09/10/2005 07:09 GMT+7

Limburg bên sông Lahn

LÊ MINH HÀ
LÊ MINH HÀ

TTCN - Limburg - thành phố thuộc bang Hessen, Đức, cách Wiesbaden - thủ phủ của bang và trung tâm tài chính Frankfurt, cách sân bay Frankfurt chừng một tiếng chạy xe, nổi tiếng như một điểm du lịch và hành hương của giáo dân Thiên Chúa.

dMB7IRPZ.jpgPhóng to

Một góc Limburg vào mùa xuân

Thành phố vệ tinh của Limburg là Weilburg, được định danh trên bản đồ là thành phố Barock, cũng là một điểm đến của nhiều du khách.

ozyREI3H.jpgPhóng to

Dom - bên bờ sông Lahn

1. Khi đến, tôi không thể ngờ sẽ dừng chân nơi này lâu đến vậy. Sông Lahn (đọc là Lan), một nhánh của sông Rhein, chia hai thành phố Limburg. Buổi chiều mùa xuân đứng ở bờ bên này nhìn sang bờ bên kia, nghe ngân trong hồn tên dòng sông một âm thanh Việt, một ký ức chẳng khi nào có thể tàn phai. Cái đẹp mỗi nơi một khác, nhưng cái đẹp nơi nào cũng gợi nhớ một nơi nào khác. Có phải vì thế mà thành phố nhỏ này quyến rũ khách du lịch đến vậy. Dân Hà Lan đặc biệt thích tới đây, một phần còn là để tìm về thăm đất tổ, nơi phát tích của vương triều hiện nay, sát ngay Limburg.

X0sXqc0F.jpgPhóng to

Phố cổ

2. Đi trên xa lộ, gần tới thành phố, ai cũng chờ ngắm dáng Dom - nhà thờ lớn, lừng lững trấn nguyên một mỏm núi. Khách bốn phương tới thăm, chúng tôi cũng thường mời tới chiêm ngưỡng nơi này. Dom được xây cách nay đã 700 năm và thường xuyên được tu bổ. Nhà thờ lớn này nổi tiếng vì đã từng có mặt trên đồng tiền Đức cũ, đồng 1.000 DM, vì có dàn đồng ca riêng từng được mời đi biểu diễn và thu âm nhiều nơi.

12gjSBLN.jpgPhóng to

Đi dạo trong phố cổ Phố cổ

3. Nhất cận thị, nhị cận giang. Cũng đúng khi nhìn ngược lịch sử Limburg. Thành phố được xây dựng bên dòng sông - con đường tơ lụa một thời của châu Âu, nối Frankfurt - quê hương Goethe, nhà thơ danh tiếng của dân tộc Đức, cũng là trung tâm buôn bán phồn thịnh một thời, và nay vẫn cực kỳ phồn thịnh như là trung tâm tài chính lớn của châu Âu - với Amsterdam, thủ đô vương quốc Hà Lan. Những con tàu chở hàng thôi không còn qua lại trên sông, nhưng dòng sông vào mùa hạ vẫn tấp nập tàu thuyền du lịch.

Khách du lịch hay cắm trại bên này sông và qua cầu cổ sang thành phố. Đài cao trấn trên đầu cầu là nơi canh gác bảo vệ thành phố sầm uất này một thời. Chân cầu bên kia, khách sạn Nassauhof, từng là nơi dừng chân của Blcher, vị thống chế Đức đã đánh tan quân Pháp trong trận Waterloo - trận chiến lịch sử đã dẫn Napoleon tới đại bại.

awvqBDqe.jpgPhóng to

Cầu cổ

4.

Cầu cổ dẫn thẳng vào phố cổ, trung tâm xưa của Limburg xưa. Đấy là nơi bốc dỡ hàng hóa, là nơi dừng chân của các khách thương và những người đánh xe, bốc vác một thời. Còn lại của cái thời vang bóng ấy là những hiệu cà phê, quán ăn cổ, vẫn rất đông khách (du lịch) mặc dù đắt.

Dưới những mái nhà này là phòng ốc với tiện nghi đời nay. Nhưng hồn sương nắng của những ngôi nhà cổ đặc Đức này thì thường xuyên được chăm chút (bằng tiền tài trợ của thành phố).

Bị trượt chân trên những hòn đá cổ lát đường này thì dĩ nhiên là không may. Nhưng nếu nghĩ ta đang trượt trên lịch sử gần 1.000 năm của thành phố, và rất có thể, gần 1.000 năm trước, một người biết đâu nổi tiếng cũng trượt chân đúng chỗ này, chẳng cũng sướng sao.

Phố cổ, san sát những cửa hàng nhỏ chuyên buôn bán quần áo, đồ lưu niệm, hiệu kem, cà phê, quán ăn... là nơi đi dạo và mua bán đầy hấp dẫn của dân Limburg và dân du lịch.

Ngày chủ nhật đầu tiên của tháng chín hằng năm, phố cổ tràn ngập người và hàng hóa. Phiên chợ trời này là một sự kiện văn hóa đặc biệt vui vẻ của Limburg. 35.000 dân của thành phố trở thành thiểu số trong (có khi) cả 100.000 khách vãng lai vào ngày vui này.

LÊ MINH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên