26/02/2013 00:01 GMT+7

Lên đỉnh Phù Vân

Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Tin dịch vụ - Là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của Việt Nam, quần thể danh thắng Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh) với nhiều chùa chiền và phong cảnh non nước đã có lịch sử hơn 700 năm.

Lễ hội Yên Tử cũng là một trong những lễ hội lớn nhất của Việt Nam, thường được bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch.

Ngày nay, đỉnh Yên Tử thường được gọi là đỉnh Phù Vân có lẽ bắt nguồn từ tên trước kia của núi là Bạch Vân Sơn. Thực chất núi Yên Tử là ngọn núi cao trong dãy núi Đông Triều với độ cao gần 1.100 mét. Yên Tử xưa kia vốn là một danh thắng hoàn toàn tự nhiên. Trên đỉnh núi luôn có mây bao phủ nên trước đây có tên là Bạch Vân Sơn. Đường để lên tới đỉnh Phù Vân khá gian nan với hơn 6km chiều dài và hàng nghìn bậc đá quanh có lượn vòng theo triền núi. Khách du lịch nếu không muốn trải nghiệm leo núi bằng đường bộ thì có thể đi cáp treo từ chân núi lên đến chùa Đồng, nơi cao nhất Yên Tử.

Yên Tử trở thành trung tâm Phật giáo vào năm 1258 khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng khoác áo cà sa và lên núi tu hành. Vua đã cho xây dựng hàng trăm công trình lớn nhỏ trên núi Yên Tử để làm nơi tu hành và truyền kinh, giảng đạo. Hành trình lên đỉnh Phù Vân thường bắt đầu từ suối Giải Oan với một cây cầu đá xanh nối liền hai bờ suối. Theo truyền thuyết người xưa kể lại, khi vua Trần Nhân Tông tìm đến cõi Phật, rất nhiều cung tần và mỹ nữ của vua đã theo đến đây để cầu xin ông quay trở về cung. Nhưng vua Trần Nhân Tông một lòng theo Phật đã cương quyết từ chối, nên các cung nữ đã gieo mình xuống suối tự vẫn. Thương cảm cho tấm lòng của các cung nữ, nhà vua đã cho xây một ngôi chùa siêu độ để giải oan, từ đó con suối được mang tên Giải Oan.

Qua suối Giải Oan là tới chùa Hoa Yên, chùa Hoa Yên xưa còn nhiều tên gọi khác như chùa Phù Vân, chùa Vân Yên…Chùa nằm ở độ cao 543 mét với hàng cây tùng xanh rờn bao quanh. Trên Hoa Yên là chùa Vân Tiêu, nằm ở độ cao 700 mét chùa Vân Tiêu quanh năm ẩn hiện trong mây trắng. Cuối cùng của hành trình là chùa Đồng, nằm trên đỉnh cao nhất 1.068 mét. Chùa Đồng được xây dựng vào thời Hậu Lê với tên gọi Thiên Trúc tự. Cho đến đầu năm 2007, chùa Đồng hiện nay mới được hoàn thành, được đúc hoàn toàn bằng đồng nguyên chất (cao 3m, rộng 12,2m, nặng 60 tấn). Lên được đến chùa Đồng nghĩa là đã đặt chân được đến đỉnh Phù Vân, đứng từ đây có thể phóng tầm mắt nhìn cả vùng đất trời bao la đẹp như tranh thủy mạc.

Mấy trăm năm nay, đã thành thông lệ cứ đầu xuân mới là dòng người đổ về đây đông như đi hội. Với một số người thì đi Yên Tử là để tìm đến cõi Phật, để dâng nén hương và tấm lòng thành kính lên Đức Phật. Với một số người khác thì đến Yên Tử là để tận mắt chiêm ngưỡng tác phẩm kiến trúc tuyệt tác của ông cha. Một số khác thì đến Yên Tử là để du xuân, vãn cảnh, để tận hưởng không khí trong lành và để hòa mình vào chốn bồng lai tiên cảnh. Với khách nước ngoài và lớp thanh niên thì đi Yên Tử còn là để thử thách sức mình, để chinh phục thiên nhiên.

Nhưng dù là ai, đi Yên Tử với mục đích gì thì khi đã đặt chân đến được đỉnh phù vân đều có chung một cảm giác choáng ngợp, đúng như lời bài hát Trên đỉnh Phù Vân của nhạc sĩ Phó Đức Phương “Lên đỉnh núi cao cách trời ba thước. Xuống đáy thung sâu thăm thẳm sông dài… Mênh mênh, mang mang phù vân Yên Tử. Vi vi, vu vu Trúc Lâm thiền tự. Thổn thức nỗi lòng ai kẻ tình si…”. Cảnh vật bên dưới lúc ẩn, lúc hiện trong cõi hư không thật khiến lòng người cảm thấy mênh mang giữa “chốn huyền không”. Cảm ơn thiên nhiên đã cho con người một chốn bồng lai tiên cảnh và khâm phục ý chí của ông cha xưa kia khi chỉ bằng sức người đã tạo ra những tác phẩm kiến trúc cho con cháu ngàn đời sau.

8upXqM3A.jpg

Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên