Theo đánh giá của nhiều đại biểu, tuy hệ thống giáo dục, đào tạo tại ĐBSCL đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực thời gian qua nhưng xét trên bình diện chung, đây vẫn là “vùng trũng” giáo dục của cả nước.
Theo thống kê, ĐBSCL hiện có 11 trường ĐH (có sáu trường ĐH ngoài công lập) với gần 70.000 sinh viên đang theo học, 27 trường CĐ (gần 49.000 sinh viên) và 35 trường trung cấp chuyên nghiệp.
Thiếu nhân lực có chuyên môn
ĐBSCL hiện có dân số 18 triệu người, trong đó 58% dân số trong độ tuổi lao động. Tuy nguồn lực lao động dồi dào nhưng lại kém về chất lượng, số lao động qua đào tạo chuyên môn chiếm tỉ lệ rất thấp (trên 85% lao động chưa qua đào tạo).
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, số lao động tại ĐBSCL đã qua đào tạo tại các trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp được cấp bằng sơ cấp là 1,4%, bằng trung cấp 2,2%, CĐ 0,9% và chỉ có 2,1% số lao động có bằng ĐH. Chính điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến việc sử dụng lao động cũng như đáp ứng nhu cầu nhân lực tại khu vực.
Chất lượng đào tạo cũng là điều được các đại biểu nhấn mạnh khi quy mô và chất lượng đào tạo chưa song hành với nhau. Số lượng trường ĐH tại ĐBSCL được phát triển mạnh chỉ trong vài năm gần đây. Quy mô đào tạo tăng nhanh trong khi cơ sở vật chất, phòng thực hành, thí nghiệm còn nghèo nàn, chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo.
Trong khi đó, đội ngũ giảng viên cũng chưa đảm bảo về chất lượng và số lượng (tính theo tỉ lệ sinh viên/giảng viên). Chương trình đào tạo thiếu cập nhật, thiếu tài liệu giáo trình, thư viện, nghiên cứu khoa học chưa được đẩy mạnh... Nhà trường và doanh nghiệp chưa gắn kết với nhau tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận thực tế, thực tập tại công ty theo chuyên ngành được đào tạo.
Sâu xa hơn, vấn đề được xác định là do các nguyên nhân tồn tại lâu nay: đầu tư cho giáo dục còn thấp, chất lượng đào tạo bậc phổ thông thấp so với trung bình cả nước, tỉ lệ học sinh bỏ học cao nhất nước, điều kiện cơ sở hạ tầng, giao thông đi lại khó khăn...
Tận dụng triệt để
Xuất phát từ việc đầu tư cho giáo dục còn thấp, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo còn yếu và thiếu, nhiều đại biểu đã đề xuất cần đẩy mạnh việc liên kết đào tạo giữa các trường trong vùng. Việc liên kết này vừa tiết kiệm chi phí cho người học, vừa tận dụng triệt để trang thiết bị của những trường có điều kiện, nâng cao chất lượng đào tạo.
TS Ngô Tấn Lực - hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang - nhấn mạnh: “Đất nước còn nghèo, thiếu tiền đầu tư nên thiếu trường ĐH, dẫn đến việc thiếu nhân lực có trình độ ĐH. Và thiếu nhân lực nên đất nước còn nghèo. Tỉnh nào cũng muốn có trường ĐH để đáp ứng nhân lực tại địa phương nhưng lại luẩn quẩn như trên. Liên kết đào tạo là giải pháp quan trọng để giải quyết vòng luẩn quẩn đó”.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Hà Thanh Toàn - phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ - chia sẻ cần ưu tiên đầu tư từng lĩnh vực để phát triển vùng. Bên cạnh đó cần thúc đẩy mô hình liên kết đào tạo, đây là xu thế hội nhập và phục vụ cộng đồng.
Trong khi đó PGS.TS Đào Duy Huân - Trường ĐH Tây Đô - đề xuất không chỉ liên kết trong vùng, các trường tại ĐBSCL cần đẩy mạnh hợp tác với các trường ĐH uy tín tại TP.HCM để nâng cao năng lực giảng dạy, nghiên cứu cũng như chất lượng giảng viên.
Việc tăng cường đầu tư cho giáo dục cũng được các đại biểu đề xuất nhằm khắc phục tình trạng lạc hậu về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, thư viện, nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng đào tạo bậc phổ thông...
Bên cạnh đó, nhiều giải pháp khác cũng được các đại biểu đưa ra như hoàn thiện quy hoạch và triển khai phát triển mạng lưới trường ĐH trên khu vực, có chính sách phát triển đặc thù, có chế độ đãi ngộ hợp lý cho giảng viên để thu hút giảng viên từ khu vực khác, tăng cường gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp để cung và cầu gặp nhau, tránh tình trạng mất cân đối nhân lực.
1,5 triệu dân có 1 trường ĐH Tại ĐBSCL, bình quân 1,5 triệu dân mới có một trường ĐH trong khi mức bình quân của cả nước là 570.000 dân có một trường ĐH. Mặc dù là vùng có thế mạnh kinh tế về nông nghiệp, thủy sản nhưng số sinh viên theo học các ngành này ngày càng giảm khiến nhu cầu nhân lực có trình độ ngày càng bị mất cân đối giữa các ngành nghề. Nhiều ngành rất thiếu nhân lực qua đào tạo như văn hóa, xã hội có tỉ lệ sinh viên theo học rất thấp. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận