07/06/2007 16:11 GMT+7

Lịch sử G8

NG.THANH (theo WashProfile)
NG.THANH (theo WashProfile)

TTO - Hôm nay, tại Đức khai mạc Hội nghị thượng đỉnh thường niên nhóm các nước công nghiệp phát triển thế giới, gọi tắt G8. TTO xin giới thiệu về lịch sử hình thành tổ chức này.

Hội nghị G8: Khí thải và tên lửa!

G8 không có ban thư ký, và các thành viên tổ chức này không ký kết những hiệp ước chính thức, không có những quyền hạn hay nghĩa vụ đặc biệt nào. Những đề nghị G8 đưa ra chỉ có tính chất tham vấn, các nước thành viên có thể thực hiện hay không thực hiện. Cuộc họp thượng đỉnh vì thế rất hiệu quả cho việc giới thiệu những sáng kiến. Nhưng đó cũng là nơi mà các cường quốc có thể nhanh chóng thông qua một quyết định chung nào đó, thậm chí thực hiện nó.

Lần đầu và lần cuối

Đây là Hội nghị thượng đỉnh G8 đầu tiên mà Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và tân Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tham dự. Đối với ông Abe, đây là cơ hội lớn nhất để khẳng định tầm ảnh hưởng quốc tế của ông trước thềm cuộc bầu cử Thượng viện Nhật sắp tới, nhất là khi uy tín của ông đang giảm sút tại nước Nhật. Còn với ông Sarkozy, đây là cơ hội đầu tiên để ông “tỏa sáng” trên trường quốc tế sau nhiều năm, nếu không muốn nói là gần cả sự nghiệp chính trị, lo toan với những vấn đề quốc nội. Ngược lại, đây lại là dịp cuối để Thủ tướng Anh Tony Blair nói lời giã biệt với sàn đấu quốc tế. Và cũng là lần cuối cùng của tổng thống Nga V. Putin.

Tại Hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo tám cường quốc nhóm họp tại khu nghỉ mát sang trọng Heiligendamm bên bờ biển, được cách ly hoàn toàn bằng một bức tường rào với dây thép gai, kéo dài tới 12 km.

Tại các cuộc họp thượng đỉnh này, đôi khi người ta khởi xướng được những chương trình quan trọng. Thí dụ, chính tại đây đã thông qua những nỗ lực đầu tiên trong cuộc chiến chống tài trợ cho khủng bố quốc tế - và sau đó dẫn tới việc thành lập những tổ chức xuyên quốc gia rất quan trọng trong lĩnh vực này.

G8 được coi như một trong những tổ chức điều phối chính sách kinh tế thế giới. Tất cả những thế lực kinh tế quan trọng nhất thế giới đều tham gia nhóm - từ Mỹ tới EU. Hiệu quả các hoạt động của G8 còn tùy thuộc vào những vấn đề nó thảo luận. Tuy nhiên G8 thường không thành công lắm nếu vấn đề liên quan tới kinh tế toàn cầu, về tiền tệ hay mậu dịch, tức những vấn đề động chạm đến quyền lợi các nước lớn không tham gia vào câu lạc bộ thương lưu này.

Thế nhưng G8 (thực tế là G7) có thể tự hào về những thành tựu nhất định... Chẳng hạn như tại hội nghị thượng đỉnh 1978 tại Bonn đã thông qua thỏa thuận có tính nguyên tắc về giảm bớt hàng rào thuế quan trong mậu dịch quốc tế. Hay năm 1983, G7 đã hình thành một quan điểm chung về vấn đề bố trí tên lửa tầm xa ở châu Âu. Năm 1989 đạt được thỏa thuận về việc xem xét các cơ chế hỗ trợ các nước bị khủng hoảng kinh tế châu Á, đồng thời hình thành cách tiếp cận chung vấn đề Kosovo. Và năm 2002, G8 thật sự đã thành lập được Quỹ toàn cầu chống AIDs, lao phổi và sốt rét.

Hoạt động của G8 cũng thường bị chỉ trích. Sự lựa chọn gói vấn đề của khối này thường chỉ tập trung chú ý chủ yếu vào lợi ích của các nước thành viên, trong khi việc giải quyết những vấn đề ở các lĩnh vực khác thường không hiệu quả. Người ta nghi ngờ cả nguyên tắc tuyển chọn nhóm này: vì sao trong G8 có Nga, nhưng lại không có Ấn Độ? Trong khi dân số Ấn Độ hơn Nga gấp 8 lần, tổng sản lượng nội địa cũng hơn Nga (650 triệu USD so 615 triệu USD của Nga).

Có một nhóm chuyên gia cho rằng G8 là một cơ chế độc quyền chính trị. Trong bất kỳ trường hợp nào, tiềm năng kinh tế tổng cộng của các thành viên G8 đang ngày càng giảm - do sự phát triển vũ bão của những cường quốc kinh tế mới.

Cơ cấu G8 hiện nay xuất hiện từ năm 1975, theo sáng kiến của tổng thống Pháp Giscard d’Estaing và thủ tướng Helmut Schmidt. Tại Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên, các đại diện Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Nhật đã lần đầu tiên thảo luận về những vấn đề kinh tế toàn cầu. Thế nhưng nơi ra đời thật sự của G8 lại là...từ thư viện Nhà Trắng. Tại đó đã diễn ra cuộc thảo luận không chính thức các bộ trưởng tài chính của các nước này. Nhu cầu gặp gỡ của họ xuất phát từ cuôc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, bắt đầu từ năm 1973, sau khi các nước xuất khẩu dầu Ả rập cấm vận dầu Mỹ và châu Âu.

Do đó, "nhóm thư viện" - tên gọi bán chính thức lúc đầu của G8 - đã đi đến quyết định cần thiết phải tiến hành những cuộc thảo luận cấp cao như thế. Nửa sau thập niên 70, tham gia vào G5 có thêm Ý (1975), Ủy ban châu Âu (1977) và Canada (1978), kết quả là G5 thành G7. Nhưng G7 chỉ chính thức tuyên bố thành lập vào năm 1985.

Từ thập niên 80, những cuộc gặp này trở nên thường xuyên hơn. Lần đầu tiên có sự tham gia của các nguyên thủ khiến các hội nghị này trở nên hình thức và chính thức hơn. Theo truyền thống, nếu ngày đầu và ngày thứ ba của hội nghị diễn ra trong không khí chính thức thì ngày thứ hai của hội nghị, các nguyên thủ sẽ được gặp gỡ trong một không khí thân thiện hơn, ít lễ tân và không có sự tham dự của... báo chí.

Dần dần, cạnh những cuộc bàn thảo về kinh tế lại có thêm đề tài chính trị. Trong nhữngn ăm gần đây, thường thảo luận về vấn đề viện trợ các nước và khu vực nghèo (như châu Phi), các vấn đề an ninh quốc tế, điều phối hoà bình vấn đề Israel - Palestine. Ngoài ra, thập niên cuối này, các nguyên thủ dành nhiều quan tâm hơn cho vấn đề an ninh năng lượng và thay đổi khí hậu toàn cầu.

Năm 1997, tại Denver nước Nga lần đầu tiên trở thành thành viên của nhóm, biến G7 thành G8. Lời mời Nga gia nhập nhóm là của tổng thống Mỹ khi ấy, ông Bill Clinton. Việc mời nước Nga nhằm giải quyết hai nhiệm vụ: giống như một món đặt cọc bày tỏ niềm tin rằng G7 coi nước Nga là một nền dân chủ thật sự và một đối tác quốc tế mạnh; thứ hai: đó giống như sự đền bù cho Nga trước việc mở rộng khối NATO.

Đến nay, mỗi năm hội nghị thượng đỉnh diễn ra trên lãnh thổ một nước. Thứ tự được xác định căn cứ thời điểm gia nhập nhóm của các thành viên: Pháp, Mỹ, Anh, Đức, Nhật, Ý, Canada, Nga. Hội nghị thượng đỉnh sau sẽ diễn ra ở Nhật (2008), Ý (2009), Canada (2010), Pháp (2011), và Mỹ (2012).

Nguyên thủ của nước mời khách G8 năm đó sẽ là chủ tịch của nhóm, với toàn quyền bắt đầu từ ngày 1/1 năm đó. Đất nước tổ chức hội nghị thượng đỉnh (thường kéo dài ba ngày) sẽ tổ chức một loạt những cuộc gặp trước đó ở cấp thấp hơn, trong đó có cấp bộ trưởng.

NG.THANH (theo WashProfile)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên