Theo Cục Y tế Dự phòng- Bộ Y tế, 5 tháng đầu năm, cả nước đã ghi nhận hơn 11.389 ca mắc, trong đó tại khu vực miền Nam số ca mắc tăng hơn 35%. Các tỉnh có tỷ lệ mắc sốt xuất huyết tăng cao từ 30%-45% là: Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu, Sóc Trăng.
Các tỉnh phía nam, dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp với số các ca mắc tăng nhanh. Thống kê của Sở Y tế TP.HCM, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có trên 5.000 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2014.
Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận gần 400 ca mắc sốt xuất huyết, tăng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2014, tập trung chủ yếu ở các quận: Long Biên, Hai Bà Trưng, Thanh Trì, Hà Đông…
Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, dịch sốt xuất huyết năm nay có diễn biến khá bất thường. Thường thì đỉnh điểm của dịch sốt xuất huyết là tháng 7, 8 hàng năm, tuy nhiên năm nay dịch xảy ra ngay từ đầu năm và kéo dài tới hiện nay.
Để ứng phó với dịch sốt xuất huyết, hiện Bộ Y tế đã thành lập đoàn công tác xuống thực địa các điểm nóng về sốt xuất huyết để khảo sát và hướng dẫn người dân cách xử lý khi có dịch.
Trong đợt kiểm tra, Cục Y tế dự phòng đã đề nghị các địa phương có dịch thành lập đội đặc nhiệm làm công tác phòng chống sốt xuất huyết cho từng khu phố, tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi diện rộng một cách triệt để, đảm bảo đúng kỹ thuật và bao phủ 100% các hộ gia đình; làm việc với ban quản lý các khu công nghiệp để vận động công nhân thực hiện diệt lăng quăng tại khu vực nhà trọ, bố trí thời gian phun hóa chất tại khu vực nhà trọ phù hợp với giờ làm của công nhân, đảm bảo tất cả các hộ công nhân trong nhà trọ thuộc khu vực nguy cơ xảy dịch đều được phun hóa chất diệt muỗi.
Bộ Y tế cũng khẳng định sẵn sàng hỗ trợ về mặt kỹ thuật, vật tư và đảm bảo không để thiếu vật tư, hóa chất xử lý các ổ dịch nếu xảy ra.
Theo các chuyên gia y tế, đối tượng có thể mắc sốt xuất huyết gồm cả người lớn lẫn trẻ em, tuy nhiên ở miền Bắc, những trường hợp tử vong do sốt xuất huyết đa số rơi vào người lớn do chủ quan và nhầm lẫn với triệu chứng của các bệnh lý khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận