Một loạt vụ tấn công bạo lực gần đây ở Mỹ và châu Âu cho thấy kẻ tấn công thường có tiền sử bệnh tâm thần và hầu như không dính dáng trực tiếp gì với các tổ chức khủng bố cực đoan: từ vụ xả súng trong hộp đêm đồng tính ở Orlando (Mỹ) đến vụ giết một nữ nghị sĩ Anh ngay trên đường phố, rồi các vụ bắn giết nhắm vào cảnh sát ở Baton Rouge, Louisiana và Dallas, Texas (Mỹ) và gần đây nhất là vụ xả súng ở Munich, Đức ngày 22-7...
Nhiều quan chức tình báo phương Tây thừa nhận với Reuters rằng những hệ thống thu thập thông tin an ninh hiện nay không được thiết kế để có thể khoanh vùng những đối tượng tâm thần đã có tiếp xúc hay chịu ảnh hưởng bởi các đợt tuyên truyền, kích động bạo lực.
Tại Mỹ, luật pháp quy định công dân được quyền bảo vệ khỏi các hoạt động thăm dò của chính phủ, trừ khi có dấu hiệu cho thấy họ có liên hệ trực tiếp với các nhóm khủng bố nước ngoài. Chính điều này hoặc là cản trở, hoặc khiến nhà chức trách lơ là trong việc tiếp tục điều tra các đối tượng nghi vấn sau thời gian dài không tìm đủ bằng chứng.
Trong vụ xả súng ở Orlando, nghi phạm Omar Mateen đã xem rất nhiều video kích động bạo lực của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Quá trình điều tra sau đó cho thấy hắn bị chứng tâm thần trong thời gian dài và không hề có bất kỳ liên hệ đáng kể nào với IS hay các tổ chức khủng bố khác.
Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) thừa nhận giữa năm 2013 và 2014, cái tên Mateen xuất hiện trong cơ sở dữ liệu của ba cơ quan chính phủ sau khi y khoe với đồng nghiệp là có liên hệ với Al-Qaeda và các nhóm khủng bố khác. Thế nhưng sau gần 10 tháng điều tra, FBI buộc phải đóng hồ sơ và loại Mateen ra khỏi các cơ sở dữ liệu do không tìm được bằng chứng nào cho thấy hắn thật sự có liên hệ với các nhóm khủng bố.
Paul Pillar, cựu chuyên gia phân tích cao cấp của CIA, nhận định: “Khi một người nào đó có vấn đề về tâm thần sẽ có một số tác động từ bên ngoài, bao gồm những yếu tố có thể kích thích các hành vi bạo lực. Việc xác định những người có thể có các hành vi cực đoan như vậy và ngăn chặn các vụ tấn công xảy ra luôn luôn là điều khó khăn”.
Một số quan chức của Trung tâm Chống khủng bố quốc gia Mỹ và Cơ quan An ninh (MI5) của Anh thừa nhận có sự hạn chế trong nguồn nhân lực. Trong cùng thời điểm, họ chỉ có thể theo dõi một số lượng nhất định đối tượng nghi vấn. Điều này đã khiến các nhà điều tra lơ là những cá nhân tự cực đoan hóa hoặc có vấn đề về tâm thần trong nước.
Tướng Michael Hayden, cựu giám đốc CIA và NSA Mỹ, nhấn mạnh rằng việc theo dõi và ngăn chặn các tổ chức khủng bố cực đoan có tổ chức đã khó, còn ngăn chặn các cá nhân có tiền sử bệnh tâm thần và tự cực đoan hóa càng khó hơn nữa.
Nhìn từ khía cạnh pháp lý và chiến lược, ở quy mô toàn cầu, lực lượng chống khủng bố của các nước vẫn chỉ tập trung vào các nhóm khủng bố đã “nổi tiếng” như IS và những thành phần có liên hệ với chúng, mà bỏ quên các cá nhân có tiền sử bệnh tâm thần cũng như tự cực đoan hóa. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận