01/08/2006 17:00 GMT+7

Live show & sự suy thoái của nhạc live

Theo Thể thao và Văn hóa
Theo Thể thao và Văn hóa

Hai live show diễn ra cùng một thời điểm với những thông tin rầm rộ trên báo chí đã thu hút sự quan tâm của khán giả . Nhưng điều mà mọi người chờ đợi là chất lượng âm nhạc thật sự và những yếu tố có thể góp phần vào tiến trình phát triển của âm nhạc đại chúng thì còn quá xa vời...

K5ZT1hEB.jpgPhóng to

Live show của Lương Bích Hữu thiếu vắng dàn nhạc - Ảnh: Nhân Dân

Hai live show diễn ra cùng một thời điểm với những thông tin rầm rộ trên báo chí đã thu hút sự quan tâm của khán giả . Nhưng điều mà mọi người chờ đợi là chất lượng âm nhạc thật sự và những yếu tố có thể góp phần vào tiến trình phát triển của âm nhạc đại chúng thì còn quá xa vời...

Cô gái Trung Hoa: ban nhạc thất nghiệp

Live show Cô gái Trung Hoa (28-7 tại Nhà thi đấu Maximark Cộng Hòa, Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) là một đêm tưng bừng cho những khán giả teen.

Giọng ca của Lương Bích Hữu (nhân vật chính) có lẽ chưa có gì đáng nói để hy vọng về một ca sĩ tương lai có đẳng cấp, dù tuổi của cô hãy còn trẻ và là ca sĩ thực hiện live show có tuổi đời trẻ nhất trong làng nhạc Việt.

Ngoại hình xinh xắn, trang phục đẹp cùng những bài mang âm hưởng nhạc Hoa và những bài hip-hop với nội dung là những câu chuyện tình vu vơ của tuổi mới lớn, có lẽ đó là những yếu tố chính hấp dẫn khá đông khán giả teen.

Live show của Lương Bích Hữu cũng đã phản ánh một phần nào "gu" thưởng thức nghệ thuật của tuổi mới lớn hiện nay: không chú trọng lắm đến vấn đề nghệ thuật trong giọng hát, trong ca khúc mà đơn giản chỉ là tìm được sự đồng cảm qua nội dung ca từ với một thứ âm nhạc dễ nghe, tìm được một thần tượng “hợp nhãn" và đến với buổi trình diễn như một cuộc chơi vui vẻ hơn là để thưởng thức nghệ thuật.

Nhưng đáng lo ngại là sự "rầm rộ" này nằm trong khuynh hướng xa rời cái hồn vốn có của một buổi biểu diễn live.

Gần 20 ca khúc trong đêm được gọi là live show (mà thật ra nó chưa đúng với nghĩa của cụm từ này) đều được hát với phần nhạc đệm playback: nhàn nhạt, buồn tẻ... mặc dầu âm nhạc rất sôi động. Nhìn ca sĩ lẻ loi trên sân khấu, nhiều người tự hỏi: Có lẽ các nhạc công đã bỏ nghề?!

10 năm một chặng đường: nhạc công... múa và làm cảnh

XORU5LSp.jpgPhóng to

Một tiết mục hoành tráng trong live show của Đan Trường

Cùng thời điểm diễn ra live show của Lương Bích Hữu, Đan Trường tổ chức live show của mình tại sân khấu ca nhạc Lan Anh. TP Hồ Chí Minh (đêm 28 và 29-7).

Live show đã diễn ra đúng như tên gọi của nó: Đan Trường - 10 năm một chặng đường . Không có gì đột phá hay kỳ vọng về tương lai nghệ thuật mà đơn giản chỉ là sự tổng kết 10 năm Đan Trường đã in dấu chân trên khắp 64 tỉnh thành.

Một live show hoành tráng trên sân khấu lẫn trên lĩnh vực truyền thông xứng tầm với thành tích phục vụ xã hội và lòng hâm mộ mà đông đảo công chúng đã dành cho ca sĩ.

Tuy nhiên live show này cũng không thoát khỏi trào lưu "suy thoái” của tình hình showbiz Việt.

Mặc dầu chương trình tạo cho khán giả cảm giác ca sĩ hát live với ban nhạc, nhưng thật ra trong 20 tiết mục thì có hơn nửa là hát với nhạc đĩa. Hai tiết mục đầu tiên thật hoành tráng, ca sĩ Đan Trường ngồi hát và “múa” đàn piano, bên trái sân khấu 12 nhạc công dàn dây giao hưởng trịnh trọng ngồi trên những chiếc bục trắng tinh, đối diện là dàn vocal cũng trịnh trọng không kém. Nhưng nếu lắng nghe thì chẳng thấy âm thanh của bè dây ở đâu cả. Nhìn kỹ, các nhạc công dàn dây không có chiếc micro nào. Họ chỉ ngồi làm cảnh cho sang thêm live show chứ làm sao đối chọi với âm thanh dàn nhạc được tăng âm qua mấy chục chiếc loa?

Dàn nhạc rất bề thế với trống, kèn, đàn điện... nhưng xen kẽ tiết mục "live band" là hát nhạc đĩa nên ban nhạc phải đứng chịu trận không có cách nào khác là phải... múa đàn, múa trống, múa kèn...

Tẩy chay hát nhép, Playback vô tư?

Đến live show đầu tư lớn mà nhạc công còn làm cảnh, nói chi đến các chương trình biểu diễn ca nhạc khác!

Ở TP Hồ Chí Minh ngoài một ít sân khấu sử dụng ban nhạc trực tiếp đệm cho ca sĩ hát như ATB, 2B, Điểm hẹn Sài Gòn; Planet, M&tôi..., các sân khấu phòng trà, ban và tụ điểm ca nhạc khác tỷ lệ dùng nhạc đĩa thu sẵn trung bình khoảng 50-60% và điều này đang bị xem là bình thường (người ta chỉ tẩy chay hát nhép chứ không mấy ai lên tiếng phản ứng trước tệ nhạc nhép).

Nhìn một cách khách quan thì ca sĩ hát với phần nhạc đệm thu sẵn, âm thanh có thể chỉnh chu hơn, phần phối khí được chuẩn bị kỹ càng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho người ca sĩ trong tập luyện và biểu diễn.

Tuy nhiên, ngoài những sự cố dễ xảy ra khi hát nhạc đĩa (giới thiệu bài này, đĩa bỏ nhầm bài khác hoặc đang hát đã bị nhảy...), điều đáng quan tâm hơn là khi bài hát được hát với phần nhạc đệm thu sẵn, cả khán giả lẫn ca sĩ bị rơi vào cảm giác quen thuộc nhàm chán, không có được những phút ngẫu hứng đồng điệu giữa nhạc công và ca sĩ để tạo nên những cảm xúc sống động, hoặc thứ "lửa" truyền đến khán giả mà chỉ có biểu diễn live mới có được.

Những đoạn giang tấu đầy ngẫu hứng của người nhạc công trên những sơ đồ hòa âm cố định sẽ không còn ý nghĩa vì nó đã được thu vào đĩa và phát ra, dù cả ngàn lần cũng chỉ là một.

Theo nhạc sĩ Hữu Thạnh, người phụ trách phối khí, dàn dựng nhiều chương trình ca nhạc ở TP Hồ Chí Minh thì ngay cả một số loại trống điện tử hiện đại, nhà sản xuất vẫn phải làm thêm chức năng human, với chức năng này trống máy sẽ đánh có phần "lơi, mềm" một chút chứ không phải đánh chính xác tuyệt đối và cứng nhắc như một cái máy".

Hiện nay rất nhiều ca sĩ chỉ hát được với phần nhạc thu sẵn của mình, nếu ban nhạc đánh khác với phần nhạc này ca sĩ sẽ không hát được, có trường hợp ban nhạc đánh đúng bản phối khí mà ca sĩ đang hát, chỉ thay âm sắc nhạc cụ ca sĩ cũng không hát được - anh Minh Luân (keyboards) trưởng ban nhạc phòng trà 030, cho biết.

Người đang tích cực “lên án" thực trạng đáng buồn nói trên ở TP Hồ Chí Minh là V-Pop 100oC , một chương trình ca nhạc “nói Không với hát nhép và nhạc playback", biểu diễn định kỳ hàng tháng tại Nhà văn hóa Thanh niên TP Hồ Chí Minh (4 Phạm Ngọc Thạch), bắt đầu từ 9-6 năm nay.

V-Pop 100oC quy tụ nhiều ngôi sao ca nhạc như Phương Thanh, Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Quỳnh Hương... và các nhạc công hàng đầu như Kim Tuấn (guitar), Minh Nghĩa (bass), Quang Trung (saxo), Minh Luân (keyboards)...

Nhưng một mình V-Pop 100oC thật khó làm xoay chuyển tình hình, khi bản thân chương trình cũng chỉ có tài trợ để kéo dài đến hết tháng 12 năm nay (nghĩa là chỉ thực hiện được 7 live show đúng nghĩa).

Theo Thể thao và Văn hóa
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên