Phóng to |
Chuẩn bị làm lễ xây chầu |
Xây chầu còn gọi là khai tràng, khai thiên lập địa, khai thông thái cực. Lễ này vốn bắt nguồn từ lễ Đại Bội, diễn ra trong cung đình nhà Nguyễn, có ý nghĩa cầu an, nhắc nhở dân làng phận sự làm người, tôn kính trời đất để mong đất trời phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân dân được yên ổn làm ăn. Mà muốn được như thế thì phải tuân theo sự vận hành của trời đất, trong đó kim chỉ nam là Kinh Dịch, với thuyết âm dương, bát quái, ngũ hành. Việc xây chầu nằm trong nguyên tắc ấy. Làng xã là vũ trụ nhỏ nằm trong vũ trụ lớn.
Xây chầu có nghĩa là dùng tiếng trống chầu đánh rõ từng tiếng để đổi mới đất trời. Trống phải được sơn màu đỏ, mặt trống có hình âm dương. Người đánh trống phải là người có đạo đức tốt, được dân làng kính nể, đồng thời phải có sức khỏe tốt, dẻo dai để thực hiện được xuyên suốt các thao tác đánh trống. Người đánh trống được gọi là vị Cổ quan, thay mặt cho dân làng nên phải hội đầy đủ tư cách về tinh thần, thể chất, gia cảnh. Trước khi đứng xây chầu, giữ mình trong sạch, ăn chay càng tốt, không được gần vợ.
- Từ lúc càn khôn hỗn độn đến mở đầu Thái cực tượng trưng là cái trống.
- Thái cực sinh âm và dương (lưỡng nghi), lưỡng nghi sinh tứ tượng.
- Tứ tượng sinh bát quái, bát quái sinh ngũ hành, ngũ hành tác động qua lại, sinh ra vạn vật, muôn loài.
Những câu chữ Nho mà người xây chầu đọc lên nhằm nhắc nhở những nguyên tắc ấy và dĩ nhiên có chút ít “bùa phép”, như viết chữ “Thạnh” (thịnh vượng) trên mặt trống, chân thì viết tượng trưng chữ “sát quỷ” (giết ma quỷ tránh xui xẻo). Người xây chầu viết bằng ngón chân rồi đạp lên như để xóa, trấn áp. Có trường hợp dùng roi chầu (dùi trống) vẽ bùa tứ tung ngũ hoành của ông Khương Thượng ngày xưa.
Lắm khi người chấp sự (trực tiếp đánh trống) xá bàn thờ thần, trở ra sân khấu, nơi đặt cái trống, bày ra lễ nhỏ, như dùng nhánh cây nhúng vào tô nước lạnh, rảy nước, tượng trưng cho sự tẩy uế sân khấu. Sau khi vẽ bùa, viết chữ “sát quỷ” thì bắt đầu đánh dùi thứ nhất, gọi là nhứt kích cổ.
Mỗi tiếng trống phải tròn, rõ, đánh theo điệu “tiền bần hậu phú” - mấy roi đầu đánh nhỏ, lơi, đến những roi gần cuối to dần và nhanh hơn. Điều đó có ý nghĩa là tình hình làm ăn của dân làng trước còn nghèo, sau nhờ thánh thần phù hộ gần cuối năm lại giàu lên. Người đánh trống phải đánh đủ ba hồi. Hồi thứ nhất đánh 20 roi, khi dứt, đánh thêm hai dùi nhỏ tiếng hơn, như là dư âm.
Người đánh xướng thật to: “Trừ hung thần ác sát”, ngụ ý đuổi ma quái ra khỏi làng. Hồi thứ nhì đánh 40 roi, dứt rồi điểm hai dùi nhỏ tiếng nhưng không xướng khẩu lệnh. Hồi thứ ba đánh 60 roi, dứt thì điểm hai tiếng nhỏ, sau đó đánh ba hồi dùi, nhạc trỗi lên để bắt đầu vào đại bội.
Đại bội nhằm trình diễn một số hoạt cảnh, giải thích nguồn gốc của con người trên trần thế, nhằm đề cao trời đất. Con người may mắn được ở giữa trời đất, cùng với hoa trái, chịu ảnh hưởng của gió, mưa, sấm, sét, cầu mong gió thuận mưa hòa. Các hoạt cảnh này do các diễn viên chuyên nghiệp ở các đoàn hát bội thực hiện. Trong lễ xây chầu, họ phải trình diễn sáu lễ theo sự điều hành của quan viên cầm chầu.
- Lễ khai thiên tịch địa: Do một kép nam đóng ông già râu dài, tượng trưng cho ông Bàn Cổ, tay cầm nắm nhang, làm động tác gọi là “điềm hương”, gợi ý nhờ phát minh ra lửa, nhờ âm dương mà có sự phân chia trời đất. Khí âm và dương tương sinh tương khắc, sinh ra muôn loài.
- Lễ sang nhật nguyệt: Một diễn viên nam tay cầm cái chén có bịt vải đỏ tượng trưng cho Mặt trời (Nhật) bước ra sân khấu múa hát:
Thiên khai nhật ảnh chiếu huy hoàng,Địa tịch hành phong võ lộ đoan.Hỗn độn sơ khai chơn khí tượng,Càn khôn giao thới thế gian quang.
Diễn viên nam hát xong thì diễn viên nữ tay cầm cái chén có bịt vải trắng, tượng trưng cho Mặt trăng (Nguyệt) bước ra sân khấu múa hát:
Nguyệt phách tinh quang thông thế giớiÂm dương tương khắc thị bình bangNam Bắc tương phân chơn bách lýĐông Tây phối hiệp tứ thập giang.
Cứ như thế sau ba lần hát, ba lần hai chén chạm nhau (gọi là sang mặt) để thể hiện âm dương giao hòa, sinh muôn vật.
- Lễ tam tài: Ba diễn viên đóng ba ông già Phước, Lộc, Thọ (tam tinh). Ông Phước mặc áo xanh, râu dài, bồng đứa trẻ, có nghĩa là nhà đông con cháu để nối dõi, gìn giữ gia sản cha mẹ. Ông Lộc mặc áo quan, tay bưng hoa quả tươi, ngụ ý được dân đền ơn, quà cáp (lương bổng thời xưa không nhiều, quà cáp là món mà vị quan có thể nhận được). Ông Thọ sống dai, còng lưng chống gậy. Ba ông múa bát xướng, nối hồi, hát khách:
Vững tựa Nam san phúc lộc thọNhơn gian vĩnh phước tăng huê xứThế thượng thùy nhơn chiều mãn đường.
Phóng to |
Lễ tứ thiên vương |
- Lễ tứ thiên vương: Bốn kép nam thủ vai võ tướng, mặt trắng, đầu đội kim khôi, chân đi hia, lưng mang cờ lệnh, lần lượt múa chung với nhau, cùng hát:
Đông phương giáp ất MộcThiên vương Mã lê ThanhTây phương canh tân KimThiên vương Mã lê BạchNam phương bính đinh HỏaThiên vương Mã lê HồngBắc phương nhâm quý ThủyThiên vương Mã lê Thọ.
Lễ này bắt nguồn từ huyền thoại Ấn Độ, bốn vị này tượng trưng cho mưa, gió, sấm, sét, hòa hợp với nhau, tạo cho mưa thuận gió hòa. Họ múa đủ bốn cửa rồi trụ lại, dâng bốn tấm liễn ngắn ghi “Thiên hạ thái bình”, “Phong điều vũ thuận”, “Quốc thái dân an”… Ban tế lễ đứng gần sân khấu nhận bốn tấm liễn và thưởng cho các nghệ nhân một số tiền tượng trưng trong phong bì đỏ, rồi đem liễn để lên bàn thờ thần.
- Lễ đứng cái: Năm diễn viên tham gia. Một cái - Mã Viên (vườn đất) diễn viên nam, đứng giữa, mặc áo vàng hành thổ.
Phóng to |
Bốn con Xuân, Hạ, Thu, Đông |
Bốn con do bốn diễn viên nữ đứng bốn bên, mặc xiêm y sang trọng tượng trưng cho Xuân, Hạ, Thu, Đông hoặc Kim, Mộc, Hỏa, Thủy, hát theo giọng bình dân:
Âu vàng vững đặt báu ngôi,Trên vua khai rạng, dưới tôi trung thần…Làu làu tiết chói Nghiêu thiên,Hây hây Thuấn nhật, vua Lê trị đời…
Người Cái bước ra, mặt trắng, đội mão, tượng trưng cho Thổ (đất), có ý nghĩa người làm ruộng có đất ruộng. Xuân, Hạ, Thu, Đông tuy quan trọng nhưng cũng đủ phục vụ cho cho đất.
Năm diễn viên này múa hát chúc tụng đất nước, chúc tụng nhân dân, chúc tụng trời đất muôn loài, từ ngũ hành mà nên.
- Lễ bát tiên chúc thọ: Tám diễn viên nam đóng tám ông tiên, múa hát chúc tụng thánh thần, chúc thọ dân làng. Múa hát xong, bát tiên dâng lễ dân làng. Dân làng tiếp nhận lễ, đặt lên bàn thờ hội đồng. Sau khi dân làng thưởng tiền bát tiên thì lễ chấm dứt.
Xây chầu và đại bội là quá trình diễn tấu văn nghệ, do những nghệ nhân dân gian trình diễn, trong những không gian thiêng liêng dân dã, phục vụ cho dân làng thưởng thức. Nó đáp ứng được nhu cầu tâm linh của dân làng trong việc thờ thần và vui chơi trong mỗi kỳ lễ tết, theo nhịp thời gian vụ mùa.
Phóng to |
Hát bội sau khi xây chầu |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận