÚY HẢI - Sài Gòn Giải Phóng 
Theo THÚY HẢI - Sài Gòn Giải Phóng 

Một chuyên gia kinh tế nước ngoài đã thẳng thắn chỉ ra rằng, không ít chương trình xúc tiến thương mại (XTTM) trọng điểm của Việt Nam (VN) không dựa trên thực chất mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp (DN).

ycc0Rc1b.jpgPhóng to
Xem hàng trưng bày ở Hội chợ Thủy sản quốc tế TPHCM 2007. Ảnh: THÀNH TÂM

Hội chợ chồng lên hội chợ

Nói đến hoạt động xúc tiến thương mại ở nước ta, phải nói đến việc tổ chức hội chợ triển lãm. Đây là một hoạt động quan trọng, là cầu nối để đưa sản phẩm của các DN đến với người tiêu dùng nhanh và hiệu quả.

Trong năm 2006, cả nước đã có 300 lượt hội chợ triển lãm được tổ chức, trong đó có 177 lượt diễn ra ở nước ngoài. Nếu chia bình quân, mỗi tháng có tới 25 hội chợ cho các DN lựa chọn, tham gia. Con số này chưa phải là nhiều, cũng không ít mà vấn đề chính là khâu tổ chức kém khoa học. Trên thực tế đã và đang có sự dẫm đạp và trùng lắp rất "thô thiển" tại nhiều địa phương.

Cách đây 2 tuần, vào trang web Bộ Thương mại, chúng tôi đọc thấy lời mời dự hội chợ ở Campuchia vào tháng 11-2007 do Bộ Thương mại và Bộ Quốc phòng tổ chức. Mở qua trang web hàng Việt Nam chất lượng cao cũng lại thấy mời DN dự Hội chợ hàng VN chất lượng cao và Xuất khẩu ở Campuchia (?).

Ở trong nước, thời điểm này đang diễn ra Hội chợ triển lãm quốc tế “Nhịp cầu xuyên Á – Quảng Trị 2007” do Sở Thương mại Du lịch tỉnh Quảng Trị và Công ty CP Quảng cáo và Hội chợ CIAT tổ chức. Hội chợ được quảng cáo khá rầm rộ, với đủ mọi nội dung từ bán hàng cho đến biểu diễn văn hóa, giới thiệu tiềm năng du lịch với sự tham gia của Trung Quốc, Thái, Myanmar…

Nhưng ít ai biết rằng, cách đó không xa, UBND TP Đà Nẵng đang gặp khó khăn vì họ vừa họp báo công bố “Tuần lễ, hội chợ quốc tế Hành lang kinh tế Đông Tây” cũng quy tụ chừng ấy cơ quan, DN của từng ấy nước, với mục đích tương tự, diễn ra ngay sau Hội chợ Xuyên Á đúng 1 tháng. Và, Bộ Thương mại cũng chính là cơ quan bảo trợ cho 2 sự kiện này!

Trên đây mới chỉ là “2 cặp” hội chợ tiêu biểu đang diễn ra gần nhất, nên được nêu làm ví dụ, còn nếu liệt kê kiểu tương tự thì… đếm không xuể. Điều này cho thấy chúng ta đang thiếu đầu mối trong cấp phép các sự kiện (chưa kể đứng ra bảo trợ hay chỉ đạo). Có ý kiến đặt vấn đề có phải Bộ Thương mại không có kế hoạch, chiến lược thị trường và định hướng hoạt động xúc tiến?

Xài tiền nhà nước như thế nào ?

Kinh phí hỗ trợ cho chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia hàng năm vào khoảng 400-500 tỷ đồng nhưng chưa có năm nào được phê duyệt vượt qua con số 200! Nghịch lý đã xảy ra, các DN luôn kêu ca thiếu các chương trình xúc tiến thương mại nhưng tiền nhà nước lại rơi vào tình trạng tiêu không hết?

Theo báo cáo của Cục XTTM, năm 2006 có 155 chương trình XTTM trọng điểm quốc gia của 27 đơn vị chủ trì được phê duyệt với kinh phí 144,77 tỷ đồng.

Trên thực tế, chỉ có 131 chương trình thực hiện (đạt 85%), số còn lại hoàn toàn không thực hiện.

Năm 2007, có 159 chương trình do 28 đơn vị chủ trì được phê duyệt với kinh phí 176 tỷ đồng, nhưng đến hết tháng 6-2007 mới chỉ có 34 chương trình được triển khai.

Nguyên nhân, theo Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại Đỗ Thắng Hải, hệ thống xúc tiến thương mại đã phát triển mạnh về số lượng nhưng chất lượng và hiệu quả còn nhiều vấn đề bất cập. Mới chỉ có 14% đơn vị có thể làm tốt công tác này.

Để công tác xúc tiến thương mại hiệu quả, việc tiên quyết là cần phải tách bạch chức năng của Cục xúc tiến thương mại là quản lý hay tác nghiệp? Nhiều chuyên gia cho rằng, chức năng chính của cục là nên chú tâm vào công tác quản lý và hãy làm tốt cái công việc có tính nền tảng mà quy định của WTO không loại trừ: thông tin huấn luyện và nghiên cứu.

Đặc biệt, cục hãy làm chức năng quản lý, nắm rõ những công ty hội chợ lôm côm hay lừa đảo để cấm cửa, hạn chế thiệt hại cho DN.

Hàng năm, sau khi Chính phủ đã phê duyệt chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm, Cục xúc tiến thương mại nên thông báo rộng rãi đến các tổ chức xúc tiến, công ty để họ tham khảo, sau đó sẽ thực hiện việc đấu thầu. Hoặc nếu không tổ chức thầu thì sẽ thực hiện cách chấm trắc nghiệm cho từng chương trình, vì lẽ hiện nay đang xuất hiện khá nhiều đơn vị “tay ngang”, nhờ quen biết cũng nhảy vào “xúc tiến”.

Nếu chúng ta không nhanh chóng đổi mới cách thực hiện, vẫn theo cơ chế ban phát thì mục đích xúc tiến thương mại sẽ bị biến dạng.

Theo THÚY HẢI - Sài Gòn Giải Phóng 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên