18/12/2006 06:04 GMT+7

Lê Phương Đông 11 năm cùng tranh khắc gỗ

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - Mười một năm theo đuổi loại hình nghệ thuật truyền thống tranh khắc gỗ, Lê Phương Đông gây bất ngờ cho người xem vào một ngày anh quyết định trưng bày hết những đường nét đẽo, khắc mềm mại, tự nhiên về các danh lam thắng cảnh VN.

Io2njn78.jpgPhóng to
Lê Phương Đông đang in ra giấy dó một bức tranh từ bản khắc gỗ của anh - Ảnh: M.Lăng
TT - Mười một năm theo đuổi loại hình nghệ thuật truyền thống tranh khắc gỗ, Lê Phương Đông gây bất ngờ cho người xem vào một ngày anh quyết định trưng bày hết những đường nét đẽo, khắc mềm mại, tự nhiên về các danh lam thắng cảnh VN.

31 tuổi thi đại học

Sinh ra ở Hà Nội, Lê Phương Đông lớn lên cùng ký ức về những sắc màu dân gian ở những con phố bán tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống nổi tiếng Hà thành. Những tháng năm học trò, Lê Phương Đông bị hút hồn bởi những lần biểu diễn múa rối nước trong ao đình của chùa Thầy (Sơn Tây, Hà Tây). Rồi những trò chơi dân gian của trẻ con: đánh đáo, đánh khăng, lấy đất sét nặn hình con vật... Tất cả đã làm nên một tình yêu chất dân gian, truyền thống dân tộc tự lúc nào trong anh.

Học rất giỏi văn nhưng tốt nghiệp phổ thông xong, Đông lại sang Tiệp Khắc (cũ) học trung cấp ngành cơ khí. Về nước, đi làm mấy năm Đông nhận ra mình thuộc về “một thế giới khác”: thế giới của hội họa. Thế là, khi đã 31 tuổi, Đông vẫn quyết tâm thi vào ĐH Mỹ thuật TP.HCM. Cái tên Lê Phương Đông nổi đình đám khắp trường với kỳ tích khi đang là sinh viên đã tham gia triển lãm nhóm ba họa sĩ tại TP.HCM dưới sự bảo trợ của Quĩ phát triển văn hóa Thụy Điển, và đặc biệt là được UNESCO mời tham gia triển lãm và hội thảo mỹ thuật INSIDE tại thành phố Kassel (Đức).

Người thầy lớn có ảnh hưởng nhất với Lê Phương Đông chính là họa sĩ Nguyễn Đăng Dũng - thế hệ chân truyền cuối cùng của dòng họ Nguyễn Đăng nổi tiếng về tranh khắc gỗ ở làng Đông Hồ. Họa sĩ đã hết lòng truyền các kỹ thuật: pha màu, mài dao, chọn thớ gỗ... cho Đông như mối nhân duyên hiếm có.

Quê hương trong từng nét khắc

sPtfV1Lb.jpgPhóng to
Huế - tranh khắc gỗ của Lê Phương Đông
Lúc nào trong tay Lê Phương Đông cũng kè kè cây bút chì và tờ giấy, thấy cái gì hay hay là ký họa ngay lập tức. Trong dịp về Bến Tre, anh bắt gặp hình ảnh trên một chiếc xuồng đang xuôi dòng giữa sông nước mênh mông, có người vợ lấy hai chân khỏa nước, còn người chồng ôm cây đàn guitar phím lõm nghêu ngao ngân lên bài vọng cổ. Hình ảnh mang chút sắc hình “Phạm Lãi - Tây Thi” ấy khiến anh xúc động mạnh. Đông hí hoáy ký họa ngay để rồi cho ra tác phẩm gồm bốn bức tranh liên hoàn đặt trên cùng một khung hình tượng trưng cho bốn khoảnh khắc thời gian: sáng, trưa, chiều, tối trong một ngày.

Đề tài trong tranh khắc gỗ của Lê Phương Đông khá đa đạng: các danh lam thắng cảnh từ Bắc vào Nam; cảnh sinh hoạt đời thường, lễ hội... của cộng đồng người Việt khắp nước. Những bức tranh khắc cảnh một cơn lũ trên chợ nổi miền Tây, một buổi sáng đi chợ của những cô gái Thái ở Lai Châu, cố đô Huế trầm mặc... bắt nguồn từ những chuyến đi thực tế tự tổ chức của anh. Có khi Đông lạc vào buôn Bromen tít trong rừng rậm ở Lâm Đồng, trú ngụ gần tháng trời để vẽ. Bức tranh Chiều miền Tây khiến người thưởng ngoạn ngẩn ngơ với từng thớ gỗ nhỏ thể hiện dòng nước cuồn cuộn khi lũ về, chứng tỏ người họa sĩ đã rất kỳ công và giàu lòng nhẫn nại mới tạo ra tác phẩm.

Xưởng vẽ của Lê Phương Đông ở đường Nơ Trang Long (Bình Thạnh) chỉ mấy chục mét vuông, bề bộn toàn tranh khắc gỗ. Hàng xóm bảo: “Tay này lạ lắm! Bữa nào không đi dạy, mỗi sớm mai thức dậy chừng 6g sáng đã thấy hắn lại lấy bản khắc ra say sưa đục đẽo rồi”. Đêm xuống, Đông vẫn căng mắt vào từng nét khắc tỉ mỉ nơi bản khắc dang dở đến tận nửa đêm. Anh nói cứ nhìn thấy bản khắc là không kìm lòng được, dù dang dở cũng háo hức muốn in thử ngay. Ngắm nghía bản in còn tươi màu mực là niềm hạnh phúc và sung sướng giản đơn của người họa sĩ.

Luôn tìm sự thể nghiệm và thử thách mình trên con đường nghệ thuật, Lê Phương Đông không chỉ sử dụng loại gỗ mềm (dễ khắc) mà thể nghiệm sáng tác ở nhiều loại gỗ: từ ván ép đến một cái thớt cũng trở thành vật dụng sáng tác nghệ thuật của anh. Anh thú thật nhiều lần muốn làm một việc nào đó để trang trải ổn định cuộc sống qua ngày. Nhưng mỗi khi đứng trước những bản khắc, tất cả lo toan, bề bộn của cuộc sống thường nhật lại lắng xuống, Đông lại thấy thanh thản và bình yên.

Sau ngày trưng bày tranh khắc gỗ lần đầu tiên trong đời vào cuối tháng mười một vừa qua tại TP.HCM, Lê Phương Đông cho biết anh sẽ thử nghiệm một số màu sắc và chất liệu mới như vải bố lên tranh khắc gỗ. Một cuộc kiếm tìm và chinh phục cái mới lại bắt đầu.

Cái khó của tranh khắc gỗ ở chỗ chỉ sai phạm một nét rất nhỏ, người họa sĩ phải bỏ luôn cả bản khắc. Trước khi bắt đầu cầm dao khắc, người họa sĩ phải tưởng tượng, định hình hoàn chỉnh bức tranh trước, rồi thể hiện lần lượt từng chi tiết nhỏ lên gỗ theo "qui trình ngược". Để tạo nên cái hồn của cảnh, của người trong tranh khắc gỗ, ngoài kỹ thuật khắc đương nhiên phải vững, Lê Phương Đông tâm sự: “Tôi tập trung cao độ vào tác phẩm, trải lòng mình ra mà truyền tải, thể hiện cái tình của mình vào từng nét khắc”.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên